Bạn đang là “nô lệ” của công nghệ thông tin?
Nếu bạn đang đọc những dòng này thì có nghĩa bạn đang dùng internet. Và nếu bạn dùng Internet để đọc blog thì khoảng 95% là bạn thuộc thế hệ 8x, 9x hoặc 7x. Và nếu bạn thuộc thế hệ ấy thì cũng có thể đến vài chục phần trăm số đó khẳng định có thể sống thiếu tình yêu chứ không thể thiếu internet. Và tớ đang nói với những con nghiện internet (bao gồm cả tớ) rằng: Internet và công nghệ thông tin thật là tai hại khi vượt quá tầm kiểm soát của bạn.
1. Làm con người xa cách hơn, hoặc sống hời hợt hơn.
Tớ rất đồng cảm với bà mẹ trong entry “Thư của blogger mẹ gửi blogger con” viết “Ba mặc cái áo mới Mẹ mua, ai cũng khen, ... con chỉ hí húi comment để khen cái theme của ai đó. Em con mới có điểm học kỳ khoe um lên... con chỉ hí hửng comment khen một entry ai đó viết”. Thử nghĩ xem, những người thân, bạn bè chí cốt xuất hiện từ đâu? Ai chứ với tớ thì dứt khoát không phải từ đường truyền băng thông rộng và modem ADSL. Tớ không phải cổ hủ, nhưng sự thật là tớ không có bạn thân qua internet và càng không có tình yêu qua internet. Mở rộng quan hệ luôn là xu hướng thời đại, nhưng sự thật là với một cuộc sống hữu hạn, người ta có cần nhiều “bạn” đến vậy không?
Hình ảnh: Blog Andre sưu tầm
2. Người ta chỉ đọc những gì mình thích.
Dù muốn dù không cũng phải công nhận rằng đây là một thói xấu. Người ta nói CNTT mở rộng phạm vi hiểu biết của con người. Thật không thế? Sáng ra, bật máy tính lên, việc đầu tiên bạn làm có phải là một loạt các thao tác hoàn toàn theo quán tính không: bật máy – Yahoo messenger - check mail – vào favourite và mở chuyên mục yêu thích trong trang web yêu thích. Người yêu thể thao không bao giờ biết tình hình khoa học nước nhà thế nào, người yêu khoa học thì không biết tình hình điện ảnh, thời trang nước nhà ra sao. Chuyện này thật tai hại, nên dù miễn cưỡng nhưng đôi khi tớ vẫn nhắm mắt ra sạp báo, mua một vài tờ báo hay cuốn sách có chủ đề hoàn toàn xa lạ đem về và cố gắng đọc hết. Ừ, cuộc sống hóa ra cũng đa dạng.
3. Ảnh hưởng sức khỏe
Thôi rồi, báo mạng hay quá, ebook miễn phí hay quá, blog hay quá, lại còn cả games online nữa. Tất cả tạo nên một thế giới đầy hình ảnh màu sắc và cám dỗ. Làm việc, giải trí... ngày nào mà không ngối chết dí bên máy tính 8 tiếng mới là lạ. Và bạn không bị nhức đầu, mờ mắt, đầu óc mụ mị, lưng đau nhức nhối… mới gọi là đáng ngạc nhiên.
Hình ảnh: Theo blog Bacchus
4. Rèn luyện thói quen thiếu kiên nhẫn
Lần cuối cùng bạn đọc một cuốn sách dày hơn 300 trang là khi nào vậy? Tại sao phải ngồi thiền đọc cả một cuốn sách đồ sộ thế trong khi cả ngàn bài review, bình luận, tóm tắt sẵn sàng đợi bạn trên mạng? Tại sao lại phải tự chế biến khi người ta đã chế biến sẵn sàng đợi mình thưởng thức, sao phải phí công thế? Những điều tương tự làm cho con người ngày càng thiếu kiên nhẫn, ngày càng phụ thuộc vào những thứ fastfood người ta cung cấp trên mạng. Điều tai hại là gì? Là ta phải nhìn đời qua lăng kính của người khác!
5. Suy giảm khả năng tự giải quyết vấn đề
Con đường đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi ngày trước thì thật gian nan. Hỏi người này người khác, tra cứu lục lọi trên thư viện, v.v. Giờ thì có thánh Google rồi, chỉ vài giây là có cả ngàn câu hỏi cho một câu trả lời. Thật tuyệt diệu phải không? Xét về hiệu quả thì đúng, nhưng về phát triển năng lực con người thì sai. Cứ thử buông internet một ngày xem, tớ không thể tưởng tượng sẽ làm việc và sống thế nào? Chúng ta đứng trên vai người khổng lồ và nhầm tưởng mình cũng là người khổng lồ. Sai lầm! Khi nhảy xuống đất thì chúng ta lại trở thành người tí hon yếu ớt mà thôi.
Hình ảnh: Blog Andre sưu tầm
Nhiều nhà lãnh đạo thậm chí không cần đến Internet mà vẫn điều hành cả một đất nước vững vàng tiến lên, vậy hà cớ gì chúng ta cam tâm chịu làm nô lệ cho công nghệ khi chỉ phải quản lý một cuộc sống cá nhân bé nhỏ? Unplug đi, ra ngoài đi, sống thực đi, chúng ta thà mất đi những tiện nghi ảo chứ nhất định không chịu làm “nô lệ” nữa!
Giao diện blog Bacchus
Truyện Online - Theo blog Bacchus
Về tác giả blog: Bacchus: “Khi bạn cười, cả thế giới cười lại với bạn, và khi bạn khóc, bạn sẽ không phải khóc một mình. Thế thôi, thế là quá đủ!”
Comment từ độc giả Blog Việt:
Ho ten: Pham Dinh Doan
Dia chi: Tôn Đức Thắng, Hà Nội - Email: phamdinhdoan@yahoo.com
Tieu de: Đúng là bạn đã khẳng định hộ tôi vấn đề này!
Tôi đã có cảm giác mơ hồ như vậy, nhưng chưa khẳng định được. Đúng là nó làm cho chúng ta cảm thấy mình nhanh hơn, tìm kiếm thông tin nhanh hơn. Và chúng ta sẽ có một phản xạ là nghĩ mọi việc cũng sẽ dễ dàng như thế. Nhưng khi đi vàp thực tế thì không phải vậy, sẽ có nhiều việc khó khăn hơn, chậm chạp hơn (so với những gì Internet có). Vậy là sinh ra ức chế. Bây giờ tôi cũng cố ép mình không phụ thuộc vào internet tất cả, mà chỉ coi nó là hỗ trợ một phần nào đó, có chăng là thông tin, địa chỉ tham khảo. Còn đâu là phải thực tế. Cám ơn bài viết của bạn rất nhiều!
Ho ten: Trịnh Vĩnh Phú, Email: intovl1@yahoo.com
Noi dung: Mình rất đồng tình với bạn, và mình cũng thật sự bị vướng vào tình cảnh này, thực sự thì nhiều người biết mình là nô lệ của CNTT hay cụ thể là internet nhưng việc tự giải thoát mình khỏi vòng kiềm tỏa của nó thì quả thật không đơn giản. Kiến thức phổ thông trong nhà trường cung cấp cho chúng ta là chưa đủ để chúng ta tự bước trên đôi chân của chính mình để vào đời nên việc tự trang bị cho mình những kiến thức phổ thông là rất cần thiết mà công cụ đắc lực nhất không gì bằng internet. Đành rằng có xe đạp thì không ai đi bộ, có xe máy thì không ai đi xe đạp, vậy thì cớ gì có ADSL ở nhà mà ta lại ra sạp báo mua về đọc? Thế nhưng nếu chúng ta chỉ quanh quẩn ở nhà sẽ ngày càng thiêu rụi đi khả năng giao tiếp thực tế , ảnh hưởng cho sức khỏe cực kì trầm trọng, làm cho trí não kém nhanh nhạy và dần mất đi khả năng phân tích và xử lí, vì vậy ra việc ra sạp báo mua bán không chỉ là ra sạp báo mua báo các bạn nhỉ?
Ho ten: ma27
Email: ma27_pw@yahoo.com.vn
Tieu de: Tớ có chút phân vân
Noi dung: Bạn à tớ thấy bài viết của bạn rất hay, đúng và tớ đồng ý với lời đề nghị đi ra ngoài của bạn. Nhưng tớ có một số vấn đề muốn đưa ra đây để bạn và mọi người cùng xem xét. Vấn đề mà tớ muốn đưa ra là dường như mọi người đang cố tình hiểu nhầm CNTT vì họ muốn hiểu như vậy. Trên mạng có rất nhiều kiến thức và tầm quan trọng của CNTT trong thời đại hiện nay là không thể phủ nhận. Chúng ta đã có rất nhiều bài báo, bài thảo luận về tầm quan trọng đó nhưng, mặt khác trên mạng cũng có rất nhiều cái xấu , không tốt, không lành mạnh. Và các bài viết về tầm quan trọng của Internet chỉ đúng khi chúng ta biết sống chung với nó, biết sử dụng nó đúng cách. Hãy sống như bình thường bạn vẫn sống, đừng phụ thuộc vào bất cứ cái gì, hãy tìm cách làm chủ chúng. Không nói đến Internet thì nếu bạn mua một tờ báo và cố gắng đọc hết thì tại sao bạn không cố gắng đọc nhiều hơn một số chuyên mục quen thuộc trên mạng, trên các báo điện tử luôn có rất nhiều mục khác nhau đấy chứ...