Đọc báo online tốn nửa triệu đồng Internet/tháng
- Sau khi Viễn thông Hà Nội thay mới modem, cước phát sinh ADSL của khách hàng hai tháng liên tiếp “nhảy vọt”. Nhà mạng đổ tại người dùng không tắt modem.
Báo online "đắt cắt cổ"
Ông Vũ Huy Bưu ở phố Minh Khai, Hà Nội cho biết: ông bắt đầu sử dụng ADSL của VNPT từ tháng 8/8/2007 nhưng đến tháng 3/2009 thì bị trục trặc không vào mạng được. Ông đã gọi điện thông báo cho Viễn thông Hà Nội và được nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra, xác định do hỏng modem. Sau đó nhân viên này đã thay modem mới cho ông Bưu.
Nhưng sau khi sử dụng modem mới, lưu lượng Internet của ông Bưu tăng đột biến. Cước phí trong tháng 4/2009 là 251.337 đồng và tháng 5/2009 là 495.000 đồng dù mức sử dụng không thay đổi (cước các tháng trước đó chỉ xấp xỉ 100.000 đồng).
Nhận thông báo cước với số tiền tăng vọt như vậy, ông Bưu đã gọi điện đến tổng đài để khiếu nại về trường hợp của mình.
Ngày 06/07/2009 và ngày 14/08/2009 ông Bưu nhận công văn trả lời từ Phòng Tiếp thị bán hàng 2 - Viễn thông Hà Nội với nội dung: “Việc ghi tính cước tháng 04+05/2009 của khách hàng Vũ Huy Bưu là chính xác. Nguyên nhân lưu lượng phát sinh nhiều là do sau khi truy nhập xong khách hàng đã không tắt nguồn Modem nên cuộc truy nhập vẫn được kết nối”.
Tuy nhiên ông Bưu không đồng ý với nội dung trả lời đó và tiếp tục khiếu nại. Ông cho rằng: “Tôi và cháu tôi (học lớp 2) vào mạng chỉ để đọc báo và xem tin tức thì không thể phát sinh mức cước đến gần 500.000 đồng như thế được”.
Ông Bưu cho biết thêm, do ông không đồng ý với câu trả lời bằng công văn của Viễn thông Hà Nội, thì chị Đỗ Tuyết Nhung - Trưởng phòng Tiếp thị bán hàng 2 đã đến nhà ông và đưa ra nhiều phương án giải quyết khiếu nại, trong đó có phương án cộng tiền cước hai tháng 4 và 5 với các tháng khác, chia bình quân.
"Tôi vẫn không đồng tình với cách đó. Điều tôi cần là Viễn thông Hà Nội phải kiểm tra lại hệ thống máy móc cập nhật cước và nhận trách nhiệm về việc này” - ông Bưu nói.
Những giải thích "mâu thuẫn"
Ngày 14/09/2009, Phòng Tiếp thị bán hàng 2 - Viễn thông Hà Nội lại có công văn trả lời bác Bưu như sau:
“Theo các kết quả kiểm tra số liệu của Viễn thông Hà Nội, cước phí tháng 04 + 05/2009 lưu trữ tại hệ thống là chính xác và trùng khớp với số liệu in trên bản kê chi tiết cước gửi khách hàng. Tuy nhiên, qua kiểm tra xem xét thực tế cước sử dụng của khách hàng từ tháng 01/2009 đến 06/2009, ngoại trừ hai tháng 04, 05 các tháng còn lại khách hàng chỉ sử dụng với mức trung bình 114.757 đồng/tháng.
Công văn trả lời khách hàng Vũ Huy Bưu ngày 14/09/2009 của Viễn thông Hà Nội. Ảnh: N.Giang |
Xét thấy cước phí tháng 04+05/2009 tăng đột biến so với mức sử dụng trung bình, để giải quyết dứt điểm khiếu nại, Phòng Tiếp thị bán hàng 2 sẽ thực hiện tính cước phí tháng 04 + 05/2009 của khách hàng Vũ Huy Bưu bằng mức sử dụng trung bình tháng 01, 02, 03, 06/2009:
Tháng |
Cước đã tính (đã có VAT) |
Cước tính lại (đã có VAT) |
Cước giảm trừ (đã có VAT) |
04/2009 |
251.337 đồng |
114.757 đồng |
136.580 đồng |
05/2009 |
495.000 đồng |
114.757 đồng |
380.243 đồng |
Tổng |
|
|
516.823 đồng |
Ngày 24/09/2009, VietNamNet nhận được thông tin phản hồi về trường hợp khiếu nại của khách hàng Vũ Huy Bưu từ Viễn thông Hà Nội: Cước tăng bất thường là do khách hàng Download nhiều.
Phản hồi của Viễn thông Hà Nội cũng cho biết ông Bưu không truy cập mạng nhưng không tắt Modem thì hệ thống vẫn ghi nhận thời gian sử dụng, tuy nhiên dung lượng trao đổi này là rất nhỏ, không đáng kể.
Phản hồi nói trên của Viễn thông Hà Nội khác biệt với trả lời của DN này cho khách hàng Vũ Huy Bưu, rằng lưu lượng tăng bất thường là do ông Bưu không tắt modem.
Hai câu trả lời khác biệt nhưng đều chung tinh thần "lỗi do khách hàng" khiến ông Bưu, dù đã được giảm trừ tiền cước, trở nên ngại dùng Internet của Viễn thông Hà Nội.
-
Nam Giang
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |