- Trong khi cả thế giới nêu cao khẩu hiệu chống tiếp thị thực phẩm độc nhân Ngày Người tiêu dùng Quốc tế (15/3), tại Việt Nam, hàng ngàn dân Thủ đô ăn nước máy tanh hôi, màu đen tím. Có khu dân cư trở lại thời bao cấp với cảnh xếp hàng lấy nước téc cứu trợ.
Trăm nỗi khổ
Những ngày này, cứ chiều đến là 60 hộ dân nhà N03, khu tập thể 5 tầng ĐH Công đoàn (HN) lại náo nức chờ nước téc "cấp cứu". Những cuộc điện thoại... xin nước của họ chỉ có tác dụng sau khi cảnh khốn khổ vì mất nước sinh hoạt cả tuần ở khu nhà cao tầng này được bày ra trên mặt báo.
Thấy xe téc chở nước, mừng hơn trẻ con được quà. (Ảnh: C.Thanh)
Nỗi khổ sở của người dân tập thể 5 tầng ĐH Công đoàn sẽ còn kéo dài khi mà đường ống hỏng, ngay cả nhà máy nước cũng không biết bao giờ mới có thể khắc phục xong.
Tại một khu dân cư khác, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, dù nằm cạnh nhà máy nước sạch rất lớn của Thủ đô, người dân lâu nay vẫn phải bấm bụng dùng nguồn nước có mùi tanh, nổi váng đen, đổi màu liên tục và chưa hề được kiểm định về mức độ độc hại.
Còn ở Tp. Hồ Chí Minh, nước tinh khiết nhiễm khuẩn cực độc bị phát hiện, sau khi niêm phong vẫn được mang đi... bán.
Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay tại buổi toạ đàm kỷ niệm Ngày Người tiêu dùng Quốc tế, một chuyên gia công bố Việt Nam có tới 3 triệu ca nhiễm độc thực phẩm mỗi năm.
Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, người tiêu dùng (NTD) Việt vẫn đang tiêu và dùng những sản phẩm, dịch vụ gây nhức mắt và... "đau tim". Xem truyền hình cáp 1 buổi, chườm mắt cả đêm. Sống tại chung cư, đóng phí như ở khách sạn. Gọi tổng đài tư vấn, nghe nhạc chờ cũng bị trừ tiền. Hết lo nước gội đầu có thể gây ung thư, lại sợ thuốc nhuộm tóc chứa chất độc. Ngay dịch vụ đại chúng như xe buýt cũng sắp đổ gánh nặng bù lỗ lên vai NTD, nhất là sinh viên, người nghèo, khi mà giá vé phương tiện vận tải công cộng này ráo riết tăng.
Giá cả, chất lượng hàng hoá đã đầy rẫy vấn đề, thái độ phục vụ còn tệ hơn. Ối khách hàng phải tím mặt mua hàng của... "ông Kễnh, bà Chằn".
Không một tiếng nói
Theo kết quả tổng điều tra ý kiến NTD trên phạm vi cả nước năm 2008 của Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ NTD Việt Nam, 41% NTD Việt Nam không biết mình có quyền lợi gì, số còn lại... có biết cũng chả làm được gì.
Xe buýt rục rịch tăng giá vé.
(Ảnh: T.Hoà)
Hầu hết NTD Việt không biết về 8 quyền cơ bản, vốn được cho là "quyền lực mềm" có thể làm "kinh thiên động địa" ở nước ngoài.
Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, việc đòi 8 quyền đã trở thành hiển nhiên với mọi người tiêu dùng, là công cụ sắc bén khiến nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ buộc phải kinh doanh đạo đức và văn hoá.
Còn nhớ, tại Mỹ năm 1996 hãng Nike nổi tiếng bị NTD tẩy chay sản phẩm sau khi hãng này bị phát hiện sử dụng lao động trẻ em. Tại Ấn Độ, từng diễn ra biểu tình phản đối tập đoàn nước ngọt toàn cầu Coca-Cola đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Tại Nhật Bản năm 1950, một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra nhằm phản đối Công ty Chisso - một công ty hóa chất lớn - đã đổ thẳng ra biển chất thải công nghệ có thành phần thủy ngân hữu cơ không qua xử lý, từ đó gây nhiễm độc cho cá, súc vật và người. Cuộc biểu tình của NTD và sức ép của chính quyền đã buộc DN này phải bồi thường.
Tại Việt Nam, chưa từng có 1 tiền lệ DN phải ra toà vì hành vi gian dối, hoặc gây hại cho NTD; các ban, hội bảo vệ NTD hầu như không có tiếng nói đáng kể.
Người ta xót xa đặt câu hỏi: phải chăng NTD Việt được bảo vệ kém nhất thế giới?
Nhắn tin
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai đề tài theo thư phản ánh của các bạn Hoang Quoc Vu về dịch vụ thẻ của ngân hàng, Vũ Quốc Huy về bảo hành Electrolux, bạn Ngoc Nguyen Truong, Minh Quan Doan về chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của FPT, Viettel.
Nước bình "bẩn"sau khi bị phát hiện vẫn đượcmang đi bán. Ảnh: Thu Hòa
Chuyên mục đang chờ số điện thoại liên hệ để có thể viết theo thư của các bạn sau Star Bleu về đầu thu kỹ thuật số VTC, bạn Sara Sara về phí trông giữ xe máy vi phạm Luật Giao thông ở Bình Thuận, Thanh Hao về tiền điện, bạn Nguyen Huu Phuoc về chất lượng và bảo hiểm căn hộ chung cư, bạn VD về thái độ của siêu thị với khách hàng, kairingnguyen về thái độ phục vụ của bệnh viện...
Chúng tôi cũng đã nhận thư của bạn Lê Tuấn Minh, bài viết về chung cư của bạn Ngô Đức Thuần, bài về chất lượng bánh của bạn Nguyen Thanh Huong, phản ánh của các bạn THUONG FUJIAIR về gian lận xăng dầu, Cao Thang Loi về bảo hành điện thoại, Binh Nguyen về thu phí giao dịch thẻ Visa Credit, Vu Seu về tin rác.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cử phóng viên liên hệ, xác minh những sự việc bạn đọc đã phản ánh, trong trường hợp cụ thể chúng tôi sẽ có bài phản ánh trên chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng.
Theo thư của các bạn Nguyễn Minh Lệ (Sơn Tây, Hà Nội) Trần Văn Thành (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) về chất lượng nước máy, phóng viên VietNamNet đã về địa bàn các bạn phản ánh, tuy nhiên thực tế không cho kết quả như ý kiến của các bạn. Rất mong các bạn cho chúng tôi số điện thoại cụ thể để tiện trao đổi.
VietNamNet trân trọng cảm ơn bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến về tình trạng "loạn giá xe Honda". Chúng tôi hy vọng được quý vị tiếp tục ủng hộ bằng phản ánh chất lượng sản phẩm, dịch vụ tồi, hành xử kém với người mua hàng. Trên cơ sở đó, tạo diễn đàn rộng rãi để người tiêu dùng cả nước cất tiếng nói, khiến nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ kịp chấn chỉnh tinh thần phục vụ, xây dựng văn hoá doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh, vì quyền lợi của khách hàng - những người nuôi sống họ.
Kính mời quý vị chia sẻ thông tin với VietNamNet bằng cách:
- Gọi điện đến số 0913564657, (04) 37722729, hoặc:
- Gửi thư đến hộp thư Bảo vệ khách hàng (bvkh@vietnamnet.vn) , hoặc:
- Gõ thông tin bằng tiếng Việt có dấu vào các ô (theo hướng dẫn) phía dưới mỗi tin bài.
Xin quý vị lưu ý cung cấp chính xác số điện thoại (sẽ được đảm bảo giữ bí mật) để chúng tôi tiện liên hệ, viết bài.
-
Hoàng Dũng (tổng hợp)
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |