221
10701
Bảo vệ Người tiêu dùng bằng Thông tin
bvkh
/bvkh/
1167630
Honda: Vạn lý do mặc kệ khách mua xe loạn giá
1
Article
null
Honda: Vạn lý do mặc kệ khách mua xe loạn giá
,

 - Để bán xe đúng giá đề xuất không phải là chuyện khó làm và không thể thực hiện được. Chỉ có điều Honda Việt Nam không hề muốn chuyện này xảy ra.

Trần tình nguỵ biện

Sau loạt bài về xe Honda Lead bán ra ngoài thị trường chênh nhiều triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất, trả lời VietNamNet, Công ty Honda Việt Nam cho biết:

"Nhiều người thường nghĩ rằng HEAD (cửa hàng do Honda ủy nhiệm) là đại lý của Honda Việt Nam hoặc phụ thuộc Honda Việt Nam, do đó HEAD phải bán theo giá bán lẻ đề xuất của Honda Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thì HEAD không phải đại lý của chúng tôi, quan hệ giữa Honda Việt Nam và HEAD là quan hệ giữa những đối tác kinh doanh độc lập.

Bất kể quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ, trước pháp luật mọi doanh nghiệp đều bình đẳng. Chúng tôi đã và đang yêu cầu "HEAD bán giá lẻ mà chúng tôi đề xuất nhưng chúng tôi không có quyền bắt buộc HEAD phải tuân thủ theo yêu cầu của chúng tôi là bán theo giá bán lẻ đề xuất của công ty.

Nếu chúng tôi làm như vậy thì chúng tôi sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh Việt Nam cũng như tập quán chung quốc tế. Mặt khác, đây cũng là lý do tại sao có nhiều khách đã mua được xe Honda Việt Nam sản xuất với giá rẻ hơn giá đề xuất bởi vì Honda Việt Nam không thể ép buộc HEAD bán theo giá bán lẻ đề xuất được".

Nhà máy lắp ráp xe máy thứ 2 của Honda Việt Nam với công suất 500.000 xe được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2008 mà xe thiếu vẫn hoàn thiếu. Ảnh: Trần Thủy

Nhưng theo một số ý kiến thì đó chỉ là sư ngụy biện của nhà sản xuất này mà thôi. Thực ra để các HEAD bán xe đúng giá đề xuất không phải là chuyện khó làm, không thể thực hiện được. Chỉ cần tăng sản lượng các mẫu xe ăn khách như Air Blade  và Lead lên, các HEAD cần bao nhiêu cung cấp đủ bấy nhiêu thì xe sẽ không thiếu và sẽ khó có chuyện giá tăng quá cao so với giá đề xuất.

Điều này Honda Việt Nam có làm được không? Tất nhiên là làm được. Xe có thể thiếu, nhưng chỉ diễn ra trong 1 thời gian ngắn, lúc ban đầu do chưa nắm rõ nhu cầu thị trường và  kế hoạch sản xuất còn chưa sát thực tế,  sau đó thì hoàn toàn có thể chủ động. Honda chỉ cần giảm sản lượng với những mẫu xe không ăn khách đi và tăng cường sản lượng cho mẫu xe ăn khách là ổn. Nhưng  Honda Việt Nam không muốn làm như vậy.

Bài kinh doanh "vỡ lòng" và "đẳng cấp"

Một số người đã từng làm việc tại Honda Việt Nam giải thích, lý do chính là những mẫu xe cũ (chủ yếu là xe số) vẫn đang có lãi nhiều hơn so với mẫu xe mới (chủ yếu là xe tay ga). Nhưng mẫu xe cũ được lắp ráp trên dây chuyền thành lập từ năm 1996 đến nay khấu hao đã gần hết, bên cạnh đó những mẫu xe này có tỷ lệ nội địa hóa cao từ 80%-90%. Tỷ lệ nội địa hóa cao cũng đồng nghĩa với việc không phải nhập khẩu nhiều linh kiện, như vậy giảm được phần lớn thuế nhập khẩu linh kiện và đương nhiên sẽ có giá thành thấp trong khi đó giá bán không giảm nên lãi nhiều.

Còn với những mẫu xe mới như  Air Blade, Lead lắp ráp trên dây chuyền mới đầu tư có giá trị 65 triệu USD vào tháng 9/2008 nên khấu hao lớn và tỷ lệ nội địa hóa của các mẫu xe này chỉ khoảng 60%-70% vì vậy phải nhập linh kiện nhiều và thuế nhập khẩu phải nộp lớn nên lãi không cao.

Chẳng hạn với xe Lead, Honda đã không lắp chân chống phụ cho xe này mà muốn có, người tiêu dùng phải mua ngoài lắp vào với giá khoảng 200.000 đồng/chiếc. Giải thích về vấn đề này Honda Việt Nam cho biết là để tiết kiệm tối đa chi phí nhằm có giá bán hợp lý. Nếu đúng như vậy có thể nói lợi nhuận từ các mẫu xe ăn khách như Air Blade và Lead là không cao.

Đó chính là lý do Honda không đẩy mạnh lắp ráp xe ăn khách và giảm lắp ráp xe không còn ăn khách.

HEAD không "móc túi" khách không xong...

Nhưng với những mẫu xe không ăn khách thì các HEAD phải bán dưới giá đề xuất mới tiêu thụ được. Các mẫu xe như Future, Wave... Honda Việt Nam thường bán cho các đại lý thấp hơn so với giá bán lẻ đề xuất mà họ công bố  từ 500.000-800.000 đồng/xe.

Do không bán được nhiều nên các HEAD thường giảm giá khoảng 300.000-500.000 đồng/xe và  lợi nhuận của họ tất nhiên bị giảm. Nếu mẫu xe nào lợi nhuận cũng giảm, tính ra hiệu quả kinh doanh thấp thì các HEAD sẽ không mua xe Honda nữa hoặc mua ít, vậy thì Honda không bán được hàng. Cũng chính vì điều này mà Honda Việt Nam đã dựa vào 1 số mẫu xe ăn khách (nhưng sản xuất ít ) như 1 điều kiện để ép các HEAD phải lấy nhiều với những mẫu xe không ăn khách nên mới có chuyện phải ấy 100 xe các loại mới được lấy 10 xe Lead.

Và như vậy phải tạo cơ hội để các HEAD tăng giá bán với những xe ăn khách để tăng lợi nhuận, bù cho việc bán những mẫu xe không ăn khách kia.

Có một ví dụ để chứng minh điều này là cách đây khoảng 2 năm khi Honda Việt Nam đưa ra thị trường mẫu xe Wave không có đề (hệ thống khởi động điện) với giá bán lẻ đề xuất 10.990.000 đồng/xe với mục đích hướng vào khách hàng thực dụng có ít tiền nhưng vẫn muốn được sở hữu thương hiệu, chất lượng Honda. Nhưng không ngờ mẫu xe đó lại không bán được, hàng tồn nhiều. Tuy nhiên Honda vẫn không giảm giá, cứ ép các HEAD lấy với giá  10.000.000 đồng/xe và các HEAD không muốn cũng phải lấy, sau đó bán lại với giá 8.000.000 đồng/xe, lỗ 2 triệu đồng. Nhưng để bù lại khoản lỗ này thì các HEAD mới được lấy nhiều hơn 1 chút những mẫu xe ăn khách rồi tăng giá bán vượt giá đề xuất để lấy lãi bù lỗ.

Như vậy là Honda không hề bị giảm lợi nhuận và các HEAD cũng vậy. Nói như vậy cũng có nghĩa  là Honda Việt Nam luôn đặt lợi ích của mình lên trên  hết không cần quan tâm đến người tiêu dùng. Kể cả những mẫu xe thất bại thì họ cũng không chịu chấp nhận thua lỗ mà đẩy rủi ro cho các HEAD. Các HEAD phải chấp nhận rủi ro này và bù vào thì Honda tạo điều kiện nâng giá bán những xe ăn khách.

Cuối cùng chỉ người tiêu dùng bị thiệt, nhất là những người thích chạy theo các mẫu xe mới ra, ăn khách của Honda... Họ không chỉ trả tiền cho chiếc xe của mình mà còn phải  bù đắp cả những khoản  thua thiệt cho các HEAD.

Nhát chém chí tử

Bình luận về vấn đề này, một số người nói rằng Honda Việt Nam đã ăn lãi rồi, nhưng họ vẫn chưa chịu để yên mà cho các HEAD "chém" thêm một số người tiêu dùng "một nhát chí tử" nữa mới thôi.

Tại sao Honda làm được như vậy là vì họ có một số mẫu xe được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm kiếm và Honda vẫn là nhà sản xuất có lượng tiêu thụ xe máy lớn nhất Việt Nam hiện tại. Nếu như người tiêu dùng quay lưng lại, không chấp nhận mua xe vượt giá đề xuất  và các cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc thì chắc chắn sẽ không có chuyện đó.

Trước đây chuyện thiếu hàng và giá xe tăng với Honda Việt Nam không phải không có nhưng không kéo dài, chỉ trong 1 thời gian ngắn và  khi sản lượng tăng lên thì giá xe giảm ngay. Nhưng kể từ đầu 2007, khi xe Air Blade tung ra thị trường thì mới có hiện tượng thiếu loại xe này kéo dài đến tận bây giờ và giá luôn bị đội lên cao. Tiếp đến là xe Lead... Và cũng chỉ thời điểm này Honda mới dám tuyên bố: "Chúng tôi không có quyền bắt buộc HEAD phải tuân thủ theo yêu cầu của chúng tôi là bán theo giá bán lẻ đề xuất của công ty".

  • Trần Thủy

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;