Vừa vào hè, hàng ngàn hộ dân đã phải "tích cực" ăn củ quả, không dùng máy giặt, đi tắm nhờ nhà người thân và dùng 1 chậu nước cho rửa rau, vệ sinh chân tay, dội toilet...
Uống nước giếng khoan, ăn củ quả để tiết kiệm nước
Mới đầu tháng 5, người dân làng Thành Công (Láng Hạ, Hà Nội) đã khốn khổ vì thiếu nước máy. Cao điểm nhất là thời điểm từ 9/5, bà con cho biết nước rất yếu hay thậm chí mất nước hoàn toàn.
|
|
Những chiếc bể ngầm cạn nước tại khu vực làng Thành Công, Hà Nội. Ảnh H.D |
Riêng tại 5 tổ dân cư tại làng Thành Công ngày 12/5/2010, hầu hết các nhà phải thức từ 2-3h sáng để trực bơm hút nước. Ông Đỗ Minh Đễ, bí thư chi bộ Làng Thành Công cho biết, "Làng Thành Công có 645 hộ dân thì có khoảng 25% số hộ không có bể ngầm mà dùng nước trực tiếp từ vòi. Trong thời gian mất nước này, nhà nào có bể ngầm thì còn túc tắc được với số nước dự trữ, còn những nhà dùng trực tiếp ở vòi rất khó khăn, phải đi xin từng xô nước nước".
Nhiều nhà như gia đình chị Lụa (tổ 2, làng Thành Công) phải đấu trực tiếp từ vòi ngay sát đồng hồ nhưng cũng không lấy nổi nước. "Đã 3 đêm liền tôi chầu chực từ 2h đêm mà có đêm cũng không có ít nước nào. Muốn dùng lại phải sang xin hàng xóm", chị Lụa nói. Thậm chí, có những nhà dù thuộc tổ 4 (được coi là tổ đầu nguồn-PV) như nhà anh Lộc phải chấp nhận uống nước lọc đun từ nước giếng khoan vì không biết xin nươc máy ở đâu.
|
|
Dù vòi cao hay thấp, không một giọt nước. Ảnh H.D |
Hàng trăm hộ dân khác tại ngõ 39 Hào Nam, Hà Nội cũng chung cảnh ngộ. Từ 3-4h sáng, gia đình chị Mai Hương (tổ 112, ngõ 39 Hào Nam) phải thức dậy để bơm nước nhưng "nước quá ít, không đủ để bơm". Còn gia đình bác N. (tổ 50B) chỉ dám mua rau củ như bầu bí, su hào, ... để "không phải rửa nhiều" hay nếu giặt quần áo, gia đình cũng cho biết cũng chỉ dám dùng đến... hơn 1 chậu nước.
Bà Nguyễn Thị Nhiễm, tổ phó tổ dân cư 50B ngõ 39 Hào Nam cho biết, "tình hình nước hiện nay ở khu vực chúng tôi là không ổn định chứ không hoàn toàn mất hẳn. Cũng có một số hộ ở cuối nguồn hay đi làm cả ngày là bị mất nước hẳn phải đi xin các nhà lân cận".
"Hiện nay, các hộ có đủ khoảng 80% nước sạch để ăn uống còn nước để sinh hoạt có rất ít. Nước đủ dùng nhưng không phải là thoải mái. Các gia đình không dám sử dụng máy giặt., bà Nhiễm nói.
|
Nếu có, nước cũng chỉ chảy nhỏ giọt. Ảnh H.D |
Chung tình trạng trên, chị Nguyễn Thu Lý, cụm 13 phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng phản ánh gia đình chị đã sống trong tình cảnh "không nước" suốt... 9 ngày nay. Chị và người em gái gần như không về nhà, hoàn toàn tá túc bên ngoài vì có về thì... cũng không có nước để sống. Chị cho biết những người xung quanh nhà chị, nếu sống ở nhà đành chấp nhận mua nước theo can 20 lit với giá 35 - 40 nghìn đồng.
Chị Lý nói, khu vực cụm 13 được chia thành 2 khu A và B. Khu B chị đang ở có địa hình cao hơn khu A nên hiếm nước. Chị trách: "Khi thi công đường ống, phải hoạch toán sao cho nước có thể bơm lên mức cao nhất để dân dùng được chứ? Sao lạo để cảnh nhà có nước, nhà phải dùng máy bơm hạng nặng để hút may chăng lúc được lúc không?"
Chuyện muôn thuở: mất điện là mất nước
Trao đổi với phóng viên báo VietNamNet, ông Đào Quang Minh, Phó giám đốc Kĩ thuật Xí nghiệp (XN) kinh doanh nước sạch Đống Đa cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước không ổn định, mất nước tại những khu vực trên, nguyên nhân chủ yếu được nhấn mạnh là điện và chất lượng điện cung cấp cho nhà máy không ổn định làm giảm áp lực nước đến những khu vực có địa hình bất lợi.
|
Tự giác nhắc nhau tiết kiệm nước, người dân vẫn thiếu nước. Ảnh H.D |
"Địa bàn Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa quản lý có một số khu vực cốt địa hình bất lợi, cao hơn cốt địa hình chung lên đến 2-3m nên khi chất lượng điện không ổn định hay mất điện, những khu vực này rất dễ bị ảnh hưởng dẫn đến mất nước, nước yếu, không ổn định. Chỉ 1 lần nháy điện 1 phút thôi cũng có thể gây xáo trộn từ 1-2h. Vì vậy, khi mất điện kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ, những vị trí bất lợi, có cốt địa hình cao có thể bị ảnh hưởng 1-2 ngày", ông Minh giải thích.
Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết, dư âm của sự cố vỡ lớn trên tuyến dẫn chính ở đường Phạm Văn Đồng, Đại Cổ Việt và nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến trong mùa hè là những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu nước tại những khu vực trên.
Riêng đối với khu vực cụm 13 phường Trung Liệt, ông Minh cho biết đây là khu vực có cốt địa hình cao xấp xỉ cốt địa hình khu vực Đê La Thành nên cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng trong thời gian qua. "Hiện nay, khu vực này có khoảng 20 hộ chịu thiếu nước trầm trọng nhất. Đầu tháng 5/2010, công nhân Xí nghiệp đến khu vực để kiểm tra đường ống để khắc phục tình trạng cung cấp nước. Tuy nhiên, những hộ dân tại khu vực lại cản trở không đồng ý thi công. Trong đầu tuần tới, chúng tôi sẽ sắp xếp làm việc với UBND phường Trung Liệt để giải thích cho người dân tạo điều kiện cho ngành nước tiến hành thi công".
Theo ông Minh, phương án cung cấp nước cho người dân cụm 13 phường Trung Liệt bằng xe téc cũng đã được tính đến. Nhưng đây là khu vực nằm trong ngõ nhỏ, cách xa đường nên để lấy được một xô nước, người dân phải xách khá xa. "Mong muốn của người dân là cung cấp nước trực tiếp qua vòi. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cần tình hình điện ổn định và sự ủng hộ của người dân trong việc khắc phục sự cố".
Ông Minh cho biết, thời gian tới được dự báo là nắng nóng kéo dài lại có thể mưa nhiều khiến cho tình trạng cung cấp nước trở nên đáng ngại hơn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước của người dân đang tăng đột biến, cao hơn 1,3 đến 1,5 lần so với quy định. " Trong 1-2 tuần tới sẽ bổ sung thêm nguồn giếng nước để cung cấp cho người dân. Tôi tin tình hình cung cấp nước năm 2010 sẽ bằng và tốt hơn năm 2009", ông PGĐ hứa.
|
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !
Đường dây nóng: (092)345-7799 hoặc (04)3772-2729.
|
Email: bvkh@vietnamnet.vn
|