ASEAN lập cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp

Cập nhật lúc 09:01, 15/01/2010 (GMT+7)

- Tại hội nghị 2 ngày tại Đà Nẵng, các Ngoại trưởng ASEAN đã thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN nhằm cụ thể hóa quy định trong Điều 25 của Hiến chương, hướng tới xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp chung của ASEAN, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho hay.

Cụ thể hóa các khuôn khổ, mục tiêu ASEAN

- Đây là Hội nghị đầu tiên cấp Bộ trưởng của các nước ASEAN năm 2010, được coi là định hướng cho cả năm, Phó Thủ tướng nhìn nhận Hội nghị này sẽ định hướng cho năm 2010 như thế nào?

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Chủ tịch ASEAN. Ảnh: NS
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Chủ tịch ASEAN. Ảnh: NS
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm: Đúng như vậy. Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2010.

Tại các cuộc họp, các Bộ trưởng đã trao đổi và định hướng các ưu tiên cho hợp tác ASEAN trong năm.

Các nước ASEAN đã bày tỏ sự đồng tình cao với Việt Nam về Chủ đề: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”, đồng thời nhất trí hợp tác ASEAN trong năm 2010 sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên sau:

i) Thúc đẩy đoàn kết, tăng cường liên kết ASEAN; ii) Đẩy mạnh nỗ lực thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương ASEAN; iii) Mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác; iv) Tăng cường hợp tác cả trong ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu; và v) Đề cao và quảng bá hình ảnh của ASEAN, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Những vấn đề này cũng chính là định hướng trọng tâm cho ASEAN từ nay đến năm 2015 hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng.

Các nước ASEAN đều nhất trí cho rằng năm 2010 cần là năm hành động để cụ thể hóa các khuôn khổ và mục tiêu đã có: đó là Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 15 (10/2009), là bản Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực từ 12/2008.

Trên tinh thần đó, các Bộ trưởng cho rằng trong năm 2010, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình/kế hoạch trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương ASEAN, ASEAN cần chú trọng thúc đẩy các ý tưởng tăng cường kết nối khu vực, tăng cường hợp tác ứng phó với các vấn đề xuyên quốc gia như thiên tai, biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, đồng thời tập trung nghiên cứu cách thức phù hợp để tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như nâng cao vị thế và tiếng nói của Hiệp hội ở các Diễn đàn quốc tế như LHQ, WTO…

Tiến tới cơ chế giải quyết tranh chấp chung của ASEAN

Xin Phó Thủ tướng đánh giá những kết quả chính của các Hội nghị lần này?

Cùng với việc nhất trí đề ra định hướng ưu tiên cho hợp tác ASEAN 2010, các Hội nghị lần này thông qua một số văn bản và đạt được một số kết quả đáng chú ý sau:

- Triển khai Sáng kiến về Kết nối ASEAN được Lãnh đạo thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-15, các Bộ trưởng đã thông qua Quy chế hoạt động của Nhóm đặc trách cao cấp về Kết nối ASEAN, và cho ý kiến chỉ đạo để Nhóm này sớm bắt đầu công việc.

Theo đó, ASEAN cần tập trung nghiên cứu xúc tiến kết nối trước hết là trong nội khối, trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, tự do lưu chuyển của người dân, thuận lợi hóa thương mại…, sau đó từng bước mở ra kết nối rộng hơn ở khu vực Đông Á, với ASEAN đóng vai trò đầu mối chung của khu vực.

Quyết tâm giữ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Ảnh: CT
Quyết tâm giữ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Ảnh: CT

Kết quả tốt đẹp của chuyến đi thực tế bằng đường bộ của các Ngoại trưởng ASEAN từ Mục-đa-hản, Thái Lan, qua Savanakhet, Lào, tới Lao Bảo, Huế và Đà Nẵng của Việt Nam đã giúp các Bộ trưởng trải nghiệm tận mắt tiềm năng kết nối về giao thông và cơ sở hạ tầng ở Tiểu vùng Mê Công, từ đó, quyết tâm hơn trong việc đề xuất thúc đẩy Kết nối ASEAN.

Các Ngoại trưởng đã thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN nhằm cụ thể hóa quy định trong Điều 25 của Hiến chương, hướng tới xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp chung của ASEAN. Điểm đáng chú ý là ASEAN đã xây dựng quy chế trọng tài trong giải quyết tranh chấp, phù hợp với Hiến chương ASEAN.

Cấp cao ASEAN và các nước lớn

- Hội nghị cũng bàn về phương hướng tăng cường quan hệ với các Đối tác của ASEAN, trong đó có việc tổ chức một loạt các Hội nghị Cấp cao quan trọng giữa ASEAN với các Đối tác, bao gồm các Cấp cao thường niên với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Cấp cao lần thứ 2 với Nga và Cấp cao lần thứ 2 với Mỹ.

Việc các Đối tác bên ngoài, trong đó có các nước lớn, quan tâm và mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN và tiếp xúc cấp cao thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao vai trò và đóng góp của ASEAN cho hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như trong các tiến trình hợp tác ở khu vực.

Cũng tại Hội nghị này, các Bộ trưởng đã chấp thuận việc bổ nhiệm Đại sứ bên cạnh ASEAN của một số nước ngoài khu vực gồm Đức, Slovakia, Thụy Sỹ, Hungary, Pakistan và Maroco, đưa tổng số các Đại sứ bên cạnh ASEAN lên gần bốn chục nước.

Các Bộ trưởng đã chỉ đạo tăng cường các nỗ lực của ASEAN hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu đang nổi lên.

Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng tập trung bàn về các vấn đề như biến đổi khí hậu và ứng phó thiên tai. Theo đó, các nước nhất trí ASEAN cần tiếp tục tăng cường hợp tác tiếp theo kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen về Biến đổi khí hậu vừa qua, đồng thời triển khai hiệu quả Hiệp định ASEAN về Ứng phó thiên tai, thảm họa vừa có hiệu lực tháng 12/2009; tiếp tục nỗ lực tái thiết và khắc phục hậu quả cơn bão Nargis tại Myanmar, coi đó là một mô hình kinh nghiệm cần phát huy.

Trước những hậu quả nặng nề do trận động đất ngày 12/01/2010 vừa qua gây ra cho Haiti, các Bộ trưởng đã bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với Chính phủ và người dân Haiti, thể hiện thái độ tích cực, có trách nhiệm của ASEAN hưởng ứng các nỗ lực ứng phó thiên tai của cộng đồng quốc tế.

Có thể nói các Hội nghị lần này đã thành công, là sự khởi đầu tốt đẹp cho các hoạt động hợp tác của ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Việt Nam đã sẵn sàng cho năm ASEAN 2010

- Xin Phó Thủ tướng đánh giá về công tác chuẩn bị của Việt Nam cho các Hội nghị này?

Công tác chuẩn bị của chúng ta để đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN đã được tiến hành từ sớm trong năm 2009.

Bước vào năm Chủ tịch ASEAN, các điều kiện cần thiết để chủ trì và tổ chức các Hội nghị của ASEAN tại Việt Nam năm 2010 đã sẵn sàng.

Trong dịp này, với sự phối hợp và chuẩn bị tích cực từ phía Ủy ban Nhân dân và các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng, các Hội nghị Bộ trưởng tại Đà Nẵng đã thành công cả về nội dung và hậu cần, lễ tân, an ninh, để lại ấn tượng tốt đẹp cũng như sự tin cậy của các nước ASEAN vào vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm 2010.

Đặc biệt, các Bộ trưởng đánh giá cao sự thu xếp và đón tiếp chu đáo của Việt Nam cho chuyến đi đường bộ từ cửa khẩu Lao Bảo, qua Huế tới Đà Nẵng để xúc tiến ý tưởng kết nối ASEAN.
Tôi cho rằng để chuẩn bị cho các Hội nghị quan trọng sắp tới của ASEAN tại Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Song những gì đã làm được tại Đà Nẵng lần này sẽ là kinh nghiệm và cơ sở tốt đẹp để chúng ta phát huy. Nhân đây, tôi xin gửi lời cám ơn tới Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, các cơ quan liên quan và các cán bộ trực tiếp tham gia tổ chức và phục vụ Hội nghị.
  • PV ghi

Tin liên quan

Các tin khác