Không chỉ bị móc túi vô lý vì hàng loạt hàng hóa, dịch vụ bị doanh nghiệp đẩy giá lên cao, người tiêu dùng đang bị rút ruột hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm vì nạn cân điêu (cân bị làm lệch chuẩn, ăn bớt trọng lượng hàng hóa).
TIN LIÊN QUAN
Kỳ 1: Mất 12.000 tỷ đồng mỗi năm
Khi đi chợ, người tiêu dùng luôn mặc cả từng trăm đồng nhưng việc họ móc túi hàng nghìn đồng vì bị cân thiếu lại không hay biết gì. Do thiếu sự quan tâm của cơ quan chức năng và người tiêu dùng, nạn cân điêu đang hoành hành ở hầu hết các chợ trong cả nước, điển hình là Hà Nội và TP HCM.
Mỗi kg ăn bớt 1 - 2 lạng
Gần chợ Xanh (Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khi chúng tôi hỏi mua 3 kg cam của một người phụ nữ bán rong, chị khẳng định hàng của chị là chuẩn mà còn rẻ nhất tại đây. Tuy nhiên khi đem về nhà cân thử, khối lượng thực còn… 2,7 kg.
Ở chợ cóc ngõ Gốc Đề, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi vào một quầy hoa quả hỏi mua dưa hấu, thật bất ngờ khi kim trên đồng hồ cân chỉ 2,4 kg, nhưng chị bảo là 2,2 kg và lấy giá 10.000 đồng mỗi kg. “Em là khách quen nên lấy cho chuẩn”, chị bán hàng giải đáp thắc mắc.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Hương, phố Đoàn Thị Điểm (quận Đống Đa) cho biết: “Ối giời, dân bán hàng hoa quả rong cân điêu nhan nhản đầy đường nhưng chẳng nhẽ đi mua lại cứ khư khư vác theo cái cân. Một lần hám rẻ mua 4 kg cam của một cô bán rong trong ngõ, về cân lại chỉ thấy còn 3,5 kg”
Nắm tâm lý thích mặc cả của khách, nhiều người sẵn lòng chiều, nhưng sẽ cân điêu.
.
Tại TP HCM, ở những chợ được coi là “điểm nóng” như Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai (Tân Bình) Bình Triệu (Thủ Đức) Bà Chiểu (Bình Thạnh)…, mức gian lận phổ biến là 10% - 20% khối lượng thực tế, tập trung vào các nhóm hàng gạo, đường và rau củ quả các loại. Nằm kế chợ Bà Chiểu, con hẻm nhỏ đối diện Bệnh viện nhân dân Gia Định (Bình Thạnh) là điểm tập kết của những sạp bán trái cây, nơi cũng nổi tiếng về… cân thiếu. Khi chúng tôi hỏi mua 1 kg thanh long, cô bán hàng nhanh nhảu đưa hai trái lên cân đon đả: “Gần một ký mốt, nhưng tính một ký thôi để lần sau nhớ hàng em còn ghé lại”. Trong khi chờ trả lại tiền thừa, tôi đặt chai nước 500 ml lên kiểm tra cân, đồng hồ chỉ hơn 6 lạng.
Thích mặc cả thì hưởng… cân điêu!
Không chỉ có vậy, trên đường Nguyễn Thái Sơn (TP HCM), khi chúng tôi phát hiện 6,5 kg dưa Thái cân lại chỉ còn 5 kg, chị chủ hàng giận giữ, giật phăng hai trái dưa lại lầm bầm: “Giá một cân 6.000, bán cho 5.000 đồng còn đòi gì nữa”.
Nắm tâm lý khách thích mặc cả, nhiều người bán sẵn lòng chiều nhưng đổi lại sẽ cân điêu. Vào một quầy hàng hoa quả ngay cửa chính của chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi mua 4 kg cam sành, bà chủ phát giá 25.000 đồng một kg. Sau khi mặc cả, giá bán là 18.000 đồng, nhưng đem về cân cam bị “ngót” còn hơn 3 kg. Trong khi đó, giá cam trên thị trường phổ biến là 18.000 - 19.000 đồng. Ghé thăm chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) mới thấy hết sự sinh động của vấn nạn này, bởi các mặt hàng tại đây được chào bán với giá khá hời, tuy nhiên khi mua về cân lại thì đó là giá cắt cổ vì có trường hợp bị cân thiếu tới 300 gr cho mỗi kg.
Có rất nhiều người bán trái cây hay rau củ quả trên các xe đẩy 3 - 4 bánh tự chế dọc các tuyến đường Đường 5 (Hải Phòng - Hà Nội), Láng (Hà Nội) Nguyễn Thái Sơn (đoạn giáp gianh giữa hai quận Tân Bình và Gò Vấp, TP HCM), Kha Vạn Cân (Thủ Đức)… Trái cây các loại được đổ bên vệ đường, trưng giá rẻ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu… mặc cả, nhưng thiếu cân là chuyện thường ngày ở đó.
Truy trách nhiệm ban quản lý chợ
Theo thống kê của Sở Công thương TP HCM, trong tháng 3 vừa qua, lượng rau củ, trái cây tiêu thụ tại ba chợ đầu mối đạt 138.178 tấn. Lượng thịt lợn về các chợ đầu mối trong tháng đạt 10.686 tấn. Lượng thủy hải sản đạt 14.969 tấn. Tại Hà Nội, tổng lượng lương thực tiêu thụ trung bình trong một tháng đạt khoảng 80.000 tấn, rau củ quả 75.000 tấn, thực phẩm các loại đạt 21.500 tấn…
Theo một chuyên gia kinh tế, mỗi kg bị ăn bớt 100 gr, làm phép tính đơn giản sẽ thấy, trung bình mỗi tháng, người dân tại Hà Nội và TP HCM bị móc túi 69 - 77,5 tỷ đồng khi mua rau củ (tính trung bình 5.000 đồng một kg), xấp xỉ 300 tỷ đồng khi mua trái cây (với giá trung bình 20.000 đồng một kg), 60 – 70 tỷ đồng khi mua thực phẩm các loại... Nếu tính trong cả nước, mỗi tháng, người tiêu dùng bị móc túi khoảng 1.000 tỷ đồng (mỗi năm 12.000 tỷ đồng). Như vậy, chỉ tính riêng ba mặt hàng rau củ, trái cây và thực phẩm, bình quân mỗi ngày người tiêu dùng trong cả nước bị “móc túi” hơn 30 tỷ đồng vì cân điêu.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khi xảy ra tình trạng cân điêu, phải truy trách nhiệm từ ban quản lý các chợ. “Tình trạng cân điêu tràn lan lâu nay, người đi chợ nào cũng biết, lẽ nào ban quản lý các chợ lại không nắm được để xử lý?”, ông Phú nói.
(Theo Đất Việt)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |