221
3702
Điều tra theo thư bạn đọc
theodauthu
/bandocviet/theodauthu/
942160
Từ 1/7/2007: Việc nhập hộ khẩu sẽ khá đơn giản
1
Article
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
Từ 1/7/2007: Việc nhập hộ khẩu sẽ khá đơn giản
,

Ngày 6/6, Bộ Công an tổ chức hội nghị triển khai Luật Cư trú (LCT), sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Theo đó, thủ tục đăng ký hộ khẩu (HK), việc nhập HK vào các thành phố (TP) lớn sẽ cực kỳ đơn giản và thông thoáng.

 

Thủ tục nhập khẩu sẽ cực kì đơn giản và thông thoáng.

Khái niệm cơ bản có ảnh hưởng xuyên suốt các điều khoản của LCT là quy định về chỗ ở hợp pháp (HP). Nhà ở HP không chỉ là nhà do cá nhân mua, được biếu, tặng mà có thể đó là nhà thuê, được người khác cho ở nhờ (các trường hợp này phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà)... Ngoài nhà ở, chỗ ở HP còn được hiểu là tàu thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân...

Trước khi chưa có LCT thì vấn đề HK luôn là vòng luẩn quẩn gây khó khăn lớn với người dân, đặc biệt với những người muốn nhập cư vào TP lớn. Theo thống kê sơ bộ, có tới gần 300 văn bản, điều khoản... liên quan đến vấn đề cư trú. Khi có LCT, người dân sẽ có được một khung pháp lý quan trọng để thực hiện quyền tự do cư trú đúng luật.

Điều kiện nhập HK

Theo LCT, công dân có chỗ ở HP ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở HP do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. 

Điều kiện đăng ký thường trú (nhập HK) tại TP trực thuộc Trung ương cũng trở nên hết sức đơn giản, bao gồm các đối tượng:

1. Những người có chỗ ở HP (có thể nhà mua, nhà thuê, hoặc ở nhờ...), đã tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên;

2. Được người có sổ HK đồng ý cho nhập vào sổ HK của mình thuộc một trong các trường hợp sau: Vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị em ruột, cô dì, chú bác, cậu ruột, người giám hộ. Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông bà nội ngoại, anh chị em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông bà nội ngoại; 

3. Người được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn. 

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương, nay về TP đó sinh sống tại chỗ ở HP của mình. 

Thông thoáng không phải là buông lỏng

Tại hội nghị hôm qua, Trung tướng Phạm Văn Đức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc triển khai luật này. LCT ra đời là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân theo tinh thần người dân được làm những gì pháp luật không cấm, cán bộ công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Với những quy định thông thoáng của LCT, nhiều người lo ngại về một cuộc đổ bộ, người dân ồ ạt đăng ký HK vào các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội. Trung tướng Phạm Văn Đức cho biết, Bộ Công an cũng đã tính tới vấn đề đó, tuy nhiên, theo ông, sức hút người dân vào TP là quan hệ kinh tế. Những người có việc làm, có nhà ở thì họ mới vào TP, chứ không phải chỉ vì thủ tục HK.

Nếu lượng người đăng ký HK tăng lên trong những ngày đầu thực thi LCT thì đó chính là những người đã sống lâu dài ở các TP lớn. Có chăng đến nay họ mới đủ điều kiện đi đăng ký HK, và LCT ra đời là đảm bảo quyền lợi của người dân khi họ có đủ điều kiện và có mong muốn được sống lâu dài tại các TP lớn.

Việc đăng ký HK cho các đối tượng này cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, ổn định tình hình an ninh trật tự. Sau những ngày đầu, tháng đầu, tình hình đăng ký thường trú, tạm trú sẽ đi vào ổn định.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cũng khẳng định, LCT sẽ tạo sức ép rất lớn lên nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ công an. Bởi lẽ quy định là thông thoáng nhưng hoàn toàn không phải "buông lỏng". Lực lượng công an phải đảm bảo tốt trật tự trị an xã hội. Sẽ có những kẻ xấu lợi dụng cơ chế thông thoáng để trục lợi, để làm điều xấu, nhưng đó là thiểu số. Đại đa số người dân là người tốt, vì vậy LCT ra đời là phục vụ đại đa số nhân dân. 

Theo Đại tá Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, sau ngày 1/7, lượng người đăng ký HK tại TP này sẽ tăng cao, và đó là sức ép lớn cho hạ tầng đô thị. Cũng theo Đại tá Tuyến, Hà Nội đang có chính sách cấp đăng ký HK cho người dân có đủ điều kiện sinh sống như đảm bảo diện tích không gian sống trên đầu người.

Tuy nhiên, nếu theo tinh thần của LCT, hễ người dân có nơi ở HP (với người ở Hà Nội) và thêm điều kiện đã tạm trú trên 1 năm (với người ngoại tỉnh) là phải được đăng ký HK. "Còn việc họ có đủ điều kiện sống hay không, nhà họ có quá chật hay không, đó là việc tự người dân sắp xếp" - ông Phạm Văn Đức bày tỏ quan điểm.

LCT quy định, sau 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ HK cho người đăng ký. Theo dự báo, trong vài tháng đầu sau ngày 1/7, lượng người đăng ký nhập HK sẽ rất đông và các TP lớn sẽ khó lòng đáp ứng nổi nhu cầu của người dân và cấp sổ đúng hẹn. Do đó một vị đại diện Công an TP.HCM đã đưa ra phương án có thể công an TP này sẽ hẹn người dân thời hạn dài hơn quy định 15 ngày, có thể là 20 hay 30 ngày tùy theo tình hình thực tế để không bị lỡ hẹn.

 Những điểm đáng lưu ý

Thời gian đăng ký HK được kéo dài

Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày chuyển đến chỗ ở HP mới, người thay đổi chỗ ở HP hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký HK tại chỗ ở mới. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ HK, người được người có sổ HK đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký HK.

Có thể cộng dồn đủ 1 năm tạm trú

Các trường hợp sau đây được coi là tạm trú liên tục từ một năm trở lên: Tạm trú liên tục tại một chỗ ở tại TP trực thuộc Trung ương, thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó từ một năm trở lên; tạm trú liên tục tại nhiều chỗ khác nhau tại TP trực thuộc Trung ương mà thời hạn tạm trú tại tất cả các chỗ ở đó từ một năm trở lên. 

Trong ba ngày, công an phải cấp giấy tạm trú

Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký HK tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú với công an xã, phường, thị trấn. Trưởng công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phải cấp sổ tạm trú. 

Thông báo lưu trú qua điện thoại

Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú (đến lưu trú trong thời gian ngắn, không có ý định ở lại lâu dài).

Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở khám chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ... khi có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú phải có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc thông qua điện thoại. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng con cháu anh em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

(Theo Thanh niên)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,