Hội ngộ ở Camly
Truyện Online - "Chào cô bé Camly năm xưa, cám ơn em còn nhớ đến anh, anh vẫn còn sống đây bởi vì người ta chỉ thực sự chết khi không còn ai nghĩ đến họ nưã. Anh sẽ về đến Dalat vào chiều mai".
Đà Lạt mộng mơ - Ảnh minh họa: Vương Dương Nguyên |
Truyện online - Ông nội tôi là người theo Tây học, nhưng lại là thành viên kỳ cựu trong ban trị sự Khuôn hội Phật giáo Trúc Lâm, ông bà có 6 người con: ba trai, ba gái, tất cả đều đã có gia đình và thành đạt, hay ít ra cũng có cuộc sống ổn định và dễ chịu, chỉ trừ cô Út tôi vất vả, nhất là về phương diện tình cảm.. Là người đa cảm, duyên dáng, nhỏ nhắn và xinh xắn nhất nhà, cô Út được mọi người trong gia đình thương mến, đặc biệt, cô có khuôn mặt và phong cách giống bà nội, nên lũ cháu chúng tôi gọi cô là “Bà Trẻ”…
Nhà ông nội tôi ở cạnh Lycee Yersin, nên các con cháu đều học chương trình Pháp tại trường này, chỉ riêng cô Út thì không hiểu tại sao lại học chương trình Việt ở trường Trí Đức, mãi tận bên Nhà thờ Chính toà (người Dalat quen gọi là nhà thờ Con gà). Không biết do khác biệt về giáo dục, tuổi tác, hay do tính tình, mà cô Út có vẻ lẻ loi trong gia đình. Chủ nhật ngày lễ cô thường đi nhà thờ với bạn bè, ngày rằm đầu tháng đi chùa với bà nội, rảnh rỗi thì đi chơi với tôi, cô thường tâm sự với tôi về chuyện tình duyên cuả mình, vì tôi chỉ kém cô có vài tuổi.
Năm 16 tuổi, cô Út tôi đã thấp thoáng có mối tình đầu ngắn ngủi, một mối tình mong manh như sương khói, nhưng đem đến cho cô muôn vàn đớn đau, cuộc tình ngắn ngủi đến nỗi tôi không còn nhớ nó bắt đầu và kết thúc như thế nào, và mơ hồ như chưa hề xảy ra cuộc tình ấy. Nhưng đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt đau khổ và tuyệt vọng cuả cô khi “người ấy” ra đi, những hình ảnh cách nay đã hơn 40 năm vẫn còn ẩn hiện trong tâm trí tôi, và nếu như không có những hình ảnh này chắc tôi đã quên mất cuộc tình ấy từ lâu.
Sau này, cô Út có người yêu mới là một Alpha đỏ, và hai người đã lấy nhau trong thời gian được nghỉ phép sau ngày tốt nghiệp Sĩ quan Dalat. Làm vợ lính trong thời chiến, triền miên sống xa nhau như Ngưu lang Chức nữ đằng đẵng đợi mưa ngâu, nên mỗi lần về phép tình yêu cuả họ nóng bỏng và khốc liệt như chiến trường… Ba đứa con là kết quả cuả những lần về phép ngắn ngủi mỗi năm… Ðứa con út cuả họ chào đời khi cuộc chiến vưà kết thúc, và nó đã không còn kịp thấy mặt cha, người chồng cuả cô Út không trở về nưã, người chiến sĩ ấy đã hy sinh vào giờ thứ 25, để lại người vợ trẻ chưa đầy 24 tuổi với ba đứa con thơ.
Nhưng cũng như quy luật cuả vũ trụ: sau cơn mưa trời lại sáng, sau đêm dài tăm tối là bình minh tươi sáng… đời người cũng thế: hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai, qua cơn giông bão triền miên thì nhất định phải có lúc trời quang mây tạnh. Sau hơn mười năm tất tả ngược xuôi nuôi ba đứa con thơ dại, cô Út một mình chống trả với phong ba bão táp cuả cuộc đời, khiến cô tàn tạ không ngờ, nét bơ phờ cằn cỗi xuất hiện nhanh chóng trên mặt cô “tiểu thư” ngày nào. Tình cờ có người bạn cùng khoá với chồng cô đi cải tạo về, anh ta lang thang đây đó một thời gian rồi tìm đường vượt biên, mang theo đứa con trai cuả cô, chuyến đi vội vã mà cũng thành công và họ được định cư tại Canada…Vậy là sau những năm dài đằng đẵng tối tăm, cô Út cùng với hai đưá con còn lại sang Canada đoàn tụ với con, và nay thì các con cô đều đã có gia đình yên ấm, hết vất vả gian khổ vì các con, cô lại bận rộn lo cho 8 đưá cháu nội ngoại… Bù lại, nghe nói các con cuả cô Út đều thương yêu cô, chúng giục giã năn nỉ mãi cô mới về thăm lại Dalat lần đầu tiên vào cuối năm 2008, sau nhiều năm xa cách…
Đỉnh Langbian chìm trong sương sớm - Ảnh minh họa: vietnamnet.vn |
Những ngày đầu mới về Dalat, cô Út còn đi đây đó thăm hỏi bạn bè, người nọ người kia, nhưng sang tuần thứ hai tôi thấy cô Út có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, thỉnh thoảng mới ra khỏi nhà, còn lại suốt ngày cô cắm đầu trước màn hình computer, ban đầu tôi không chú ý vì nghĩ cô liên lạc với các con ở Canada, nhưng càng lúc càng thấy cô bồn chồn căng thẳng, tôi mới an ủi:
- Mấy đưá chúng nó có gia đình cả rồi cô lo lắng chi cho mệt.
- Lo gì cho chúng nó đâu, cô đang gởi email tìm một người bạn cũ.
- Cô có điạ chỉ email của người ấy không, để cháu giúp cho.
- Nếu có thì nói làm gì, người ấy đã xa cách hơn 40 năm rồi, hồi đó làm gì đã có email. - Vậy thì làm sao cô có thể tìm được?
- Thế mới phải mò mẫm, phải thử… Cô tin rằng: nếu mình nỗ lực hết sức thì sớm muộn cũng sẽ tìm được, trời không bao giờ phụ kẻ thành tâm. Phải tin tưởng và hy vọng để mà sống chứ.
Tôi không tin là cô Út sẽ thành công, nhưng cũng không muốn cô thất vọng, điạ chỉ email không giống như điạ chỉ nhà: chỉ cần sai một nét hay một con số là không tới người nhận… thế giới có hàng triệu điạ chỉ, mò tìm một email chẳng khác nào mò kim đáy biển. Tôi không nói với cô ý nghĩ này, ngược lại tôi tham gia vào cuộc tìm kiếm cuả cô.
- Cô bắt đầu từ đâu? Và đã đi đến đâu rồi? Ðã nhắn tin trên các báo chưa?
- Tuần trước cô đã bắt đầu thử bằng tên cuả người ấy, viết xuôi theo tiếng Việt, viết ngược theo tiếng Anh, viết họ ra sau theo tiếng Pháp… và đã gởi đến hơn 100 email cuả yahoo, hotmail, aol, gmail… Nhưng tất cả đều: Returned to Sender. Tuần này cô định thử dùng các điạ danh cuả Dalat, vì người ấy từng ở Dalat… Việc tìm kiếm này cô không muốn một ai biết trừ chính đương sự, như một lá thư dán kín gởi riêng cho người ấy, bởi thế không thể nhắn tin trên báo.
- Cô định gởi mail với nội dung thế nào? Đánh sẵn văn bản rồi cô cháu mình cùng gởi…
- Cô đã viết và để sẵn trong máy rồi, cháu mở ra mà coi…
“Em đang ở Dalat và bỗng nhớ Dalat quay quắt. Em nhớ anh và tin rằng anh vẫn còn đang sống trên cõi đời này. Anh còn nhớ Camly không? Nếu tình cờ nhận được mail này anh trả lời em nhé!”
- Vắn tắt như vậy, liệu người ấy có nhận ra cô không? Khi mà người ta đã xa Dalat hơn 40 năm?
- Nói xa cách 40 năm là nói không gặp nhau thôi, chứ người Dalat thì không dễ gì xa Dalat, mà có đi đâu rồi cũng có lúc quay về… Một triết gia nào đó đã nói: Con người là thứ đồ vật khó mang đi nhất…
- Nhưng sao cô không hỏi có nhớ Dalat không, mà lại hỏi nhớ Camly?
- Camly là nơi cô và người ấy gặp nhau lần đầu, từ hôm về đến giờ cô vẫn chưa đến đó, ngày mai cô cháu mình cùng đi nhé.
Anh còn nhớ Camly không? - Ảnh minh họa: netlife.com.vn |
Chuyện của 42 năm trước
Bốn mươi hai năm trước, khi cô mới 16 tuổi đang là nữ sinh lớp Ðệ Tứ, một hôm theo mẹ đến đây, trong lúc bà lên đồng ở trong đền ông Cọp thì cô ngồi đọc Tuổi hoa ở tảng đá này. Camly ngày đó còn hoang dã, nhiều nước, chảy xiết, và vắng người… Tình cờ có một anh chàng khoảng 20 tuổi, mặt mày sáng suả, có vẻ thông minh và tinh nghịch, lội từ bên kia thác đến gần cô và ngồi trên tảng đá bên cạnh, chưa ngồi xuống anh ta đã lên tiếng:
- Chào cô bé, thất tình hay sao mà ra đây ngồi một mình?
Người gì mà vô duyên, cô định không trả lời, nhưng anh chàng có vẻ sôi nổi và nhiệt tình, khiến cho lòng mình mềm ra, và cô đã trả lời thân mật như với một người bạn thân quen từ lâu:
- Ðừng có đoán mò, người ta còn nhi đồng đấy. Bộ anh cũng thất tình hay sao mà ra đây một mình?
- Bây giờ thì chưa, nhưng tương lai thì chắc sẽ… nên ra đây dành chỗ trước… Cô bé học trường nào, nhà ở đâu, cho mình điạ chỉ được không?
- Em học trường Trí Đức, nhà ở bên Chi lăng, số 3/3 đường Cô Giang…
- Vậy cô là “hàng xóm” với tôi rồi, tôi học Adran cách trường cô có cái xóm nhỏ Xuân An, nhà trọ cuả tôi ở số 33 đường Trần hưng Ðạo, cũng hai số 3 nhưng không có gạch chéo.
- Em tưởng Adran là hàng xóm cuả Domain de Marie kia chứ, còn Trí Ðức bọn em là hàng xóm cuả Bồ Ðề, cũng như Trần hưng Ðạo là hàng xóm cuả Bùi thị Xuân. Có lẽ anh là dân mới “nhập cư” Dalat nên chưa biết “hàng xóm” cuả mình. Học ở Adran, chắc anh phải là dân Tây hay C.Ô.C.C.
- Chẳng phải dân Tây, cũng chẳng phải Con Ông Cháu Cha đâu, tôi học Adran theo chương trình Việt, Frère Camille tặng cho Foyer Don Bosco chúng tôi cái học bổng mỗi tam cá nguyệt 2000 đồng, nên tôi mới học ở đó… Cô bé học ở Trí Đức chắc là con chiên cuả cha Vương văn Ðiền, mà sao lại lên chuà này?
- Chuá hay Phật đều nhân từ, nhưng em thấy Chuá khắc khổ và héo hon quá… nên chưa dám kêu Lạy Chuá, mà cũng chưa bao giờ Mô Phật. Có lẽ em theo “đạo ông bà” nên mợ đi đâu em đi đấy…
Bấy giờ, cô không hiểu tại sao mình lại thân mật với một người lạ, nói tên trường, cho điạ chỉ nhà khi chưa hề quen biết người ta. Có lẽ do linh cảm “người ấy”cho mình cái cảm giác an toàn và tin tưởng. Nhưng có điều chắc chắn là sau lần gặp gỡ tình cờ ấy, cô bắt đầu biết tình yêu là gì, biết nhớ nhung, mộng mơ và buồn phiền… Một tuần sau “người ấy” đến nhà thăm cô vào sáng chủ nhật, và từ đó hầu như mỗi ngày sau giờ tan học, anh chàng ra ngã tư bờ hồ, trước cổng Hotel Palace, để cùng cô đi thả bộ dọc bờ hồ, cho mãi đến gần Ga xe lưả mới chia tay, cô đi tiếp về hướng Chi Lăng lên đầu đường Cô Giang, anh chàng đi lối Phạm hồng Thái xuống cuối đường Trần hưng Ðạo… những phút bên nhau ngắn ngủi, trao đổi vài câu thăm hỏi vu vơ, đôi khi chỉ im lặng đi bên nhau, nhưng với cô đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời, có khi suốt ngày cô chỉ nghĩ đến và mong chờ giây phút ấy… Như lời thơ Tagore:
Ta ngồi nói chuyện không đâu,
Em thấy đó điều bao lâu mong ước…
Nhà thờ con gà - Ảnh minh họa: family.channel.net |
Vào một chiều thứ bảy sau giờ học, “người ấy” và cô đến điểm hẹn để cùng nhau đi về chung như mọi ngày. Ðến ngã ba Phạm Hồng Thái - Yersin, hai người không chia tay mà đi thẳng vào Ga xe lưả, ngày ấy các tuyến đường xe lưả đã hầu như ngưng hoạt động, nhà Ga trở thành văn phòng Air Vietnam, là nơi bán vé và đưa đón khách Dalat ra phi trường Liên khương, nằm cách thành phố hơn 30 cây số. Air Vietnam chỉ làm việc buổi sáng, buổi chiều ga vắng ngắt, hai đứa bỏ cặp sách trên thềm, rồi nắm tay nhau mỗi đứa một đường ray chạy thẳng xuống thung lũng thông, lúc trở lên, anh ta thì thầm:
- Từ tuần tới, sau giờ học anh nhận lời đi dậy kèm cho mấy em bên Lasan kỹ thuật, chắc không thể về chung với cô bé được nưã rồi. Cũng có thể anh sẽ dời chỗ trọ về xóm Xuân An cho tiện, vưà gần trường vưà gần chỗ dậy kèm…
Lần đầu tiên “người ấy” xưng Anh, làm cô sung sướng đến phát khóc, nhưng cô bỗng thấy buồn man mác, khi nghĩ đến từ nay sẽ không còn những giây phút ngắn ngủi gần nhau sau mỗi ngày tan học. Nước mắt cô tự nhiên trào ra, lần đầu tiên… Khi chia tay, anh ấy đưa cho cô một cuốn sổ màu xanh:
- Ðây là cuốn thư tình cuả chúng ta, ai viết xong thì đem gởi vào hộp thư lưu trữ, có dịp đi ngang Bưu điện thì ghé vào lấy thư, như vậy ngày nào mình cũng gặp nhau…
Bưu điện hồi đó còn ở bên chỗ Viễn thông cuối nhà thờ Con Gà, sau này mới dọn qua ty Ngân khố, thư từ ngày đó thưa thớt lắm, nên trong Bưu điện chỉ có một cái tủ gỗ ngăn ra vài chục ô nhỏ, đánh số thứ tự Hộp thư dành cho các cơ quan, trường học và dòng tu… riêng những người lên Dalat công tác hay du lịch dài ngày hoặc không có điạ chỉ chắc chắn, thì chỉ cần ghi điạ chỉ Hộp thư Lưu trữ, rồi đích thân ra Bưu điện hỏi và lấy thư.
Từ đó, mỗi sáng đi học hoặc chiều tan học, cô Út ghé qua Bưu điện nói tên mình là nhân viên trực đưa cuốn Thư tình cho cô, vì bià trước có ghi tên cuả cô…. Cũng vậy, anh chàng đến bưu điện nói tên để lấy cuốn Thư tình, đọc và trả lời, rồi lại đem ra Bưu điện gởi vì bià sau có ghi tên cuả anh ấy… Lúc đầu nhận thư Lưu trữ phải nói tên, thỉnh thoảng còn phải trả tiền tem hoặc coupon IRC… Nhưng chỉ sau vài lần gởi và nhận thư thì không cần nói tên hay trả tiền tem gởi, vì Bưu điện ngày ấy chỉ có hai ba nhân viên, găp vài lần là quen mặt ngay, lá thư đặc biệt này lại mãi mãi là màu xanh, không thay đổi hình dạng hay màu sắc, người gởi và người nhận cũng không thay đổi… do đó, mỗi lần cô bước tới bậc thềm cuả Bưu điện là nhân viên trực đã cầm sẵn cuốn thư tình đưa cho cô rồi, chẳng cần coi tên người nhận hay người gởi cũng không bao giờ lẫn lộn.
Bày ra cuốn thư tình để liên lạc với nhau mỗi ngày, và nhớ đến nhau suốt ngày, chứ thực ra sau giờ tan học anh ấy ra khỏi đường Bá đa Lộc, thay vì vào Bưu điện thì đứng chờ ở đầu đường Nhà Chung, chỗ đài Phát thanh là hai đưá gặp nhau thôi… Có lần khi nhận cuốn thư tình, bên trong có kẹp bông pensée ép khô nhưng màu vẫn còn tươi, lần khác một bông Mimosa khô vàng óng ả, cô khen anh ấy ép hoa đẹp thì anh ấy ngạc nhiên tưởng là cô kẹp vào đó, sau mới khám phá ra là nhân viên Bưu điện đã tặng những bông hoa ấy cho tình yêu hai người… Thư tình để ngỏ thì ai đọc không được?
Có hôm cả nhà đi vắng, anh ấy đến thăm và theo cô Út lên lầu, bất ngờ ôm chặt và trao cho cô nụ hôn nồng nàn say đắm, làm tim cô muốn vỡ tung ra và như có dòng điện lan khắp thân thể… Khi hồi tưởng về những ngày ấy, trong lòng cô trào dâng những cảm xúc kỳ lạ không thể diễn tả thành lời, dù sau này và cho đến nay “người ấy” chưa bao giờ nói yêu, nhưng với cô đó là tình đầu. Cuộc tình ngắn ngủi và thơ mộng ấy bao trùm lên các điạ danh cuả Dalat, trải dọc các con đường rợp bóng mát, lồng vào những con dốc quanh co, phủ kín khắp đồi Cù xanh mướt… hoà lẫn vào những cặp tình nhân học sinh, sinh viên hay nữ sinh với Alpha đỏ, Alpha đen… mờ ảo như sương phủ mặt hồ, thơm ngát như hoa hồng, dạt dào như thác đổ…
Ảnh minh họa: bluefam |
Bỗng một ngày kia “người ấy” ra đi không một lời từ biệt, kết thúc bi thảm một cuộc tình lãng mạn, tưởng chừng đẹp nhất trên trần đời… Cô Út như người mất hồn, đau thương đến tuyệt vọng, cô bỏ học đi lang thang khắp những nơi từng in dấu chân cuả hai người, có khi cô ngồi cả ngày bên hồ Than thở, hoặc ra thác Camly ngồi hàng giờ trên phiến đá ngày xưa… cả nhà lo lắng nên thường sai người ở hoặc các cháu đi với cô… Nỗi đau lớn như thế mà cô Út không hề tỏ vẻ oán trách “người ấy” trái lại vẫn yêu chân thành và say đắm…
Trước khi rời Dalat theo chồng, cô Út rủ tôi ra thác Camly, cô đưa cho tôi xem một trái tim có chià khoá để mở, cô kể: ngày mới yêu nhau hai người đã mua nó, cô giữ trái tim và “người ấy” giữ chià khoá, khi ra đi anh ấy trả lại chiếc chià khoá duy nhất này, nhưng với cô, không ai có thể mở trái tim cuả cô trừ “người ấy” và cô đã ném chià khoá xuống dòng thác Camly, anh ấy mãi mãi là duy nhất và không ai thay thế được.
Cô tin chắc phải có chuyện gì ghê gớm lắm xảy ra “người ấy” mới phải âm thầm chia tay, cô nghĩ là anh ấy cũng đau khổ lắm, cô đi lấy chồng vì không muốn mỗi ngày bị ám ảnh bởi hình bóng ấy… Nghe những lời tâm sự cuả cô, lòng tôi bỗng trào lên niềm thương cảm xót xa, tôi không còn ác cảm với “người ấy” như trước và dễ dàng gọi bằng Chú khi nói về người ấy…
Cô Út xa Dalat được vài tháng thì “Chú ấy” trở về, nước da sạm nắng trong bộ quân phục treillis, đầu tóc ngắn, khuôn mặt già dặn mang nhiều nét ưu tư, chú thân mật như người trong nhà, gọi ông nội tôi bằng Bố và bà bằng Mợ chứ không là Bác như xưa. Ông nhìn chú đăm đăm một chập rồi ân cần như nói chuyện với con trai:
- Anh đi lính từ hồi nào vậy ?
- Sau tết Mậu Thân, con được lệnh trình diện đi thụ huấn căn bản Quân sự 9 tuần tại Quang Trung rồi biệt phái, nhưng do nhu cầu chiến trường chúng con bị đưa hết lên Trường Bộ binh Thủ đức, chỉ một số rất ít thuộc thành phần chuyên viên tối cần thiết mới đuợc biệt phái về nhiệm sở cũ.
- Có cần bố liên lạc với anh Dung xem anh ấy có giúp được gì không? Anh Dung chồng chị Hai, bây giờ làm Tỉnh trưởng Pleiku đấy.
- Dạ, không cần đâu bố, con tự lo liệu đuợc, cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào mong muốn cuả mình thôi bố ạ.
- Anh cũng y như anh chồng con Út, các anh bây giờ thích làm Quân tử Tàu, ra trận mà cứ khăng khăng Ðại lộ, không chịu đi Tiểu lộ thì chỉ thiệt thân… Sống thì phải biết tùy thời dưạ thế chứ…
Bà nội từ trên Chuà về, nhìn thấy chú bà khựng lại một lúc, mắt rưng rưng lệ:
- Cái thằng chết tiệt này, đi đâu mà biệt tăm biệt tích, để cho con Út nó chết lên chết xuống vì mày…
- Con cũng “chết lên chết xuống” đấy mợ ạ. Nhưng con không muốn mang lại nỗi buồn và bất hạnh đến cho người mình yêu, cuộc chiến nghiệt ngã này có lẽ còn lâu mới kết thúc, và đã là chiến binh thì biết đến bao giờ mới trở lại ?
- Thì chồng con Út cũng là sĩ quan đấy thôi, chúng mày rõ là có duyên mà không có nợ. Cái số con út vất vả phải đi lấy chồng xa…
- Mợ yên tâm, cô Út bỏ Dalat đi lấy chồng thì con sẽ về Dalat để lấy vợ… và nếu có con gái, thì con sẽ lấy tên cô Út đặt cho cháu…
Ðó là lần cuối cùng tôi gặp chú, vài ngày sau chú ra đi và hơn 40 năm trôi qua không còn thấy chú nưã. Có lần tôi lau chùi bàn thờ ông bà, thấy hình chú xé đôi để cạnh chân nến, đây là tấm hình chú chụp chung với cô Út, khi lấy chồng cô xé ra lấy một nưả mang theo, nói là để nhớ mãi nửa còn lại… Không biết có khi nào chú nhớ tới cái “nửa kia” không ? Chú có về Dalat để lấy vợ không ? Có con gái đặt tên cô Út không ?
Ảnh minh họa: qskulls |
Và hiện tại…
Khi chỉ còn ba ngày nưã cô Út trở lại Canada, có email trả lời:
“Chào cô bé Camly năm xưa, cám ơn em còn nhớ đến anh, anh vẫn còn sống đây bởi vì người ta chỉ thực sự chết khi không còn ai nghĩ đến họ nưã. Anh sẽ về đến Dalat vào chiều mai. Camly.dalat@yahoo.com”
Có ngần ấy chữ mà đối với cô Út như liều thuốc hồi sinh, cô bừng lên sức sống và không giấu được xúc động, giàn giuạ nước mắt trước mặt tôi, như một quả bóng chất đầy ký ức buồn rầu, bỗng vỡ tung ra và tràn đổ lênh láng…
Cô vui vẻ nói với tôi:
- Anh chàng này vẫn tinh quái và nghịch ngợm như xưa, trở lại với kỷ niệm 42 năm mà chỉ viết có đúng 42 chữ…
Sáng hôm sau tôi thấy cô Út dậy rất sớm, cô trang điểm lâu và kỹ, trông cô tươi tỉnh và đẹp hẳn ra, nhưng rồi lại thấy cô vào phòng lau sạch phấn son. Tôi thắc mắc, cô bảo:
- Nước mắt sẽ làm cho phấn nhạt nhoà, hôn môi sẽ làm cho son lem luốc, gặp lại “người ấy” thì không có gì là không thể xảy ra…
Suốt buổi sáng hôm ấy, cô Út ngơ ngẩn như người mộng du, bồn chồn đi ra đi vào trông ngóng người xưa… Ðúng lúc cô vưà ra khỏi nhà đi lên hướng Chuà thì chú ấy đến. Tôi mới gặp chú vài lần cách nay đã hơn 40 năm, nhưng nhận ra ngay, mặc dù bây giờ chú đã ngoài 60 và tóc tai để bờm xờm
-Chú cũng không khó đoán ra tôi là đưá cháu lớn nhất cuả cô Út. Mấy em tôi chưa hề biết mặt chú, tôi giới thiệu chú là bạn cuả cô Út, chú vui vẻ đính chính:
- Cháu nói vậy thì mấy em nó làm sao hiểu được? Phải giới thiệu chú là “người yêu” cuả cô Út ngày xưa, chứ bạn cô Út thì có biết bao nhiêu người…
- Chú ngồi đợi chút, cháu đi kêu cô Út có lẽ đang ở bên Chuà Trúc lâm…
Chú lắc đầu và đứng dậy theo tôi ra cưả, chú bảo: Ngày xưa chú đã lên đấy rồi.
Tránh đường cho chú đi trước tôi thả bộ theo sau, mong chứng kiến giây phút trùng phùng cuả đôi nhân tình già sau nhiều năm xa cách… Chắc họ sẽ ôm ghì lấy nhau, sẽ giàn giuạ nước mắt, sẽ hôn nhau đắm đuối, sẽ ân cần thăm hỏi hay trách móc hờn dỗi… Nhưng mọi ước đoán cuả tôi đều sai, hai người chỉ đứng nhìn nhau yên lặng, họ nhìn nhau bằng ánh mắt đắm đuối, tràn ngập yêu thương, ánh mắt cuả họ như có sức nóng thiêu đốt nhau, và làm cho nhau tan biến vào quá khứ…
Tôi đã không cầm được nước mắt, khi hình dung ra đôi nhân tình trẻ trung ngày nào, nay đã bước vào tuổi lục tuần, và họ đang dìu nhau leo lên con dốc đứng cuả qúa khứ để trở về chốn xưa…
Chốn xưa yên bình - Ảnh minh họa: Vương Dương Nguyên |
Cho mãi đến khi cô chú ân cần cởi áo khoác cho nhau, tôi mới để ý áo quần cuả chú đã bạc màu và nhăn nhúm, cô Út âu yếm nói với chú:
- Áo khoác cuả anh sờn hết rồi, để lát nưã em đi mua cho anh cái khác…
- Mốt “hậu chiến” đấy, không cần mua áo mới đâu… Chú trả lời kèm theo nụ cười thật hóm hỉnh.
- Mốt gì mà lâu thế, cuộc chiến đã tàn hơn 33 năm rồi mà còn hậu gì nưã.
- Vậy đấy, 33 năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm qua, như mối tình đầu cuả mình, đã vùi lấp dưới bụi thời gian hơn 40 năm, mà bới ra vẫn nóng bỏng… Ông bà mình bảo: miếng ngon nhớ lâu, niềm đau nhớ đời… là vậy.
Cô Út giục chú đi rưả mặt thay đồ để lên thăm mộ ông bà trên nghĩa trang Du sinh. Trước khi ra khỏi nhà, tôi thấy cô Út chăm chút ngồi cắt móng tay cho chú, thỉnh thoảng ngừng lại nhìn nhau như đôi tình nhân trẻ, hai mái đầu bạc kề sát bên nhau thật cảm động.
Buổi tối, cô Út mời cả nhà đi ăn tiệm, chúng tôi ăn mặc thật đẹp như đi dự đám cưới, riêng “cô dâu chú rể” thì lại quá đơn giản. Chú giải thích với các cháu: Chú chỉ có một bộ đồ, nhưng không sao, sắc đẹp chỉ cần cho ngày cưới, nhưng tình yêu thì cần cho suốt cuộc đời…
Thấy chú vui vẻ tôi nói: gặp lại người tình xưa sau bao năm dài xa cách, cháu cứ tưởng là thế nào cô chú cũng hôn nhau đắm đuối… Chú cười rất tươi và nói: “Hổng dám đâu” rồi khẽ hát một câu cuả Nhật Trường Trần Thiện Thanh:
Xưa hôn em một lần mà đau thương tràn lấp, anh yêu em một ngày rồi xa nhau trọn kiếp.
Trong bữa tiệc, chú và cô Út đều uống rượu mạnh, cô bảo bữa nay là ngày vui nhất trong đời, cô phải uống thật say: không say không về… còn chú thì bảo từ khi bị buộc phải thua trận, chú không uống rượu nữa, nhưng đến như cô Út không biết uống rượu mà còn tuyên bố: không say không về, thì chắc chú phải “trốn trại” một bữa…
Khi rượu dường như đã ngấm, cô Út nói với tôi:
- Cháu giữ cho cô hai phòng đơn tại khách sạn Nam Kỳ, kẻo lát nữa cô chú say rồi không biết đi về đâu. Ðêm “tân hôn” mà ở trọ nhà bà con thì hơi chướng…
- Cháu lấy một phòng hai giường là đủ - chú nói - cô chú đã già, chỉ còn giá trị biểu tượng thôi, không còn giá trị thực dụng nưã đâu, cũng giống như đồ ăn đã hết hạn sử dụng lâu rồi…
- Ông bà mình bảo: Cơm chưa nấu thì gạo vẫn còn…Cháu cứ lấy hai phòng cho cô.
Sau bữa tiệc, tôi đưa cô chú về khách sạn Nam Kỳ, cô Út dìu chú lên phòng 201, cô ở phòng 202… rồi sau đó cô chú ở phòng nào, và tình hình biến chuyển ra sao, tôi không biết.
Sáng hôm sau, tôi đến khách sạn Nam Kỳ đưa cô chú đi ăn sáng, vưà gặp tôi cô nói ngay như để biện hộ cho bộ mặt hốc hác vì mất ngủ cuả mình:
- Ðêm qua cô không tài nào nhắm mắt được, gần như suốt đêm ngồi nhìn chú say sưa giấc nồng… nhưng cũng không thấy mệt lắm, vì để có được những giờ phút này, cô chú đã phải mất hơn 40 năm chờ đợi.
- Hình như tối hôm qua, có người bỏ thuốc ngủ vào rượu cuả chú nên chẳng còn biết gì cả, về đến phòng là ngủ như chết, không biết cô đã “ngồi nhìn” hay “nằm ôm” chú ngủ nưã… nhưng có khi cô ấy không hề sang phòng cuả chú, thì làm gì có chuyện ngồi hay nằm…
Ăn sáng xong cô chú dẫn nhau đi suốt ngày, mãi đến chiều muộn cô chú mới điện thoại cho tôi biết đang ở quán Tomato trên đường Bùi thị Xuân. Tôi hỏi đuà cô chú:
- Cô chú đi những đâu mà mãi đến giờ này mới về, đã ăn uống gì chưa ? Cháu cứ tưởng cô chú về lại phòng 201 khách sạn Nam kỳ đấy.
Từ đầu máy bên kia, có tiếng cuả cô vui vẻ đáp lại:
- Cô với chú đi hết các ngõ ngách cuả quá khứ, vào hết các hang động cuả tình yêu và đã ăn no kỷ niệm. Ði suốt ngày nhưng không phải bằng chân mà bằng trí tưởng tượng, bởi thế cũng không thấy mệt. À này, cô đã hẹn xe Phương Trang đến đón lúc 20 giờ tại Tomato, cháu bảo ai rảnh đưa vali cuả cô ra đây nhé, cô phải đi Saigon cho kịp chuyến bay ngày mai, để về lại Canada đón năm mới 2009 với các con…
Ảnh minh họa: nyndream |
Trong lúc mang vali ra quán Tomato cho cô Út, tôi hình dung cuộc chia tay cuả cặp tình nhân già chắc sẽ buồn thảm lắm. Nhưng hình như tôi đã lầm, hay ít ra những gì tôi thấy không như mình nghĩ. Tomato là quán Trà sưã Trân châu dành cho bọn trẻ nên khách đa số là học sinh, trong khung cảnh ồn ào ấy, có đôi bạn già tóc đã bạc, đang cười đuà với nhau tại cái bàn trong góc quán. Tôi nói với cô chú:
- Cháu thấy cô chú hạnh phúc quá…
- Gặp lại người mà mình từng mong đợi hơn 40 năm, còn gì hạnh phúc hơn chứ. Cô Út nói.
- Chưa kể, người ấy là người tình đầu tiên…
Chú thêm vào.
- Ðúng thế, nhưng lại sắp phải chia tay rồi…
- Người ta bảo: Hạnh phúc ở hai bên bờ, chứ không ở cuối sông.
- Kỳ này trở lại Canada, không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau… bên ấy vẫn còn là muà đông tuyết phủ, suốt ngày loanh quanh trong nhà chắc là nhớ anh lắm… - Nghe cô than thở.
Chú đáp:
- Người bạn cũng giống như vì sao, không phải lúc nào ta cũng thấy nó, nhưng ta biết rằng nó luôn luôn có ở đó… - Chú mỉm cười, nói tiếp:
- Nơi em ở có cây Phong đỏ, mỗi khi nhìn cờ Canada thấy lá phong đỏ là nhớ đến em. Ở quê anh có hoa Cúc vàng, mỗi khi em thấy nó thì hãy nhớ đến anh. Có một thi sĩ nào đó đã viết:
Lá phong đỏ như tình em rực rỡ.
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ mênh mông…
Ảnh minh họa: PrintsForL - Mog |
Cô Út lên xe rồi, “chú ấy” đứng lặng nhìn theo chiếc xe dần dần đi khuất. Khuôn mặt chú bỗng thay đổi hẳn, những nét tinh anh biến mất, giờ đây đượm vẻ u sầu và chịu đựng… Tôi nhìn chú ái ngại, chưa biết phải nói gì để phá tan bầu khí yên lặng ấy, bỗng chú mỉm cười nói với tôi:
- Trong đời chú có nhiều sai lầm, nhưng lần này thì chú quyết định đúng, chú trở về chỉ để nói với cô một điều mà lẽ ra phải nói cách nay hơn 40 năm: Anh yêu em…
- Chú cũng muốn nói lời xin lỗi, nhưng trong tình yêu không có chữ này, mà nếu có thì bao nhiêu lời xin lỗi cũng không đủ…
Khi chia tay, chú nói với tôi: Cháu mua giúp cho chú một bông cúc Vàng, đem đến khách sạn Nam Kỳ cắm trên phòng số 201, nơi đã chứng kiến cuộc hội ngộ cuả “Đôi bạn chân tình” sau 40 năm xa cách.
Tôi đã làm theo lời chú và hy vọng tất cả những ai có dịp ghé qua phòng số 201 này, đều cảm thấy ấm áp và tình yêu cuả họ sẽ lâu bền…
- Gửi từ email Tùng Nguyên - Tungnguyen.dalat
Lá phong đỏ như tình em rực rỡ.
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ mênh mông… |
Chia sẻ của bạn đọc: Ho ten: quanglocbp Ho ten: tuyenthanh Ho ten: Phương Thảo Ho ten: cafe_he_pho Ho ten: Ngọc Lan |
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: