221
450
Bạn đọc
bandocviet
/bandocviet/
1319324
Chuyện tình sâu nặng bên dòng Chắc Cà Đao
0
Article
null
Chuyện tình sâu nặng bên dòng Chắc Cà Đao
,

- Phía trước hai bể nuôi ếch sắp tới ngày thu hoạch trong căn nhà mới còn thơm mùi vôi vữa ở ấp Hòa Hưng, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang, anh chị vừa thoăn thoắt lể ốc cho ếch vừa trò chuyện vui vẻ. 40 tuổi đã lên chức ông bà nhưng nhìn họ như cặp vợ chồng son.

Chị Bùi Thị Điệp lập gia đình năm 17 tuổi, sau bảy năm chung sống, chồng đột nhiên bỏ đi không lời giải thích, bỏ mặc chị một mình nuôi ba con thơ. Đau đớn, uất ức, buồn phiền tưởng chừng sẽ gục xuống nhưng người phụ nữ 24 tuổi ấy vẫn ráng gồng nuôi con bằng việc làm mướn, làm thuê. Trong một lần vác đất bỏ vào cối máy lò gạch, do mệt mỏi, sơ ý, chân chị vướng vào máy và bị nghiền nát tới đùi...

Mô tả ảnh.

Có anh, chị Điệp đã có một mái ấm gia đình đúng nghĩa - Ảnh: M.T.

Hai năm chung sống

Cùng trạc tuổi, cùng làm thuê ở lò gạch, từ lâu anh Nguyễn Văn Tấn để ý đến chị. Anh thương chị hiền lành, chịu thương, chịu khó. Hôm chị bị tai nạn ở lò gạch cũng là lúc anh vừa thay ca nghỉ. Nghe hung tin, anh đến bệnh viện, điếng người khi thấy chị mất đi chân trái. Hơn một tháng ròng anh ở bệnh viện cùng mẹ chị thay phiên chăm sóc, lo luôn chuyện vệ sinh, giặt giũ quần áo cho chị.

Chị kể: “Có những lúc nằm trên giường bệnh, nhìn chân mình tàn tật, nghĩ đến hơn nửa quãng đời còn lại khiến tôi quẫn trí, tính làm bậy...”. Chị giả vờ than mất ngủ rồi nhờ nhiều người nuôi bệnh mua giùm thuốc. Dự trữ hơn chục viên, ba lần chị lấy thuốc ra định uống nhưng đều bị anh phát hiện.

Gia cảnh bên chị cũng nghèo nên chi phí điều trị, việc ăn uống... đều do anh lo liệu. Tiền không đủ, anh phải bán 2 chỉ vàng - tài sản anh chắt mót bao nhiêu ngày làm thuê, làm mướn lo cho chị... Những ngày ở bệnh viện, trước tấm chân tình của anh, chị rất xúc động. Nhưng nghĩ tình cảnh: “Dẫu gì anh cũng chưa vợ, còn mình ba con, nay lại thêm tật nguyền”.

Khi xuất viện, chị nói với anh: “Những việc anh làm. em tạc dạ ghi xương không hết. Tiền anh xuất ra em sẽ cố gắng làm để chi trả. Anh cũng đến lúc lập gia đình, theo giúp em hoài miệng đời thị phi”. Anh bỏ đi chăn vịt mấy tháng trời để quên chị nhưng hình ảnh chị cứ chập chờn theo anh. Tình yêu quá đậm khiến anh quay lại. Họ đến với nhau đơn sơ chỉ mâm cơm cúng ông bà, vợ chồng tiếp tục vô lò gạch làm thuê, chị làm khâu xếp gạch, anh làm khâu chụm lò. Hai năm chung sống, tình cảm họ như con kênh Chắc Cà Đao trôi êm đềm hạnh phúc thì sóng gió nổi lên khi người chồng cũ đột nhiên quay về.

Một năm trốn chạy

Người thân chị quay sang ủng hộ người chồng cũ. Mẹ chị khuyên chị tha thứ để cha con sum họp bởi theo bà: “Dẫu gì cũng cha ruột nên lo cho con hơn cha dượng!”. Khuyên hoài không được, bà quay sang buộc anh rời xa chị. Ngày anh xách giỏ ra đi, chị nhìn theo ứa nước mắt. Đôi nạng gỗ bị người thân cất giấu nên ý định tìm anh không tài nào thực hiện được. Ở chung nhà, chị cương quyết không chung đụng cùng người chồng cũ bởi cái tình, cái nghĩa đã cạn.

Và quan trọng là những ân tình với anh quá sâu đậm, ngoài nghĩa vợ chồng còn có ơn cứu mạng. Ba đứa con cũng rất thương cha dượng. Phần anh về nhà ba mẹ ruột ở nhưng nhớ chị, chiều 30 tết anh tìm đến, nài nỉ người nhà cho gặp. Gặp nhau hai người bàn chuyện bỏ trốn.

Vài ngày sau y hẹn, đêm đến chị ngồi chờ trước cửa. Theo kế hoạch, anh cõng chị băng qua ruộng về nhà anh. Nhưng tiếng chó sủa inh ỏi khiến mẹ chị sinh nghi có trộm, bà la quáng, tất cả bật đèn rượt đuổi khiến việc bỏ trốn bất thành. Vài lần sau, thừa dịp người nhà chị sơ ý, cuộc bỏ trốn mới thành công. Nhưng mẹ chị tìm đến nhà anh bắt chị về, anh nghe tin lại cõng chị bỏ trốn.

Đi làm thuê, làm mướn trên đồng, anh cũng mang chị theo cùng. Những lúc chị nhớ con, anh lén đưa chị đứng từ bên kia bờ kênh nhìn về phía nhà, nhìn ngắm con vài phút rồi lại quay đi. Cứ thế, một năm ròng, tìm kiếm, trốn chạy, cuộc tình của hai người mới được chấp thuận.

“Tôi thật may mắn”

Cuộc sống khốn khó, anh chị vẫn ở đậu trên mảnh đất nhà người. Mấy năm sau mới có một đứa con chung. Ngoài thời gian làm gạch anh còn chịu khó đi giăng câu, vác lúa, vác đất thuê, đi bắt ốc làm thức ăn cho ếch lấy công làm lời... Chị nuôi heo, gà, vịt, ốc, trồng rau, tiêu xài tiện tặn, chắt mót từng đồng bỏ ống heo. Con cái khôn lớn phụ một tay đỡ đần cùng ba mẹ. Mười lăm năm chung sống, vợ chồng có tiền mua đất cất nhà. Rồi cưới vợ, cất nhà cho con trai lớn ra riêng.

Chị tâm sự: “Chén chung rổ còn khua, vợ chồng chung đụng khó tránh khỏi cãi cọ, phiền giận. Nhưng tuyệt nhiên anh không bao giờ nói câu nào làm tổn thương vợ con. Con cái anh cũng đối xử như nhau, không phân biệt con riêng hay con chung”. Điều chị luôn hãnh diện, hạnh phúc là anh luôn là điểm tựa vững chãi cho chị.

"Điều mọi người nể phục vợ chồng anh Tấn nhất là những lúc khó khăn, gia đình họ vẫn thuận thảo, yêu thương lo cho nhau, hiếm khi gây gổ, cự cãi..." Ông Phạm Văn Hùng (trưởng ấp Hòa Hưng, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang)

Từ lâu anh không cho chị làm ở lò gạch nữa mà chỉ ở nhà trông coi bếp núc. Đồ vật, thùng nước anh đều đặt sẵn để chị ngồi làm ở vị trí thuận lợi nhất. Chị tâm sự: “Tôi thật quá may mắn. Cuộc đời tôi tưởng mất hết nhưng anh ấy đã đến với tôi, cho tôi một mái ấm gia đình đúng nghĩa...”.

(Theo Tuổi Trẻ Online)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,
,
,
,