- Khách hàng đến 4 ngân hàng để chuyển gần 3 triệu tiền xu vào tài khoản của mình, đều bị cả 4 từ chối.
Ngân hàng lắc đầu với tiền xu
Trước Tết, chị Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) cầm gần 3 triệu tiền xu gồm các mệnh giá 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng đến ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản. Nhưng vào cả 4 ngân hàng khác nhau thì cả 4 nơi chị đều từ chối. "Nhân viên ở mấy ngân hàng này đều trả lời không nhận tiền xu, nếu muốn thì lên trung tâm..."- chị kể.
Cầm tiền xu đi chợ dễ không mua được gì- Ảnh : B.D
Chị Nga là chủ của một cửa hàng. Khi giao hàng lẻ cho nhiều nơi, nhân viên vẫn nhận tiền thanh toán bằng tiền xu. Nhưng khi nhập hàng về, chị trả bằng tiền xu lại bị từ chối. Nguyên nhân được đưa ra nghe rất quen thuộc: tiền xu vừa nặng, nhanh xỉn, lại dễ rơi, thất lạc và khó đếm, khó cầm với số lượng lớn. Vẫn nhận tiền xu nhưng đem đi tiêu thì không được, chị Nga mới phải cất công đi vài ngân hàng mà vẫn không... lưu thông được tiền!
Một trường hợp khác, chị H. (Hà Nội) cũng phản ánh việc không đổi được tiền xu tại một ngân hàng ở Chương Dương. Chị cho hay, "số tiền đem đi tiêu không ai nhận nhưng khi đi đổi thì nhân viên tại đây trả lời do ngân hàng Trung ương không thu tiền xu."
Người dân có quyền khởi kiện
Theo ông Nguyễn Tất Huynh, Phó cục trưởng Cục Phát hành - Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: đến nay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chưa tuyên bố bỏ đồng tiền xu, vẫn quy định tất cả các ngân hàng, tổ chức tính dụng, kho bạc Nhà nước phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thu nhận tiền của dân.
Việc không nhận tiền xu trong thanh toán là vi phạm khoản 4, điều 3, quyết định số 130 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/6/2003, nêu rõ: "Nghiêm cấm mọi hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam".
Các loại tiền xu vẫn có giá trị lưu hành và thanh khoản. Khi đến bất cứ ngân hàng, tổ chức tín dụng nào hay kho bạc nhà nước mà nhân viên, cán bộ không thu nhận tiền xu, người dân có quyền khởi kiện ra toà hành chính. Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các ngân hàng để xảy ra tình trạng này nếu có phản ánh của người dân dưới mức khởi kiện.
Xu lẻ VN tủi phận vô thừa nhận
Hầu hết các nước, kể cả nước có hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt phát triển thì tiền kim loại vẫn được sử dụng phổ biến, bởi những lợi ích của tiền kim loại mang lại.
Ảnh minh hoạ: Internet
Ở Việt Nam, tiền kim loại chưa được sử dụng nhiều, không chỉ do nguyên nhân mang tính kỹ thuật (đồng tiền bị xỉn màu) mà còn bởi tập quán, thói quen của NTD, cũng như sự phát triển chưa đồng bộ của hệ thống bán hàng tự động sử dụng tiền kim loại.
Thế nên, câu cửa miệng mà một người bán hàng nói khi người mua chìa ra đồng tiền xu thường là: "Tiền này không tiêu được". Người mua thì, mỗi khi phải nhận tiền thừa bằng xu, luôn cằn nhằn đòi tiền giấy. Có người ghét tiền xu đến nỗi không cần nhận lại, hoặc vui vẻ nhân tiền "thối" bằng... kẹo.
Số phận xu lẻ thì vậy, nhưng tiền giấy lẻ, mệnh giá chỉ tương đương lại luôn được "welcome", dù ở nơi bán hàng được cho là "hách" nhất Hà Nội: Kem Tràng Tiền. Theo phản ánh của một khách yêu kem Tràng Tiền, ở nơi này không người bán nào chịu trả lại tiền cho khách; câu cửa miệng của họ với khách luôn là: "không có tiền lẻ trả lại đâu!". Nhiều khách, do mang tiền chẵn đi mua kem, thường phải đứng ra ngoài rìa chờ... được bán. Cũng có khách mang tiền xu nhưng chẳng bao giờ dám chìa ra, bởi đó có thể là hành động miệt thị sản phẩm nổi tiếng và những người bán hàng nổi tiếng đất Thăng Long.
Chỗ cần thì không có, chỗ có thì không cho, câu chuyện oái ăm về những đồng tiền lẻ không biết đến bao giờ mới chấm dứt...
-
Bình Dương
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |