- Tôi được tính đóng bảo hiểm từ tháng 1/1973, đến tháng 6/2004, tôi xin nghỉ việc (không đóng BH trong khoảng thời gian này). Đến 11/2006 tôi làm việc lại và đóng tiếp BH. Tính đến nay, tổng cộng thời gian đóng BH gần 33 năm. Nay sức khỏe yếu, tôi có ý định xin nghỉ việc để chờ hưu. Xin cho biết đến 60 tuổi (năm nay đã 55 tuổi), tôi có được giải quyết hưu trí không? (Câu hỏi của ông Nguyễn Văn Năm, Hà Nam)
Vấn đề này xin trao đổi như sau:
Theo khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội quy định người lao động có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Như vậy trong trường hợp này ông được giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ tuổi 60 hoặc đủ tuổi 55 (nếu có ít nhất 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại trong số 33 năm tham gia BHXH). Nếu không có làm công việc năng nhọc độc hại, ngay tại thời điểm này ông có thể nghỉ hưởng lương hưu nếu có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do hội đồng giám định y khoa xác định. Mỗi năm nghỉ trước tuổi quy định (nêu trên) bị trừ 1% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Ông có thể mang sổ BHXH, quyết định nghỉ việc đến cơ quan BHXH quận/huyện nơi đang cư trú để được giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa.
-
Hà My thực hiện