Ơ hờ tiêu - ngậm đắng dùng: Sự đời vấp mãi
- Mua bán không hoá đơn chứng từ, dừng hợp đồng nhưng không chịu ký nhận - những lỗi tưởng chừng như rất nhỏ lại khiến người tiêu dùng (NTD) luôn chịu thiệt thòi.
Lý sự… cái hợp đồng miệng
Muốn cắt dịch vụ Internet: đến trực tiếp nhà cung cấp làm thủ tục - Ảnh minh hoạ: B.D
Anh Q.H (Nghệ An) sử dụng dịch vụ Internet của Viễn thông Nghệ An đã 2 năm. Đến tháng 1/2009, anh muốn ngừng sử dụng dịch vụ. Gọi điện hỏi phòng chăm sóc khách hàng, anh được yêu cầu chính chủ đến trực tiếp bưu điện làm thủ tục. Sau vài lần đến bưu điện, phải xếp hàng chờ, anh H. vì không có thời gian để đợi đến lượt nên vẫn chưa đăng ký cắt dịch vụ một cách trực tiếp.
Đến thời điểm nộp tiền tháng 2, sau khi cùng nhân viên thu cước gọi điện cho nhân viên chăm sóc khách hàng yêu cầu cắt hợp đồng được nhân viên trực đồng ý, anh H. đã tháo modem ngừng sử dụng dịch vụ. Tháng 3/2009, anh H. đã yêu cầu nhân viên thu cước chứng nhận thời điểm cắt dịch vụ bằng cách ghi vào tờ thông báo cước "đã yêu cầu cắt dịch vụ 2 tháng".
Tuy nhiên sau đó, anh H. vẫn nhận được giấy báo thu cước đều đều. Đến tháng 8/2009 nhân viên thúc giục anh thanh toán cước thuê bao của 5 tháng liền (từ tháng 2 đến tháng 7) khiến anh bực tức.
Một trường hợp khác, anh Quốc Hoà (Nha Trang, Khánh Hoà) cũng bức xúc khi không còn sử dụng dịch vụ vẫn bị thu tiền cước. Anh Hoà đăng ký sử dụng dịch vụ Internet của FPT Telecom từ tháng 5/2009. Đầu tháng 7, anh gọi điện yêu cầu cắt dịch vụ. Dù cả tháng 7 không sử dụng Internet nhưng anh vẫn nhận được giấy báo nộp tiền cước thuê bao.
Về phản ánh của anh Hoà, đại diện FPT Telecom cho biết: "Các trường hợp khách hàng muốn tạm ngừng dịch vụ hay thanh lý dịch vụ thì không thể báo qua điện thoại mà cần đến làm thủ tục tại các quầy giao dịch. Khi đến làm thủ tục khách hàng mang theo hợp đồng và chứng minh nhân dân. Tại quầy giao dịch, khách hàng sẽ điền yêu cầu của mình vào biên bản. FPT Telecom chắc chắn sẽ làm đúng nguyện vọng chính đáng cho khách hàng".
Tổng đài của MegaVNN cũng giải thích về quy định khi khách hàng muốn tạm ngừng dịch vụ: chính chủ mang hợp đồng và chứng minh thư ra bưu điện để làm thủ tục.
NTD Việt quen "trao tiền là xong"?
Theo TS. Vương Ngọc Tuấn, Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ NTD Việt Nam: “Trong cả hai trường hợp này khách hàng đã quá dễ dãi với bản thân mình. Khi báo cắt hợp đồng qua điện thoại, nhân viên tiếp nhận chỉ có thể ghi nhận chứ không có cơ sở pháp lý (văn bản, giấy tờ) để xác nhận việc ngừng dịch vụ cho khách hàng!”.
Đây là lỗi mà nhiều NTD ở Việt Nam mắc phải. Lẽ ra không phải mất thêm tiền cước, cũng như có thể được bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố nhưng NTD lại không được hưởng chỉ vì quên thực hiện một động tác rất nhỏ: bỏ qua hợp đồng, hoá đơn.
Mua bán không hoá đơn chứng từ , NTD không có cơ sở pháp lý để đòi bồi thường khi hàng hoá không đảm bảo chất lượng - Ảnh minh hoạ: B.D
VietNamNet từng phản ánh trường hợp chị Phạm Thị Hoa, chủ một cửa hàng vàng bạc ở Hà Nội gần như mất trắng 10 triệu đồng sơn tường nhà.
Sau một tháng, tường nhà mới sơn đã loang lổ, tróc từng mảng lớn. Gọi điện đến công ty tư nhân đã thuê trọn gói, chị chỉ nhận được những lời hứa suông. Chị Hoa không có cớ gì để “bắt đền” do trước khi tiến hành dịch vụ chỉ thoả thuận miệng mà không ký hợp đồng bởi... chỗ người quen!
Một khách hàng khác, chị Lê Thị Thu (Quảng Nam) cũng "đốt" 2,2 triệu đồng sau khi mua một chiếc điện thoại di động lỗi hiệu Samsung M620 do khi mua không lấy chứng từ.
Sau nửa tháng, chiếc máy mới mua bỗng tự tắt nguồn, không thể khởi động lại, sau khi sửa bàn phím điện thoại lại trơ, máy bị treo. Chị muốn nhà sản xuất cho đổi chiếc khác, nhưng vấn đề ở chỗ chị không có chứng từ nào (giấy bảo hành, hoặc hoá đơn, biên lai thu tiền...) chứng minh chị đã mua hàng và bảo hành nhiều lần ở cửa hàng này. Chị ân hận cho VietNamNet biết, chị thấy vừa ý thì mặc cả rồi... trả tiền mua, không nghĩ là cần phải có giấy tờ lằng nhằng.
Để tình ngay, lý khó gian
Theo TS. Vương Ngọc Tuấn, rất nhiều người tiêu dùng chỉ vì không có hợp đồng dịch vụ nên không có cơ sở pháp lý để đòi bồi thường thiệt hại khi hàng hoá dịch vụ không đảm bảo chất lượng.
Trong nhiều tình huống, NTD không được bảo vệ quyền lợi có một nguyên nhân bắt nguồn là do chính NTD chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ mình. NTD quen trao tiền là xong, không hiểu, hiểu chưa đầy đù, hoặc chưa biết về những chứng từ pháp lý cần có làm căn cứ bảo vệ mình.
Trách thói quen "trao tiền là xong" - Ảnh minh hoạ: B.D
Tại Ấn Độ, từng diễn ra biểu tình phản đối tập đoàn nước ngọt toàn cầu Coca-Cola do ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Tại Nhật Bản năm 1950, một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra nhằm phản đối Công ty Chisso - một công ty hóa chất lớn - đã đổ thẳng ra biển chất thải công nghệ có thành phần thủy ngân hữu cơ không qua xử lý, từ đó gây nhiễm độc cho cá, súc vật và người. Cuộc biểu tình của NTD và sức ép của chính quyền đã buộc DN này phải bồi thường.
Trong khi NTD thế giới có quyền lực mạnh mẽ vì họ ý thức được 8 quyền lợi của mình thì ở Việt Nam, những điều tương tự có thể rất xa vời vì ngay như việc nhỏ nhất trong giao dịch mua bán - lấy hoá đơn chứng từ, NTD còn thờ ơ!
Từ xưa đến nay mạng lưới phổ cập kiến thức bảo vệ của NTD Việt Nam còn sơ sài, trống trải. Những buổi hội thảo tuyên truyền về vấn đề ý thức tự bảo vệ mình cho NTD của Hiệp hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ NTD theo chính đánh giá của hiệp hội chỉ như muối bỏ bể. Các tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội thông tin các vấn đề trên còn ở mức giới hạn.
Chừng nào bản thân NTD Việt chưa ý thức được trách nhiệm của mình, chưa tập được thói quen đòi quyền lưu giữ hoá đơn chứng từ khi trao đổi, mua bán hàng hoá, thuê các dịch vụ, thì còn xa mới xây dựng được một toà án bảo vệ người tiêu dùng hữu hiệu ở Việt Nam!
-
Bình Dương
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |