- Cứ khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, người dân ở xã Giao An (Giao Thủy – Nam Định) lại đổ xô ra biển đua nhau “cào biển” mưu sinh.
Hà biển là một loài sống ở nước mặn, giống như một loại sò biển (có hình dáng như con trai), vỏ hà sần sùi, sắc nhọn, hà chứa nhiều dinh dưỡng, có giá trị cao. Hà biển sinh trưởng và phát triển nhiều nhất từ tháng 8 đến tháng 11. Đỉnh điểm tháng 10, hà “chín rộ”, tức là có số lượng lớn, hà mẩy và thịt đạt chất lượng tốt nhất.
Hiểm nguy rình rập
Đầu mùa thu, giữa mùa đông khi những con hà vào mùa chín rộ, cũng là lúc mưu sinh của hàng trăm hộ dân nơi đây. Xã ven biển Giao An có hơn 4000 nhân khẩu thì hơn 40% là hộ nghèo làm nghề này. Công việc của họ là bắt những con hà biển sắc nhọn đang bám sâu trong hốc đá.
Dọc bãi biển Giao An chưa đầy 2km, có tới hàng trăm người dân chân, tay đeo ủng bảo hộ, cầm dao, đeo giỏ, kéo mảng đang bì bõm dưới nước, cào bới, tách từng con hà đang bám sâu trong hốc đá, dưới lòng biển.
Những con hà biển sắc nhọn, anh Dần thu được sau một hồi lặn hụp.
Anh Trần Văn Dần xóm 1, xã Giao An cho biết: “Công việc này không nhiều lắm, một năm chỉ có vài tháng nhưng vất vả, cực nhọc. Hà là loài sống kí sinh, chúng thường bám sâu vào vật chủ, vỏ hà sần sùi, sắc như dao vì thế đánh bắt chúng nguy hiểm lắm không cẩn thận là bị xẻ, rách tay, chân như chơi”. Cũng theo anh Dần, đa số những người làm nghề này đều nghèo. Một người có thể tách được 2 thúng hà biển/ngày.
Anh Đỗ Văn Việt chia sẻ: “Hà thường bám ở gạch, đá, ở miệng cống, dưới long biển, nơi có dòng nước chảy xiết nên tụi em thường phải lặn sâu để tách chúng. Lần trước tách hà (tách hà ra khỏi đá), sơ sảy gặp chỗ nước xoáy, em bị cuốn trôi ra cửa biển, may mà có anh Hùng gần đó cứu giúp, sau lần đó em ở nhà luôn”.
Hà biển có vỏ sắc nhọn, sống kí sinh ở khe đá, hòn gạch, cọc tiêu… hầu hết người lao động vẫn chân tay trần tiếp xúc với chúng, chưa có phương tiện bảo hộ như tất tay, tất chân… nên nguy cơ tai nạn rất lớn.
Anh Quang, một người có thâm niên trong nghề cho biết: “Đau lắm anh ạ, mỗi ngày đi biển về là tay, chân em lại có thêm vài vết xẻ ngang dọc, sần sùi, tối về ôm con nó cứ hỏi tay cha bị làm sao, xót lắm!”. Bạn của anh Quang và nhiều người bắt hà khác cùng xúm lại chỉ cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt ở chân tay.
Muốn bắt được hà to, mẩy phải chấp nhận hiểm nguy ra xa bờ.
Ngoài những miệng cống cửa sông, người lao động muốn bắt được hà to, mẩy phải chấp nhận hiểm nguy ra xa bờ biển để đánh bắt. Mỗi buổi bắt hà phải theo lịch con nước, khi con nước cạn thì bắt và phải trở về nhanh khi con nước lên cao. Người dân ở đây thuộc lịch con nước như lòng bàn tay.
Hà là loài có dinh dưỡng cao, giúp chữa bệnh ra mồ hôi trộm ở trẻ em, chế biến được nhiều món ngon, bổ dưỡng… nên được thị trường khá ưa chuộng. Trước đây hà biển là món ăn phổ biến của người dân vùng biển nhưng giờ đây hà biển theo chân các thương lái có mặt khắp nơi. “Giá một kg hà xẹp ruột (đã tách vỏ) là 30.000 đồng, hà chưa xẹp ruột là 12.000 đồng/kg” – thương lái Vũ Văn Nhu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thành ở xóm 10, cho hay: “mỗi ngày ông tách được 2 thúng hà vỏ nhưng khi xẹp ruột cũng chỉ được 4kg, vì thế nếu làm cật lực thì cũng kiếm được khoảng 120.000 đồng/ngày. Số tiền này đủ cho ông trang trải cho gia đình”.
Dang dở con chữ
Kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ các em quanh năm tất bật với những chuyến đi biển, lo việc đồng áng, lo cái ăn còn chưa đủ, nên bỏ mặc chuyện học hành của con cái. Đa phần những đứa trẻ ở vùng bãi Triều đều bỏ dở học hành khi chưa hết cấp 2.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài lao động chính là đàn ông, nhiều gia đình còn có những người phụ nữ, trẻ em đi theo phụ giúp và học nghề. Công việc của các em thường là phân loại hà rồi đem chúng lên bờ.
Em Tân ở xóm 10, Giao Thiện, nói: “Nhà đông em, khó khăn nên em nghỉ học từ năm lớp 8, cứ đến mùa là em theo bố đi bắt hà bán kiếm tiền. Ban đầu đi còn say sóng biển, nhưng giờ thì quen rồi, anh ạ”.
Nhìn những gương mặt già dặn trước tuổi mới thấy hết được những nhọc nhằn của miếng cơm manh áo. Những tuổi thơ hàng ngày còng lưng trên bãi biển, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập.
Vất vả lắm, nhưng bù lại, em kiếm cũng khá – em Loan khoe, bình thường em làm được 100.000 đồng/ngày, có hôm khá thì được khoảng 120.000 đồng/ngày, em gửi hết về cho mẹ dành dụm cho mấy đứa em nhỏ ở nhà đi học anh ạ. Nhìn Loan, cô bé mới tuổi 15 đã phải bỏ trường lớp mưu sinh vất vả nơi cửa biển mà lòng tôi thắt lại. Không biết còn bao nhiêu em như Tân, Loan dang dở con chữ như thế.
.Đỗ Như Lực