Nông dân Việt Nam phập phồng trước số phận sông Mẹ
Ông đã làm việc trên mảnh đất này hàng chục năm nay, giống như rất nhiều nông dân khác tại tỉnh Kiên Giang thuộc tiểu vùng Mekong. Nhưng kinh nghiệm dày dặn và nỗ lực lao động của lão nông Nguyễn Tú trong những ngày gần đây đang gặp phải thách thức lớn khi gieo trồng lúa.
“Tôi dành cả ngày lẫn đêm bơm nước vào đồng, nhưng không thấm vào đâu. Tôi không thể đủ nước ngọt để rửa mặn cho 5ha lúa”, ông Tú nói. “Mỗi năm tôi phải rửa mặn cho đồng, nhưng mọi thứ càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, ông nhấn mạnh.
Nông dân Tiểu vùng Mekong đang đối mặt với nhiều khó khăn ảnh hưởng đến mùa vụ thu hoạch. Ảnh: planetark
Ông giải thích đây là hậu quả của nước mặn xâm nhập vào vựa lúa miền nam này. “Năm ngoái, tôi có nhiều nước ngọt hơn để làm sạch đồng’’.
Giống như những quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam có một mùa khô và một mùa mưa. Mỗi năm trôi qua trong thập kỷ vừa rồi, mùa khô dường như lại đến sớm hơn và ở lại lâu hơn.
Và nó báo hiệu thảm họa với nông dân sáu tỉnh Việt Nam tại tiểu vùng Mekong, nơi nước mặn từ Biển Đông có thể xâm nhập sâu vào nội địa tới 30km trong mùa khô. Ông Tú không chắc mùa đông xuân này có thể sống nổi qua mùa khô quá dài, và nước mặn thì phá hủy đất trồng màu mỡ phì nhiêu.
Các chuyên gia cho hay, cây lúa có thể sinh trưởng trong nước chứa không quá hai phần nghìn muối, nhưng đồng ruộng tại Kiên Giang bị muối hóa với mức độ gấp đôi.
Tiểu vùng Mekong là vựa lúa của Việt Nam, sản xuất một nửa sản lượng lúa gạo hàng năm. Phần lớn thu hoạch mùa màng của đất nước cũng từ khu vực này. Tuy nhiên, những thay đổi thời tiết đã bắt đầu ảnh hưởng tới mùa màng.
“Thay đổi thời tiết có ảnh hưởng rõ ràng”, ông Phạm Văn Dư - Cục phó Cục trồng trọt Cần Thơ, Hậu Giang nói. “Điều đó có nghĩa là các điều kiện khí tượng của hạ nguồn Mekong đang thay đổi, khô hạn khắc nghiệt ơn trong khi nguồn nước ngọt lại khan hiếm hơn. Đây là kết quả của hiện tượng nước mặn ngày càng xâm nhập sâu ở mọi khu vực hạ lưu”.
Mùa khô năm nay đem lại thách thức lớn hơn cho nông dân tiểu vùng. Theo Viện Thủy lợi, vào tuần thứ ba của tháng 1, có những nơi nước mặn xâm nhập sâu tới 50-70km.
Vào tháng 2 là thời điểm người dân vẫn tận hưởng và thích thú với không khí mát mẻ, nhiều ngày “mùa hè” xuất hiện đã khiến cho nhiệt độ lên tới 37 độ C.
Làm vài so sánh với các năm trước cho thấy, trong suốt tháng 2, lượng mưa tại Hà Nội chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực cao nguyên và các tỉnh phía tây nam hầu như không có mưa.
Tại tiểu vùng Mekong, nhiều tháng ít mưa, khiến mực nước ngầm giảm sút. Tình trạng muối hoá ở các đồng bằng cửa sông đang đe doạ 620.000 ha vụ đông xuân, dựa trên dữ liệu một cuộc hội thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 12/3 ở tỉnh Sóc Trăng. Theo Viện Thủy lợi, mùa khô với tình trạng thiếu nước, muối hóa sẽ còn trầm trọng hơn vào tháng 4 và tháng 5.
Dù sao, rất nhiều nông dân tiểu vùng Mekong cho rằng, thiên nhiên không phải nguyên nhân duy nhất gây ra những khó khăn cho họ. Họ nhấn mạnh các đập thủy điện, đặc biệt những đập xây dựng ở Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đã khiến mực nước hạ nguồn giảm, đồng thời làm giảm tốc độ dòng chảy và biến đổi hệ sinh thái.
Giáo sư Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á nói “ảnh hưởng đầu tiên” của việc Trung Quốc xây đập thủy điện phục vụ nhu cầu năng lượng “sẽ làm giảm đáng kể tài nguyên thủy sinh và lượng phù sa trong tiểu vùng, kéo theo tình trạng lở đất nhằm cân bằng lượng phù sa và điều này rất nguy hiểm cho người dân sống ở khu vực hạ lưu”.
“Nếu Trung Quốc xây đập thủy điện để chuyển nước từ sông Mekong lên vùng phía bắc”, ông nhấn mạnh “thì đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi mực nước chảy xuống hạ lưu sẽ giảm đáng kể”.
Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngoài nguyên nhân căn bản gây ra khô hạn là hiện tượng El Niño thì “các nhà máy thủy điện cũng góp phần đáng kể trong việc trữ nước sau đập khi lượng mưa sụt giảm”.
Ông nhấn mạnh: “Khi nhà máy sản xuất điện, nước sẽ được xả từ các đập, nhưng không đủ để khôi phục dòng chảy trong các con sông về mức thông thường”.
Quan chức Trung Quốc đã phần nào nắm được cơn thịnh nộ của nông dân Thái Lan khi họ cho rằng, mùa màng sụt giảm ở Mekong là do Trung Quốc giữ nước vùng thượng nguồn. Để xoa dịu, đại lục gần đây đã mời các quốc gia vùng hạ nguồn tới thăm đập Jinghong để quan sát hoạt động của đập và lý giải vì sao đập thuỷ điện không làm tổn hại tới các nước hạ nguồn.
Trả lời báo chí Việt Nam, ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho hay, Việt Nam đã nhận lời mời trên. Ông sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang Trung Quốc. Ông Trung cũng cho biết thêm, ông có kế hoạch yêu cầu Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước hạ nguồn, cung cấp thêm thông tin về các đập thủy điện, đặc biệt là tài liệu về dữ liệu quản lý tài nguyên.
Đầu năm nay, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long Lê Văn Bảnh khẳng định, đây là thời điểm để mọi quốc gia Mekong làm việc cùng nhau nhằm đưa ra các biện pháp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. “Nếu mỗi nước tự có hành động riêng vì lợi ích của mình, thì sau đó tất cả sẽ bị ảnh hưởng và tiểu vùng Mekong sẽ chịu nhiều tổn thất hơn nữa”, ông nói.
Để giúp nông dân thích nghi với chu kỳ lụt và xâm nhập mặn hàng năm, các chuyên gia địa phương đã áp dụng biện pháp gieo trồng mới: nuôi tôm xen lẫn trồng lúa.
Từ tháng 1 đến tháng 6, nông dân có thể dùng nước mặn nuôi tôm trên đồng. Khi mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 - 12, nước mưa sẽ “rửa sạch” đồng và phù hợp với trồng lúa.
-
Thái An (Theo businessmirror)