Chỉ nhìn thoáng qua các kệ hàng đã thấy thức ăn được để trong các tủ kính và trưng bày khá bắt mắt. Những tô bún, phở, cơm... khói bốc nghi ngút, hương thơm ngào ngạt được bưng ra cho khách hàng thưởng thức. Nhưng người bán hàng thì chỉ... bốc bằng tay.
TIN LIÊN QUAN
Khiếp hãi.... "công nghệ" chế biến
Thức ăn đường phố gây nguy hại đến sức khoẻ NTD |
Theo tìm hiểu của phóng viên, thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn của Bộ Y tế là: đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, phải được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải...
Tuy nhiên, nếu xét đúng theo 10 tiêu chí này, thì có đến 90% hàng quán hiện nay vi phạm về VSATTP.
Để mục sở thị về những mặt trái của thức ăn đường phố, phóng viên đã dạo quanh một tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Nhưng dường như cả người bán lẫn người tiêu dùng đều không để ý lắm đến điều kiện VSATTP. Sáng 10/5, phóng viên ĐS &PL vào một hàng phở có tiếng, rất đông người ăn trên phố Lò Đúc. Trong cửa hàng có treo tấm biển cam kết cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đóng dấu đỏ chót, nhưng thực chất bên trong thì thực khách lại... "xanh mặt". Nhìn những tô phở nóng nghi ngút khói, ít ai có thể nghĩ rằng chúng được làm ra từ những công đoạn cực kỳ mất vệ sinh. Thịt bò, hành, rau thì được để trong những cái rổ cáu bẩn, nhầy nhụa mỡ, xương bò được chất đống trên nền gạch bẩn thỉu. Cạnh đó, nhân viên rửa bát đũa trong một chậu nước đặc quánh mỡ. Bát đũa rửa và chỉ tráng qua một lần nước là xong. Đúng là khuất mắt trông coi, vậy mà quán này lúc nào cũng đông khách.
Gần trưa, hàng chục gian hàng khu ăn uống chợ Thành Công đang nhộn nhịp chế biến các món ăn. Chỉ nhìn thoáng qua các kệ hàng đã thấy thức ăn được để trong các tủ kính và trưng bày khá bắt mắt. Những tô bún, phở, đĩa bánh cuốn, cơm... khói bốc nghi ngút, hương thơm ngào ngạt được bưng ra cho khách hàng thưởng thức. Nhưng người bán hàng thì chỉ... bốc bằng tay. Anh bạn tôi nói: "Có một hàng cơm trên đường Mai Dịch, hầu như lần nào ăn cơm rang ở đấy anh cũng "chạy vắt chân lên cổ". Tại đó, khách lúc nào cũng đông nghẹt. Thực khách của quán ăn này chủ yếu là sinh viên (giá một đĩa cơm suất 15.000 đồng). Quán nằm ngay bên cạnh dòng nước cống đen ngòm, cuộn váng mỡ, bụi bẩn trong khi thức ăn để lộ thiên trên bàn". Khi được hỏi, Hà- một sinh viên tặc lưỡi: "ăn cho xong chứ làm gì có quán nào tử tế!".
11giờ 30 ngày 10/5, bước chân vào quán lòng lợn tiết canh trên phố Hàng Giấy. Khách đông nườm nượp. Tiếng chặt, thái rộn cả lên. Tôi được hướng dẫn leo theo cầu thang bám bụi lên tầng hai. Tại đây, khách ngồi la liệt ra sàn, kèm theo nào là đậu rán, mắm tôm, lòng lợn, rau sống. Mâm của nhóm bạn tôi có 7 người, chủ nhà mang ra thêm một cái bát và đôi đũa. Bát thì vẫn còn nhờn nhờn váng mỡ, đũa hơi mốc. Nhưng ghê nhất là bên ngoài bát vẫn dính... tiết canh!
Tan cuộc, tôi xuống dưới nhà, đi qua khu bếp để vào chỗ vệ sinh. Một cảnh tượng ngổn ngang hiện ra: Phía trong bếp từng đám cặn bẩn bám đầy trên tường, rau để la liệt dưới mặt đất, nhân viên cửa hàng vơ lại, nhúng nhúng qua một hai nước rồi bày lên đĩa. Bát xếp từng chồng dưới mặt đất. Hãi hùng hơn là những bát tiết canh được phơi trần chờ đông kết, làm mồi cho đám ruồi nhặng. Lòng lợn sống được vứt chỏng trơ dưới nền đất chưa kịp làm... Đúng là khuất mắt trông coi. Vẫn biết là bẩn đấy, nhưng bàn dân thiên hạ vẫn ăn thì mình cũng ăn!
Một lần khác, ăn ở quán bún riêu khá nổi tiếng trên phố Thi Sách, tôi thấy người phụ nữ vừa dùng chiếc khăn lau bàn rồi tiện tay lấy đúng cái khăn đen bẩn ấy để lau chồng bát trước mặt rồi cho bún, cho nước dùng vào mang ra cho khách. Tôi góp ý và nhận được thái độ khó chịu của người phụ nữ này. Có lẽ họ đã quá quen với chuyện mất vệ sinh!?
Một số hàng bánh khoai, bánh rán vỉa hè do tiết kiệm nên họ không dùng dầu ăn đóng chai mà họ mua mỡ lợn ở chợ về rán ra lấy mỡ dùng chế biến các món bánh. Họ thường mua những loại mỡ giá rẻ không rõ nguồn gốc, kể cả là mỡ đã ôi thiu, miễn làm sao giá thành càng rẻ càng tốt. Đại đa số khách thường không để ý đến "công nghệ" chiên rán của chủ hàng mà cứ sà vào thấy bánh nóng là ăn. Nhưng, một số người kỹ tính để ý quan sát "hậu trường" của việc chế biến (dùng tay nhào nặn bột, rồi lại vớ lấy cái giẻ lau ghế cho khách...) mới thấy sợ và không bao giờ dám bén mảng tới những hàng bánh rán ven đường nữa. Khi tận mắt nhìn thấy bà chủ hàng đổ ca dầu đen kịt vào chảo, tôi hỏi: "Cô làm như vậy không sợ mất khách à?”. Bà chủ hàng thản nhiên trả lời: "Mỡ dầu dùng lại rán bánh ăn có sao đâu! Ngày nào các cháu tôi chẳng ăn - không vấn đề gì"?
Giấy gì cũng đạt... "chuẩn"!
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: "Nhiều năm nay chúng ta không giải quyết "ra ngô ra khoai" vấn đề VSATTP bởi còn vấp phải nhiều cái khó. Nói hài hước là "nỗi khổ" của sự liên ngành - sự quản lý chồng chéo hiện tại đã gây ra một cơ chế giẫm chân lên nhau. Ví dụ: Khi trung tâm y tế dự phòng của tỉnh hoặc thành phố kiểm tra, phát hiện cơ sở sai phạm, nhưng lại không được quyền xử phạt mà phải "mời" thanh tra Sở Y tế đến xử phạt. Thanh tra Sở Y tế phải đi thanh tra lại rồi mới có quyết định xử phạt như thế nào. Thế nên mới có chuyện, các cơ sở vi phạm chỉ bị đình chỉ khi có đoàn kiểm tra, sau khi đoàn đi vẫn tiếp tục bán hàng...".
Khi được hỏi, chủ cửa hàng bán đồ ăn nào cũng đưa cho chúng tôi xem đủ loại giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của cơ quan y tế. Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng tuần, đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của thành phố vẫn đi kiểm tra. Chưa kể, sự giám sát ở phường, quận, rồi kiểm tra đột xuất. Nhưng nếu chỉ so sánh giữa thực tế cả nước hiện chỉ có khoảng 300 thanh tra y tế, kiêm nhiệm luôn VSATTP, dụng cụ thì thiếu thốn, việc kiểm tra chủ yếu thực hiện "bằng tay, bằng mắt", thì liệu rằng những loại giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn kia có bảo đảm khi ăn đồ ăn ở cửa hàng ấy, người dân sẽ không bị ảnh hưởng đến sức khoẻ?.
Các cơ sở vi phạm chỉ bị đình chỉ khi có đoàn kiểm tra, sau khi đoàn đi vẫn tiếp tục bán hàng..
Theo ông Phong, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng. "Tôi cũng có nghe nhiều trường hợp phải nhập viện vì thức ăn không đảm bảo. Tại Khoa Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có vài trường hợp phải... nhập viện", ông Phong nói.
Dán tem kiểm định
Chuyện về thức ăn đường phố đã tốn không ít giấy mực của báo chí, tuy nhiên người dân vẫn "khuất mắt trông coi". ông Phong cho biết, tại Trung Quốc, các loại hình kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố cũng phong phú, đa dạng như ở ta. Cách đây 15 năm, tình trạng không bảo đảm đủ nước sạch vệ sinh dụng cụ, nước sau khi rửa bát đũa cũng vung vãi ra đường...
Những năm gần đây tình trạng này cơ bản được giải quyết bằng cách thành lập các trung tâm xử lý dụng cụ, bát đũa phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố - các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố không được tự rửa dụng cụ bát đũa sau khi sử dụng mà các trung tâm xử lý hằng ngày có xe chuyên dụng, các buổi sáng sớm cung cấp đều đặn số lượng chủng loại bát đũa đã được vệ sinh sạch sẽ theo yêu cầu của các cửa hàng. Còn trong ngày nếu có nhu cầu sử dụng thêm chỉ cần gọi điện đến trung tâm sẽ được cung cấp ngay. Mỗi loại bát, đũa, thìa, đĩa sau khi làm vệ sinh ở trung tâm đều được dán tem kiểm định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể tự kiểm tra - nếu thấy cơ sở kinh doanh nào không sử dụng bát, đũa, thìa, đĩa chuyên dụng sẽ phát hiện ngay.
Tuy nhiên, nếu áp dụng vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta thì không dễ dàng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng đã cấp giấy đạt "chuẩn" thì cũng cần có cơ chế kiểm định (dán tem kiểm định) chất lượng VSATTP.
(Theo Đời sống & Pháp luật)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |