221
10701
Bảo vệ người tiêu dùng
bvkh
/bvkh/
1298054
Nước mắt chợ ảo
1
Article
null
Nước mắt chợ ảo
,

Cái sung sướng của việc ngồi một chỗ, ghi mấy dòng thông tin về tên, địa chỉ, hẹn khách ngày giao tiền, nhận hàng, khiến cho người bán gặp ác mộng trong đời thực.

TIN LIÊN QUAN

Khái niệm chợ ảo (mua bán qua mạng) không còn mới mẻ với giới trẻ Việt. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù những người quản lý chợ (mod) luôn có lời cảnh báo về khả năng chạm mặt với những kẻ lừa đảo, cũng như liệt kê các địa chỉ, nick name, số điện thoại không đáng tin cậy, nhưng người mua lẫn người bán vẫn liên tục bị "sập bẫy" khi bước chân vào chợ ảo.

"Thượng đế" cũng phải khóc

Mô tả ảnh.

Những người bán hàng fake rất thích lấy ảnh từ các trang web nước ngoài

Nhận điện thoại của cô em đang sống ở TP Hồ Chí Minh, tôi chẳng biết nên thương hay nên giận khi nghe nó năn nỉ: "Chị chịu khó truy tìm vụ này giùm em đi. Bây giờ mà bắt em bay ra ngoài đó để đòi 10 triệu, chắc em chết quá!". "Vụ này" của em tôi chính là việc thu gom tiền của mấy chị em có con nhỏ trong phòng, chuyển khoản cho một seller (người bán hàng) ở Hà Nội, với giao ước: sau khi chuyển khoản thì sẽ nhận được một kiện hàng toàn bỉm giá rẻ (hàng loại 2 của công ty, được đóng thành 100 bỉm /bịch). Kết quả là tiền "bay" ra Hà Nội một tuần rồi vẫn không thấy hàng "bay" vào, em tôi sốt ruột gọi vào số điện thoại của người bán thì bặt vô âm tín. Nó chỉ còn nước cầu cứu tôi tìm đến địa chỉ mà người bán cung cấp.

Mặc dù cảm thấy việc mình đang làm sẽ trở nên vô nghĩa, tôi vẫn phải lóc cóc đi tới một ngõ hẻm của Hà Nội để tìm kẻ mình không biết mặt. Tới nơi, nhìn thấy "nhà riêng" theo như lời tự giới thiệu của người bán thực chất là quán game, tôi đành phải gọi vào TP Hồ Chí Minh, chính thức thông báo với cô em dại dột: 10 triệu thế là đã ngủ yên trong túi của một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó. Em tôi uất đến phát khóc. Tiền thì có thể trả dần cho mấy chị em trong phòng, nhưng cảm giác xấu hổ đeo đẳng em tôi mãi. Nó cạch luôn việc lang thang tìm đồ rẻ trên chợ ảo.

Những người có kinh nghiệm lang thang trên mạng thường nhìn vào số đông người mua để đánh giá mức độ tin tưởng của người bán. Tuy nhiên, tâm lý số đông đôi khi lại có tác dụng ngược. Việc hàng loạt thượng đế trên diễn đàn Lamchame.com mua phải khăn Mollis rởm với giá cao cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Topic thanh lý khăn Mollis của nick tuananhNA từng đứng ở trang nhất trong mục Thanh lý nhiều ngày liền vì rất đông người vào hỏi mua. Chỉ đến khi tuananhNA bán được "bộn" tiền rồi, một người mua mới mon men nhảy vào mục "Giải đáp thắc mắc" để phản ánh chất lượng hàng không như mong đợi. Chỉ chờ có vậy, một hàng dài người mua bên mục "Thanh lý" kéo nhau chạy qua mục "Giải đáp thắc mắc" để cùng than phiền: Khăn xấu, giá đắt, muốn đến xem tận nơi thì không cho địa chỉ, người đưa hàng bịt kín mặt mũi. Người bán vẫn nhất mực khẳng định: khăn xịn, hàng mua rồi miễn trả lại!

Phải đến khi vị khách mất nhiều tiền nhất (1,4 triệu đồng) đích thân đi hỏi nhân viên đại diện của hãng Mollis và được biết công ty không có hàng để bán chứ đừng nói chuyện thanh lý, kể cả hàng lỗi, người bán mới chính thức lộ bản chất lừa đảo bằng hành động tắt cả hai máy điện thoại cầm tay. Mod của mục "Mua sắm tiêu dùng" trên Lamchame.com chỉ còn biết khóa vĩnh viễn nick tuananhNA kèm cảnh báo: "Cẩn thận, người này không trung thực". Những người mua phải khăn rởm đành ngậm ngùi: thôi bỏ ra cả đống tiền để mua khăn về làm giẻ lau vậy!

Người bán bị nẫng tay trên

Kể chuyện với tôi về việc bị hớt khách, Khánh vẫn chưa hết bàng hoàng: "Rõ ràng em đã hẹn với khách là 2 ngày sau em giao hàng vì em đang hết mẫu khách cần, thế mà đến ngày hẹn, em gọi điện để đưa hàng thì khách ngạc nhiên hỏi em: "Hôm trước em đưa cho chị rồi mà?". Khách đọc cho em một số điện thoại lạ hoắc. Giờ vào mục cảnh báo của các diễn đàn mua bán, em mới biết là có một chiêu lừa mới: nhiều kẻ chỉ vào đọc giao dịch trên mạng rồi tự động gửi hàng đi cho khách, dù kẻ đó chưa từng có một topic đăng tin bán hàng nào!". Với Khánh, kèm theo thương vụ đổ bể là cảm giác bất an vì biết rằng có kẻ giấu mặt đang chơi xấu mình.

Mô tả ảnh.

Túi LV fake (hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng) được bán với giá 1,5 triệu đồng

Cái sung sướng của việc ngồi một chỗ, ghi mấy dòng thông tin về tên, địa chỉ, hẹn khách ngày giao tiền, nhận hàng, đôi khi lại khiến cho người bán gặp ác mộng trong đời thực. Nhiều người không những bị cướp khách theo kiểu của Khánh, mà còn mất đất làm ăn vì những kẻ thích đi cửa sau. Những kẻ giấu mặt này PM (nhắn tin riêng) cho khách của đối thủ, kêu gọi mua hàng với giá cạnh tranh hơn. Các mod của mục "Mua sắm tiêu dùng" gọi đó là cạnh tranh không lành mạnh. Hành động này nhẹ thì bị cảnh cáo, nặng thì bị treo nick. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bán phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì phần lớn thượng đế thích được mua hàng giá rẻ, dù chỉ là rẻ hơn một vài nghìn đồng và không biết người bán hàng mọc lên từ đâu.

"Thượng đế" sẽ không tố cáo kẻ đi cửa sau để cướp khách, trừ khi họ thấy hành động này đi ngược lại văn hóa mua bán, cần phải vạch mặt chỉ tên, hoặc họ có cảm giác đang bị lôi kéo vào một chuyện lừa đảo.

Cái giá của sự minh bạch

Một trong những tiêu chí về độ tin tưởng của việc mua bán trên mạng chính là việc đăng công khai thông tin cá nhân như tên, địa chỉ nhà, địa chỉ cơ quan, điện thoại (đặc biệt là điện thoại bàn). Tuy nhiên, những người cẩn thận sẽ phải tìm cách công khai ở dạng bán công khai, có nghĩa là chỉ khi giao dịch chắc chắn đến 90%, họ mới đưa ra thông tin về mình dưới dạng PM, để hạn chế rủi ro.

Người viết bài này đã từng mon men đi làm một tay buôn tất hạng bét, nhưng ngay từ ngày giao dịch đầu tiên đã phải nghĩ đến chuyện rút lui vì một cú điện thoại hơi bất thường. Một phụ nữ bỏ ra 30 phút cho tôi để đề nghị mua một lô hàng khổng lồ, dù tôi mới chỉ là newcomer member (thành viên mới) trong thế giới chợ ảo. Không có ai dại dột đi mua hàng với số lượng lớn ở một người bán chưa có uy tín trên mạng cả. Ngày ra quân mà đắt hàng, nghĩ cũng vênh vang lắm. Nhưng trong "kho" của tôi (thực chất là một cái tủ quần áo bé xíu) chẳng có đủ hàng, nên tôi (dù tiếc đứt ruột) vẫn phải lịch sự từ chối. Hai hôm sau, một senior member (cựu thành viên) nhỏ to với tôi rằng: "Có kẻ đang hỏi tìm tung tích của nàng để làm luật vì tội bán phá giá. Kẻ đó đang giả vờ mua hàng của nàng để tìm đến tận nhà dằn mặt!".

Thì ra luật bất thành văn trên chợ online cũng ngang với luật chống bán phá giá quốc tế! Một đôi tất tôi bán ra rẻ hơn người kia những 5 nghìn, thế thì tội nặng rồi. Ngay lập tức, tôi phải đưa thông tin chữa cháy: Giá trên chỉ có hiệu lực trong thời gian khuyến mãi làm quen với khách hàng, sau một tuần, giá sẽ tăng lên 4 nghìn để có tiền mua sữa nuôi con (tôi đã từng nghe chuyện một người bị khách trên chợ ảo dụ vào ngõ vắng để cướp tiền, rạch mặt nên thà để mất khách còn hơn bị giang hồ làm luật).

Cũng phải trả giá cho sự minh bạch này, không ít người kêu trời vì cứ nửa đêm về sáng lại bị nháy máy hoặc nhận những tin nhắn rủ đi qua đêm. Trong điện thoại của tôi vẫn còn lưu số điện thoại có đuôi 9036 của một gã tự ký tên là NKDUC đòi kết bạn. Gã tự giới thiệu, gã vừa bị người yêu bỏ, muốn kết bạn với tôi để "tìm hiểu tâm lý bạn gái". Nhắn qua nhắn lại mấy câu, thấy tôi "rắn mặt" quá, gã lịch sự xin lỗi rồi lui quân. Tôi toát mồ hôi vì sợ, chỉ muốn vào chợ ảo, xóa hết các thông tin khai báo về bản thân mình để được yên ổn.

(Theo ĐS&PL)

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng: (092)345-7799 hoặc (04)3772-2729.    

Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,