Trung Quốc "thề" trừng phạt các công ty Mỹ
Trung Quốc ngày hôm qua (2/2) lại đưa ra lời đe dọa sẽ trừng phạt các công ty Mỹ tham gia kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan của Washington, một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại.
Trong cuộc họp ngắn giữa tuần với giới truyền thông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích quyết định bán hệ thống chống tên lửa, máy bay, và các loại vũ khí khác cho Đài Loan của Mỹ trong lô hàng có tổng trị giá 6,4 tỷ USD. Phát ngôn viên Mã Triều Húc không đưa ra chi tiết lệnh trừng phạt, nhưng cam kết sẽ trả đũa các công ty tham gia thương vụ này.
Máy bay Black Hawk trong lô hàng thiết bị quân sự trị giá 6,4 tỷ USD Mỹ bán cho Đài Loan (Ảnh: Reuters)
Bắc Kinh từ trước vẫn luôn phản đối các cuộc bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ nhưng trong những tranh cãi trước, nước này vẫn chỉ thường tập trung sự tức giận vào chính phủ Mỹ.
Những công ty tham gia thương vụ này thuộc Chương trình Viện trợ quân sự có hoàn lại (FMS) của Mỹ, theo đó các công ty thành viên có nghĩa vụ phải cung cấp vũ khí và quân dụng cho các đồng minh Mỹ. Các công ty này bao gồm Raytheon Co., Boeing Co., United Technologies Corp. và Lockheed Martin Corp.
Bonnie Glaser, thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington nói: "Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các hành động trừng phạt chống lại Raytheon từ vài năm trước vì đã bán vũ khí cho Đài Loan, và Raytheon đã đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh".
Theo trang Web của Raytheon, công ty này vừa bán hệ thống radar và quản lý giao thông trên không cho 16 sân bay Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Côn Minh.
Boeing và United Technologies, vẫn đang hoạt động tại Trung Quốc, và là những công ty có nhiều khả năng bị trừng phạt từ Bắc Kinh nhất, theo các nhà phân tích. Glaser nói: "Boeing rõ ràng là công ty đang cảm thấy lo lắng hơn cả bởi công ty này có lợi ích rất lớn từ việc bán các máy bay thương mại cho Trung Quốc".
United Technologies (UTC) sẽ cung cấp cho Đài Loan 60 máy bay Black Hawk trị giá 3,1 tỷ USD. Nhưng công ty nay có nhiều cơ sở ở nước ngoài, trong đó tại Trung Quốc có khoảng 16.000 nhân viên. Đây là nhà cung cấp chính cho các dự án Olympic Bắc Kinh, giành 69% các gói thầu hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa nhiệt độ cho Thế vận hội Bắc Kinh. Sikorsky của UTC, đơn vị chuyên sản xuất máy bay Blackhawk, đang xây dựng khung máy bay đa mục đích tại Trung Quốc theo hợp đồng với AVIC II, tập đoàn hàng không nhà nước của Trung Quốc.
Lô hàng này còn bao gồm 114 hệ thông phòng thủ tên lửa Patriot tối tân, trị giá 2,8 tỷ USD và do hãng Lockheed Martin và Raytheon sản xuất.
Một phần khá nhỏ của lô hàng bao gồm 10 tên lửa chống tàu Harpoon do Boeing chế tạo. Boeing là công ty sẽ phải chịu mức độ bị thiệt hại nặng nhất nếu bị trừng phạt bởi công ty này có lợi ích thương mại rất lớn trong thị trường hàng không dân dụng của Trung Quốc. Phát biểu tại chương trình Singapore Air Show, Randy Tinseth, phó giám đốc bán hàng của Boeing Commercial Airplanes, nói, "Đó là vẫn đề giữa các chính phủ với nhau, và sẽ là vội vàng nếu gây ảnh hưởng tới ngành hay công việc kinh doanh của chúng tôi".
Cùng ngày, Trung Quốc còn phản đối mạnh mẽ chính phủ Obama vì cuộc gặp dự kiến sắp diễn ra giữa ông với Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng.
- Đình Ngân (Theo WSJ)