Các con sông Tây Tạng cũng bị Trung Quốc bức tử

Cập nhật lúc 05:20, 29/03/2010 (GMT+7)

Nhà làm phim tài liệu người Canada Michael Buckley trong hành trình khám phá đường sắt Tây Tạng - Trung Quốc đã bất ngờ hiểu ra một điều rằng, các hệ thống sông Tây Tạng đang bị bức tử bởi những công trình xây dựng đập thuỷ điện quy mô lớn.

LTS: Trong các ngày từ 3-5/4, tại Thái Lan sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh sông Mekong với sự tham gia của Trung Quốc, Malaysia và bốn nước Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam). Vấn đề quản lý sông Mekong sẽ là tâm điểm chương trình nghị sự.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chịu áp lực ngày càng lớn từ những quốc gia thuộc lưu vực dưới. Các nước hạ nguồn cho rằng, hệ thống đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng vùng thượng nguồn đã đóng góp vào nhiều vấn đề dẫn tới tình trạng mực nước xuống thấp nhất từ trước tới nay. Thái Lan đã yêu cầu Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quản lý nước vào suốt mùa khô.

Để cung cấp cho độc giả cách tiếp cận cụ thể hơn về vấn đề này, VietNamNet giới thiệu loạt bài của các chuyên gia thế giới về tác động của việc xây dựng đập thuỷ điện vùng thượng nguồn Mekong tới cuộc sống, môi trường sinh thái, sinh kế của người dân trải rộng từ vùng thượng nguồn tới hạ nguồn sông Mẹ.

a
Trung Quốc đang xây đập Tiểu Loan cao 292m trên sông Mekong. Khi hoàn thành đây sẽ là đập thủy điện cao nhất thế giới, sức chứa bằng các hồ nước ở Đông Nam Á cộng lại. Ảnh: sinohydro

“Tôi đã trở lại, đã tới Tây Tạng nhiều lần và chưa từng chú ý tới các đập thuỷ điện ở đây, chúng “ẩn náu”, “nép mình” vào những hẻm núi khiến bạn không thể nhìn thấy khi đi trên đường”, Buckley nói với báo chí sau buổi trình chiếu bộ phim tài liệu “Tan chảy ở Tây Tạng” ở Bangkok.

Thành lập một nhóm du lịch sử dùng xuồng kayak, đi khắp các con sông Tây Tạng, Buckley đã chứng kiến nhiều đập thuỷ điện mới xây dựng để ngăn nước, chệch hướng dòng chảy của sông, mang lại nguồn cung cấp năng lượng từ nước cho Trung Quốc.

“Chúng tôi đi khắp nơi và hầu như hiểu ra rằng, con sông nào cũng có một đập lớn”, ông nói. “Nếu bạn muốn giết chết một dòng sông, xây dựng đập thuỷ điện là cách tốt nhất để thực hiện điều đó”, Buckley khẳng định.

Trong số các dòng sông bắt nguồn từ Tây Tạng mà ông điều tra, thám hiểm trong bộ phim tài liệu dài 40 phút, có sông Salween - chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan rồi đổ vào Biển Andaman.

“Con sông này gọi là Gyalmo Ngulchu ở Tây Tạng - dịch là “Nữ hoàng dòng nước bạc”, thuyết minh phim giải thích như vậy.

“Bất chấp sự phản đối ở cả Trung Quốc lẫn các quốc gia láng giềng châu Á, đội ngũ kỹ sư đại lục vẫn tiếp tục kế hoạch xây dựng 13 đập lớn trên Salween. Một số đập đã bước vào xây dựng. Chiều cao một con đập tương đương với toà nhà 60 tầng”.

Buckley cũng điều tra một con sông mà người Tây Tạng gọi là Dri Chu - nổi tiếng với tên gọi sông Dương Tử - và cả sông Hoàng Hà.

“Ở thượng nguồn Dương Tử, tại đỉnh của cao nguyên Tây Tạng, có ba con đập lớn đang xây dựng, và năm con đập mới đang nằm trên giấy tờ”, bộ phim tài liệu cho biết.

Tổng cộng, nhà làm phim người Canada tìm thấy 31 đập thuỷ điện lớn dự kiến xây dựng tại khu vực Tam Giang - gồm hượng nguồn các sông Dương Tử, Mekong và Salween.

Châm ngôn của Mao Trạch Đông

Buckley nhấn mạnh rằng, khoảng 60% lãnh đạo Trung Quốc (gồm cả Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào) đều có một nền tảng kỹ sư, nhiều người có quan tâm đặc biệt trong các công ty xây dựng đập.

Trong khi Trung Quốc là quốc gia sản sinh nhiều đập thuỷ điện nhất thế giới, thì các cơ quan có trách nhiệm lại rất ít quan tâm đến việc đưa ra những đánh giá về tác động môi trường trong các kế hoạch của họ.

“Từ những năm 1950, châm ngôn của Mao là con người có thế chế ngự thiên nhiên, chiến thắng tự nhiên và ông đã thực hiện một số dự án hết sức lớn, để cố gắng chứng tỏ rằng, bạn có thể nắm lấy tự nhiên”, Buckley nói. “Châm ngôn ấy tồn tại tới tận ngày nay - rằng người Trung Quốc có thế chế ngự và chiến thắng tự nhiên, nó tồn tại và thấm nhuần trong tư tưởng của người Trung Quốc suốt 50 năm qua”.

Theo ông, hệ thống sông riêng biệt của Trung Quốc đã bị tàn phá bởi công cuộc công nghiệp hoá không kiểm soát. Kết quả là 70% nguồn cung cấp nước quốc gia đã không thể làm thức uống cũng như không thể cung cấp cho đời sống thuỷ sinh.

Các con sông đã chết… Họ không cố gắng thay đổi. Giải pháp của họ là “Hãy lấy nước từ Tây Tạng”, nhà làm phim nhấn mạnh. Chuyển nước từ cao nguyên Tây Tạng đến các khu vực khác nhau ở phía bắc Trung Quốc đã được hoạch định và sẽ thực hiện qua mạng lưới ống dẫn bê tông rộng khắp.

Giấc mơ ống dẫn vĩ đại của Trung Quốc là để thay đổi nguồn nước phong phú từ cao nguyên Tây Tạng tới các thành phố khát nước ở phía bắc và tây đại lục, nơi có khoảng 300 triệu dân cư”, bộ phim của Buckley bình luận. “Một dự án thay đổi dòng chảy như vậy đã vượt quá xa những gì có thể trong lĩnh vực khoa học công trình nước”.

Và, điện sản xuất từ các đập thủy điện tại Tây Tạng phục vụ đáng kể ngành công nghiệp Trung Quốc.

Hạ nguồn

Dza Chu, hay sông Mekong, bắt đầu dòng chảy từ những dãy núi của Tây Tạng được mô tả trong bộ phim tài liệu là “một dòng thác gầm rú chảy xiết khi đi qua các hẻm núi sâu, đổ xuống hùng vĩ ở độ cao 4.500 mét so với mặt biển qua Tây Tạng và Trung Quốc, trải dài 1.800km trước khi được “thuần hoá” ở Lào”.

Trung Quốc đã và đang thúc đẩy các dự án xây đập thuỷ điện ở Mekong. Buckley nhấn mạnh, sự thay đổi đột ngột dòng chảy của sông đã ảnh hưởng tới các quốc gia hạ nguồn gồm Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Kể từ năm 1950, Trung Quốc đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm khai thác những khu rừng rộng lớn, khoáng sản và nguồn năng lượng… với quy mô lớn. Dự án cùng lúc xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên dòng Lan Thương (tên gọi sông Mekong tại Trung Quốc) và nắn dòng Mekong là một phần của tiến trình này.

Trung Quốc sẽ không hài lòng cho tới khi toàn bộ dòng chảy Mekong đoạn dưới Vân Nam đổ vào một hệ thống đường thuỷ hỗ trợ cho tàu thuyền hàng hoá đi ra biển cả. Trong nhiều thập niên, chiến lược của Trung Quốc là thực hiện những thiết kế về sông Mekong trong im lặng và bí mật. Trung Quốc xây đập Manwan (1986-1993) ở một khu vực xa xôi và không có sự tham gia của bất kể nước nào vùng hạ nguồn.

Trung Quốc tới nay vẫn không gia nhập Ủy ban sông Mekong (MRC) và không có bất cứ nỗ lực nào để cung cấp thông tin về những dự án họ khai thác trên sông. Bây giờ, khi chiến lược Mekong không thể giấu giếm hơn nữa, Trung Quốc lại khai thác sông bằng tốc độ và sự quyết tâm.

Gần đây nhất, các nhóm bảo vệ môi trường bên ngoài Trung Quốc đã cùng chung tuyên bố cho rằng, bốn con đập lớn ở thượng nguồn Mekong là lý do chính giải thích vì sao mực nước con sông nổi tiếng này đã hạ xuống thấp nhất nửa thế kỷ nay.

Bắc Kinh dĩ nhiên đã phản ứng mạnh mẽ tuyên bố trên và cho rằng, hạn hán khiến nước sông sụt giảm. Tuy nhiên, đại lục từ chối để các bên liên quan bên ngoài tiếp cận với ghi chép về mức nước mà các đập thuỷ điện họ xây dựng trữ lại.

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác