Nhiều khách hàng chưa rõ món hàng họ mua được bảo hành thế nào khi máy bộ hết thời gian bảo hành, song linh kiện còn thời gian bảo hành.
TIN LIÊN QUAN
Khi mua hàng công nghệ, khách hàng nên hỏi rõ các phiếu bảo hành trọn bộ và linh kiện để hạn chế rủi ro
Không chỉ có máy tính để bàn nguyên bộ (được hiểu là thùng CPU, chỉ cần thêm màn hình là sử dụng) nhập khẩu của Acer, HP, Dell…, trên thị trường còn có nhiều nhãn hiệu do các công ty trong nước lắp ráp như: PV (Phong Vũ lắp ráp), Toky (Hoanlong Computer), BK (Bách Khoa Computer)…
Khi khách hàng mua máy tính để bàn dạng bộ, ngoài phiếu (hoặc sổ) bảo hành trọn bộ, tuỳ theo chính sách của từng công ty mà phiếu bảo hành linh kiện (kèm theo) có được đến tay khách hàng hay không.
Bảo hành: từ tổng thể tới bộ phận
V., nhân viên bán máy tính để bàn của siêu thị Phong Vũ (quận 1, TP.HCM) cho biết, hiện nay, trong chiếc máy bộ PV, ngoài phiếu bảo hành trọn bộ, nơi bán sẽ cung cấp thêm cho khách phiếu bảo hành dành riêng cho linh kiện CPU. “Những linh kiện còn lại, chỉ có tem của nhà nhập khẩu và tem bảo hành của nơi bán”, V. cho biết thêm.
Một nhân viên của phòng kỹ thuật Phong Vũ cung cấp thêm thông tin: “Nếu khách hàng mua linh kiện lẻ, tuỳ theo chính sách của từng nhà phân phối mà có hay không có phiếu bảo hành riêng. Nhưng một quy định phải có là tem của nhà phân phối và nhà bán lẻ. Hiện nay, chỉ có máy bộ, máy tính xách tay, máy in, máy scanner..., mới có phiếu bảo hành riêng. Trên phiếu bảo hành có ghi rõ các điều kiện bảo hành, địa chỉ bảo hành, quyền lợi của khách hàng… Khách hàng phải xuất trình phiếu bảo hành khi bảo hành sản phẩm trực tiếp tại trung tâm bảo hành ghi trên phiếu hoặc tại cửa hàng Phong Vũ”.
Tại Hoanlong Computer, khi mua máy bộ Toky, ngoài sổ bảo hành trọn gói cho máy, khách hàng còn được kèm theo phiếu bảo hành cho linh kiện, mà ở đây cũng là phiếu bảo hành cho CPU của Intel. “Những linh kiện khác không có phiếu bảo hành mà chỉ có tem bảo hành dán trên linh kiện. Nếu có phiếu bảo hành riêng, chúng tôi đưa cho khách chứ giữ làm gì”, A.T, nhân viên bán hàng của Hoanlong Computer nói như vậy.
Chỉ có phiếu bảo hành chung
Cùng là máy bộ do các doanh nghiệp tự lắp ráp nhưng nhiều nhãn hiệu sản xuất trong nước như BK của Bách Khoa Computer, CMS của CMC…, chỉ có phiếu bảo hành chung cho chiếc máy với thời gian là hai năm kể từ ngày mua. Ông Võ Văn Nghĩa, đại diện Bách Khoa Computer giải thích: “Chúng tôi đã tính toán và chịu trách nhiệm với khách hàng một bộ máy hoàn chỉnh với thời hạn hai năm. Trong thời gian đó, nếu có trục trặc sẽ được tính vào hệ thống chứ không tính riêng lẻ. Khi chọn mua máy bộ, ngoài phiếu bảo hành trọn bộ, nên chọn cách bảo hành có phiếu bảo hành linh kiện kèm theo
Còn khi khách hàng chọn linh kiện nhờ chúng tôi lắp ráp, linh kiện nào có phiếu bảo hành riêng sẽ đưa hết cho khách hàng”. Theo cách giải thích của ông Nghĩa, việc bảo hành trọn bộ đã được tính vào giá thành cũng như nơi sản xuất chịu trách nhiệm bảo hành cho những linh kiện chỉ có thời gian là một năm.
Ông Lương Lễ Trân, giám đốc chi nhánh CMS tại TP.HCM cho biết, chiếc máy để bàn CMS được bảo hành từ 1 - 3 năm tuỳ theo giá của từng nhóm sản phẩm. “Trong chiếc máy không hề có tem bảo hành của bất kỳ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối nào mà chỉ có tem của CMS vì chúng tôi là nhà sản xuất theo dạng đối tác OEM (original equipment manufacturer - sản xuất theo dạng hợp đồng) với các hãng sản xuất linh kiện khác trên thế giới, vì vậy chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm toàn bộ về sản phẩm của mình làm ra”, ông Trân giải thích thêm.
Cũng theo ông Trân, vì là nhà sản xuất OEM nên không bị các đối tác yêu cầu phải giao phiếu bảo hành như hàng lắp ráp.
Cái lý mà các nhà bảo hành trọn gói cho sản phẩm của mình là “tập trung một đầu mối” bảo hành của nhà sản xuất, thay vì phải để cho khách hàng phải bảo hành ở từng trung tâm theo ý thích của khách hàng. “Chúng tôi làm ra hàng thì phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều khách hàng chưa rõ món hàng họ mua được bảo hành thế nào khi máy bộ hết thời gian bảo hành, song linh kiện còn thời gian bảo hành. Ông Lê Hoàng Sơn, phó giám đốc công ty Viễn Sơn, nhà phân phối linh kiện mainboard, card màn hình giải thích: “Trong trường hợp máy bộ đã hết bảo hành, nếu những linh kiện còn thời gian bảo hành, có thể đem linh kiện đến các nhà phân phối để được hưởng quyền bảo hành vì tem bảo hành có trên sản phẩm. Với Viễn Sơn, có thể căn cứ vào số series của linh kiện để thực hiện bảo hành cho người tiêu dùng”.
Cách làm nào cũng có ưu điểm riêng, nhưng theo ý kiến của một chuyên gia trong nhóm hàng này, nếu mua hàng trong nước sản xuất, nên chọn cách bảo hành có kèm theo phiếu bảo hành (hoặc tem bảo hành) vì quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục được nhà phân phối linh kiện bảo đảm sau khi thời gian bảo hành trọn bộ đã kết thúc.
(Theo SGTT)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |