- Khách đến đứng chờ cả dãy dài, nhân viên bơm xăng bất chợt bỏ khỏi vị trí đi vào trong. Vị khách vừa đến lượt gọi: "Anh ơi, bơm xăng cho tôi!", bị anh nhân viên này quát: "Bố mày còn đi đái"!
"Trút lửa" hoặc... "dội nước lạnh"
Anh Nguyễn Xuân Điều (Hà Nội) kể, một lần mua xăng trên đường Yên Phụ, cây xăng đông kín người, nhân viên phục vụ liên tục nhưng khách đứng xếp hàng vẫn đông thêm. Một nam nhân viên cao to bất chợt bỏ khỏi vị trí đi vào không nói với khách hàng nửa lời.
Cả dãy người chờ đợi nhìn theo nhân viên bơm xăng vì không được phục vụ. Một vị khách nam chuẩn bị đến lượt gọi to: "Anh ơi, bơm xăng cho tôi", thì nhân viên này quát: "Bố mày còn đi đái"!
Mua hàng, nơm nớp lo "ăn" mắng. Ảnh minh hoạ: B.D
Vị khách này thấy bất ngờ với thái độ của nhân viên nên nói lại: "Anh cảm thấy công việc áp lực quá thì nên nghỉ làm" thì nhân viên này không đi WC nữa... mà tiến thẳng tới giáp mặt với vị khách như thách thức.
Anh Điều chứng kiến cảnh đó phàn nàn: "Xử sự thiếu văn hoá như vậy, khách nào chẳng tím cả mặt...".
Khách hàng có thể tím hoặc... chín mặt vì thái độ "Ông Kễnh" của người bán. Chị M. (TP. Hồ Chí Minh) định học ngoại ngữ, một lần vào trung tâm dạy nghề Phú Nhuận trên đường Nguyễn Đình Chính để hỏi chi tiết về các khoá học.
Tiếp chị là một phụ nữ mặc áo xanh ngoài 30 tuổi. Khi chị hỏi bất cứ thông tin gì cũng chỉ nhận được câu trả lời lạnh tanh, cụt lủn, khó chịu như "không có", "chưa có", thậm chí người phụ nữ này không rời mắt khỏi tờ báo trên tay khi trả lời chị.
Chị M. gắng kiềm chế, hỏi "Khi nào có lớp học?" thì người này mới ngẩng lên, lạnh lùng buông câu "Giữa tháng". Chị M. muốn biết mấy giờ, cô này nhấm nhẳn: "Không biết khi nào".
Chị bức xúc: "Các trung tâm ngoại ngữ tồn tại được là nhờ có học viên. Tiền lương của họ được trích từ chính số tiền học phí của học viên, vậy mà học viên hỏi thông tin mà cứ như người ăn xin. Tôi tự hứa với lòng rằng dù không còn trung tâm ngoại ngữ nào cũng nhất quyết không bao giờ đặt chân đến những trung tâm như thế!".
"Ông Kễnh" với cái lẽ "ban ơn"
Nhân dịp giảm giá, hai chị Ngọc Trân, Quỳnh Như từ Vũng Tàu không ngại đường xa đến cửa hàng thời trang Hagatini ở Hai Bà Trưng, TP. Hồ Chí Minh mua sắm. Trước khi vào cửa hàng, chị cũng như nhiều khách hàng khác được bảo vệ đề nghị để xe ngay dưới lề đường để họ ghi vé và xếp xe lên lề đường.
Sau khi cầm vé xe, chị Trân cùng bạn ung dung vào cửa hàng chọn đồ. Đến cuối giờ chiều, cửa hàng đông đúc bỗng trở nên nhốn nháo vì có một xe tải của công an phường đến "bốc" hết xe máy và hỏi từng khách hàng giấy tờ liên quan.
Thái độ phục vụ của nhân viên, quản lý cửa hàng có biết? - Ảnh minh hoạ: B.D
Chị Trân và các khách hàng bị lập biên bản hàng loạt và hẹn một tuần sau đến phường nộp phạt để lấy lại giấy tờ xe. Trong khi đó, một số nhân viên của cửa hàng đã kịp dắt xe của mình vào kho.
Theo lời chị Trân kể, các khách hàng đều bất bình (một số lớn tiếng quở trách) trước thái độ dửng dưng của cửa hàng với xe của khách. Sau khi một loạt xe bị lập biên bản, mới thấy xuất hiện một chị mà theo lời giới thiệu của nhân viên xung quanh là người quản lý.
Chị Trân bức xúc kể: "Không thấy một lời xin lỗi hay thái độ có trách nhiệm gì từ phía người quản lý này. Lúc đó, tôi hỏi trường hợp biên bản xe tôi thì xử lý thế nào, chị này lập tức quay mặt đi vào trong!"
Bực bội với việc sẽ phải mất thêm chi phí đi lại và bỏ một buổi làm việc để đi đóng phạt, các khách hàng cầm vé xe kéo nhau vào cửa hàng hỏi cho ra lẽ. "Cái lẽ" đó được người quản lý trả lời rằng: "Chủ cửa hàng và khách hàng phải "nương nhau" mà sống chứ!". Người quản lý cho biết, cửa hàng còn phải họp để xem hỗ trợ bao nhiêu, khách hàng cứ đóng tiền và đem hoá đơn lại cửa hàng sẽ hỗ trợ một phần.
Trong khi nhân viên cửa hàng ghi lại tên từng người theo đề nghị của khách hàng, người quản lý này nói thêm: "Quý vị coi như buổi chiều nay vi vu một chuyến đi".
Chị Trân bực bội: "Không ít các khách hàng từ Biên Hoà, Vũng Tàu, Long An đến đây để "vi vu giấy tờ xe"? Họ sẽ đi đóng phạt rồi quay lại nhận vài chục nghìn hỗ trợ của phía cửa hàng này?"
Sau một tuần, chị Trân cũng như chị Như không quay lại để nhận số tiền hỗ trợ không rõ là bao nhiêu. Chị bảo, đã nộp 120.000 đồng tiền phạt oan rồi, cũng chẳng quay lại đó làm gì để chuốc bực mình vào thân.
Theo lời chị, hôm đó các khách hàng bảo nhau rằng, sau buổi mua sắm nhớ đời này sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Và họ cũng bảo nhau, hãy mong được người bán đối xử như người bình thường, chứ đừng bao giờ mơ mình được họ coi là "thượng đế"!
-
Bình Dương
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |