Hộp bánh được chị Nguyễn Thị Diễm Thúy (ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM) mua chiều ngày 17/7 gồm 4 chiếc. Chiếc bị mốc là bánh hạt sen hai trứng loại 250g, sản xuất ngày 10/7/2009, hạn sử dụng đến ngày 30/7/2009.
Chiếc bánh mốc được khách hàng Nguyễn Thị Diễm Thúy mang đến Sở Y tế TP.HCM khiếu nại.
Chị Thúy cho biết, ngày 19/7, khi mở hộp, cắt bánh ăn thì phát hiện bánh mốc. Ngay tối đó, chị đã đem bánh lên nhà hàng Đồng Khánh, số 2 Trần Hưng Đạo, quận 5 để đổi. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng cho biết chỉ có thể đổi 1 chiếc bị mốc chứ không đổi nguyên hộp.
“Thậm chí nhân viên bán bánh còn định giật lại hộp bánh vì sợ tôi đem lên cơ quan chức năng” - chị Thúy nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Mai, Thanh tra Vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế TP.HCM đã niêm phong chiếc bánh bị mốc trên, đồng thời cho biết sẽ mời nhà sản xuất và khách hàng đến giải quyết.
Trước sự việc trên, ông Trần Bảo Lộc - Trưởng phòng Kinh doanh khách sạn - nhà hàng Đồng Khánh cho biết, bánh của cơ sở làm bằng công nghệ thủ công gia truyền nên hạn chế sử dụng chất bảo quản.
Theo ông Lộc, nếu để bánh trong môi trường nhiệt độ không đảm bảo cũng có thể gây ảnh hưởng dù hạn sử dụng vẫn còn. Theo ông Lộc, bánh bị mốc có thể do khách hàng đã bảo quản không đúng cách.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, bánh của nhà hàng Đồng Khánh in hướng dẫn trên nhãn phải bảo quản trong tủ lạnh, nhiệt độ thích hợp từ 18 đến 22 độ C. Trên thực tế, quầy bánh của cơ sở này được bày bán trong tủ kính dưới mái hiên di động ngay sát lề đường.
Bác sĩ Trương Thị Thúy Mai khuyến cáo, người dân nên lựa chọn bánh có ghi rõ chỉ tiêu quy định sản phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất và hạn sử dụng. “Hiện nay, người tiêu dùng chỉ có thể nhận biết bánh trung thu mốc từ mặt cảm quan bằng mắt thường. Đôi khi, ngay cả bánh trung thu mang thương hiệu lớn cũng bị mốc”.
-
Thanh Huyền
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |