,
221
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
911246
Người Việt soi gương (tiếp)
1
Article
null
,

Người Việt soi gương (tiếp)

Cập nhật lúc 15:31, Thứ Ba, 20/03/2007 (GMT+7)
,

Soi gương là cần thiết để làm đẹp. Còn làm đẹp ra sao lại cần sự đóng góp của tất cả những người Việt Nam có tâm huyết.

Hình ảnh: Theo blog Dementor
Hình ảnh: Theo blog Dementor

Bản sắc văn hoá Việt Nam, đó là một vấn đề vĩ mô không biết bao nhiêu chuyên gia đã phân tích, tranh luận. Tôi không phải chuyên gia, tôi chỉ là người Việt Nam bình thường, nêu lên những ý kiến chủ quan của mình, trong khuôn khổ hạn chế, khó có thể trọn vẹn tất cả cũng như không có tham vọng nêu lên được cái gì hoàn toàn mới, có tính đột phá. Muốn làm đẹp thì phải soi gương.

Người Việt soi gương (phần 1)

Phần 2: Tinh thần dân tộc – Niềm tự hào Văn Hoá Lịch Sử

Trước khi Ngô Quyền chính thức giành lại chủ quyền cho nước ta đã có những cuộc nổi dậy của nhiều anh hùng, nghĩa sĩ như Bà Trưng, Bà Triệu… có lúc chúng ta nắm được chính quyền nhưng thời gian quá nhỏ so với hơn 1000 năm Bắc thuộc. Từ khi bắt đầu trở lại là một quốc gia độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng nhà nước theo hình mẫu Trung Hoa. Có thể nói, ít nhất hai thế kỷ sau công nguyên, chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá phương bắc.

Khi phân tích các chữ Nôm trên bia Báo Ân thiền tự bi ký được tạo năm Trị Bình Long Ứng 5 (1210) đời Lý Cao Tông dựng tại chùa Báo Ân, xã Tháp Miếu, tổng Bạch Trĩ, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc có tất cả 41 chữ Nôm, Đào Duy Anh rút ra nhận định: “Đến đời Lý Cao Tông, chữ Nôm đã được cấu tạo với quy cách đầy đủ, suốt các triều đại sau quy cách ấy vẫn không hề thay đổi”. Như vậy là cho đến cuối thời Lý, không bao lâu sau khi độc lập, chúng ta đã thấy một hệ thống chữ Nôm hoàn chỉnh. Nhà Lý mở ra chế độ khoa cử, chúng ta vẫn sử dụng chữ Nho trong hầu như toàn bộ các văn bản hành chính cũng như văn học nghệ thuật. Sau khi đánh thắng quân Minh, chúng ta có Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi… là những tên tuổi đầu tiên để lại các tác phẩm giá trị bằng chữ Nôm.

Đến cuối thế kỷ XVIII, sự thành công của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương… cũng là lúc chữ Nôm đã có vị trí xứng đáng. Như vậy là văn học có nhiều đột phá nổi bật hẳn lên khi chúng ta dùng chữ viết của chính mình. Đáng suy ngẫm là nhiều tác phẩm, trong đó có “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tác phẩm được xem là đỉnh cao nghệ thuật văn chương Việt Nam từ trước đến giờ, đều lấy bối cảnh, nội dung là nước Trung Hoa. Trình độ nghệ thuật của các kiệt tác gia thì không còn gì để bàn cãi, nhưng các tác phẩm của họ đa phần dày đặc điển tích cổ Trung Quốc.

Nho giáo do Khổng Tử đề xuất, giáo lý quy định nghĩa vụ bề tôi trong thời đại quân chủ, là công cụ đặc biệt hữu hiệu để vua chúa trị nước. Sau khi Ngô Quyền giành độc lập, Nho giáo ngày càng trở nên hưng thịnh ở Việt Nam, gần như đồng hành với chế độ phong kiến. Các vua quan triều Nguyễn, cho tới tận thế kỷ XIX, vẫn còn đóng cửa luận Xuân Thu Chiến Quốc, cho rằng ngoài kia thiên hạ dốt nát kém cỏi hơn mình.

Nho giáo đã thấm nhuần đời sống con người Việt Nam gần như từ công nguyên đến nay. Nếu lấy 1945 làm mốc, nước ta chia tay chế độ phong kiến mới được hơn 70 năm. Tàn dư của nho giáo phong kiến có lẽ vẫn chưa được quét sạch khỏi ý thức hệ của người Việt, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nho giáo đã góp phần tạo ra những truyền thống cao đẹp như tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, quan hệ đạo đức gia đình… nhưng nó cũng lưu lại những quan niệm cổ hủ: trọng nam khinh nữ, tập quyền thay vì dân chủ… Chúng ta có thể biết nó lỗi thời nhưng nó vẫn còn nằm trong tiềm thức mỗi chúng ta.

Bên cạnh đó, một giai đoạn quá dài bị lệ thuộc nước ngoài là một yếu tố tạo nên tâm lý sính ngoại.

Bất kỳ người Việt nào đều có thể phát biểu tự hào về truyền thống dân tộc, về 4000 năm lịch sử, về những chiến tích đánh giặc hào hùng. Bạn biết bao nhiêu phần, bao nhiêu sự kiện trong 4000 năm ấy? Niềm tự hào phải xuất phát từ bên trong bản thân, nó khó có thể được tiếp thu một cách hình thức.

Với khuôn khổ bài viết này, bàn về lịch sử Việt Nam quả là điều không tưởng, những hơn 4000 năm cơ mà. Chúng ta đã bị người Trung Hoa xâm lược và huỷ hoại tư liệu lịch sử khá nhiều lần, nhưng chính chúng ta cũng không có được thái độ tôn trọng đúng đắn đối với việc chép sử. Lê Văn Hưu bắt đầu soạn “Đại Việt sử ký toàn thư” từ thế kỷ XIII, phải hai thế kỷ sau Ngô Sỹ Liên mới nối tiếp công việc còn dang dở. Phần đầu của bộ sử nói về họ Hồng Bàng cho đến hết thời An Dương Vương Thục Phán lại chứa đựng quá nhiều yếu tố huyền thoại.

Lịch sử bao hàm nghĩa “sự thật”. Dù sự thật đó có mấy phần hào hùng, mấy phần đau buồn thì chúng ta vẫn phải biết và thừa nhận. Con người đâu có được chọn nơi sinh ra, cũng như không ai có quyền chọn mẹ cha. Cha mẹ ta dẫu không giàu có, tài giỏi bằng cha mẹ người khác thì chúng ta cũng nên cố gắng hiểu và thông cảm họ như chính họ hơn là tự bảo bản thân và mọi người rằng họ “hoàn hảo”. Tôi sẽ không nêu thêm một trường hợp cụ thể về một nhân vật lịch sử nào, bởi mỗi nhân vật sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau và để bàn luận về họ cần giành nhiều đất và thì giờ hơn. Có một điều những cụm từ như “bán nước cầu vinh”, “anh hùng dân tộc”, “nhà cải cách”… tôi chỉ dám sử dụng trong ngoặc kép một cách thận trọng tối đa.

Lịch sử của chúng ta thực sự oai ùng, nhưng cũng thực sự đau thương. Việc chúng ta nhắc quá nhiều đến những chiến thắng giặc ngoại xâm trong quá khứ làm nhiều người nước ngoài chỉ nhớ đến Việt Nam vì chiến tranh, như thể Việt Nam là đất nước của chiến tranh. Như thế chẳng có gì là thích thú.

Trong mấy ngàn năm lịch sử, chúng ta đã có biết bao người con ngã xuống vì lợi ích dân tộc, và cũng có biết bao người con ngã xuống vì chiến tranh, vì hoàn cảnh nghiệt ngã, vì tất yếu lịch sử. Chúng ta có những ngày kỷ niệm chiến thắng thì nên chăng cũng phải có những ngày tưởng niệm cho những con người xấu số đó?

Đất nước ta có hoàn cảnh thiệt thòi hơn nhiều nước, bị chiến tranh dày vò, nhưng chúng ta thua kém lắm nước có bề dày lịch sử và điều kiện tự nhiên kém hẳn hơn mình, vì vậy bản sắc văn hoá cần phải là một động lực để xây dựng đất nước chứ không chỉ đơn thuần là tấm áo đẹp giúp ta ngẩng mặt với thiên hạ.

Sau tất cả những điều đã trình bày, tôi vẫn tự hào về dân tộc Việt Nam, tự hào là người Việt Nam, tự hào về bản sắc văn hoá Việt Nam. Những tinh hoa văn hoá Việt Nam là chủ đề tôi cũng theo đuổi nhằm góp “Vì một Việt Nam” của thế hệ trẻ Việt Nam hiện vẫn đang xúc tiến. Hẹn các bạn vào một dịp khác sẽ bàn rõ.

Tôi không phải chuyên gia, càng không phải nhà quản lý, đưa ra những biện pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc quả là một công việc quá vĩ mô.

Soi gương là cần thiết để làm đẹp. Còn làm đẹp ra sao lại cần sự đóng góp của tất cả những người Việt Nam có tâm huyết. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ cùng thế hệ với tôi và thuộc các thế hệ sau tôi, chúng ta hãy cùng nhau bỏ chút công sức tìm hiểu về sử sách nước nhà. Đó là bước đầu tiên để chứng tỏ niềm tự hào chúng ta vẫn nói từ khi còn nhỏ.

Đọc lịch sử, nhìn nhận khách quan và tôn trọng sự thật, cả những điều vẻ vang và những điều đau buồn, cho dù nó không hoàn hảo như ta mong đợi, và những “thần tượng” lịch sử trước hết cũng là người – người Việt Nam. Chương trình lịch sử ở nhà trường cũng cần được cải biến theo chiều hướng này. Chừng nào chúng ta hiểu rõ quá khứ, chúng ta mới quý trọng hơn những gì thuộc về mình để mà tự hào hơn.

“Người Việt soi gương” đến đây xin tạm thời khép lại. Công cuộc soi gương chắc chắn phải tiếp tục và đó là nhiệm vụ chung của tất cả chúng ta. Có thể vài tháng, vài năm sau tôi sẽ có bài “soi gương” bản sắc văn hoá phần 3, cũng có khi là “soi gương” ở phương diện khác. Tôi xin ngừng lời và xin tiếp thu ý kiến cũng như trao đổi với tất cả mọi người.

Blog Việt theo Blog Dementor

Tác giả Blog Dementor
Tác giả Blog Dementor

Về tác giả blog: Dementor - chàng trai có gương mặt dễ mến. Blog Dementor có những bài viết bổ ích cho cộng đồng Blog Việt. Cũng chính chàng trai này cùng những người bạn đã tổ chức hoạt động “Free Hug” tại Hà Nội. Bạn có thể gọi Dementor là Dem, Deme, Đê mê, Dế Mèn Tồ hay Đêm...

Phản hồi của bạn đọc Blog Việt

Ý kiến của bạn về bài viết này, mời bạn tham gia theo mẫu phản hồi sau hoặc gửi bài viết, đường link blog về địa chỉ blogviet@vasc.com.vn

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,