_Quá lắm rồi! Mày muốn người ta bôi tro trát trấu lên mặt tao đến bao giờ nữa hả Hiển?!! Tao cho mày ăn học đàng hoàng, vậy mà mày nhất định làm thằng lưu manh phải không?
Thằng Hiển lầm lầm lì lì cúi gầm mặt. Rõ ràng cu cậu muốn mở miệng thanh minh nhưng mẹ nó tiếp tục quát:
_Quỳ xuống mau! Quỳ ngay trước sân để bà con đi ngang ai cũng biết mày là một thằng lì lợm.
Nó hậm hực mím chặt môi. Sau một loáng lưỡng lự, nó cũng ngoan ngoãn quỳ xuống. Nhìn cái vẻ cứng đầu của nó, cô Năm tức sôi cả ruột gan.
_Tại sao mày kiếm chuyện hết người này tới người khác vậy hả? Mấy lần trước đánh người ta bầm mặt, lần này đến chảy cả máu mũi. Tao phải xử mày sao mới vừa đây!
_Con còn muốn đánh nó hơn vậy nữa kìa!_Thằng Hiển gào lên rồi nức nở: Ai bảo nó nhạo báng cha con!
Mẹ nó trợn mắt:
_Nó nói cái gì mà mày phải đánh nó như vậy?
Thằng Hiển mếu máo kể:
_Hồi nãy con qua rủ thằng Nhã chơi bắn bi, nó nói trưa rồi, má nó không cho ra khỏi nhà. Vậy là nó kêu con vô nhà nó chơi trò khám bệnh. Con chê chơi trò gì như con gái, rồi bỏ về. Nó tức tối chạy theo bảo là: “Mày không chơi thì tao chơi. Mai mốt lớn tao thành bác sĩ như cha tao. Còn mày sẽ là đứa thất nghiệp như cha mày vậy đó!” _Cu câu tức tưởi nấc lên một cái. Nó nắm tay lại quệt hai hàng nước mắt ràn rụa trên má rồi kể tiếp: Con hỏi sao nó dám nói cha con thất nghiệp thì nó hỏi lại: ”Chứ cha mày làm nghề gì? Mày nói coi!”. Con trả lời rằng “Cha tao là…bộ đội”. Nó cười sặc sụa rồi nói bộ đội không phải là một nghề, nó còn bảo cha con đích thị là một người thất nghiệp….
Nói tới đó, cu Hiển khóc nức nở. Cô Năm chợt sững người vì cớ sự ngô nghê của bọn trẻ. Nhưng vẫn cố nói cứng:
_Nó có nói gì thì mày cũng không được hành xử hung hăng như vậy. Nghe chưa!
Thằng Hiển ấm ức lắm nhưng không dám cãi. Nó cứ khóc bù lu bù loa thành ra cái cảnh hết sức bát nháo. Mặc mẹ, mẹ la, mặc con, con gào khóc. Dượng Năm nãy giờ đứng sau vách cửa đã chứng kiến hết từ đầu tới đuôi nhưng không biết phải nói gì…
Cũng một thời đạn bom oanh liệt vậy mà giờ phải mang tiếng vô công rỗi nghề suốt ngày quẩn quanh chái bếp, dượng xót xa lắm cho chính mình. Hồi ấy còn thanh xuân, không vợ con vướng bận, dượng hăng hái xung phong ra chiến đấu bên mặt trận Campuchia ác liệt. Chiến dịch thắng lợi, dượng trở về với những tấm bằng khen, rồi huy chương sáng chói trên ngực áo. Cùng với một mảnh bom còn ghim sâu vào mắt cá chân khiến bước chân dượng từ ấy tập tễnh, khó khăn. Đôi khi dượng nói chua chát: ”Thời bình mà con người còn khổ hơn thời loạn. Bây giờ tìm một công việc còn khó hơn ôm súng ra đánh giặc!”
|
Hình ảnh: Deviantart |
Hồi đó cô thương dượng vì cái tính thật thà, lại siêng năng. Tuy đi lại khó khăn nhưng dượng rất “có tay” chăn nuôi. Bầy lợn, bầy gà nhà dượng cứ lớn nhanh như thổi nhờ sự cần cù chăm sóc của chàng thương binh chưa vợ. Rồi gia đình hai bên cũng thuận ý cho đôi trẻ nên duyên. Cứ nghĩ cái nghiệp nông gia sẽ giúp họ gây dựng hạnh phúc. Nào ngờ gánh nặng cơm áo gạo tiền buộc cô phải chuyển nhà ra chợ để tiện kinh doanh vải vóc. Cái chủ trương “phi thương bất phú” của vợ khiến dượng thành ra “mất việc”. Rồi ngày ngày vợ đi kiếm tiền còn chồng ở nhà chăm con. Dượng buồn lắm nhưng tự trách mình vô dụng, không lo được cho vợ con nên dù có thế nào cũng không dám nói. Vả lại suốt ngày lo cho thằng Hiển, hết ăn rồi ngủ, đến giờ đưa nó đi học rồi lại rước về, dượng chẳng còn thời gian mà nghĩ ngợi mông lung. Thời gian cứ thế mà trôi, giờ cu Hiển cũng hơn tám tuổi rồi.
Nhưng vụ việc hôm nay khiến dượng suy nghĩ mãi. Có lẽ không thể “ăn không ngồi rồi” mãi được. “Con trai lớn sẽ nhìn cha nó mà noi gương theo. Mình vô dụng thử hỏi làm sao dạy thằng nhỏ sống ngẩng cao đầu được.”_Dượng cứ ray rứt như thế suốt buổi chiều hôm đó.
Đến tối, thằng Hiển giận mẹ nó mà bỏ cơm. Mặc cho cha mẹ xuống nước rồi lại răn đe, nó cứ ngồi ngây ra như gỗ trước hiên nhà. Mẹ nó nổi nóng bỏ vào nhà, chỉ còn lại hai cha con.
_Hiển à, vô ăn cơm đi con!_Dượng Năm nhỏ nhẹ vuốt đầu thằng con bướng bỉnh.
Bất thình lình nó gạt phăng tay cha nó.
_Con không ăn! Tại sao lúc nào cha cũng biết đến chuyện cơm nước thôi vậy?!!
Dượng Năm nghe như bom nổ bên tai. Có nhát dao vô hình đâm thẳng vào tim người cha tội nghiệp. Dượng ngồi bệt xuống đất, gương mặt bàng hoàng như chưa kịp tin vào những điều mới vừa nghe.
_Con…con nói gì vậy Hiển? Sao con lại giận cha? _Dượng Năm lắp bắp
_Cha biết thằng Nhã nói cha thế nào không? Nó nói cha là kẻ thất nghiệp thì mai mốt con cũng như cha thôi. Còn cha nó là bác sĩ, sau này nó chắc chắn sẽ thành bác sĩ. Con không muốn là đứa thất nghiệp!
Thằng Hiển dùng dằng đáp trả cha nó. Ngay sau khi nói ra những điều ấy, thằng bé bỗng cảm thấy hối hận. Nó im lặng quay đi chỗ khác. Hai cha con cùng im lặng.
……….
_Cha….con xin lỗi cha…!
Cuối cùng cu cậu cũng dũng cảm phá tan sự im lặng. Xích lại gần bên, nó mới thấy nước mắt đang rơi trên má gương mặt khắc khổ của cha nó. Nó ân hận ghê gớm. Phải chi lúc nãy nó đừng nói…
_Cha mới là kẻ có lỗi. Người cha này không mang đến cho con sự tự hào, để con phải xấu hổ với bạn bè phải không con? Cha quả thật có lỗi với con. _Dượng Năm ôm lấy thằng Hiển mà khóc như một đứa trẻ.
Nó cũng thút thít:
_Con không xấu hổ vì cha không bằng cha thằng Nhã. Nhưng….
_Dù cha không học thức cũng không địa vị nhưng cha quyết không để con phải thua kém ai hết. Con à, không phải cứ cha là bác sĩ thì con sẽ thành bác sĩ đâu. Ai học giỏi thì lớn lên có thể làm bất cứ gì mình muốn. Cha sẽ cho con học hành tới nơi tới chốn. Đừng nói bác sĩ, nếu cón quyết tâm, con có thể lãnh đạo cả đất nước. Con hiểu không!
Hai cha con ngả đầu vào nhau nghe mọi vướng mắc bốc hơi đâu mất. Thật nhẹ nhõm và thanh thản. Đêm đó thằng Hiển ngủ thật ngon. Trong mơ, nó thấy mình mặt áo blouse, cổ đeo ống nghe trông oai phải biết. Nhưng dượng Năm cứ trằn trọc mãi không sao dỗ giấc được…
Sáng hôm sau, khi đưa con tới trường, dượng Năm không về nhà mà ghé qua Uỷ ban xã. Bạn bè kháng chiến của dượng phần lớn đều về đây làm việc. Lẽ ra dượng cũng có một ghế trong ban lãnh đạo địa phương nhưng dượng quen sống đơn giản, không màng chức phận nên đã từ chối. Thời thế nay đã khác, dượng không thể quanh quẩn mãi trong nhà như thế. Sao một đêm cân nhắc kĩ lưỡng, dượng cũng ngộ ra, làm một cán bộ liêm chính để có thể mang lợi lợi ích cho nhân dân mới quả là sống không uổng kiếp người. Quả thật, với huy hiểu Đảng sáng ngời cùng những hy sinh to lớn thời trai trẻ, dượng Năm hoàn toàn xứng đáng những bổ nhiệm của đồng đội. Ngay ngày mai dượng đã có thể mặc lại chiếc áo bộ đội đến ra mắt Uỷ ban mặt trận tổ quốc xã.
Thằng Hiển đi học về không khỏi ngạc nhiên khi thấy cha nó bày biển lại những kỉ vật năm xưa. Chiếc áo bộ đội đã cũ mèm, quân hàm, rồi huân chương, đủ cả. Dượng hăm hở:
_Cha đã có việc làm rồi! Từ ngày mai cha sẽ là cán bộ xã. Cha hết thất nghiệp rồi Hiển ơi!
_Thiệt hả cha!? Vui quá cha ơi! Con biết cha của con giỏi lắm mà.
Gian nhà nhỏ rộn rã tiếng cười và ngày sau sẽ còn hạnh phúc hơn thế. Ngày mà thằng Hiển thành đạt như mong ước. Nó sẽ không còn xấu hổ khi có ai hỏi cha nó làm nghề gì. “Cha tôi là bộ đội”_ Nó sẽ trả lời đầy hãnh diện như thế. Chắc chắn rồi!
Gửi từ tottibeti2006
- Cảm nhận và những điều muốn sẻ chia mời bạn gửi theo mẫu sau hoặc gửi bài viết, đường link blog về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Ho ten: Huyền
Email: huyen5785@rocketmail.com
Noi dung: Tôi nhớ lại tôi đã có lần làm tổn thương mẹ ghê ghớm.ngày bé mẹ có kể lúc mới sing tôi ra thì có một gia đinh muốn đổi tôi với con của họ vì tôi là con gái mà nhà họ có tới 3 đứa con trai giờ lại sinh thêm đúa con trai nữa.họ muốn có một đứa con gái. Nhà tôi rất nghèo, khi tôi nghe mẹ kể chuyện đó ko hiểu sao tôi lại buột miệng nếu hồi đó mẹ đổi con cho nhà người ta thì có lẽ con có cuộc sống sướng hơn bây giờ nhiều? Lúc đó đơn giản tôi chỉ nghĩ gia đìng nào có mỗi cô con gái mà nhiều con trai thì sẽ được cưng chiều rất nhiều giống chị hàng xóm nhà tôi. Không ngờ lúc tôi nói xong tôi thấy mẹ khóc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc. Tôi ân hận vô cùng. Đây là việc mà suốt đời tôi ko thể nào quên và tự hứa với mình chỉ cần làm ra tiền tôi nhất định ko để mẹ khổ và vất vả nữa.
Ho ten: hỒ tRúC mAi
Dia chi: lOnG _aN
Email: hoatulip_usd89@yahoo.com
Tieu de: cHa yÊu
Noi dung: Trong gia đình hình ảnh người cha bao giờ cũng là tấm gương cho con cai’ noi theo,nhưng ko vì thế mà ta bỏ qua hình ảnh của me.Bởi ko có hai hình ảnh đó thì người làm con như chúng ta co’ được nhân cách tốt ko.Hình ảnh người cha trong câu chuyện thật đáng kính trọng.Mình nghĩ tác giả đã viết về cha mình nhầm bày tỏ lòng kính yêu và mong muốn cha mình sẽ đọc được những dòng này để hiểu được tình cảm chân thành mà bấy lâu nay người con trai muốn nói. ^_^ ___^__^___
Ho ten: Chung Anh
Dia chi: Thanh Hoá
Email: chungphuonganh@yahoo.com
Noi dung: Dù bạn có là ai đi chăng nữa thì tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến bạn rằng trên đời này những người quan trọng trước hết với bạn chính là cha mẹ. Hãy nhớ đừng làm tổn thương họ để rồi đến lúc suy nghĩ lại chúng ta chỉ thấy ân hận mà thôi.
Ho ten: Nguyễn Thị Thơm
Dia chi: Nghệ An
Tieu de: Bố mẹ Em uh? N2!
Noi dung: Gặp bạn bè, các em hay đến cả những người lớn tuổi họ cũng thướng hỏi tôi: Bố mẹ...làm nghề gì? Tôi thường trả lời: N2! đó là Nông nghiệp, hìhì. Tôi không buồn vì Bố mẹ mình làm gì, tôi không quan tâm đến điều đó. Điều quan trọng là bố mẹ tôi sống và nuôi chúng tôi như thế nào. Tôi luôn tự hào về Bố mẹ tôi. ở quê, nhiều lúc tôi thấy vui lây khi nhìn được trong mắt Bố mẹ tôi niềm tự hào về chúng tôi, mặc dù phía trước cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Bố mẹ làm nông, 3 Chị em vào ĐH cũng là điều đáng tự hào lắm chứ phải không bạn. Tôi còn phải học tập nhiều, từ cuộc sống và gần nhất là từ ngay Bố mẹ mình!