Mua dịch vụ internet, di động: đủ kiểu nhầm
- Khi không tìm hiểu kỹ về dịch vụ mình đang sử dụng, người tiêu dùng có thể hiểu sai lệch về dịch vụ và nhà cung cấp.
Trả theo lưu lượng lại ngỡ trọn gói
Anh Nguyễn Xuân Nhật (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thắc mắc về việc sử dụng hợp đồng trọn gói Internet bị đội giá mấy tháng gần đây.
Sử dụng Internet nhưng không nắm rõ loại dịch vụ - Ảnh minh hoạ: B.D
Theo anh Nhật, gia đình anh đăng ký sử dụng dịch vụ Internet từ đầu năm 2008 với giá trọn gói 270.000 đồng/ tháng. Tuy nhiên từ tháng 4/2009 đến nay, hàng tháng gia đình phải đóng hơn 330.000 đồng/ tháng.
Anh Nhật cho biết, khi anh đến bưu điện thắc mắc thì nhận được trả lời "lý do phải đóng nhiều tiền hơn vì nhà anh sử dụng vượt mức". "Đã sử dụng dịch vụ trọn gọi thì giá tiền phải ổn định, làm sao lại có chuyện vượt mức như vậy?" - anh băn khoăn.
Về trường hợp của anh Nhật, đại diện Trung tâm Viễn thông Hương Sơn cho biết: gia đình anh Nguyễn Xuân Nhật đăng ký gói cước theo lưu lượng, có giá thuê bao tháng là 24.000 đồng/tháng, dùng bao nhiêu dung lượng trả bấy nhiêu tiền.
Khi anh Nhật sử dụng tối đa một tháng thì mức giá trần chỉ là 300.000 đồng, cộng 30.000 đồng (10% VAT).
Như vậy anh Nhật đã nhầm lẫn về gói cước mình đang sử dụng, dịch vụ anh lựa chọn là trả tiền theo lưu lượng chứ không phải dịch vụ trọn gói. Khi anh sử dụng kịch kim thì mức giá phải trả hàng tháng là 330.000 đồng.
Viễn thông Hương Sơn đã giải thích rõ ràng với anh Nhật về sự nhầm lẫn của anh với dịch vụ mình đang sử dụng.
Một tin nhắn đội giá gấp 3?
Chị V.T.Đ (TP.Hồ Chí Minh) chủ một thuê bao Mobifone từng thắc mắc về việc mình gửi một tin nhắn lại bị nhà mạng tính cước gấp 3. Chị soạn tin nhắn gửi cho hơn 20 người bạn cùng một lúc, nhưng khi kiểm tra tài khoản thấy bị trừ hơn 80 tin.
Một số tin có thể nhỏ hơn 160 kí tự là do máy đầu cuối ngắt, không phải do hệ thống quản lý ngắt - Ảnh minh hoạ: B.D
Trường hợp của chị được nhà mang trả lời: dung lượng của một bản tin nhắn là 140 byte tương đương 1120 bit. Tuy nhiên, một số tin có thể nhỏ hơn 160 kí tự là do máy đầu cuối ngắt, không phải do hệ thống quản lý ngắt. Và trên thực tế, thuê bao của chị V.T.Đ đã phát sinh hơn 80 tin nhắn và hệ thống của nhà mạng đã trừ đúng.
Khi nhận được câu trả lời này, chị Đ. vẫn không chấp nhận và cho rằng nhà mạng đang tìm cách đưa ra những ngôn từ khó hiểu để nhằm giải thích cho việc tính sai của mình. Tuy nhiên, khi PV hỏi chị soạn tin nhắn như thế nào thì chị nói chị soạn thảo hết màn hình điện thoại và gửi đi cho danh sách bạn bè trong máy. PV đã đề nghị chị gửi lại tin nhắn chị gửi cho danh sách bạn bè đến máy phóng viên thì tin nhắn này có độ dài bằng ba tin nhắn (theo như cách ngắt tin của nhà mạng). Do đó, với mỗi người người bạn trong danh sách, chị Đ. đã gửi 3 tin chứ không phải 1 tin như chị nghĩ.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những nhầm lẫn do chính khách hàng không tìm hiểu về dịch vụ mình đang sử dụng. Trong khi dịch vụ internet và di động là những dịch vụ công nghệ cao có nhiều thuật ngữ khó hiểu, cũng là dịch vụ phổ biến, có đông người sử dụng; thì việc tìm hiểu kỹ về dịch vụ để tránh thiệt hại, phiền phức cũng như để sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả nhất là bài học nằm lòng cho bất cứ người tiêu dùng nào.
-
B.D
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |