Sức sống trên cao nguyên đá Đồng Văn-Mèo Vạc
- ‘‘Chưa lên cao nguyên Đồng Văn- Mèo Vạc thì coi như chưa đến Hà Giang’’. Câu nói như thách thức của những người bạn tại bảo tàng tỉnh Hà Giang đã thúc giục chúng tôi lên đường đến cao nguyên đá.
Từ Hà Nội chúng tôi vượt hơn 300km tới trung tâm thị xã Hà Giang, buổi tối dạo quanh thị xã nhỏ xinh nơi có dòng Lô chia đôi phố núi, thưởng thức món cháo ấu tẩu thơm ngon, bổ dưỡng thật là thú vị. Hôm sau, đoàn lên đường đi Đồng Văn- Mèo Vạc.
Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo: Dinh thự nhà họ Vương.
Đường lên Cao nguyên đá nhọc nhằn lắm, các khúc cua đan xen nhau như các nếp gấp trên tay áo. Trên suốt cung đường một bên toàn là vách núi đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút, đến dốc Bắc Sum, ngược lên cổng trời Quản Bạ, đèo Cán Tỷ, qua Yên Minh, Mậu Duệ, ghé thăm dinh thự nhà họ Vương (vua Mèo)- một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1993. Ngắm nhìn các thửa ruộng bậc thang ôm vòng quanh mỗi quả núi, những ngôi nhà bằng gỗ óng lên màu thời gian... Các thiếu nữ người Mông, người Dao, người Lô Lô… mắt ướt sóng sánh trong sương núi, leng keng vòng bạc trong những bộ trang phục nhiều màu sắc xuống núi đi chợ phiên, tôi lại nhớ câu thơ: “Em là con gái cao nguyên đá, gùi đất leo mây với đỉnh trời” mà tôi đã được đọc ở đâu đó.
Mùa này trên cao nguyên càng nổi bật hơn trong sắc màu của hoa mận, hoa lê, hoa bạc hà, hoa tam giác mạch đang thời nở rộ. Lắng nghe tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình của các tràng trai cô gái người Mông từ các ngả núi vang lên réo rắt và tha thiết quá.
Độc đáo phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn là một quần thể các công trình kiến trúc mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam - Trung Quốc rất độc đáo với hơn 40 nếp nhà của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Hoa, Mông, Dao sinh sống từ lâu đời tại đây. Trung tâm khu phố cổ là một khu chợ hình chữ U thuộc thôn Đồng Tâm, theo các tài liệu còn lưu giữ được tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang thì chợ đã có từ trước khi người Pháp đến Đồng Văn, vào năm 1923 trong một trận hoả hoạn, chợ và những ngôi nhà gần đó bị thiêu cháy toàn bộ. Sau đợt hoả hoạn, người dân Đồng Văn sang Trung Quốc thuê những người thợ ở Tứ Xuyên về dựng lại nhà. Vì vậy, kiến trúc đặc trưng của phố cổ Đồng Văn mang đậm phong cách Trung Hoa kết hợp với kiến trúc của các dân tộc thiểu số trong vùng. Các ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng. Vật liệu gồm các cột và sàn nhà bằng gỗ nghiến và gỗ lim, tường trình đất dày 40-50cm đảm bảo vào mùa đông thì ấm mùa hè mát, mái gồm hai phần (trước-sau) lợp ngói âm dương, nền đất. Khuôn viên nhà được bố cục hài hoà từ cổng ra vào, nhà chính, bếp ăn, nhà kho, công trình phụ… đều tuân thủ theo phong thuỷ truyền thống rất chặt chẽ.
Sắc màu phiên chợ Đồng Văn
Vào ngày chợ phiên, khu Phố cổ vốn nhỏ bé tĩnh lặng trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ. Chợ Đồng Văn mỗi tuần họp một phiên duy nhất vào ngày chủ nhật. Với đủ các sắc màu khác nhau của người Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng, Lô Lô,… trong những bộ trang phục rực rỡ, họ đổ từ các ngả núi xuống chợ, sản phẩm mang đi bán là những nông sản, người dắt lợn, dắt chó, người gùi củi, gùi rau… Có người phải đi từ 3 giờ sáng xuống núi cho kịp phiên chợ. Khác với những phiên chợ vùng xuôi là người ta đến chợ để mua bán, chợ phiên Đồng Văn còn là nơi để mọi người giao lưu, gặp gỡ, để uống rượu, thổi khèn và ăn thắng cố. Đó cũng là nét văn hoá đặc trưng của phiên chợ vùng cao nguyên này.
Cuộc mưu sinh trên đá
Với 3/4 diện tích là núi đá, quanh năm hạn hán và mây mù bao phủ, ngoài cây ngô ra thì không có loài cây nào có thể sinh trưởng mạnh như thế. Cây ngô cũng kiên cường và có sức sống mãnh liệt như chính người Mông nơi đây vậy. Cảnh tưởng những người Mông gùi đất từ vùng thấp để đổ vào từng hốc đá trên cao nguyên để trồng ngô (chuyện khó tin nhưng có thật), đá tai mèo sắc nhọn như đâm nát chân người… đã làm tôi thực sự thấy xúc động. Vậy mà, họ đã làm nên những điều kỳ tích và đáng khâm phục.
Đồng bào nơi đây có câu nói ‘‘sống trên đá, chết vùi trong đá”, cuộc sống trên cao nguyên đá quanh năm khô hạn, vất vả, kiên trì vật lộn với từng hốc đá tai mèo để gieo những mầm ngô (mầm sống) nơi cao nguyên này, nhưng lạ thay những nương ngô năm nào cũng xanh tốt và cho năng suất thu hoạch cao, không ăn hết ngô đồng bào bán đi lấy tiền mua gạo, mua các vật dụng khác. Quả là đá đã không phụ công người.
Kỳ thú Mã Pì Lèng
Qua một chặng đường dài hiểm trở, chúng tôi đến nơi được mệnh danh là ‘‘Đệ nhất hùng quan”- Mã Pì Lèng. Đèo Mã Pì Lèng thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, chiều dài đèo khoảng 7km, chạy men theo sườn núi, một bên là vách đá cao sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đứng trên đèo phóng tầm mắt bao quát toàn bộ một vùng cao nguyên rộng lớn, sông Nho Quế như một sợi chỉ màu uốn lượn qua các khe núi hẹp, xa xa thấp thoáng các bản làng của người Mông ẩn hiện trong sương núi, những nương ngô xanh ngát một vùng rộng lớn như làm xua đi cảm giác nặng nề, khô cằn và khắc nghiệt của miền cao nguyên nhiều đá này.
Thật ngạc nhiên! từ độ cao 1000m ngước mắt lên nhìn thấy một tháp đá vững chãi, cao sừng sững đứng bên bờ vực Nho Quế tưởng như trạm tới trời, các bức tường đá khổng lồ đua nhau vươn cao thật tráng lệ, hùng vĩ, một cảnh quan đẹp, kỳ thú mà tôi chưa từng thấy ở nơi đâu khác.
Những người bạn Hà Giang kể rằng: trước kia đây là vùng đất ‘‘rừng thiêng nước độc” núi non trập trùng, hiểm trở, điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt. Từ thị xã Hà Giang muốn đi lên đây chỉ còn cách duy nhất là đi bộ hoặc đi ngựa men theo các lối mòn quanh chiền núi.
Cuộc sống của đồng bào chỉ thực sự đổi thay khi Trung ương Đảng quýêt định cho mở tuyến đường Hà Giang- Đồng Văn- Mèo Vạc, mà đồng bào vẫn gọi là ‘‘Đường hạnh phúc” với mục đích ‘‘Đưa nhân dân vùng núi tiến kịp miền xuôi”. Tổng chiều dài của tuyến đường là 165km, để có được con đường như ngày hôm nay, chúng ta đã trải qua 5 năm liền phá đá mở đường, từ năm 1959 đến 1965 với 2.246.321 ngày công lao động.
Tham gia mở tuyến đường này gồm thanh niên xung phong 6 tỉnh thuộc khu tự trị Việt Bắc cũ (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang), bằng sức người cùng những dụng cụ như: búa, xà benh, cuốc, xẻng, kíp mìn, hầu như không có máy móc trợ giúp. Cứ thế trong suốt 5 năm ròng, họ đã thực sự mang ‘‘hạnh phúc” về với đồng bào nơi cực Bắc này.
Đoạn đường đi qua Mã Pì Lèng là khu vực hiểm trở nhất của cao nguyên đá này với rất nhiều núi cao, dốc đứng, vực sâu. Việc phá đá mở đường qua đoạn này cũng mất nhiều công sức, toàn tuyến đường dài 165km được làm trong 5 năm nhưng chỉ riêng đoạn đường này với 24 km phải mất tới 2 năm. Trong đó hơn 1000 thanh niên xung phong phải tốn 11 tháng treo mình trên vách đá để đục lỗ mìn phá đá. Tại nơi này giờ còn một đài tượng niệm ghi danh những thanh niên xung phong ấy.
Chia tay Đồng Văn, Mèo Vạc, xa Mã Pì Lèng trở về Hà Nội tôi tự hỏi mình: Vì sao sức mạnh của con người lại phi thường đến vậy? phải chăng đó là sức mạnh của niềm tin, niềm hy vọng về ‘‘hạnh phúc” trên cao nguyên cực Bắc này? Ngắm nhìn những nụ cười trên khuôn mặt rạng ngời của đồng bào nơi đây, những bãi lúa, nương ngô xanh mướt trong sương mờ. Tôi cảm nhận được rằng: mùa xuân đang thực sự về đến nơi đây, sức sống của miền cao nguyên đá đang từng ngày trỗi dậy, cuộc sống đang đổi thay từng ngày.
.Nguyễn Văn Hưởng