- Bếp ga Rinnai giá giảm 1 nửa bán dạo khắp nơi. Người tiêu dùng hỏi đó có phải hàng chính hãng và đề nghị Rinnai phân biệt hàng giả, Rinnai im lặng.
Bếp gas bán dạo: Quả bom dễ phát nổ / Sư giả tràn về nông thôn bán rong hàng lừa / Những gánh ’xiếc lừa’ lưu động
Hàng hiệu cũng nói thách, mặc cả
Thông tin về việc bếp ga Rinnai giả bán dạo trên thị trường lừa đảo NTD đã được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bếp ga Rinnai âm, "made in Japan" giá rẻ, bán trên các xe ôtô dọc nhiều trục đường hoặc được đem tới các khu dân cư chào bán. Và loại bếp này được nhiều người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn.
Nhiều người tiêu dùng sau khi chi tiền mua bếp, nghi ngại về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm đã báo tin đến VietNamNet.
Chị Nguyễn Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) mới đây mua một bếp ga Rinnai âm có in dòng chữ "Made in Japan" với giá 1.200.000 đồng tại chợ. Sau khi đã thanh toán tiền, chị thấy nhiều khách hàng khác cũng mua sản phẩm này với mức giá còn rẻ hơn, chỉ khoảng 900.000 đồng, 1.000.000 đồng. Chiếc bếp chị mua không có giấy bảo hành.
Là người cẩn thận nên chị Hạnh chưa dám nối ga, sợ bếp phát nổ. Phản ánh với VietNamNet chị mong muốn nhà sản xuất tư vấn, khuyến cáo để quyết định dùng chiếc bếp vừa mua hay không.
Chị Vũ Thị Hoài (Hà Nội) thì cho biết, chị cũng rất lo lắng về chiếc bếp Rinnai mà nhà chị đang dùng. Bếp này do một nhóm người tự xưng là nhân viên của Rinnai đến nhà chị chào bán. Nghe họ giới thiệu về chương trình khuyến mại giảm giá 50%, chị Hoài không ngần ngại mua 1 chiếc với giá 760.000 đồng.
Nhưng sau đó chị Hoài được biết bạn chị mua được 1 chiếc bếp đúng loại này cũng tại nhà với giá chỉ 300.000 đồng nhờ... mặc cả khéo.
Bếp ga Rinnai chị Hoài mua giá rẻ liệu có phải quả bom trong nhà?
Sau khi sử dụng một thời gian và thấy nhiều mùi ga khi đun nấu, thỉnh thoảng lửa bếp phụt lên bất thường, chị Hoài đến một cửa hàng của Rinnai để so sánh. Chị nhận thấy chiếc bếp nhà chị có nhiều điểm khác biệt với bếp cùng loại bày bán tại đây. Ví dụ: 5 hình sao trên bếp chị mua nhỏ hơn 5 hình sao trên bếp ở cửa hàng. Dòng chữ "Made in Japan" trên bề mặt nhỏ hơn, in ở góc bếp, trong khi trên bếp ở cửa hàng dòng chữ này to và in dài hơn. Các ký hiệu ở góc bên phải cũng khác nhau.
Chị Hoài nghi bếp nhà chị là giả và rất muốn hãng Rinnai kiểm tra để xác minh hàng thật - giả. "Nếu có hàng giả, công ty nên chỉ ra sự khác biệt, cách nhận biết để cảnh báo khách hàng ngưng dùng, tránh được nguy cơ chiếc bếp như một quả bom có thể phát nổ" - chị nói.
Bếp Rinnai bán dạo: không phải việc của Rinnai?
VietNamNet đã chuyển các phản ánh trên đến đại diện của công ty TNHH Rinnai Việt Nam và đề nghị công ty xác nhận về bếp ga Rinnai bán dạo, cảnh báo người dùng nếu Rinnai không có kênh bán hàng này. Tuy nhiên 1 tháng sau, chưa thấy câu trả lời.
Trong khi chờ "phúc đáp" của Rinnai, một số người đành "đắp chiếu" chiếc bếp mà họ lo ngại nếu nối ga thì có thể phát nổ. Một số đánh liều dùng, nơm nớp sợ có ngày bếp thành... bom. Một số thì hy vọng: Có thể hãng lớn cũng có lúc ế khách, phải đi bán dạo, xả hàng hạ giá?
Nhiều người tiêu dùng khá ngạc nhiên về Rinnai - một "thương hiệu" tên tuổi lại bình chân như vại trước nghi ngại của khách. Và lạ lùng nhận ra một nhà cung cấp có một không hai: chẳng "ngán" chuyện hàng giả, càng không ngại nguy cơ hàng ngàn khách hàng hoãn ý định mua sản phẩm của mình.
Sau 1 tháng chờ đợi, một khách hàng Rinnai nói: "Chẳng lẽ lời khẩn cầu của chúng tôi bị bỏ ngoài tai? Chúng tôi không tin Rinnai lại dửng dưng với những sự việc có thể ảnh hưởng thương hiệu uy tín của họ, và giả điếc trước an nguy của nhiều gia đình".
-
Bình Dương
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |