- Hai cuộc gọi được thực hiện cùng lúc từ một số máy, khách hàng vẫn phải chấp nhận nộp tiền. Khách khó mà kiểm tra đúng - sai trên giấy báo cước bởi nhà cung cấp dịch vụ không cung cấp thông tin vì lý do... bảo mật.
Anh Tạ Hoàn, con trai chủ thuê bao số điện thoại 351… tại D14.C, Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh TP.HCM cho biết giấy báo cước viễn thông tháng 12/2008 mà anh nhận được có điểm bất thường. Cụ thể: Giấy này có chi tiết 1 cuộc gọi tư vấn 108 vào 13 giờ 22 phút 22 giây ngày 21/12/2008, kéo dài 2.858 giây.
Cũng theo giấy báo, cuộc gọi này được thực hiện trong khi đang có một cuộc gọi khác vào số Viettel chưa kết thúc (vào 13 giờ 18 phút 57 giây ngày 21/12/2008, kéo dài 302 giây).
Giấy báo cước viễn thông tháng 12/2008 của nhà anh Hoàn cho thấy: hai cuộc gọi được thực hiện cùng thời điểm từ một số điện thoại. Ảnh: L.Quỳnh
Do... in nhầm
Một tháng sau khi nhận phản ánh từ VietNamNet, ngày 19/2/2009, Công ty Điện thoại Đông TP.HCM (có phụ trách địa bàn quận Bình Thạnh) đã gửi công văn tới khách hàng giải thích: Sau khi tiến hành kiểm tra đối chiếu dữ liệu các tổng đài liên quan (108, Viettel) với băng cước gốc, cho thấy cuộc gọi vào dịch vụ 108, di động Viettel có thời lượng kết nối đúng như giấy báo cước viễn thông tháng 12/2008 mà anh Hoàn đã nhận.
Tuy nhiên, do sơ suất nên đã in nhầm, thời gian xuất phát cuộc gọi dịch vụ 108, lúc 13 giờ 22 phút 22 giây thay vì phải là 13 giờ 25 phút 17 giây.
Được biết, đồng thời trước đó, công ty điện thoại cũng đã cử hai đại diện đến gặp anh Hoàn để giải thích và khẳng định: không thể xảy ra trường hợp cùng một thời điểm mà đồng thời có hai cuộc gọi từ một số máy.
Hệ thống các tổng đài dịch vụ có thể chênh lệch thời gian
Qua trao đổi với ông Thái Hoàng Giang, Tổ trưởng Tổ Chăm sóc khách hàng, thuộc TT dịch vụ khách hàng, Công ty Điện thoại Đông TP.HCM, được biết: Công ty điện thoại có hệ thống tự động ghi lại thời điểm bắt đầu và kết thúc của từng cuộc gọi khách hàng (gọi là log file). Mặt khác, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác như Viettel, 108… cũng có hệ thống ghi như vậy.
Hằng tháng, các nhà cung cấp dịch vụ (bên ngoài công ty điện thoại, như các công ty di động, 108…) sẽ gửi log file đến công ty điện thoại.
Do công ty điện thoại không dùng log file của mình để in giấy báo cước mà dùng log file của các nhà cung cấp, nên sau khi xác minh lại các thông tin từ dịch vụ 108 và Viettel, cho biết: xảy ra lỗi như trường hợp của anh Hoàn là do thời điểm đó đồng hồ hệ thống của 108 có khác biệt so với đồng hồ hệ thống của Viettel – nhanh hơn khoảng 3 phút).
Ông Giang khẳng định: Sự sai lệch về thời gian giữa các hệ thống hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng gì đến thời lượng gọi và cước phí, do công ty điện thoại có hệ thống thông tin đối chứng với thông tin mà các nhà dịch vụ viễn thông khác cung cấp.
“Ngay khi được thông báo, chúng tôi đã kiểm tra và khắc phục sự cố!” – ông Giang nói thêm.
Vô vọng kiểm tra thông tin giá cước
Tuy nhiên, anh Hoàn cho biết: “Không thể chấp nhận cách giải thích trực tiếp và công văn chính thức của Công ty Điện thoại Đông TP.HCM. Không thể khi khách hàng chỉ có duy nhất một chứng cứ do VNPT cung cấp là giấy báo cước, thì công ty điện thoại chỉ đơn giản nói rằng: đó là do in nhầm”.
Anh Hoàn nói: “Với trường hợp của tôi, căn cứ trên giấy trắng mực đen do công ty chính thức gửi tới thì chắc chắn không bao giờ có cuộc gọi tới 108 khi chưa kết thúc cuộc gọi tới Viettel. Vì lý do đó, tôi không chấp nhận thanh toán cho cuộc gọi “không thể” này”.
“Tuy nhiên, do quy định của công ty điện thoại là sẽ đơn phương ngưng dịch vụ nếu khách hàng không đóng phí đúng thời hạn, nên gia đình tôi đã phải đóng đủ theo giấy báo!” - anh Hoàn cho biết.
Theo anh Hoàn, tất cả các phương tiện ghi nhận cuộc gọi, đo đếm thời gian, in giấy báo cước đều là của công ty điện thoại. Khách hàng không có trong tay bất cứ một công cụ gì để tự kiểm chứng. Vì vậy, khó mà chứng minh sai số của công ty điện thoại.
Anh Hoàn bực bội hỏi: “Có dám chắc trong nhiều năm qua VNPT chưa từng nhầm lẫn? Nếu khách hàng cần kiểm tra giấy báo cước thì phải bằng cách nào?”.
Với băn khoăn “khách hàng có thể kiểm tra thông tin trên giấy báo cước bằng cách nào?”, ông Giang nói: “Trả lời câu hỏi này vượt thẩm quyền của tôi”. Tuy nhiên, theo ông Giang: do bảo mật thông tin nên nhiều thông tin chi tiết công ty bưu điện không thể cung cấp cho khách hàng. |
- L.Quỳnh
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |