Sốc vì thử ADN không phải là con mình
Theo di chúc của mẹ, tôi từ Quảng Ninh lên Hà Nội tìm bố. Mười năm sau lại biết “Bố Hà Nội” không phải là bố đẻ của tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, bố là công nhân mỏ, mẹ là nhân viên văn thư mỏ. Năm tôi 28 tuổi, có vợ, có con trai 5 tuổi, thì mẹ bị bệnh hiểm nghèo và qua đời.
Tổ chức tang lễ xong, một bác phụ trách công đoàn mỏ, cũng là người rất thân quen với mẹ tôi, gọi tôi đến đưa cho một bì thư và bảo rằng: Mẹ cháu dặn bác là sau khi mẹ cháu mồ yên mả đẹp, mới đưa cái này cho cháu. Mắt tôi nhòa lệ đọc tờ di chúc mẹ viết riêng cho mình và choáng váng khi biết rằng chồng mẹ, người mà từ khi sinh ra đến giờ tôi vẫn gọi bằng “bố” không phải là bố đẻ của tôi. Theo di chúc của mẹ thì bố đẻ của tôi là một người công tác ở trên Hà Nội mà bác phụ trách công đoàn biết địa chỉ.
Sự thật bất ngờ ấy làm đầu óc tôi rối như tơ vò. Tôi thu xếp công việc rồi lặng lẽ lên Hà Nội tìm bố đẻ theo địa chỉ mà bác công đoàn cho.
Không mấy khó khăn, tôi tìm được ông Nguyễn Thanh T., chuyên viết về công nhân, công nghiệp của một cơ quan báo lớn. Qua quan sát ban đầu tôi thấy ông khá giống tôi từ dáng người đậm, da trắng, cái mồm lúc nào cũng như muốn cười và cả những ngón tay dài thon thả.
Tại môt góc riêng trên tầng 2 của một quán cà phê, chúng tôi ngồi với nhau suốt một buổi chiều, ông đã đọc tờ di chúc của mẹ tôi và òa khóc. Ông là người sống tình cảm, nói cho tôi nghe mọi chuyện vừa thân thiết, vừa cởi mở với tư cách hai người đàn ông. Ông kể rằng hồi đó, ông được cơ quan cử về vùng than Quảng Ninh “nằm vùng” hàng mấy tháng để viết về chủ đề công nhân mỏ. Ông quen biết rất nhiều người và thân nhất là bác công đoàn bây giờ. Ông tham gia rất tích cực mọi hoạt động của thanh niên mỏ, nhất là văn hóa, văn nghệ. Trong nhiều buổi hội diễn, ông đệm ghi ta cho mẹ tôi hát những bài về vùng mỏ đều được mọi người khen ngợi và đoạt giải thưởng. Hai người “say” nhau như điếu đổ.
Trước khi trở về Hà Nội, tình cảm hai người đã quá đà, chàng đã ăn trái cấm.
Rồi mỗi người đi một lối riêng trên đường đời...
Từ đó, tôi có 2 bố, một ở Hà Nội, một ở Quảng Ninh. Trong mười năm qua, từ ngày bố con nhận nhau, tôi nhiều lần đưa cả vợ và con trai lên Hà Nội thăm ông bà. “Bố Hà Nội” rất vui mừng vì thế là có cháu nội, mà lại là “đích tôn” nữa chứ! Ông bà có hai người con, đều là gái. “Bà Hà Nội” dằn lòng chiều ông cho êm ấm cửa nhà.
Sau khi nghỉ hưu, “bố Hà Nội” của tôi hay yếu đau vì có nhiều bệnh, nhất là bị huyết áp cao. Vừa rồi, ông viết dự thảo di chúc, trong đó có nội dung phân chia tài sản cho các con, tôi cũng có phần. Mười năm qua chả sao, nay con gái thứ hai của ông bà tự dưng nêu vấn đề “bố Hà Nội” và tôi phải đi kiểm tra ADN, rồi sau đó công bố di chúc thì mọi người trong gia đình mới thừa nhận.
Hai bố con tôi chẳng ngại ngần gì mà không thực hiện yêu cầu ấy.
Điều bất ngờ đã xảy ra làm tôi choáng váng: ADN của “bố Hà Nội” không giống ADN của tôi! Ông đột quỵ ngay sau khi biết kết quả đó. Tôi và gia đình ông đưa ông vào bệnh viện cấp cứu rồi vội vàng trở về Quảng Ninh như chạy trốn.
Giữa một gia đình có vợ có con, sao tôi lại thấy bơ vơ thế này. Tôi thắp hương khấn vái mẹ tôi và nức nở: Mẹ ơi, con đã có một bố, hai bố, rồi bây giờ… không bố. Vậy ai là bố con?
-
Nguyễn Quảng Hà