Dấu Chân Online 19: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần V)
Dấu chân Online
Cơn mưa thoáng qua đã giữ chân nhóm Tây bắc trong căn lều Mông Cổ được chừng nửa giờ. Chỉ nửa giờ thôi, nhưng đây là lần đầu chúng tôi được ở trong một không gian sống thật sự Mông cổ và bắt đầu cảm nhận được những nét phác hoạ về tính cách Mông Cổ. Chặng đường phía trước còn dài, hy vọng từ những nét chấm phá này, bức tranh toàn cảnh về Mông cổ sẽ tiếp tục được hoàn thành.
Con đường chạy dằng dặc dưới đám cỏ bỗng mất hút như nó chưa từng có, xung quanh cỏ cao ngập bánh xe, cuối trảng cỏ là rừng taiga. Rừng không rậm rạp như rừng nhiệt đới. Có lẽ chỉ có 2 lớp, trên là những cây taiga thẳng đứng, gày guộc, lá xanh thẫm, dưới là lớp cỏ mướt mát. Róc rách một khe suối chảy cắt ngang rừng. Xung quanh hàng chục cây số chỉ có rừng và rừng, không một bóng người. Cảm giác cô quạnh giữa rừng hoang khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Lựa chọn một con đường tắt, chúng tôi đã chấp nhận một rủi ro là rất ít gặp người để hỏi đường, hơn nữa, có hỏi được thì cũng chỉ được chừng 50%.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải File audio Dấu Chân Online 19: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần V) |
Người Mông cổ rất nhiệt tình, nhưng họ cũng chỉ một lối đi chung chung là đi về hướng Tây Bắc. Mà như các bạn biết, chỉ cần chệch hướng một chút thôi, con đường sẽ dẫn bạn tới một ngả khác hoàn toàn. Bản đồ 1 triệu đã cứu chúng tôi phần 50 % còn lại. Thường thì mỗi buổi sáng , chúng tôi đã lập hành trình (routing) trên phần mềm Ozi, sau đó, nạp vào các GPS để bám theo. Một vài chỗ trên tuyến này, đường cũ trên bản đồ đã bị bỏ hoang. Nhưng chỉ đi lệch chừng một vài cây, bạn có thể nhận thấy ngay phần bỏ hoang này, do chỉ sau một mùa cỏ mọc không có người đi lại là con đường đã mất dấu vết. Hai hôm nay cũng mới là những ngày đầu tiên chúng tôi thực sự dấn thân vào thảo nguyên Mông cổ, do vậy, những kinh nghiệm tìm đường, định hướng và cách đi trên thảo nguyên cũng chưa thật nhiều.
Cuối cùng, sau dăm bảy lượt vòng đi vòng lại để tìm đường, chúng tôi cũng tới được phía nam của thung lũng Iven, Chạy ngược lên phía bắc thung lũng này chừng 5 km, dọc theo một dòng sông nhỏ, là Amarbayasgalant Khiid. Nhưng trước khi chạy ngược lên, chúng tôi phải vượt sông đã.
Dòng sông không sâu lắm, nước chỉ đến quá đầu gối, khá dễ dàng so với xe cào cào, nhưng khó khăn lại là đáy sông rất nhiều đá cuội to bằng cái mũ cối, nên rất dễ bị trượt bánh. Nước sông lạnh ngắt như nước mùa tuyết tan. Loay hoay mãi và cũng phải làm đổ chổng vó cả xe cả đồ tới hai chú, chúng tôi mới qua được sông. Trong khi đó, bên cạnh, chú bé chăn cừu đang cưỡi ngựa, xem chừng sốt ruột lắm với cảnh 6 chiếc xe nặng nề, đã quất ngựa chạy qua chạy lại sông vài bận.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải File audio Dấu Chân Online 19: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần V) |
Những bận vượt sông sau này, có chỗ sông sâu tới tận yên xe, luôn có một chú bé phi ngựa bên cạnh, ý chừng là muốn đọ sức đọ tài giữa ngựa và xe cào cào.
Amarbayasgalant Khiid là một trong ba tu viện phật giáo lớn nhất ở Mông cổ, xây dựng vào thế kỷ 18 với gần 300 năm tuổi. Tu viện này xây dựng trong thời kỳ nhà Mãn Châu ( ở phía Đông Bắc Trung Quốc – lập ra nhà Thanh ) đã lớn mạnh trở nên một đế chế, tiêu diệt nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt – một đại hãn Mông cổ lập nên. Do vậy, trong tu viện này, các công trình kiến trúc trông na ná nhưng những ngôi chùa mà chúng ta có thể nhìn thấy ở Trung quốc, dù vậy, nó cũng là một trong những công trình kiến trúc còn được giữ lại từ thời cổ của đất nước này.
Tu viện được xây dựng thời đó với số tiền tương đương gần 4 tấn bạc nén, Tu viện này được xây dựng nguy nga, tráng lệ bậc nhất thời đó, là nơi tu hành và giảng dạy Phật giáo. Cho tới đầu thế kỷ 20, tu viện đã là một thư viện, một kho tàng các sách vở, tư liệu, kinh kệ nhà Phật lớn hàng đầu ở Mông cổ. Không may cho nó, những biến cố lịch sử trong những năm cuối thập kỷ 30 đã tàn phá hầu hết những gì nó đã tích giữ được trong gần 200 năm. Tuy thế, nó cũng còn may mắn chán so với nhiều công trình kiến trúc Phật giáo khác đã bị phá hủy gần như hoàn tòan trên tòan cõi Mông cổ trong thời gian đó. ( một số số liệu cho là có tới 700 tu viện đã bị phá hủy gần hết ). Những gì còn lại của tu viện dễ làm bạn cảm giác bùi ngùi trước những thăng trầm của lịch sử. Con người xây nên hết cả rồi cũng phá đi hết
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải File audio Dấu Chân Online 19: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần V) |
Zanabazar, người đã xây dựng nên tu viện này, là con trai của một hãn Mông cổ thời đó, theo Phật giáo Tây tạng và cũng lại là một lãnh đạo tinh thần Phật giáo của xứ Đông Mông Cổ, vậy nên dấu vết Phật giáo ở đây đậm nét Tây Tạng mà ngay tại tu viện còn nhìn thấy rất rõ. Có nhiều sự trái ngược về Zanabazar, tỉ như đã dựa vào thế quân Mãn Châu để chống lại chính hãn Mông cổ phía Tây (vào những cuối những năm 1600, Mông cổ đã bị tách thành phía đông và tây do hai Hãn khác nhau cai quản), mở đầu cho sự phụ thuộc và Mãn châu và cuối cùng là bị Mãn châu thôn tính, trở thành thuộc địa của nhà Thanh, đến tận đầu TK 20 mới độc lập thành đất nước Mông cổ ngày nay. Nhưng về mặt nghệ thuật, Zanabazar lại được coi là Michelangelo của châu Á với những đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật, ngôn ngữ, thiên văn, hội họa. Ngày nay,nếu bạn google chữ “ Zanabazar “ thì dường như những cảm nhận của Phật giáo và nghệ thuật sẽ lấn át hết những dấu vết về lịch sử như trên. Tu viện Phật giáo Amarbayasgalant Khiid cũng mang nặng dấu tích của Zanabazar và là công trình cổ còn sót lại duy nhất như đã kể trên.
Chiều tà tà, những tia nắng cuối cùng nghiêng bóng trên những vách tường, ô cửa lặng lẽ của tu viện. Bóng dáng của nó liêu xiêu trên vách núi. Một nhà sư nép mình bước dưới bóng đổ xiên xẹo của những mái nhà cong vút, nơi đã từng có tới 2000 nhà sư tu hành. Ngày nay, ở đây chỉ còn vài chục người mà hiếm hoi lắm du khách mới nhìn thấy bóng dáng của họ. Tu viện u tịch như một chốn không người. Vẻ quạnh hiu của nó càng được đè nặng với bóng đêm rộng lớn đang lan dần từ khe núi phía đông bắc. Tu viện lại chìm vào giấc ngủ say, như hàng trăm năm nay.
Phật giáo, cũng giống các tôn giáo khác, không có những dấu hiệu rõ ràng ở những bộ tộc du mục Mông cổ cho tới khi Thành Cát Tư Hãn xây dựng được đế chế của mình. Trên hành trình chinh phục các vùng đất khác nhau với các tín ngưỡng khác biệt, Hãn đã ngạc nhiên khi gặp các ngôi chùa Phật giáo, các thánh đường Hồi giáo hay nhà thờ Thiên chúa: “ Trên mặt đất này đâu chẳng có Trời, cần gì phải đến một địa điểm nhất định để tỏ lòng tôn kính?”. Đây cũng là nhân sinh quan của các bộ tộc du mục, nơi mà cuộc sống nay đây mai đó, ngẩng mặt là trời, cúi mặt là đồng cỏ, xung quanh là gia súc.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải File audio Dấu Chân Online 19: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần V) |
Và ngay khi đã xây dựng được đế chế trải rộng từ đông sang tây, từ bắc xuống nam tới hàng chục ngàn cây số với sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, dân tộc, luật của Hãn cũng định rõ: “ Trong đế quốc của ta, ai cũng có quyền tin tưởng nơi thượng đế của họ, nhưng phải tuân theo luật do Thành cát tư hãn ban hành”. Do vậy, dưới thời Đại Hãn, các tôn giáo được tự do phát triển. Thế nhưng, chính sự rộng mở về mặt tư tưởng này cũng dẫn tới sự khác biệt lớn lao về sau giữa các hãn. Các hãn được đại hãn giao cai quản các phần đất phía Tây và Tây bắc của đế quốc, dần dần ảnh hưởng và theo đạo Hồi, trong khi đó, các hãn ở trung tâm đế quốc hoặc cai quản miền đất phía Nam, mà sau này trở thành đế quốc Nguyên Mông, lại chịu tác động sâu sắc của đạo Phật và Khổng giáo Trung hoa. Điều này cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự tan vỡ của đế chế vào giữa thế kỷ 13, khi mà mỗi hãn, cai quản một vùng rộng lớn, bị ảnh hưởng của các tôn giáo khác nhau, đã có sự xa lạ về văn hóa, triết lý, nhân sinh quan, không còn như xuất phát từ một dòng họ nữa mà đã là những đế quốc khác biệt.
Ở Mông cổ, khó có thể tìm thấy những công trình kiến trúc cổ lưu lại từ đời trước như chùa chiền. Do vậy, dù chỉ là một tu viện 300 năm tuổi, sự nguyên vẹn sau bao nốt thăng trầm của biến động xã hội khiến nó vẫn làm cho nó có một nét quyến rũ và thu hút khách du lịch. Ngoài ra, những cảnh quan xung quanh nó như các cánh rừng, triền núi, những tuyến khám phá cùng với cuộc sống yên bình của người dân địa phương cũng khiến nơi đây là một điểm không thể không dừng trên hành trình khám phá.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải File audio Dấu Chân Online 19: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần V) |
Đêm nay, chúng tôi không phải cắm trại ngoài cánh đồng mà được ở trong một khu lều Mông Cổ ( ger ), nằm gần tu viện. Quanh tu viện có một vài khu nghỉ, cũng giống như nhiều nơi khác, không có nhà mà phần lớn là lều (ger ). Lều này được dựng nguyên trạng như khu lều của người dân, chỉ khác là nó sạch sẽ hơn. Trong lều không nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, đơn giản chỉ có những chiếc giường đơn và ở giữa là lò sưởi. Quen thói khách sạn, đầu tiên cả đội cũng hỏi han đủ thứ kiểu như có toilet, có nước nóng… không. À, có tất nhưng nó là một dãy phòng vệ sinh công cộng riêng ở ngoài. Toilet thì như một cái thùng có nắp chứ ở đây nước không có nhiểu để mà xa xỉ xây cái toilet giật nước xoành xoạch như ở ta. Biết thế nên từ sau cả đội cứ sáng sáng, phi trên thảo nguyên là kiếm một cánh rừng view thật đẹp, rồi cứ tự nhiên khỏi cần tính tới khách sạn. Còn nước nóng cho mỗi người là một ấm nước sôi muốn tắm chỗ nào thì tắm!
Giá phòng ở các khu thế này cũng khác. Trong giá phòng bao giờ cũng bao gồm các bữa ăn. Mà thật ra thì không ăn ở đó thì cũng chịu chả biết ăn đâu giờ. Vậy nên khi tới đây, bao giờ cũng phải trù tính xem mình ở lại mấy đêm, ăn mấy bữa thì người ta mới biết đường mà tính giá. . Nhưng có thể mặc so với giá công bố.
… Nhiệt độ ngoài trời xuống tới suýt soát 0 độ, vang váng một làn băng trong không gian, dù vẫn đang mùa hè. Bên trong lều, hơi lửa ấm sực lên. Tiếng tí tách bập bùng trong lò sưởi xóa tan cái giá lạnh ngoài kia, dù chỉ cách nhau bằng một lớp dạ lông cừu làm vách. Phần quay vào lò sưởi thì nóng sực lên như trong phòng tắm hơi, phần lưng quay ra ngoài lại lạnh buốt với cái giá rét rình rập ngoài trời. Cứ thế cứ thế, đêm dần trôi qua thật ấm áp và ngày như chỉ đến khi cái hơi lạnh buốt cù vào trong lòng, choàng tỉnh dậy, hóa ra lửa tàn từ khi nào.
(Còn tiếp)
- Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
Mời bạn click vào đây để tìm hiểu thông tin về bộ sách đôi "Tựa vai và đưa tay đây mình nắm!" - "Những lá thư trong chai" sắp phát hành của Blog Việt |
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồs ng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn