Sau khi độc giả VietNamNet góp ý với Quốc hội về sự cấp thiết phát triển, hiện đại hoá ngành đường sắt,
Ở các nước phát triển, đường sắt cao tốc (Shinkansen theo cách gọi của Nhật, TGV theo cách gọi của Pháp, ICE theo cách gọi của Đức…) đã trở thành một phương tiện giao thông gần gũi, được sử dụng rộng rãi và có ưu thế rõ rệt so với vận tải ô tô cao tốc và vận tải hàng không.
Tốc độ khai thác cao nhất của đường sắt cao tốc 300 km/h hiện nay đã bằng 2 lần tốc độ ô tô con, bằng 1/3 tốc độ máy bay có tốc độ dưới âm thanh. Trong phạm vi từ 100 - 700 km, tiêu phí thời gian đi bằng đường sắt cao tốc ít hơn đường bộ cao tốc và đường không. Không gian rộng rãi và các dịch vụ trên đoàn tàu tạo cho hành khách cảm giác thoải mái, và điều quan trọng là an toàn.
Từ khi bắt đầu khai thác đến nay (Nhật là 40 năm, Pháp là hơn 10 năm), đường sắt cao tốc chưa hề xảy ra trở ngại đổ tàu. Vận tải đường không và đường ô tô chịu ảnh hưởng thời tiết nên khó đúng giờ, còn đường sắt cao tốc có thể chạy trong mọi thời tiết.
Xét về tiêu hao năng lượng theo hành khách km, đường sắt thông thường là 1,0; đường sắt cao tốc là 1,42; xe ô tô con là 8,2 và máy bay là 7,44. Đường sắt cao tốc về cơ bản được điện khí hóa nên loại trừ được ô nhiễm của khí thải từ đốt cháy xăng dầu.
So sánh hệ số chiếm đất cho một đơn vị năng lực vận tải thì đường sắt cao tốc chỉ bằng 1/3 của đường ô tô cao tốc và vận tải đường không.
Giá vé đường sắt cao tốc cao hơn giá vé ô tô đường dài và tương đương giá vé đường không. Nếu lấy đầu tư tổng hợp cho mỗi đơn vị năng lực vận tải để so sánh thì giá thành xây dựng đường sắt cao tốc là thấp nhất.
Tư liệu của Nhật và Pháp về đường sắt cao tốc cho thấy tỷ lệ thu lợi trực tiếp của đầu tư từ 12% trở lên, trong vòng 10 năm có thể thu lại được vốn đầu tư.
Tuy đã được xây dựng và khai thác từ lâu nhưng việc định nghĩa và phân loại đường sắt cao tốc cũng chưa thật thống nhất. Hiện nay, người ta tạm phân loại theo truyền thống:
- Đường sắt tốc độ thường: V từ 100km/h đến 200km/h
- Đường sắt tốc độ vừa: V từ 120km/h đến 160km/h
- Đường sắt gần như cao tốc: V từ 160km/h đến 200km/h
- Đường sắt cao tốc: V từ 200km/h đến 400 km/h
- Đường sắt cao tốc đặc biệt: V từ 400km/h trở lên
Tuy nhiên, vẫn có một số quan niệm khác: một số nước Tây Âu gọi đường mới xây dựng có tốc độ 250 – 300 km/h, đường cũ cải tạo có tốc độ đạt 200 km/h là đường sắt cao tốc. Năm 1985, Hiệp nghị về các tuyến trục đường sắt quốc tế được ký tại Giơnevơ của ủy ban kinh tế Châu Âu quy định: tốc độ của đường sắt cao tốc kiểu dùng riêng cho tàu khách mới xây dựng là 300 km/h, tốc độ của đường sắt cao tốc kiểu dùng lẫn cho cả tàu khách, tàu hàng mới xây dựng là 250 km/h.
Trong thế giới hiện đại, tiến bộ xã hội gắn liền với sự phát triển giao thông vận tải và đường sắt cao tốc là chiều hướng chung của phát triển đường sắt thế giới. Đứng trước sự cạnh tranh và thách thức của đường không và đường bộ cao tốc, đường sắt các nước có cách riêng: phát triển đường sắt cao tốc.
Năm 1964, đoàn tàu cao tốc đầu tiên mang tên "ánh sáng" với tốc độ max 210 km/h chạy trên đường sắt mới xây dựng của Nhật Bản ra đời bắt đầu cuộc cạnh tranh với hàng không, đường ô tô cao tốc. Năm 1989, đoàn tàu TGV của Pháp đưa vào khai thác với tốc độ 300 km/h, sau đó 8 tháng lập kỷ lục tốc độ thử nghiệm 513,3 km/h. Hiện nay, các nước thành viên của cộng đồng Châu Âu đã nối các thành phố chủ yếu của mình bằng đường sắt cao tốc.
-
TS. Nguyễn Hữu Bằng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN.
Bài 2: Xây dựng và phát triển đường sắt cao tốc trên thế giới