Đi Vũng Tàu nghỉ Tết: Ở 1 ngày, kinh hãi trăm năm
- Những ngày Tết Canh Dần, lượng khách du lịch tới Vũng Tàu nghỉ ngơi, tắm biển tăng mạnh, các khách sạn, nhà trọ, quán ăn được dịp "chặt chém" khách không thương tiếc.
Phòng nghỉ hỏng "toàn tập" giá bạc triệu/đêm
Ngày 5 Tết Canh Dần, từ TP.Hồ Chí Minh, chị H. (Hà Nội) liên lạc với khách sạn Hoa Mai số 23-25 đường Thuỳ Vân (Vũng Tàu), của Viện kiểm sát tối cao. Giá cho 1 phòng đôi và 1 phòng đơn thoả thuận xong là 1,2 triệu đồng/ngày đêm. Những tưởng với giá đó sẽ được phục vụ chu đáo, chất lượng cao, nhưng xuống đến nơi thì gia đình chị H. mới vỡ mộng.
Khách sạn Hoa Mai không ở mặt đường như quảng cáo; nhà chị H. phải vào ngõ sâu khoảng 30m, qua 2 lần rẽ. Biển hiệu của khách sạn bị "giáng" xuống 1 cấp: nhà khách Hoa Mai. Phòng nghỉ đơn (phòng 125) không có bình nước nóng. Phòng nghỉ đôi (phòng 121) toilet bốc mùi hôi thối nồng nặc khó chịu (ngửi thấy ngay khi bước vào cửa), ti vi LG nhưng điều khiển là của hãng TCL nên không thể sử dụng được.
Nhà chị H. xin đổi sang phòng 122 nhưng cũng không khá hơn. Ở phòng này, điều hoà chạy chỉ ra gió không lạnh, tủ lạnh không chạy, tivi cũng không điều khiển từ xa được. Đặc biệt, trong phòng này, ngay đầu giường nằm là 1 ống nhựa xuyên suốt từ trên xuống dưới. Giữa 2 giường là 1 cánh cửa ọp ẹp sơn trắng khi mở ra thì thông ngay sang phòng bên cạnh, ga trải giường là loại vải valide rẻ tiền nằm vừa nóng vừa ngứa.
Chị H. đã gọi nhân viên lên sửa điều hoà và tủ lạnh. Sau 3 lần, nhân viên này cũng đành bó tay và cho biết cả 2 đều hết ga nên không thể làm gì hơn. Thế nên nhiệt độ trong phòng nóng hơn cả ngoài trời.
Chịu không nổi, 11 giờ đêm, gia đình chị H. đề nghị đổi sang phòng khác thì còn thảm hại hơn. Phòng 128, cửa phía ngoài là khuy móc và được khoá bằng khoá Việt Tiệp, phía bên trong không chốt được, nhân viên phục vụ phải mang búa và đục lên đục lại lỗ thì mới chốt được cửa. Nội thất trong phòng gồm 1 chiếc bàn gỗ dán dài kiểu bàn học sinh dùng trong trường học nhưng chân cao hơn để đồ đạc linh tinh và 1 chiếc tủ gỗ sơn màu ghi giống như tủ đựng tài liệu thường thấy ở phòng làm việc của các viện kiểm sát từ những năm 1960. Mắc treo quần áo bằng inox trong toilet có 4 móc thì cụt mất 2; tường, trần loang lổ; ổ cắm điện mất đế trơ hốc xi măng thòi dây ra ngoài...
Không thể ra đi giữa đêm và tiền phòng đã bị thu ngay khi bước chân vào nhà khách Hoa Mai, gia đình chị H. đành chấp nhận nghỉ đêm trong căn phòng tệ như nhà trọ bình dân này.
Khách sạn nhà nước thì phải... tệ?
Điều làm du khách thất vọng nhất là họ phải trả cái giá cắt cổ nhưng chất lượng phục vụ thì rất tệ và thiếu chuyên nghiệp. Chuyện tủ lạnh không chạy, điều hoà chỉ có gió mà không lạnh do hết ga khá phổ biến ở nhiều phòng nghỉ tại nhà khách này.
Tại phòng 128 nhà khách Hoa Mai, 11 giờ đêm, nhân viên còn phải mang búa đục lỗ cho khách chốt cửa bên trong. |
Trong phòng không có dầu gội đầu, không khăn tắm, khăn mặt. Khi yêu cầu thì nhân viên mới mang khăn tắm lên nhưng không mang khăn mặt. Tiếp tục yêu cầu thì nhân viên thắc mắc sao anh chị đi mà không mang theo khăn? Phản ánh với nhân viên lễ tân vì sao trong phòng không có dầu gội đầu, tủ lạnh không chạy, thì nhân viên lễ tân nói ráo hoảnh là những thứ đó không có trong hợp đồng.
Khi vợ chồng chị H. phàn nàn về chất lượng phục vụ thì nhân viên lễ tân này nói: "Đây là khách sạn Nhà nước anh, chị ạ!".
Chị H nói: "Thật kỳ lạ trong khi giá bị đẩy lên cao ngất ngưởng, chất lượng tồi lại được biện minh là khách sạn của Nhà nước! Phải chăng ý của cô nhân viên này muốn nói là khách sạn Nhà nước nên có quyền phục vụ tồi? Chất lượng như vậy, tại sao giá cả lại cao đến mức chóng mặt?".
Câu hỏi này đã làm khó cho những nhân viên ở đây. Họ không giải thích nổi mà chống chế là "chúng em không phải là người quyết định về giá".
Chính cách giải thích này đã khiến không ít du khách phẫn nộ. Một số du khách khi thấy trang thiết bị tồi tàn như vậy đã cảnh báo nhau rằng chớ có sử dụng bình nước nóng vì thiết bị này rất có thể hở điện.
Đây có lẽ cũng là hậu quả của việc phân lô các khu du lịch ở Việt Nam. Mỗi cơ quan Nhà nước xin một mảnh đất với lý do là xây khu nghỉ dưỡng cho cán bộ trong ngành rồi tự xây nhà, tự đầu tư trang thiết bị, tự tuyển nhân viên và bung ra kinh doanh kiểu mạnh ai nấy làm thiếu chuyên nghiệp, nhân viên không được đào tạo, vốn không có, trang thiết bị lâu ngày chẳng thèm đầu tư, xuống cấp, những ngày thường bỏ không, chỉ trông chờ vào dịp lễ tết khi khách đổ về đông, nhu cầu tăng cao là ra sức tận thu để bù cho những ngày ngồi chơi xơi nước.
Đồ nội thất trong phòng 128. Những phòng đôi kiểu này trong dịp Tết Canh Dần "kiếm" tới 700.000 đồng/ngày đêm. |
Nâng giá vô tội vạ
Vũng Tàu là một “thiên đường du lịch” của miền Đông Nam Bộ. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, có nhiều bãi tắm đẹp cùng những thắng cảnh nổi tiếng như: tượng Chúa dang tay, niết bàn tịnh xá, ngọn hải đăng “già” nhất nước... nên thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, giải trí, vui chơi... Thế nhưng, khi đến Vũng Tàu, nhiều du khách đã tỏ ra phiền lòng vì đi đến đâu cũng bị chủ khách sạn, nhà nghỉ “chặt, chém”.
Theo khảo sát của phóng viên VietNamNet, dịp lễ Tết giá phòng ở hầu hết các nhà khách, khách sạn ở Vũng Tàu bị đẩy lên cao ngất.
Đường Thùy Vân, La Văn Cầu, Phan Văn Trị, Hoàng Hoa Thám..., tập trung hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ là sự lựa chọn đầu tiên của du khách vì nằm sát với bãi tắm. Ngày thường, giá phòng chỉ dao động trong khoảng 80.000đ - 120.000đ (phòng đơn), 250.000đ (phòng đôi), thế nhưng, cứ tới lễ Tết là các ông bà chủ lại bắt tay nhau nâng giá lên gấp 5-10 lần. Chính vì cách bắt tay tăng giá đến chóng mặt để thu lợi của giới kinh doanh phòng ốc nên du khách không còn cách nào khác là phải “cắn răng” móc tiền ra trả nếu muốn có nơi nghỉ qua đêm. Phòng trọ của nhiều khách sạn ở Bãi Sau quá tồi tệ, nhưng giá thì cao hơn cả ở khách sạn sang trọng.
Mắc treo quần áo trong toilet phòng 128 có 4 móc thì cụt mất 2. |
Không chỉ bị chủ khách sạn chặt chém, giá hàng ăn cũng đội lên kinh khủng với mức tăng giá khoảng 40%.
Các quán cơm bình dân cũng thoải mái chém khách, nâng giá vô tội vạ cao hơn hẳn so với giá niêm yết. Vào 1 quán cơm bình dân số 21 Thuỳ Vân gọi 1 âu cơm với 1 đĩa rau muống luộc, 1 bát canh rau cải nấu thịt và 1 đĩa thịt lơn kho cho 4 người ăn gồm 2 người lớn và 2 trẻ em trong thực đơn ghi giá 1 suất có 25.000 đồng nhưng khi tính tiền là 195. 000 đồng, khi yêu cầu nhân viên tính lại thì cuối cùng họ giảm cho 30.000 đồng.
Ngoài bãi biển Thuỳ Vân, ốc hương nướng không tính bằng cân mà bằng con. 1 con ốc hương nướng cỡ ngón chân cái giá 10.000 đồng.
Du lịch "1 đi không trở lại"
Trộm cắp cũng được dịp ra tay, hàng trăm du khách đã mất điện thoại, ví và giỏ đồ khi đi tắm biển tại bãi Thùy Vân. Trong khi biển thì bẩn kinh khủng, rác thải, túi nilon lềnh bềnh trong nước biển, khiến du khách tắm mà luôn thấy cảm giác ghê rợn.
Người TP. Hồ Chí Minh bây giờ thường nói chỉ dân các tỉnh hay đi nghỉ Vũng Tàu còn người TP.HCM thì thường chọn Long Hải - cách Vũng Tàu 30km nhưng dịch vụ ổn hơn.
Quả thật đến Vũng Tàu những ngày Tết Canh Dần vừa qua, phần lớn là người dân các tỉnh như: Tiền Giang, Tây Ninh, Long An... với những xe khách chở 45 người, họ vào những nhà khách như Hoa Mai, 1 phòng đôi thường chứa 8-10 người, chỉ cần chỗ ngả lưng qua đêm, còn đồ ăn cùng mọi thứ mang từ nhà đi và tắm biển vài ngày rồi về.
Hiện tượng "chặt chém" ở Vũng Tàu vào dịp cuối tuần, lễ tết đã tồn tại từ lâu, dư luận cũng lên tiếng nhiều, nhưng bao năm nay không hề được cải thiện. Các cơ quan quản lý ở đây được cho là bất lực trong việc để cho các ngành dịch vụ mặc sức "chặt chém" du khách mà không thèm quan tâm đến chất lượng phục vụ.
Ít nhất ở Vũng Tàu cũng có 1 điểm sáng, hệ thống khách sạn tư nhân Sơn Thịnh đã quyết tâm giữ giá phòng ổn định cả năm (280.000 đồng/phòng đôi, thêm 1 người có phụ thu 70.000 đồng).
Nhưng gia đình chị H. không may mắn đặt được phòng trong khách sạn Sơn Thịnh. Ở lại Vũng Tàu 1 đêm mà cả nhà thấy ngột ngạt, chỉ mong cho trời nhanh sáng để ra về càng sớm càng tốt.
Chị H. nói, chắc chắn nhiều du khách đến Vũng Tàu chỉ 1 lần rồi mãi mãi không bao giờ quay trở lại.
Chị H. tiếc cho một bãi biển đẹp nổi tiếng cả nước nhưng bị kiểu làm ăn manh mún và tận thu băm nát, làm hoen ố hình ảnh du lịch Việt Nam.
-
Trần Thuỷ
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |