Đại biểu cũng đơn độc như bộ trưởng
- Thời buổi ai cũng bàn đến các dự án và lợi nhuận, rồi xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng GDP, dễ hiểu khi những người làm công tác bảo vệ môi trường - chỉ độ mươi người trên một triệu dân - cảm thấy mình đơn độc và lạc lõng.
Dễ nói, khó làm Tàu Atlantic Star cập cảng HVS giao 20.000 tấn xỉ đồng. Ảnh: LT
Trước Hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu của LHQ tại Copenhaghen, nhân loại đã được nghe rất nhiều tuyên bố hùng hồn của các nguyên thủ quốc gia về tầm quan trọng của việc biến đổi khí hậu, về trách nhiệm của tất cả mọi người, mọi quốc gia trong việc cứu lấy trái đất. Nhưng khi bàn đến việc gánh vác phí tổn, phân chia trách nhiệm giữa các quốc gia và hành động cụ thể, Hội nghị đã lâm vào bế tắc.
Ở trong nước cũng thế, ai cũng có thể thảo luận hào hứng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, một chủ đề rất dễ đạt được sự đồng thuận.
Thế nhưng khi bàn việc đóng cửa một nhà máy gây ô nhiễm, truy tố một kẻ gây ô nhiễm, chấm dứt phá rừng hay đơn giản là xem xét thận trọng lại một dự án nào đó vì lý do môi trường thì sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là gì vậy?
Đó là do các hoạt động phát triển, như xây dựng nhà máy, trang trại, đập thủy điện sẽ cho lợi ích tức thì nhưng hậu quả về môi trường thì thường phải chờ một thời gian.
Có người dân khi được tuyên truyền về bảo vệ rừng đã nói rằng: "Tôi biết, nếu chặt phá rừng thì vài năm sau sẽ có hạn hán, lũ lụt có thể làm chết người nhưng nếu tôi không chặt cây, phá rừng thì ngay ngày mai tôi sẽ chết đói vì không có gì để ăn!".
Ngoài ra, người hưởng lợi từ môi trường và người chịu thiệt hại là hai nhóm đối tượng khác nhau, sinh tồn ở các không gian khác nhau. Các nước giàu thì phát thải, các nước nghèo sẽ gánh chịu hậu quả nhiều nhất, số ít người giàu có sẽ được chia sẻ lợi nhuận từ các dự án và rất nhiều người nghèo sẽ phải chia sẻ sự giận dữ của thiên nhiên.
Các tỉnh thượng nguồn sẽ có thêm ngân sách từ việc phá rừng còn trung ương và các tỉnh hạ nguồn sẽ phải chi phần ngân sách lớn hơn để khắc phục hậu quả...
Đơn độc, lạc lõng
Thời buổi kinh tế thị trường, nhà nhà làm kinh tế, ai cũng bàn đến các dự án và lợi nhuận, rồi xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân... Dễ hiểu khi số ít những người làm công tác bảo vệ môi trường, chỉ độ mươi người trên một triệu dân, cảm thấy mình đơn độc và lạc lõng khi cứ phải nói đến những hạn chế và hậu quả.
Có vị lãnh đạo một tỉnh miền Trung từng phát biểu thẳng thắn: Phải chấp nhận cái giá của sự phát triển chứ! Có điều cái giá ấy thường không được tính đúng, tính đủ cho những ai gây ra và những ai sẽ phải gánh chịu. Sự tranh cãi xung quanh trách nhiệm bồi thường do ô nhiễm của công ty Vedan hay việc Hyundai-Vinashin nhập xỉ đồng ở Khánh Hòa là những ví dụ mới nhất.
Mấy kỳ họp Quốc hội gần đây, tôi đã phát biểu và chất vấn rất nhiều xung quanh vấn đề môi trường, chống lại việc phá rừng và săn bắt động vật hoang dã. Có người hỏi, sao không nói các vấn đề khác đi, như giáo dục, y tế hay chỉ số lạm phát...
Thật ra, cử tri quan tâm tới rất nhiều điều nhưng những lĩnh vực khác đã có rất nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, tôi muốn dành thời gian của mình cho một lĩnh vực ít được quan tâm hơn, dù đôi khi cũng không khỏi cảm thấy đơn độc như Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường mới bộc bạch.
Cần rất nhiều máy móc, động lực để cỗ máy kinh tế của chúng ta tăng tốc và không ngừng đi lên, nhưng cần một chiếc phanh hiệu quả để nó vận hành và đến đích an toàn. Bảo vệ môi trường là chiếc phanh đơn độc, nhưng không thể thiếu.
-
Nguyễn Đình Xuân (Ủy viên UB KHCNMT Quốc hội)