Dân mong quyết sách sáng sớm thành hiện thực
- Độc giả gửi thư về VietNamNet hoan nghênh Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng vì những kết luận Ban bí thư về kinh tế tư nhân và chương trình hành động của Chính phủ liên quan đến vốn nhà nước. Người dân mong “lời nói đi đôi với việc làm”.
>> Thủ tướng yêu cầu xử lý các tổng công ty thua lỗ
>> Tạo cơ chế để doanh nghiệp tư nhân vay ODA
>> Tư nhân tiếp cận vốn ODA - muộn còn hơn không
Dấu hiệu mới
Ngày 9/2, Thường trực Ban Bí thư ký Kết luận về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết trung ương liên quan đến việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Ảnh: vcci.com |
Đến ngày 24/2, Thủ tướng ra Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Chủ trương cải tổ doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân đã có từ lâu, song hai sự kiện trên xảy ra gần cùng lúc dường như báo hiệu các dấu hiệu mới, bạn đọc Nguyễn Quang, Hà Nội ghi nhận.
Bạn Nguyễn Văn Nam phân tích, trong những năm qua, các DN vừa và nhỏ có sự phát triển rất mạnh mẽ về quy mô. Điều này đã đóng góp không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có khâu giải quyết công ăn việc làm của người lao động, đặc biệt ở nông thôn. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển cân bằng và ổn định hơn của cả nền kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, khu vực này gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong khủng hoảng và hậu khủng hoảng kinh tế. Có thể kể đến việc tiếp cận thị trường chậm, tiếp cận thông tin chậm... rồi khi có sự hỗ trợ từ Chính phủ thì thường cũng đến chậm, thậm chí khó tiếp cận như việc hỗ trợ lãi suất trong thời gian vừa qua.
Những quyết sách mới cho DN hi vọng về các biện pháp cụ thể hơn để DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ có cơ hội công bằng để phát triển.
"Khu vực tư nhân ở Việt Nam là một nguồn sức mạnh dồi dào, sung mãn nếu biết nuôi dưỡng và sử dụng nó”, bạn Trần Chí Chung viết.
"Không thể chấp nhận được tình trạng doanh nghiệp thì thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả nhưng người lãnh đạo vẫn ung dung tại vị. Lại càng không thể chấp nhận được khi các cá nhân này hoặc, anh em, con cái, vợ chồng họ lại giàu lên một cách không bình thường". Theo VOVNews |
Độc giả Thu Hiền, Thanh Hóa cho rằng hai văn bản này là tiền đề tốt để Việt Nam phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước.
Theo bạn Hiền, việc rà soát lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả của DNNN đã được nêu lên cấp thiết trước khủng hoảng, nhưng đành gác lại do khách quan. Bây giờ là cơ hội để chúng ta giải quyết rốt ráo nếu muốn phát triển tiếp.
“Vấn đề tái cấu trúc kinh tế, chuyển phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chú trọng số lượng sang chất lượng chẳng phải bắt đầu từ việc xem lại, định vị lại các khối DN tư nhân - Nhà nước và các DN trong khối nhà nước hay sao?”, bạn Hiền nêu.
Minh bạch
Bạn đọc đều chia sẻ mong muốn những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân đó sớm đi vào cuộc sống, không chỉ nằm trên giấy.
Tiêu chí rà soát, đánh giá DNNN như thế nào, tiêu chuẩn để DN tư nhân được tiếp cận ODA ra sao... Đó là những điều độc giả mong sớm được minh bạch, để cơ hội thực sự đến với DN.
“Đánh giá DNNN là một chuyện, nhưng chuyện lớn hơn là phải biết khen, chê đúng mức. Hi vọng người dân sẽ sớm thấy DNNN làm ăn thua lỗ phải bị trừng phạt, người đứng đầu DN phải bị kỉ luật. Chúng ta chỉ có thể vui mừng và tự hào khi nói không kỉ luật ai trong điều kiện mọi nơi, mọi chốn đều đã thực hiện tròn vai”, bạn Ái Liên chia sẻ.
“Việc làm phải đi sau lời nói, nếu không nó sẽ xói mòn lòng tin của người dân và DN”, bạn Thu Hồng, Nghệ An viết.
- Hiền Lê