- Hàng ngàn thư độc giả gửi về VietNamNet gợi lại những ký ức về Nông trường Sông Hậu thuở khai phá và cảm nhận của họ sau khi đọc phỏng vấn với bà Trần Ngọc Sương.
VietNamNet trích đăng một vài cảm nhận của độc giả về cố Giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH) Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng), nguyên Giám đốc NTSH Trần Ngọc Sương (Ba Sương) và những gì NTSH đã làm được cho những người nông dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
"Tôi không thể sống hèn được"
Tôi là một cán bộ về hưu, lẽ thông thường khi đã về hưu không muốn dính dáng đến chuyện đời thường, nhất là những chuyện mang tính phức tạp và nhậy cảm. Song từ trong sâu thẳm của một người lính cụ Hồ, dù về hưu hay còn trẻ tôi không thể sống hèn được. Mặt khác, lại có câu “chỉ có là súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại”.
Bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới, tại phiên toà sơ thẩm xét xử bà cùng các cộng sự về tội "Lập quỹ trái phép". |
Nghĩ vậy tôi ngồi viết lại những dòng cảm xúc này tham gia với VietNamNet, với mong muốn những người được xã hội giao cho trọng trách cầm cân nảy mực, giữ cán cân công lý hãy có một cách nhìn đầy đủ toàn diện để sau khi tuyên án rồi thì người ta “Tâm phục, khẩu phục”.
Tôi biết giờ này chị Sương đang đau lắm. Thế giới tâm linh nếu có hiện hữu thì Chú Năm Hoằng cũng đang đau xót tới quằn quại. Những dòng tôi viết sau đây mang đầy tính cảm nhận chủ quan. Mà tư duy cảm tính là tư duy đối lập với tư duy của ngành bảo vệ pháp luật (tức là chỉ ngắn gọn là đúng hay sai, vi phạm hay không vi phạm).
Nhưng nếu nghiên cứu cho thấu đáo về luật thì không hẳn là như thế, bởi vì bản chất của các điều luật đặt ra cũng chỉ nhằm điều chỉnh hành vi con người cho phù hợp với đạo đức xã hội. Mà đạo đức xã hội tuy thuộc phạm trù lịch sử, tức là cũng việc làm ấy lúc này là tốt, lúc khác là xấu.
Tuy vậy, dù là đạo đức có thuộc phạm trù lịch sử đi chăng nữa, thì con người bao giờ, dù ở đâu, trong bất kỳ một thể chế chính trị nào, con người cũng phải mang tính người là nét chung nhất tức là không thể quay lưng hoặc cười cợt trước nỗi đau của đồng loại.
Tuy không có bằng chứng trong tay, nhưng bằng cảm nhận chủ quan tôi cũng có thể hình dung được mức độ sai phạm và nguyên nhân sâu xa của những sai phạm này. Ở đây mong chị Sương thông cảm khi tôi dùng từ “sai phạm”. Đó là ngôn ngữ luật. Luật chỉ có đúng hoặc sai, không có giải thích thêm và một khi đã trái với luật tức là sai phạm.
Ở đây tôi cũng muốn nói rõ, tôi không phải là người có quyền đưa ra phán xét, nên nói ra cảm nhận của mình đó là quyền tối thiểu của người tham gia diễn đàn này.
Từ bãi hoang sình lầy, Nông trường Sông Hậu nay đã là "bờ xôi ruộng mật" sau 30 năm khai phá, với công sức của hàng chục ngàn con người. |
Vào khoảng những năm 1988-1989, tôi có mặt trong đoàn cán bộ của một công ty thủy sản Trung ương có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh, được sự chỉ đạo của một Thứ trưởng Bộ Thủy sản xuống Nông trường Sông Hậu xem xét tìm cách giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông trường làm ra. Cảm giác đầu tiên của tôi là choáng ngợp trước những kết quả của một nông trường không được cấp vốn mà lại do một ông già qua tuổi về hưu lãnh đạo.
Cũng tại đây lần đầu tiên trong đời tôi được đi mỏi chân dưới một (thực sự lúc này tôi không biết dùng từ gì để diễn đạt cho đúng điều mình đã nhìn thấy : đống thóc, núi thóc, hay rặng thóc) bởi thóc gặt về cứ bên bờ kênh mà đổ chờ ghe bầu đến chở đi tiêu thụ. Đống thóc cao cỡ nóc nhà 3 gian ở đồng bằng Bắc Bộ kéo dài liên tục như thế cả cây số.
Từ Cần Thơ, chúng tôi tôi đi bằng 4 phương tiện mới tới được văn phòng nông trường, được chú Năm Hoằng lúc đó là giám đốc nông trường ra đón. Đêm đó ngồi trong mùng nói chuyện vì khi đó muỗi rất nhiều.
Chú Năm Hoằng lại gây cho tôi một ngạc nhiên nữa về trí tuệ và khả năng diễn đạt mọi vấn đề từ chính trị xã hội đến kỹ thuật nuôi tôm càng… Đặc biệt, trong cách nói có dẫn dắt từ cơ sở triết học, từ những điều Bác Hồ đã nói, hoàn toàn một cách tự nhiên, không giáo điều.
Hôm sau, chú Năm Hoằng dẫn chúng tôi xem cơ ngơi nông trường và được chú giới thiệu khởi nghiệp từ 1 cái Ponton xin được từ một đơn vị quân đôi. Cứ thế, với một xáng cạp, chú tự quy hoạch cả nông trường từ từ lập nên 1 cơ ngơi bề thế, có giếng khoan, có máy phát điện và đặc biệt là không được cấp vốn ban đầu.
Điều đặc biệt là, thông qua thái độ của người dân và con trẻ ở đây có thể hiểu được người dân quý trọng chú Năm tới mức nào. Lũ trẻ đang chơi đang nghịch ở quanh đâu đó, khi thấy chú Năm cùng chúng tôi đi tới, chúng chạy lại chào khách. Đặc biệt với chú Năm, thấy đứa chào "con chào ông nội", đứa khác lại chào "con chào ông ngoại".
Tôi ngạc nhiên, chú giải thích đó toàn là con em nông trường viên, cha mẹ đều tứ cố vô thân được chú tiếp nhận vào nông trường. Trong đó có cả vượt biên trái phép (đây cũng là một tình tiết xung đột giữa đạo đức và pháp luật, liệu có ai kết tội chú vì tội chứa chấp người phạm pháp). Trong khi đó, đạo đức cao cả là rộng mở cánh tay đón nhận và tạo dựng tương lai tốt đẹp cho một con người.
Hình ảnh Chú Năm Hoằng đọng mãi trong tôi là một ông già giám đốc quanh năm quần đùi chân đất. Thậm chí có lúc lên thành phố họp, đôi dép chú mang được từ sáng đến trưa là mất vì không biết bỏ quên chỗ nào. Chú Năm Hoằng một người Cộng sản thực sự trên phương diện lý thuyết và thực tiễn.
Lúc mất đi chú chẳng mang theo vàng và cũng chẳng để lại biệt thự, villa.
Chị Trần Ngọc Sương lúc chúng tôi gặp là phó Giám đốc NTSH. Tôi cũng chỉ quen biết chị qua 1 lần duy nhất là trên một chuyến xe công tác từ NTSH về TP. Hồ Chí Minh. Khi chị Sương là đảng viên thì đây cũng là một điều để dễ dẫn tới sai phạm bởi thế hệ chú Năm, thế hệ chúng tôi cũng như chị Sương dễ có tư duy sống và làm việc theo nghị quyết chứ ít khi có suy nghĩ sống và làm việc theo pháp luật.
Thế hệ chúng tôi không phân biệt rạch ròi Nghị quyết chỉ là số đông của một tập thể nhỏ, còn pháp luật là số đông nhưng của một tập thể lớn hơn nhiều: đó là luật do Quốc hội phê chuẩn.
Căn cứ vào bản cáo trạng của người giữ quyền công tố, tôi cho rằng bản chất sự việc chưa được xem xét thấu đáo cho tới tận cùng. Có câu”nếu bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã vào đầu anh bằng đại bác”. Dư luận xã hội trong và ngoài nước nghĩ gì khi cha là Anh hùng lao động, con cũng là Anh hùng lao động, là những người tay không tạo dựng cơ ngơi của NTSH cho đến khi về hưu thì phải vào tù.
Trong báo cáo hàng năm về thành tích của huyện, của tỉnh chắc chắn không bỏ sót kết quả đạt được về kinh tế xã hội của Nông trường Sông Hậu. Trực tiếp và gián tiếp đóng góp vào ngân sách địa phương của Nông trường Sông Hậu một lượng tiền không nhỏ, trong đó có cả quỹ lương chi trả cho công chức địa phương?
Danh hiệu Anh hùng lao động không phải một chốc một lát mà đạt được. Toàn văn cáo trạng nêu lên những tội danh không thể diễn ra trong một tháng một năm. Vậy cùng một quãng thời gian tại Việt Nam, tồn tại mấy tiêu chuẩn đạo đức?
Nếu danh hiệu "Gương mặt ấn tượng châu Á - Thái Bình Dương" thì còn cho là dính dáng một chút nước ngoài, một chút tư bản, còn đây một danh hiệu thuần Việt đối lập một tội trạng thuần Việt trên cùng một con người thì giải thích thế nào?
Địa phương có mấy tổ chức lãnh đạo Nông trường Sông Hậu? Những ai đã từng giơ tay biểu quyết, phê duyệt kế hoạch phát triển, các báo cáo tài chính, thành tích hàng năm của Nông trường Sông Hậu đâu cả rồi, lên tiếng đi chứ? Tình đồng chí trên lý thuyết là cao quý, sao lại quay lưng như vậy? Nhân chứng cũng là một chứng cứ pháp lý, tuy nó yếu hơn và đứng sau bằng chứng, nhưng có số đông cũng có giá trị pháp lý nhất định.
Tôi cho rằng những người cùng sinh hoạt, cùng làm việc trong một tổ chức với chị Sương chắc chắn hiểu rõ bản chất sự việc.
Trách nhiệm chứng minh chị Sương lập quỹ trái phép hoàn toàn thuộc về cơ quan điều tra và cơ quan công tố. Nhưng mục đích cuối cùng của cái quỹ trái phép này là chi cho ai? Làm cái gì?. “Vật chất không mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này qua dạng khác”. Vậy khối lượng vật chất là tiền "to" như cáo trạng đã nêu hiện giờ nằm ở đâu? Có biến thành nhà, thành đất chứ không biến thành hơi được. Mà suy cho cùng hơi cũng là vật chất.
Trách nhiệm phải chứng minh cho được điều này thuộc về cơ quan công tố, còn không chứng minh được thì phải chấp nhận lời khai của chị Sương. Quyền suy diễn duy nhất được phép là suy diễn theo hướng vô tội cho bị can, bị cáo. Điều này đã được pháp luật quy định.
Còn sự cân đối và mất cân đối tài chính trong một doanh nghiệp, đòi hỏi sự công tâm và năng lực tài chính đi kèm nghiệp vụ kế toán vững vàng mới kết luận sát thực. Đây là việc làm công phu mất nhiều thời gian không phải ai cũng làm được. “Con số biết nói” thực ra nói nhiều, nói ít, nói đúng, nói trật, đều phải bắt đầu từ con người sắp xếp nó, tiếp ngôn ngữ cho nó thì nó mới nói được.
Lúa sau thu hoạch ở Nông trường Sông Hậu. |
Tính từ thời mở cửa đến giờ, có doanh nghiệp nào kinh doanh bất động sản với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có đơn giá chuyển nhượng bằng 1 ly cà phê hoặc bằng một tô phở bình dân? Thế mà đơn giá ấy được đưa vào làm đơn vị tính giá khi cân đối tài chính.
Có một thời quy định tiêu chuẩn tiền ăn của thuyền viên khi ra nước ngoài chỉ có 3 USD. Ở các thương cảng Singapore, Hongkong, Kobe... có ai sống được bằng 3 USD một ngày? Thế nhưng nhiều người vẫn tranh nhau xuống tàu, bởi họ biết lách luật. Còn chị Sương không biết lách luật, nên con muỗi thì không qua nhưng con voi thì chui lọt.
Thêm vào đó một chút chủ quan với tâm niệm mình vì mọi người, vì tập thể nhưng trong thực tế ít thấy vế thứ hai xuất hiện là mọi người vì mình, một khi mình đã lâm nạn. Ở vào tuổi của chị Sương không còn dịp để rút kinh nghiệm nữa. Mong đây cũng là lời nói thành tâm chia sẻ cùng chị và chúc chị Sương nhiều sức khỏe, bình tĩnh sáng suốt trước phiên tòa sắp tới.
Luật pháp hình thành nhằm điều chỉnh hành vi con người cho phù hợp với chuẩn mực chung là đạo đức xã hội. Đây cũng là lúc những người thực thi pháp luật cần lấy đạo đức xã hội để điều chỉnh những quy định (pháp luật) thiếu thực tế khách quan và vô lý.
Phải chăng những tình tiết giảm nhẹ trong quy định của pháp luật đăt ra nhằm giải quyết những trường hợp khó xử như thế này? (độc giả Việt Cường, địa chỉ tại phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, email vietcuong...@gmail.com chia sẻ).
"Tôi đã khóc"
Không phải là máu mủ ruột rà gì, tôi cũng chưa từng gặp bà một lần mà chỉ được biết về bà qua đài báo khi bà thành đạt, được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ Đổi mới.
Là nam giới nhưng thú thực với VietNamNet, tôi đã yếu lòng rơi nước mắt khi đọc 3 bài phỏng vấn về bà Sương đang có thể lãnh án 8 năm tù. Tôi nghĩ mộc mạc rằng đã là viên bi thì phải trầy xước. Nếu cứ trong veo và nhẵn bóng thì chứng tỏ viên bi đó chưa từng mang đi chọi lần nào và có lẽ chỉ có cất trong tủ mà thôi. Vậy viên bi đó có còn được xứng đáng gọi là viên bi không? Làm mà cứ dè dặt né tránh thì làm sao mà phát triển được? Dân làm sao mà ấm no được? Tuy nhiên, đừng chọi tới mức vỡ bi.
Tôi thương bà vô cùng và hy vọng bà cũng không vì án 8 năm tù mà buồn nhiều, bởi đó tạm coi như cái giá cá nhân bà phải trả cho sự ấm no của hàng vạn nông dân ở NTSH, cho mô hình Tam nông ở một đất nước có tới trên 2/3 là Nhà nông.
Tôi trộm nghĩ mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn đang có công đóng góp vào sự ngày càng hoàn thiện hơn vào cơ chế chính sách để phát triền kinh tế nông nghiệp của đất nước. (Độc giả Hoàng Mạnh Hà (ở Phường Vị Xuyên - TP Nam Định, địa chỉ email hoangha19...@gmail.com) viết).
Bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) cùng các cộng sự tại phiên sơ thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu. Bà bị Toà án nhân dân huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) tuyên phạt 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng. |
Còn độc giả Hà Phương (từ Hà Nội, email tranh...@yahoo.com) viết rằng: Là phụ nữ cũng gần lứa tuổi của Bà Sương, tôi hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm với hoàn cảnh bà Trần Thị Ngọc Sương . Tôi cho rằng những việc có ích cho nông dân mà NTSH và bà Sương là Giám đốc đã làm là có giá trị lớn hơn rất nhiều so với những gì mà cáo trạng cho là thiệt hại. Thời gian quá dài và đã có nhiều thay đổi trong mô hình quản lý và việc soi xét đánh giá các mô hình quản lý đó dưới quy định pháp luật hiện tại thì không thể không có khuyết điểm .
Bà Sương có thể có khuyết điểm là đã mang vào trong mô hình quản lý nông trường cái bản chất dễ dãi, xởi lởi của người Nam Bộ. Tuy nhiên nên xem xét đến những cống hiến của gia đình bà Sương, và những thành quả của NTSH đối với phát triển kinh tế nông nghiệp ĐBSCL những năm qua, và danh hiệu đã phong tặng để có kết luận đúng, công bằng.
Độc giả Nguyễn Hoàng Dung (Phường Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai email: hoangdung....@yahoo.com.vn) thì suy luận: "Đúng là nhà nước cần loại bỏ tham nhũng (lập quỹ đen..) nhưng trong trường hợp của Bà Sương thì chúng ta không biết nên xử hay nên nêu cao tấm gương nhỉ? Có lẽ mục đích của quỹ riêng kia chính là vì việc chi tiêu cho công đoàn thì có thể gọi là lập quỹ sao hay vì cái số lượng của quỹ đó quá lớn mà người ta làm tưởng là tham nhũng? Có lẽ vì hình thức hoạt động của quỹ đó tự sinh lời mà thôi?
Thế mới biết tại sao Việt nam đang bị "chảy máu chất xám". Có lẽ bởi vì những ai sống theo thời đại "Bonsevic" đã bị lãng quên dần do những khắt khe của luật pháp. Họ sẽ ra đi và cơ hội xây dựng phát triển nhân tài cuối cùng là gì?
Chỉ mong yêu nước là thương dân, và thương dân thì thương bằng xương bằng thịt chứ không phải... như bà Sương. Ở nước ngoài khi phát minh ra một sáng tạo, một thành quả gì đó giúp tạo lợi ích cho nhà nước thì họ được hưởng tỷ lệ phần trăm trên thành quả đó. Đừng để bài học "chảy máu chất xám" diễn ra trên mảnh đất Việt".
Từ Hà Nội, nhà viết kịch Lê Quý Hiền (lequyhien5...@yahoo.com.vn) ghi lại những ký ức gửi về VietNamNet: "Cảm ơn nhà báo Trường Minh và VietNamNet đã có những bài báo này.
Tôi và anh em viết kịch đã từng đi thực tế tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) ngày bác Năm Hoàng còn sống. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn giữ được cảm nghĩ về bác Năm và chị Ba Sương: Đó là những con người rất có tâm, thật sự vì hạnh phúc của những người nông dân. Tôi không tin chị Ba Sương có thể tham nhũng.
Bằng sự nhận biết trong lần đi thực tế và linh cảm của người cầm bút, TÔI KHÔNG TIN NGƯỜI NỮ ANH HÙNG CỦA CHÚNG TA có thể làm điều gì xấu, sai trái.
Bác Năm chân đất (đúng nghĩa đen vì ông luôn đi chân đất) khai phá ra nông trường lẽ nào phản bội lại chính mình bằng "quỹ trái phép" từ ngày bác còn sống? Chị Ba là người phụ nữ không chồng, không con, chăm chút quan tâm tới từng nông trường viên.
Cuộc đời, lẽ sống và hạnh phúc của chị là nông trường này (chúng tôi từng bí mật dò hỏi nông trường viên trong khi đi thực tế ở đây chứ không nghe họ nói trước Ban Giám đốc để có cách nhìn khách quan và đều được nghe những lời từ lòng biết ơn đối với bác Năm và chị Ba).
Tôi cứ nghĩ đến tính thẳng và nóng của chị Ba Sương. Không biết tính nóng và thẳng thắn của chị có làm hại chị không?
Tôi không được rõ lắm "tội trạng" của chị, nhưng dù chị bị tòa sơ thẩm tuyên án là có tội thì trong lòng tôi vẫn luôn nhớ đến chị là một con người trung thực, thẳng thắn, rất ham việc và coi bà con, coi NTSH là máu thịt của mình. NGƯỜI NHƯ THẾ KHÔNG THỂ NÀO LÀM ĐIỀU GÌ XẤU XA ĐƯỢC.
-
Ban Bạn đọc - Báo VietNamNet