221
3881
Bạn đọc viết
bandoc
/bandocviet/bandoc/
1242351
Cần trả lại nguyên trạng rừng đầu nguồn đập Đăk Sa Men
1
Article
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
Kon Tum:
Cần trả lại nguyên trạng rừng đầu nguồn đập Đăk Sa Men
,

- Hơn 400ha rừng phòng hộ đầu nguồn đập Đăk Sa Men, xã Kroong, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) bị người dân chặt phá để lấy đất sản xuất. Con đập nhỏ này phải “thắt bụng ôm lấy” hàng chục m3 đất đá, cát sỏi “vào lòng” mỗi khi có mưa lũ tràn về. Từ đó, trên 100ha ruộng lúa cuối kênh của đập bị thiếu nước nằm “trơ gan” đành phải bỏ hoang… Người dân đã tự làm khổ chính mình…

Tràn xả lũ đập Đăk Sa Men đã vượt trên 1m (Ảnh: Hồng Thái)
Tràn xả lũ đập Đăk Sa Men đã vượt trên 1m (Ảnh: Hồng Thái)
Lòng hồ đập Đăk Sa Men ngày càng "teo lại"

Ông Nguyễn Sến (70 tuổi) trú tại thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong dẫn chúng tôi "thị sát" đập Đăk Sa Men lênh láng nước vượt qua tràn xả lũ ầm ầm. Đứng trên bờ đập, ông Sến chỉ tay vòng quanh lòng hồ, kể: Đập này trước đây rộng và sâu lắm, trữ được một lượng nước rất lớn. Nguồn nước trong hồ lúc nào cũng trong veo như nước mình uống. Xung quanh đập cây cối rậm rạp, có cây to vài ba người ôm không xuể.

 

Từ ngày xây dựng đập cho đến năm 2000, không khi nào nước nguồn về mấp mé mặt đập cả. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, rừng đầu nguồn bảo vệ đập này rộng chừng 400ha đã bị người dân 2 xã Kroong và Ngọc Bay (TP Kon Tum) chặt phá toàn bộ để làm rẫy, nên mỗi khi trời mưa, nước cuốn theo đất đá, cát sỏi...xuống hồ, từ đó thể tích lòng hồ ngày càng thu hẹp, lượng nước tích lại trong hồ không đủ tưới cho hàng trăm ha ruộng lúa của xã.

 

Anh Đỗ Tăng Kiệt (35 tuổi) trú tại thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong cho biết: “Thấy nhiều người phát rừng đầu nguồn đập này làm rẫy, tôi cũng phát được 2 ha trồng cây ca-ri, nhưng “chậm chân” nên rẫy của tôi ở tít trên đỉnh núi kia. Mấy năm gần đây, mùa mưa nào tôi cũng thấy nước vượt tràn xả lũ trên 1m. Nhưng đến mùa khô, lòng hồ "teo lại", nước trong hồ còn rất ít, có chỗ người dân còn be bờ lòng hồ để sạ lúa.

 

Trước đây, người dân phát rừng này trồng mì, ngô, lúa rẫy... nên đất bị cày xới mạnh, nhưng nay họ chuyển sang trồng cao su, đất ít bị rửa trôi, nhưng lượng đất đá trôi về lòng hồ vẫn còn nhiều".

 

Ông Nguyễn Văn Tịnh (77 tuổi) trú tại thôn Trung Nghĩa Tây, nguyên Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Kroong, cho biết: Đập Đăk Sa Men được xây dựng khoảng năm 1980. Sau khi đập xây xong, nước tưới đủ cho trên 250ha ruộng lúa trong xã. Vụ lúa nào năng suất cũng ăn chắc 100%. Nhưng kể từ khi người dân phá rừng đầu nguồn làm rẫy, đất đá trôi về lấp đầy lòng hồ, từ đó hồ không tích đủ nước để tưới đồng ruộng.

 

Hiện nay, đập Đăk Sa Men chỉ tưới được khoảng 40ha, nhưng ăn chắc chỉ có trên 10ha ở các cánh đồng như: Pháo Binh, Công Trường, Tổ 4... Số diện tích cuối kênh khoảng 100ha không có nước tưới, người dân đành phải bỏ hoang.

Đền bù cây cối hoa màu cho người dân xâm canh... có vô lý?


Khi nghe tin Nhà nước nâng cấp, cải tạo đập Đăk Sa Men cao lên thêm 3m nữa để tích nước, đồng thời sửa chữa kênh mương nội đồng để dẫn nước tưới tiêu đồng ruộng, một số người dân có đất trong vùng ngập đã trồng thêm các loại cây như: chuối, cà ri... để mong được đền bù. Họ đã trồng lên cả hành lang đê điều, mương máng... bất chấp các quy định của pháp luật.

 

Ông Nguyễn Sến bức xúc: "Thật trơ trẽn, có người đào vội mấy cây chuối đem trồng dày đặc lên hai bên mương nước rồi kê khai để được đền bù. Ai đời, những người phá rừng lấy đất sản xuất không những không bị phạt, mà còn được đền bù cây cối hoa màu. Như vậy thì thật là vô lý..."


Ông Huỳnh Mao trú tại thôn Trung Nghĩa Đông, cho biết: "Tôi sợ Nhà nước phạt nên không dám phát rừng đầu nguồn đập Đăk Sa Men, chứ biết được đền bù thế này thì tôi cũng phát và trồng được 5-6 ha cây cối rồi".


Đem những bức xúc của người dân làm việc với lãnh đạo xã Kroong, Chủ tịch UBND xã - Đặng Công Nữa hoan nghênh những ý kiến kiến nghị của người dân, đồng thời cho rằng đó là những kiến nghị tích cực và sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát lại các tồn tại mà người dân kiến nghị.

 
Cùng lúc đó, Chủ tịch UBND xã Kroong - Đặng Công Nữa đưa cho tôi xem danh sách 62 hộ gia đình được đền bù cây cối hoa màu (trên diện tích 11,726ha sẽ bị ngập sau khi nâng cấp công trình đập Đăk Sa Men), rồi giải thích:

 

Trước đây, UBND xã quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn con đập này rất nghiêm ngặt. Nhưng từ năm 1997, nước lòng hồ thủy điện Ia Ly dâng cao, phần lớn người dân thiếu đất sản xuất, nên họ tập trung vào rừng đầu nguồn đập này để phá rừng làm rẫy, từ đó đất bồi lấp lòng hồ ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền có tổ chức họp dân quán triệt không được phá rừng đầu nguồn đập Đăk Sa Men làm rẫy, nhưng bất lực.

 

 

Mô tả ảnh.
Đập Đăk Sa Men không còn rừng phòng hộ (Ảnh: Hồng Thái)
 
Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng đầu nguồn này là đất lâm nghiệp, UBND xã chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình nào. Chủ trương của xã là không đền bù đất sản xuất nông nghiệp, mà chỉ đền bù cây cối hoa màu xung quanh lòng hồ đập Đăk Sa Men do người dân xâm canh đã trồng các loại cây trước đó.

 

Người dân trồng cây trong hành lang đê điều, mương máng thì không được đền bù. Còn phía dưới chân đập đã được Công ty Cổ phần Khai thác công trình thủy lợi Kon Tum cắm mốc cách chân đập 50m là vùng đất bảo vệ chân đập, yêu cầu người dân không được khai hoang đồng ruộng. Vì vậy, những người làm ruộng trong phạm vi đã cắm mốc là vi phạm pháp luật, và tất nhiên, diện tích ruộng khai hoang trái phép này không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 

Khi chúng tôi cho rằng, việc đền bù cây cối hoa màu cho người dân xâm canh xung quanh lòng hồ đập Đăk Sa Men là vô lý, Chủ tịch UBND xã Kroong - Đặng Công Nữa giải thích: “Vì họ đã trồng cây lên đó rồi thì đền bù cho họ cũng được. Hơn nữa, diện tích này chẳng bao nhiêu, khoảng mười mấy ha thôi”.

Trả lại nguyên trạng rừng phòng hộ đập Đăk Sa Men

Đập Đăk Sa Men là sự sống còn của xã Kroong, vì thế, nâng cấp mặt đập lên 3m nữa thì sẽ tích được nhiều nước hơn phục vụ cho việc tưới đủ diện tích lúa nước trên địa bàn. Việc người dân xâm canh phá rừng phòng hộ đầu nguồn đập Đăk Sa Men để làm rẫy trong hơn 10 năm qua là hoàn toàn trái pháp luật” - Chủ tịch xã Kroong - Đặng Công Nữa khẳng định.


Thế nhưng, tại sao chính quyền xã Kroong không xử lý nghiêm minh các đối tượng phá rừng làm rẫy này, mà nay còn có “chủ trương” đền bù cây cối hoa màu cho các đối tượng phá rừng này nữa, thì thử hỏi “chủ trương” trên có hợp với lòng dân hay không?

 

Nên chăng, chính quyền thành phố Kon Tum cần vào cuộc để chỉ đạo chính quyền các xã như: Kroong, Ngọc Bay…kiên quyết thu hồi số diện tích rừng đã bị người dân phá làm rẫy để trả lại nguyên trạng rừng đầu nguồn phòng hộ đập Đăk Sa Men. Nếu không, Nhà nước có đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo bao nhiêu đi nữa, thì chẳng bao lâu, đập Đăk Sa Men lại bị đất đá trôi về lấp đầy.  

  • Bài và ảnh: Hồng Thái 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,