Mỹ giật mình khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở ĐNA

Cập nhật lúc 06:00, 16/03/2010 (GMT+7)

Ủy ban Xem xét kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC) tháng trước đã tổ chức một buổi điều trần dài về các hoạt động của Trung Quốc tại Đông Nam Á và những liên quan tới lợi ích Mỹ trong khu vực chiến lược này.

Năm thành viên quốc hội Mỹ, hai quan chức cấp cao và 10 chuyên gia đã trình bày vấn đề trước USCC vào thời điểm Mỹ cam kết tái tập trung chính sách ngoại giao hướng về Đông Nam Á.

Ủy viên USCC Larry Wortzel nhấn mạnh tới ảnh hưởng kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc trong khu vực, khi hàng loạt dự án có nguồn vốn từ đại lục đang được thực hiện với mục tiêu "tiếp dầu để nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển". Ông cho biết, Bắc Kinh còn cung cấp nhiều khoản vay lãi suất thấp vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực, đặc biệt tại Myanmar, Lào và Campuchia.

Trong khi những ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực là điều dễ dàng nhận thấy, thì Wortzel còn khẳng định thêm rằng, đại lục gần đây đã gia tăng tương tác an ninh với Đông Nam Á, bao gồm cả việc bán vũ khí cũng như tập trận chung. "Các cuộc viếng thăm quân sự cấp cao giữa Trung Quốc và Đông Nam Á tăng mạnh, sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc cũng tăng theo", Wortzel nói.

a
Để gia tăng sức mạnh mềm, Trung Quốc có hàng chục học viện Khổng Tử tại châu Á. Ảnh minh họa: The Guardian

Buổi điều trần diễn ra sau chuyến công du vào tháng 12 của các thành viên USCC tới vài nước châu Á. "Hải quân Trung Quốc đã cải thiện sức mạnh của mình, kể cả việc có hàng không mẫu hạm trong tương lai gần, cán cân quyền lực khu vực sẽ nhanh chóng nghiên về Trung Quốc", Wortzel cảnh báo. "Một số quốc gia trong khu vực đã bắt đầu hành động".

Nghị sĩ Mỹ Dana Rohrabacher, thành viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, lại "thẳng thắn" hơn khi đưa ra những chỉ trích về ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực Đông Nam Á. Ông thậm chí còn coi Trung Quốc là "một đất nước tìm kiếm việc trở thành một đế chế khuyếch trương ảnh hưởng và sự thống trị trong cả khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á".

Theo Ellen Frost, thuộc Học viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chính phủ các nước Đông Nam Á vẫn giữ thái độ thận trọng trước khả năng gia tăng quân sự của Trung Quốc. Nhiều nước vẫn chưa chắc chắn về những mục tiêu cuối cùng của đại lục.

"Để cảm thấy an toàn, nhiều nước ASEAN đã tái xác nhận hay gia tăng quan hệ quân sự của họ với Mỹ". ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Frost nhấn mạnh, lãnh đạo ASEAN đang hướng tới việc tối đa hóa tiếng nói chung của họ trong khu vực và trong thế giới rộng lớn.

Con dao hai lưỡi

Theo David Shear, Phó trợ lý Ngoại trưởng, Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ, rõ ràng cả Trung Quốc và các nước ASEAN "đều cùng có lợi từ việc mở rộng thương mại", và quan hệ kinh tế của Trung Quốc với khu vực sẽ tăng cường hơn khi Hiệp định Tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN (CAFTA) có hiệu lực.

Shear cũng tin rằng, trong tiến trình này “Trung Quốc còn tạo ra một số trục trặc và gây căng thẳng với nhiều nền kinh tế Đông Nam Á”, và mối quan ngại ngày càng lớn “về việc cạnh tranh hàng hoá giá rẻ Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp bản địa”. Shear nhấn mạnh, Indonesia đã sẵn sàng tái xem xét một thỏa thuận với đại lục vì chính những lo lắng này.

Trong khi Đông Nam Á “công nhận những cơ hội lớn từ Trung Quốc, họ vẫn tìm kiếm quan hệ kinh tế với Mỹ và nhiều nước khác như một đối trọng”, Shear nhận định.

Tổng thương mại của Trung Quốc với khu vực đạt 193 tỉ USD năm 2008, tăng từ 45,5 tỉ USD năm 2001. Trong khi đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh với Đông Nam Á vẫn còn kém xa so với Mỹ và Nhật Bản, thì viện trợ trực tiếp từ đại lục với khu vực có thể lại lớn hơn.

Bắc Kinh đã “sốt sắng” chi 10 tỉ USD vào quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện đường quốc lộ, đường sắt, hàng không và hệ thống thông tin viễn thông nối kết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, theo Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan. Nước này còn cung cấp 15 tỉ USD hình thức tín dụng để thúc đẩy kết nối và tương tác trong khu vực.

Chính sách ngoại giao Trung Quốc, thường gọi là “sức mạnh mềm” cũng tập trung vào những liên kết văn hóa. Ngày càng nhiều sinh viên Thái - khoảng 10.000 người - giờ đây đang học tập tại Trung Quốc. Con số này lớn hơn hẳn so với Mỹ. Theo Shear, kể từ khi Học viện Khổng tử đầu tiên mà Trung Quốc mở ra ở châu Á năm 2004, đã có 70 học viện trong khắp châu lục và 282 học viện ở phạm vi toàn cầu. "Riêng ở Thái có 12 học viện, gần đây, Trung Quốc đã mở Học viện Khổng tử đầu tiên tại Campuchia”, Shear nói.

Cuộc cạnh tranh giành trái tim và tinh thần của người dân châu Á còn diễn ra ở những dải sóng. Trong khi Mỹ trải qua một chặng đường dài để mở rộng Đài phát thanh Tự do châu Á và chương trình phát thanh Tiếng nói Mỹ trong khu vực, thì Trung Quốc đã nhanh chân thành lập Đài phát thanh Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia hồi tháng 12/2008.

Shear cũng thừa nhận các tổng thống trước của Mỹ đã bỏ lỡ những hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Quan chức cấp cao nước này không dành đủ thời gian cho việc xem xét các quan hệ song phương trong khu vực.

"Thông điệp từ chính quyền của Tổng thống Barack Obama để giải quyết vấn đề này rất đơn giản: Chúng tôi trở lại và sẵn sàng hoạt động tích cực”. Shear nhấn mạnh Washington sẽ nhanh chóng bổ nhiệm một đại sứ của Mỹ tại ASEAN và bắt đầu thảo luận việc Mỹ có thể đóng một vai trò tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, một nhóm gồm 16 nước có hội nghị thượng đỉnh hàng năm.

Theo Ernest Bower, cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Học viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington: “Đông Nam Á cần và muốn Mỹ gia tăng cuộc chơi của mình, có một chiến lược rõ ràng để thúc đẩy lợi ích trong khu vực”.

Bower cho rằng, Trung Quốc khi khiến Đông Nam lo ngại về an ninh, tư tưởng thì cũng tạo ra nhiều lợi ích bằng việc cung cấp các khoản lời đáng kẻ trong thương mại, viện trợ, du lịch, cam kết gia tăng đầu tư…. “Trung Quốc đã giúp các sinh viên Đông Nam Á dễ dàng hơn trong việc đi lại, học tập ở đại lục, cung cấp các học bổng ở nhiều mức, kể cả làm tiến sĩ hay thạc sĩ. Chính sách hướng tới Đông Nam Á của người Trung Quốc trong 15 năm qua đã thay đổi từ tư tưởng sang cơ hội và thực tế”, Bower khẳng định.

Bower nhấn mạnh: "Quan ngại đầu tiên của Đông Nam Á cũng như từng tồn tại 15 năm nay là duy trì cân bằng giữa các cường quốc. Có lẽ sự khác nhau căn bản giữa Trung Quốc và Mỹ tại Đông Nam Á là Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng với khu vực còn Mỹ thì không”.

Khác biệt đối ngoại

Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Tổ chức Heritage ở Washington, cho rằng, những khác biệt cơ bản nằm ở chính sách ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực này.

"Bạn đơn giản không thể hiểu tiến trình đưa ra quyết định của ASEAN theo cách chúng ta biết ở trường học. Chiến lược của các quốc gia này là tối đa hoá lợi ích mà không cần tính tới một con người đặc biệt nào, một lãnh đạo riêng nào. Cách tiếp cận của Trung Quốc về ngoại giao kinh tế là cách chúng ta không có", Lohman nói.

"Mỹ không thể là bản sao của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Vì thế, quan chức Mỹ phải tính tới việc họ có thể làm theo cách người Trung Quốc không có. Chúng ta không thể xây dựng các thỏa thuận thương mại theo cách chọn người thắng, người thua bằng chính sách ngoại giao hay công nghiệp bắt buộc”.

Theo Lohman: "Nếu Trung Quốc muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Đông Nam Á, thì Mỹ nên xây dựng quan hệ trong khu vực bằng cách giúp ASEAN xác định được những ưu tiên cũng như mối quan ngại của họ. Nếu các công ty đa quốc gia Trung Quốc muốn đầu tư vào ASEAN, hãy đưa họ vào chuỗi cung cấp của Mỹ theo chuẩn mực thân thiện. Nếu có những thoả thuận thương mại ASEAN - Trung Quốc, các công ty Mỹ phải tương tác với cả hai bên. Hãy dùng sự tín nhiệm của người lãnh đạo để đối phó với xu thế kinh tế hiện tại”.

Bronson Percival, cố vấn cấp cao của Trung tâm CAN về nghiên cứu chiến lược tại Virginia, kết luận rằng: “Tâm điểm không phải là việc Mỹ chống Trung Quốc tại Đông Nam Á. Hơn thế nữa, giờ đây, chính quyền của Obama đã đảo ngược tâm lý chống Mỹ tồn tại thời chính quyền Bush cũng như tâm lý Mỹ bỏ rơi Đông Nam Á bằng việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN. Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã xây dựng một mạng lưới hợp tác quân sự dày đặc, đặc biệt là trong hàng hải với Đông Nam Á”.

Ông kêu gọi “Mỹ nên chuyển trọng tâm ở Đông Nam Á từ vấn đề nhân quyền sang vấn đề an ninh, ví dụ như Biển Đông”.

  • Thái An (Theo Atimes)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác