– Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông Nguyễn Quốc Hoa, cho rằng cơ quan này chưa nhận được đơn, hồ sơ xin phục hồi bếp của Anh hùng lao động, GS Phạm Gia Khải.
Tuy vậy, thực tế thì 2 năm qua vừa phải "ở nhờ” con cháu, GS Khải vừa phải viết đơn gửi đến rất nhiều các cấp, trong đó có UBND quận Hoàn Kiếm để xin được phục hồi căn bếp để có thể trở về sống trong ngôi nhà của mình.
Sau khi VietNamNet phản ánh về tình cảnh dở khóc dở cười đối với một trí thức lớn như Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS, TS Phạm Gia Khải có nhà nhưng phải sơ tán, dư luận đang rất quan tâm cách giải quyết của chính quyền các cấp ở Hà Nội.
Phóng viên VietNamNet đã tiếp xúc được với ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (HK) để hiểu rõ hơn sự việc.
Thông tin bất ngờ và khó hiểu?
Câu hỏi đầu tiên được phóng viên đặt ra đối với ông Hoa là việc “tại sao việc ông Khải xin phục hồi lại cái bếp 3,5m2 đã 2 năm nay chưa được quận giải quyết, trong lúc đó có rất nhiều cuộc họp đã thống nhất nguyện vọng này là chính đáng?”.
Trong những năm qua, từ khi căn nhà bị dột nát, bếp ăn bị hỏng, quyền lợi hợp pháp bị lấn chiếm, GS Khải đã phải bỏ công viết rất nhiều đơn thư cho các cấp lãnh đạo, chính quyền để mong được giải quyết. GS Khải chỉ mong được giải quyết theo đúng luật pháp với tư cách là một công dân chứ không mưu cầu quyền lợi gì hơn. Thế nhưng, đến nay, ông vẫn phải tiếp tục "ở đợ" con cháu vì có nhà mà không ở được. Ảnh: Duy Tuấn |
Tuy vậy, thông tin thêm cho chúng tôi, TS Phạm Gia Minh cho biết, từ năm 2007 đến nay, ông và GS Khải đã viết rất nhiều đơn gửi các cấp chính quyền, các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong đó có UBND quận HK để xin được sửa bếp, sửa nhà.
Để chứng minh, ông Minh cung cấp cho chúng tôi 2 giấy báo tin nhận đơn của quận HK. Tại giấy báo tin số 128 ngày 16/6/2009 “Về việc xử lý đơn” của Thanh tra quận HK gửi ông Phạm Gia Minh có ghi: UBND quận HK đã nhận được đơn của ông. Nội dung: Đề nghị chính quyền cho phép GS Phạm Gia Khải phục hồi lại căn bếp tầng 2 như cũ để phục vụ sinh hoạt bình thường. Đơn của ông đã được lãnh đạo UBND quận giao cho Phòng quản lý đô thị tham mưu giải quyết.
Như vậy, trong nhiều lần gửi đơn đến quận HK thì ít nhất đã có 2 lần cơ quan này trả lời đã nhận và sẽ xử lý theo chức năng. Không hiểu sao, khi cung cấp thông tin cho phóng viên thì vị Phó Chủ tịch UBND quận này lại cho rằng “GS Khải chưa có hồ sơ, chưa có đơn” (?!)
Ông Hoa còn cho biết, quan điểm của quận nếu đủ điều kiện thì sẽ cấp phép, nếu không đủ thì phải trả lời lý do tại sao cho công dân được biết.
Trước đó, tại thông báo 172 ngày 30/10/2007 kết luận của Chủ tịch UBND quận HK về sự việc nhà ông Khải cũng đề cập đến vấn đề này: Giao UBND phường phối hợp Thanh tra xây dựng, Phòng xây dựng và Đô thị quận, Xí nghiệp nhà số 3 kiểm tra mức độ an toàn, đề xuất phương án phục hồi cái bếp cũ của gia đình ông Khải ở tầng 2.
Kiểm tra lại thông tin “bán nhà nguy hiểm”
Năm 2007, trước khi UBND quận HK ký giấy chứng nhận bán nhà cho hộ ông Lê Hoàng Thanh thì đã có một cuộc họp “Về việc sửa chữa nhà nguy hiểm” diễn ra tại Xí nghiệp QL&PT nhà số 3 vào ngày 15/1/2007. Biên bản cuộc họp đã nói lên hiện trạng xuống cấp và có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng, đề nghị được sửa chữa lại. Tuy vậy, đến tháng 7/2007, các cơ quan quản lý đã làm thủ tục bán nhà “nguy hiểm” cho ông Thanh.
Phương án số 5 được các cơ quan chức năng dày công xây dựng để hoạch định diện tích phụ cho rõ ràng nhưng lại vấp phải sự không đồng ý của các hộ tầng dưới. Gia đình ông Khải khó hiểu là tại sao "diện tích phân bổ không hoạch định này nếu vẫn là sở hữu của Nhà nước thì tại sao cơ quan quản lý nhà nước có chức năng lại không dùng các quy định để can thiệp vào để giải quyết mà phải trông chờ vào sự đồng ý của 2 hộ còn lại?". Ảnh: Duy Tuấn |
“Việc đánh giá nhà nguy hiểm phải trên cơ sở nhiều tài liệu, ngoài mắt thường thì đánh giá nhà nguy hiểm còn căn cứ vào cơ quan có đầy đủ năng lực để thẩm định đánh giá nhà đấy đã nguy hiểm chưa và ở mức độ nào? Thế mới chính thức. Còn việc biên bản đó chỉ với mức độ mắt nhìn thường, đó có thể là 1 tài liệu nhưng chưa phải là cuối cùng”, ông Hoa cho biết.
Đối với việc “sở hữu trên giấy” đối với diện tích chung, quyền lợi hợp pháp của GS Khải bị xâm phạm nhưng không được bảo vệ, ông Hoa cũng cho biết đã được bàn bạc và đưa ra nhiều phương án, GS Khải thì đồng ý nhưng các hộ kia không đồng ý. Ông Hoa cũng thừa nhận việc để có được sự đồng thuận là khó.
“Nếu Sở XD thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp bắt buộc thì có phương án hoạch định được UBND thành phố ra quyết định hoạch định bắt buộc (…) Nếu như xảy ra tranh chấp diện tích chung thì cơ quan quản lý nhà phải giải quyết. Phần diện tích chung đấy là sở hữu nhà nước, chính vì của nhà nước nhưng nhà nước không can thiệp vào được nên mới giao cho Sở XD chủ trì, họ là chủ thì có quyền”, ông Hoa nói tiếp.
Hình ảnh của người thầy, bác sỹ Phạm Gia Khải đang hướng dẫn cho sinh viên khi khám cho bệnh nhân. Với những đóng góp to lớn của mình, vị GS ngành y này đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động. Hiện ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang đảm nhiệm công việc quan trọng: Chủ tịch hội đồng chuyên môn, Ban bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương. (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Chúng tôi bỗng nhớ lại lời của bà Quý, tổ trưởng dân phố số 28, phường Phan Chu Trinh: Đối xử với một người dân thường như vậy còn không được, huống chi GS Khải là một Anh hùng lao động, có nhiều đóng góp lớn cho ngành y Việt Nam.
Nếu các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục trông chờ vào sự đồng thuận của các hộ dưới thì không biết bao giờ sự việc mới được giải quyết, không biết bao giờ GS Khải mới sửa được cái bếp - sự việc tưởng chừng như rất nhỏ bé mà các cơ quan quản lý vẫn loay hoay giải quyết trong mấy năm nay chưa xong. Và dư luận đặt ra câu hỏi "đằng sau sự chậm trễ này của các cơ quan chức năng là gì?".
Trao đổi với VietNamNet về trường hợp của GS Khải bên lề cuộc họp HĐND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chi biết: "Tôi đã giao cho Phó Chủ tịch Phí Thái Bình xem xét, kiểm tra, giải quyết. Phải xem tình hình cụ thể như thế nào mới giải quyết được.Trước một hoàn cảnh mình phải xem xét cụ thể để làm sao giải quyết vừa đảm bảo đúng các quy định pháp luật, vừa đảm bảo được điều kiện cuộc sống của GS và cả người khác, điều đó là chính đáng". (Cao Nhật) |
- Duy Tuấn