- Mất điện thoại, mất luôn tài khoản; tài khoản bị rút ruột liên tục… là những hệ lụy không mong muốn của dịch vụ chuyển tiền qua di động.
Liên tục “hụt két” tài khoản di động
Anh Cường (091532xxxx, Sóc Sơn, Hà Nội) ấm ức chuyện anh bị mất sim và sau đó, tài khoản hơn 4 triệu đồng trong sim cũng bay theo kẻ trộm. Tương tự như anh, chị Hiền (091289xxxx, Thái Nguyên) bị kẻ trộm móc mất điện thoại trong một hội chợ và sau đó, khi chị đi làm lại, thì tài khoản hơn 600.000 đồng cũng không cánh mà bay.
Tài khoản di động có thể bị kẻ gian dễ dàng rút lõi nhờ dịch vụ chia sẻ. Ảnh minh họa: vitinfo |
Còn ông Nguyễn Tiến Bình 0168671xxxx ở phố chợ Khâm Thiên thì rất ngạc nhiên khi thấy di động của mình rất nhanh hết tiền. Bởi thế, ông thường xuyên kiểm tra tài khoản để kiểm soát di động của mình.
Ngày 15/9, buối sáng ông kiểm tra thấy tài khoản còn 299.343 đồng, không nhắn tin, không gọi điện gì đến tối đã thấy giảm mất hơn 50.000 đồng. Lạ hơn là sau một đêm tắt máy đi ngủ đến sáng ngày 16/9, tài khoản của ông chỉ còn 89.000 đồng. Đến ngày 23/9 thì tài khoản của ông tiếp tục giảm còn hơn 15.000 đồng và đến 24/9 thì số tiền này còn lại là hơn 2.000 đồng mặc dù ông chỉ thực hiện duy nhất một cuộc gọi trong chưa đầy một phút.
Theo như kết quả kiểm tra từ nhà mạng Viettel, các lần hụt két của ông Bình tương ứng với 5 lần chuyển tiền cho một số thuê bao khác trong mạng từ ngày 14 đến ngày 24/9.
Ông Bình cho biết: “Tôi trả lời Viettel nhiều lần, với lời khẳng định đúng sự thật là gia đình tôi không chuyển tiền cho một máy nào dù là một lần, dù là 1 đồng”
Trước đó, chị Lê Thị Vuôn (098xxx1565, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng gửi phản ánh lên VietNamNet về việc tài khoản của chị bị rút ruột 150.000 đồng mà nhà mạng giải thích rằng đó là do chị chuyển tiền dù chị chưa từng biết đến dịch vụ này.
Trong những trường hợp trên, người dùng mất mát, hụt két tài khoản di động đều do dịch vụ chia sẻ tài khoản mà các nhà mạng đang cung cấp. Các nhà mạng sẽ xem xét và hỗ trợ một số khách hàng là trường hợp đặc biệt.
Dễ dàng lấy được mật khẩu chuyển tiền trong khi bảo mật kém
Hiện nay, có 4 nhà mạng đang cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản di động là Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile. Đây là một dịch vụ tiện ích giúp khách hàng có thể dễ dàng chuyển tiền cho bạn bè người thân khi họ gặp khó khăn trong việc nạp tài khoản nhưng lại đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ gấp.
Nhà mạng cần có biện pháp bảo mật tốt hơn cho dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản tránh để kẻ gian lợi dụng. Ảnh minh họa: HM
Vì là một dịch vụ tiện ích nên việc lấy mật khẩu để sử dụng cũng tương đối dễ dàng. Để sử dụng dịch vụ, thường mỗi mạng chỉ cần yêu cầu người dùng soạn một tin nhắn đến đầu số quy định. Sau khi có mật khẩu người dùng có thể chuyển tiền cho thuê bao khác cùng mạng bất cứ lúc nào. • Huyền My
Tuy nhiên, không phải thuê bao nào cũng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này và họ không cần quan tâm tới dịch vụ chuyển tiền cũng như mật khẩu chuyển tiền của mình. Chỉ cần kẻ gian có cơ hội cầm tới máy điện thoại của họ là đã có thể gửi tin và lấy mật khẩu cũng như làm các thao tác chuyển tiền sang số thuê bao khác.
Thao tác chuyển tiền chỉ được thực hiện trên máy của chủ thuê bao nhưng rõ ràng có tình huống có kẻ lợi dụng dịch vụ chuyển tiền của nhà mạng để “thụt két” tài khoản của một người khác.
Rõ ràng trong tình huống này, dịch vụ chuyển tiền không có ý nghĩa đối với chủ thuê bao nhưng lại là chìa khóa để kẻ gian mở két, cướp tiền của người khác và chuyển đi cũng như xóa dấu vết (xóa tin nhắn báo mật khẩu, số tiền đã chuyển thành công…).
Người dùng không thể lúc nào cũng kè kè điện thoại bên mình để không có ai sờ đến cũng như không thể lường được tình huống bị cướp hay mất điện thoại trong khi dịch vụ chuyển tiền của nhà mạng chỉ cần mật khẩu (dễ dàng lấy được khi cầm điện thoại của người khác).
Trong khi ý thức về bảo mật điện thoại còn kém và các phương thức bảo mật cũng chưa nhiều, nhà mạng cần có quy định khắt khe hơn về dịch vụ chuyển tiền (chẳng hạn như thêm một thông tin cá nhân của chủ thuê bao khi đăng kí cũng như khi chuyển tiền) để đảm bảo rằng chính chủ thuê bao là người lựa chọn sử dụng dịch vụ chứ không phải do một người khác đang trục lợi bằng chính dịch vụ này. Có như vậy, người dùng mới hết ngơ ngác khi hụt két và nhà mạng cũng không mắc tiếng oan khi tài khoản người dùng bị thất thoát.
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |