(VietNamNet) - Trong những ngày gần đây, VietNamnet nhận được nhiều thư bạn đọc hỏi xung quanh vấn đề bảo hiểm y tế tự nguyện. Về vấn đề này Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã hướng dẫn nêu rõ:
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện. Theo đó, bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) được áp dụng với mọi công dân Việt Nam (trừ những người có thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc và trẻ em dưới 6 tuổi).
Người có thẻ BHYT được thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú khi có chi phí từ 100.000 đồng trở lên.
Theo Thông tư này, mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ được điều chỉnh tăng trung bình 50%.
Đối với thành viên gia đình khu vực thành thị, mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện từ 160.000 – 320.000đ/người/năm; khu vực nông thôn từ 120.000 – 240.000đ/người/năm.
Học sinh, sinh viên khu vực thành thị là 60.000 – 120.000đ/người/năm; khu vực nông thôn là 50.000 – 100.000đ/người/năm.
Nếu gia đình có đông thành viên tham gia BHYTTN sẽ được giảm mức đóng. Cụ thể như sau: Hộ gia đình có từ 3 thành viên trở lên tham gia BHYTTN thì thành viên thứ ba được giảm 10% mức đóng theo quy định; từ thành viên thứ tư trở đi, mỗi thành viên được giảm 20% mức đóng theo quy định.
Người có thẻ BHYTTN được hưởng các quyền lợi theo quy định sau 30 ngày được cấp thẻ, trừ các trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn; được hưởng các quyền lợi khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn sau 180 ngày kể từ ngày đóng BHYTTN; hưởng các quyền lợi về chăm sóc thai sản, sinh đẻ sau 270 ngày kể từ ngày đóng BHYT đối với trường hợp tham gia BHYTTN lần đầu hoặc tham gia sau một thời gian gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.
Người bệnh có thẻ BHYT có thời gian tham gia liên tục đủ 36 tháng, từ tháng thứ 37 trở đi, khi sử dụng các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục của Bộ Y tế nhưng được phép lưu hành tại Việt Nam thì được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán 50% chi phí của thuốc này.
Cũng theo Thông tư này, người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại các cơ sở công lập và ngoài công lập có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội thì được thanh toán chi phí khi sử dụng các dịch vụ: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng; thuốc dịch truyền do Bộ Y tế quy định; máu và các chế phẩm của máu...
Người có thẻ BHYT được thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú khi có chi phí từ 100.000 đồng trở lên.
Trong trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn được cơ quan bảo hiểm thanh toán 80% nhưng không quá 20.000.000 đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó.
Đối với học sinh, sinh viên khi tham gia BHYTTN còn được hưởng thêm quyền lợi về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học theo quy định hiện hành. Trường hợp tử vong được trợ cấp 1.000.000 đồng.
(Theo website Chính phủ)