2009 - năm 'bảo hành khổ' của người tiêu dùng Việt
- Bảo hành trì trệ đã trở thành một loại "bệnh dịch", khi mà suốt năm qua nhiều người tiêu dùng vã mồ hôi xin bảo hành vẫn bị từ chối hoặc bị giăng "bẫy từ chối bảo hành".
Đoạn trường bảo hành: chuyện nói cả năm không hết
Bảo hành hàng hoá vẫn là nỗi khổ của NTD - Ảnh minh hoạ: B.D |
Năm 2009 chuyên mục Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) báo VietNamNet đã chuyển hàng trăm thư, tin nóng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đến các DN, và đã được phản hồi. Trong số này, phần lớn khiếu nại, góp ý về tình trạng bảo hành, hậu mãi trì trệ.
Ti vi trị giá gần 1000 USD xem được 3 tuần đã "giở chứng", khách hàng muốn đổi thì nhận được câu trả lời: chỉ đổi sau mua 1 tuần. Tủ lạnh mới mua bị lỗi, đi bảo hành nửa năm không xong. Máy giặt hỏng liên tục và còn hạn bảo hành, muốn được chăm sóc... phải trả phí. Máy lạnh "hàng hiệu" được sửa kiểu "hàng chợ"...
Trong năm, bạn đọc chứng kiến cảnh vã mồ hôi xin bảo hành điều hoà ngày nắng nóng. Lận đận bảo hành chiếc tủ làm đá chậm, sau thời gian dài chở đến tỉnh khác để bảo hành, tủ trở về trong tình trạng bị... méo. Tủ lạnh mới mua đã bị vênh cánh, phải chờ đợi vô điều kiện một và chỉ một... cánh cửa mới để thay thế.
Máy tính cũng là một trong những mặt hàng gây bảo hành khổ nhiều nhất, thường xuyên nhất. Nhiều khách mang máy đi bảo hành thậm chí còn bị cự nự lớn tiếng, bị doạ thu tiền sửa máy, thậm chí bị lừa mất phiếu bảo hành đã nộp.
Mặt hàng nhiều người cả đời tích góp mới mua được như chiếc xe máy, bảo hành càng khó khăn. Mua phải xe Honda chạy 1 tháng đã gãy cổ phốt, khách không được hãng giải quyết thoả đáng, đành đấu tranh bằng cách... trưng bày sản phẩm tệ hại này giữa phố đông.
Nghĩa vụ bảo hành thậm chí còn được chuyển giao bất ngờ từ DN này sang DN khác, không một lời thông báo với khách, dù số khách đông tới 4000 người, như sự kiện khách mua xe Huyndai bơ vơ vừa xảy ra.
Dư luận tiêu dùng thở dài: Những chuyện kỳ lạ ấy, đúng là chỉ có ở Việt Nam.
Báo chí - "bảo hành 113"
Ở VN, NTD không lạ với thái độ thờ ơ, với phản ứng thoái thác của nhà cung cấp/sản xuất khi đi bảo hành sản phẩm. Có người cho rằng, bảo hành trì trệ đã trở thành một loại "bệnh dịch" trong giới sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.
Thế mới có việc, bù lại những tổn thất khách hàng phải chịu, Sanyo quyết định đổi toàn bộ lô hàng 24 chiếc ti vi khách đã mua dù chỉ có 8 chiếc bị hỏng. Ti vi LCD 37 inch của SHARP giá gần 10 triệu đồng đổi lần thứ 3 vẫn hỏng, mách báo chí khách hàng mới nhận được thư xin lỗi và được đổi ti vi mới.. Vật lộn đổi LCD Sony sau nhiều lần bị từ chối bảo hành, sau khi VietNamNet phản ánh thì nhà sản xuất mới thay cho khách một chiếc ti vi mới và thu hồi sản phẩm lỗi. Cũng như khi đưa sự việc ra trước dư luận, sau 4 lần bảo hành, khách hàng mới được đổi điện thoại mới.
Dư luận đặt câu hỏi: Chẳng lẽ cứ phải cậy báo chí thì khiếu nại bảo hành về điều hoà, máy giặt, tủ lạnh, máy tính... mới thấu tau các nhà sản xuất có thương hiệu lớn như Sam Sung, Electrolux, Toshiba, LG, Hitachi..., và lúc ấy nhà sản xuất mới chịu "động tay" khắc phục lỗi của họ?
Nhưng đó có thể mới chỉ là một phần nghìn những sự việc được đưa ra dư luận. Còn biết bao nhiêu NTD ấm ức chịu thiệt, mệt mỏi với cảnh bảo hành lạ, bảo hành đe khách, bảo hành... hành khách, bảo hành hứa suông rồi...hoá đá?
"Trông người, ước ta"
Nhà cung cấp sẽ có trách nhiệm hơn với sản phẩm bảo hành?- Ảnh minh hoạ: B.D |
Tin tức về các sự kiện "bảo hành khổ" năm 2009 cho thấy khâu chăm sóc sau bán hàng vẫn là cả vấn đề lớn với không ít thương hiệu nổi tiếng.
Trong thời gian chờ bảo hành, khách hàng không có sản phẩm dùng, vừa mất thời gian, mất công sức, lại rước bực vào thân vì tiến độ bảo hành "rùa bò", thái độ phục vụ kém chuyên nghiệp, thậm chí thiếu tôn trọng khách.
Một khách hàng nọ, mua một máy giặt Electrolux về bị hỏng động cơ. Vị khách hàng này gọi cửa hàng đề nghị bảo hành thì cửa hàng chần chừ, thoái thác. Sau khi khách hàng này vào mạng tìm địa chỉ của chính hãng bên nước ngoài phản ánh thì ngay sau đó cửa hàng cho mang máy khác đến để đổi.
Một khách hàng khác lại so sánh với việc bảo hành hàng hoá bên Úc. Ở Úc, khi anh mua cái đài có đồng hồ về không nghe được (sau mới biết do chưa đọc hết bản hướng dẫn). Anh mang cái đài đó đến siêu thị ở một tỉnh khác tỉnh đã mua hàng (do đã chuyển chỗ ở), vào gian hàng của hãng chế tạo, đề nghị đổi, người bán hàng tại đây không cần kiểm tra, đổi ngay cho khách hàng, dù trước đó đã thao tác cho khách hàng nghe thấy tiếng để chứng minh sản phẩm không hề trục trặc.
Chuyện đó chưa từng có ở Việt Nam. NTD Việt nhìn vậy lại mong mỏi, ước muốn mình được đối xử tốt hơn khi đi bảo hành sản phẩm mới mua không may bị lỗi.
Dự thảo Luật Bảo vệ NTD đã được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Chương V của Dự thảo luật này quy định rõ các điều về trách nhiệm đảm bảo an toàn cho NTD, trách nhiệm bảo hành, trách nhiệm sản phẩm... Trong đó có nhiều điểm sẽ khắc phục tình trạng NTD chịu thiệt hại và phiền phức khi mua sản phẩm hàng hoá và bảo hành sản phẩm như đang phải chịu hiện nay.
Trong thời gian thực hiện bảo hành, NTD được cung cấp hàng hoá tương tự để sử dụng tạm thời, hết thời gian bảo hành mà chưa khắc phục được khuyết tật NTD có thể được đổi hàng hoá hoặc được thu hồi sản phẩm và trả lại tiền, NTD được chịu chi phí về sửa chữa, vận chuyển hàng hoá, linh kiện...
Nhưng những quy định ấy vẫn đang nằm trên giấy. Nên trước thềm 2010, NTD Việt vẫn chỉ dám mơ sẽ khắc phục được thế yếu của mình trong quan hệ mua-bán. Và đoạn trường bảo hành chỉ còn là chuyện xưa cũ trong thập kỷ đã qua.
- Bình Dương
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |