ASEAN trở thành siêu cường hay chỉ là cỗ máy rời rạc?
- Nếu ví von ASEAN như một “trái sầu riêng” – theo cách nói của Kavi Chongkitavon, tờ The Nation (Thái Lan) thì sự ra đời của bản Hiến chương ASEAN đã làm cho trái sầu riêng này chín muồi từ bên trong và tỏa ra hấp dẫn đặc biệt với các đối tác lớn ngoài khu vực.
Khi trái sầu riêng chín
Sau hơn 40 năm hoạt động, ASEAN cuối cùng cũng đã có bản Hiến chương chính thức cho mình vào năm 2008. Bản Hiến chương đi vào hiệu lực đã mang lại cho ASEAN một tư cách pháp nhân và mọi hoạt động của tổ chức đều dựa trên khung pháp lý rõ ràng. Một thực thể mới đã được hình thành vào ngày 15/12/2008 với các nguyên tắc chủ đạo và “phương cách ASEAN” là: không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên, tham vấn và ra quyết định dựa trên sự đồng thuận…
Nhìn toàn cục, bản Hiến chương đã đặt ASEAN vào thế “hướng tâm” nhiều hơn. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi mà trước đây, ASEAN luôn bị chỉ trích là bị “tản quyền”, do đặc thù không có quốc gia thành viên nào giữ vai trò lãnh đạo, và để đảm bảo tính đồng thuận ở mức cao nhất có thể.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU, ông Javier Solana bình luận: "ASEAN đang trở thành trung tâm sự thu hút ở Đông Nam Á, Hiến chương ASEAN sẽ tạo ra một khuôn khổ cho phép tổ chức này đối phó hiệu quả hơn với các thách thức hiện nay; đồng thời, gánh vác trách nhiệm tăng cường hoà bình, an ninh, ổn định, cũng như tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền trong khu vực”.
Siêu cường mới?
Khi mà nền kinh tế thế giới đang chao đảo vì khủng hoảng tài chính toàn cầu, ASEAN lại nổi lên như một điểm tựa mới. Với tổng dân số là 584 triệu, ASEAN đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tổng GDP của 10 thành viên ASEAN là 1.507 ngàn tỉ USD trong năm 2008. Trao đổi mậu dịch đạt mức 1,7 tỷ USD (26% trong khu vực). Nếu là một "quốc gia", ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới. Nếu chỉ dựa trên trao đổi mậu dịch với các đối tác bên ngoài, ASEAN là "cường quốc" thứ 5 của thế giới, sau Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản. Riêng với Indonesia và Việt Nam, đây thực sự là hai gương mặt nổi bật tại châu Á trong cơn bão vừa qua.
Năm qua đã chứng kiến sự thay đổi chính sách đối ngoại của một số cường quốc với ASEAN. Tiêu biểu là Mỹ. Ngay sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, thái độ của Washington bất ngờ “nồng hậu” với ASEAN với chuyến công cán “xông đất” của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bà Clinton cũng thừa nhận, chuyến đi này “không ngẫu nhiên”, mà nó cho thấy “sự nghiêm túc của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ ngoại giao trong khu vực”. Tiếp sau đó, đại sứ của Mỹ đã được cử đến khu vực này.
Sức “hấp dẫn” đặc biệt của ASEAN phát huy tác dụng trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 15. ASEAN đã cùng 6 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand) đã đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do, thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện, đồng thời cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc xem xét thành lập khu vực mậu dịch tự do Đông Á.
Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2010, Hiệp định Tự do thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Ngoài ra, Trung Quốc cam kết đóng góp 10 tỉ đôla Mỹ làm quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc – ASEAN và cung cấp 15 tỉ đô la Mỹ cho các khoản tín dụng thương mại. Tháng 3/2010, ASEAN và ba đối tác Trung - Hàn - Nhật sẽ đưa vào hoạt động quỹ tài chính khu vực (CMIM) với số vốn lên đến 120 tỉ USD, theo thoả thuận sáng kiến Chiang Mai năm 2000. Số vốn mà ba đối tác đóng góp chiếm khoảng 80% quỹ.
Hàn Quốc hỗ trợ 100 triệu đô la Mỹ cho ASEAN đối phó với biến đổi khí hậu. Nhật Bản tăng tài trợ 13 triệu đô la Mỹ cho Quỹ Hội nhập Nhật Bản – ASEAN, giúp các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực đối phó với thiên tai và tình huống khẩn cấp. Trung Quốc cam kết tài trợ 100 ngàn đô la Mỹ cho Quỹ ASEAN nhằm tăng cường giao lưu văn hóa.
Lực cản trong và ngoài
Mặc dù thành công về mặt kinh tế của ASEAN trong năm vừa qua rất đáng thuyết phục, nhưng với tư cách là một nền kinh tế thống nhất, ASEAN vẫn chưa có tín hiệu rõ nét trên “màn hình ra đa” của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư vẫn chưa coi khối này là một chỉnh thể hợp nhất, mà vẫn chỉ là 10 nền kinh tế riêng rẽ. Nguyên nhân cơ bản là vì, ASEAN gồm các quốc gia có nền kinh tế tương đồng, không phải bổ sung cho nhau. Bản thân Hiến chương cũng khẳng định, tính chất của ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực liên chính phủ (chứ không phải tổ chức siêu quốc gia như Liên minh châu Âu).
Sự chưa hợp nhất của ASEAN còn dễ nhận thấy trong các mối quan hệ song phương giữa các thành viên trong khối. Tại Hội nghị lần thứ 15 vừa qua, những bất đồng về vấn đề xuất khẩu gạo giữa Thái Lan và Philippines khiến cho cái bắt tay của Tổng thống Arroyo với Thủ tướng Abhisit giảm đi sự nồng hậu. Lời qua tiếng lại giữa Thủ tướng của Campuchia và Thái Lan cũng làm cho những nội dung hợp tác trong hội nghị bị xao nhãng đi phần nào. Trong lúc các đối tác nước ngoài chú trọng vào hợp tác và phát triển tại Đông Nam Á mà sự nghiêm túc thể hiện ở việc đến rất đúng giờ, thì phân nửa lãnh đạo của các nước thành viên lại… đến trễ.
Bên cạnh đó, một thách thức khác đang lờ mờ xuất hiện đối với ASEAN. Thành công của “ASEAN + 3” và “ASEAN + 6” là hữu hình, nhưng đồng thời nó cũng làm giảm sự “hướng tâm” của ASEAN khi một trong 6 đối tác quan trọng của ASEAN đã đề xuất ASEAN nên nâng cao vị thế và tiếng nói của mình bằng cách liên kết với các đối tác, cộng gộp thành khối lớn hơn nữa…
Trong hợp tác kinh tế, ASEAN đạt được những tiến triển vô cùng phấn khích, chẳng hạn như với Trung Quốc. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan lạc quan cho biết: Trao đổi thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc là 190 tỷ USD, với tỉ lệ tăng trưởng là gần 30% mỗi năm. Đây là một tốc độ rất nhanh”.
Ông Surin thì tin tằng “FTA sẽ đóng vai trò thiết lập khuôn khổ cho mối quan hệ giữa hai bên. Chúng ta cạnh tranh với Trung Quốc nhưng chúng ta cũng đồng thời nằm trong trong chuỗi cung ứng cho các nhà máy trên toàn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ một điều là, khi Trung Quốc tăng trưởng, ASEAN cũng sẽ tăng trưởng”.
Nhưng, những người hoài nghi - dù ít hay nhiều - sẽ không dễ tin vào chiến lược “đôi bên cùng có lợi” với Trung Quốc, khi mà những khúc mắc trong lịch sử vẫn còn hiện diện. Evan A. Laksmana - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS bình luận: “Trên thực tế, chỉ có một vài nước trong khu vực như Indonesia mới thật sự cởi mở với Trung Quốc trên phương diện ngoại giao trong 10 năm trở lại đây. Do đó, sẽ có rất nhiều việc cần làm để tăng cường mối quan hệ giữa hai bên. Hiện giờ, nếu nói về một khía cạnh nào đó khó giải quyết thì có thể nói luôn đó là một khía cạnh về quân sự.
Tôi nghĩ rằng có hai vấn đề then chốt gây tranh cãi vẫn đang làm gia tăng mâu thuẫn giữa một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Một là an ninh biên giới và tranh cãi chưa có hồi kết, đặc biệt là trong khu vực Biển Đông. Thứ hai là liên quan tới sự minh bạch trong các hoạt động quân sự”.
“Vấn đề hiện nay chủ yếu là xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có chung đường biên và tôi chắc rằng việc này sẽ tốn nhiều thời gian hơn giữa các bên có liên quan như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và cả Trung Quốc” - Ông Evan A. Laksmana phân tích.
-
Thu Lượng