221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1225204
Giá xăng, sống cao thượng... được quan tâm nhất
1
Article
null
Thư bạn đọc tuần qua (từ 13-19/7/09):
Giá xăng, sống cao thượng... được quan tâm nhất
,

(VietNamNet) - Giá xăng dầugiáo dục là hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và góp ý của bạn đọc trong tuần qua. Xung quanh giá xăng dầu, nhiều ý kiến nêu câu hỏi liệu giá xăng dầu ở nước ta đã theo cơ chế thị trường chưa vì khi giá dầu thế giới tăng thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước báo lỗ và đề xuất tăng giá nhưng khi giá dầu thế giới giảm lại không thấy các doanh nghiệp nào đề xuất giảm giá. 

 

Giá xăng dầu trong nước chưa minh bạch


Giá xăng dầu tuần qua là tâm điểm chú ý của bạn đọc. Hàng trăm ý kiến trao đổi về vấn đề này đã được gửi về toà soạn. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, biến động giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự bức xúc khi giá dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng ngay còn khi giá dầu thế giới giảm thì không thấy doanh nghiệp xăng dầu nào trong nước đề xuất phương án giảm giá.

 

"Tôi là một người tiêu dùng, khi giá xăng lên thì chúng tôi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng tại sao khi giá xăng xuống thì doanh nghiệp không chia sẻ phần lợi ích cho người tiêu dùng. Chính phủ đã có quyết định để giá xăng theo giá thị trường nhưng tôi thấy thì giá xăng diễn ra hầu như 1 phía: xăng lên thì dễ, mà xăng xuống thì khó" - ý kiến của bạn Trần Duy Toàn, Tân Hoà, Hoà Bình, tranduytoan_ktb49@...

 

xang
Thị trường xăng dầu hiện nay không có tính cạnh tranh. (Ảnh: VNN)

 

Nhiều ý kiến cùng chung quan điểm đề nghị có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng đối với mặt hàng xăng dầu: "Là người tiêu dùng, chúng tôi luôn phải chịu thiệt đơn thiệt kép, vậy những cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được áp dụng như thế nào trong những trường hợp như thế này? Đề nghị liên Bộ Tài chính - Công thương cần kiểm tra thật rõ ràng trước những thông tin mà các doanh nghiệp đưa ra vì ai cũng biết kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không hề lỗ. Có như vậy mới bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đảm bảo sự an toàn của xã hội" (Le Thu Phuong, Cầu Giấy, Hà Nội, thuphuong1980@...). 

Để bình ổn giá xăng dầu hợp lý, vai trò của nhà nước là rất quan trọng, vì đây là mặt hàng chúng ta phải nhập khẩu. Nhà nước sẽ phải là một trọng tài công minh, nếu không công minh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng. Nếu nhà nước để thị trường xăng dầu một cách tự do cũng không được, vì chắc chắn có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp để nâng giá, như vậy sẽ gây thiệt hại đến người tiêu dùng, nếu nhà nước can thiệp sâu vào đến sự lỗ lãi một cách chính xác của các doanh nghiệp thì cũng không được vì đã gọi là kinh doanh là phải có lãi hoặc bị lỗ.

 

"Theo tôi, Nhà nước nên để các doanh nghiệp nhập khẩu tự hạch toán giá nhập khẩu, giá các chi phí, giá bán. Nhà nước chỉ cần giám sát giá bán ra làm sao nó không vượt quá giá sàn của thế giới, những nước họ cũng nhập khẩu như ta chẳng hạn, nếu các DN bán giá cao quá thì thổi phạt, chỉ có như vậy mới hạn chế được việc tăng giá quá mức mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận của các DN cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Tôi mong các cơ quan liên quan sẽ đưa ra những giải pháp hợp lý để có sự ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế" (Nguyễn Văn Đông, Lê Thanh Nghị, Hải Dương, thanh_dong74@...).
 

Có bạn đọc lại nêu ý kiến đề xuất Nhà nước nên áp dụng biểu giá xăng động, tương ứng với giá xăng dầu thế giới hàng ngày, trong đó tính đúng, tính đủ các chi phí cơ bản. Căn cứ vào giá xăng dầu của một nguồn chính thức được chọn nào đó mà giá xăng dầu trong nước phải được điều chỉnh theo hàng ngày. Những thay đổi bất thường vì một lý do nào đó thì phải giải trình hoặc xin điều chỉnh.


Sống cao thượng có khó không?


Chủ đề sống cao thượng tuần qua nhận được khá nhiều tranh luận của bạn đọc. Hành vi, lối sống, đạo đức… của thanh niên luôn là một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi nhiều nhất hiện nay trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Liệu phải chăng đạo đức của thanh niên Việt Nam đang bị xuống cấp trầm trọng? Có phải thanh niên ngày nay đang sống thiếu lý tưởng, thiếu mục đích? Và sinh viên Việt Nam, một bộ phận được xem là ưu tú nhất, tiêu biểu nhất của thanh niên cũng “có vấn đề” về nhận thức, lối sống?

 

Mô tả ảnh.
Các bạn sinh viên trước khi ra trường nên trau dồi kiến thức, kỹ năng sống và nên biết sống cao thượng. Ảnh minh họa:chaongaymoi.com
Có bạn đọc cho rằng nghiên cứu của Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn rất có giá trị nhưng nó mới chỉ phản ánh được một phần của cái gọi là "sự mất niềm tin vào cuộc sống" của một bộ phận trong thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. "41 % sinh viên không thích sống cao thượng? Đó là một con số gây ấn tượng mạnh và không thể dễ dàng bỏ qua. Nếu quả đúng như vậy thì nó có thể nói lên được rất nhiều điều; thậm chí có thể trở thành một báo động" (Lưu Đỗ Thành Trung, Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP.HCM, sagittarius_cungnhanma@...).
 

Bạn đọc khác lại nêu câu hỏi phải chăng lối sống cao thượng hiện nay đã bị lỗi thời?. "Cách đây gần 30 năm, khi còn là sinh viên của một trường đại học, tôi thấy thời đó chúng tôi được giáo dục kỹ lưỡng về lý tưởng của thanh niên, về sự hy sinh và cách sống cao thượng.

 

Từ đó có rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đã xung phong đi chiến trường, không hề nghĩ mạng sống của mình còn có giữ được không chứ đừng nghĩ đến sự sung sướng và làm giàu... Ngày nay, suy nghĩ của thanh niên đã phản ánh thực tế qua kết quả khảo sát ở trên. Điều đó là hoàn toàn thực tế để cho mỗi người lớn chúng ta và đặc biệt là những người có trách nhiệm phải suy nghĩ về thực trạng xã hội của chúng ta hiện nay" (Le Thi Sen, Phú Yên, lesenthpy@...).

 

Có bạn đọc qua trải nghiệm cuộc sống của mình đã hỏi liệu minh bạch có phải là đức tính của cao thượng và đã đưa ra ví dụ: "Tôi không còn là sinh viên bởi tôi tốt nghiệp ĐH từ 2002. Theo như đánh giá của bạn bè thì tôi thuộc tuýp người tạm gọi là "thích minh bạch". Nhưng rồi sau 7 năm đi làm, cũng chịu khó, cũng say sưa, thói quen đọc sách chưa hề mất đi so với thời còn đi học... nhưng để mua một chiếc máy tính thì lại phải xin gia đình. Trong khi gặp gỡ, đối mặt với bạn bè, mình mới thấy tủi khi không lười biếng, không chậm chạp, không dốt nát mà vẫn nghèo - chỉ tại cái tội "thích minh bạch" (vanphaisong@...).

 

Ý kiến khác lại nêu khó có thể tự đánh giá được mức độ cao thượng của bản thân. Không phải ai làm việc tốt đều nói mình cao thượng, cũng không phải ai muốn sống cao thượng đều thực hiện được mong muốn đó. Người thực tế vẫn làm việc tốt hằng ngày nhưng họ không nghĩ đó là cao thượng.

 

Một số bạn cho rằng sống cao thượng thì thiệt thòi nhưng số khác lại cho rằng sống cao thượng không phải là việc gì quá khó khăn, to tát mà trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết chia sẻ cho nhau lúc khó khăn, hoạn nạn... đó chính là cao thượng.

 

Nói chung, sống cao thượng là biết sống cho bản thân mình và cho người khác. Các bạn sinh viên trước khi ra trường nên trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, nên biết sống cao thượng. Nếu biết sống cao thượng ngay từ bây giờ thì sau này mới sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.  


Nên khuyến khích đề văn mở


Sau cuộc trao đổi với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về đề thi đại học, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến về bàn luận. Nhiều ý kiến ủng hộ xu hướng ra đề văn mở vì nó phát huy được sức sáng tạo của học sinh nhưng muốn tìm ra được những học sinh giỏi văn thực sự thì người chấm cũng phải thật giỏi, phải có tấm lòng rộng mở và kiến thức phong phú vì đáp án cũng là đáp án mở.

 

"Tôi nghĩ rằng hiện nay dẫu còn rất nhiều nan giải về chất lượng giáo viên giảng dạy văn học trong nhà trường nhưng giáo dục không thể không quán triệt mục tiêu: Hãy để tâm hồn các em học trò được bay bổng, sáng tạo qua mỗi trang văn. Và chỉ có như vậy mới trả lại cho môn văn trong nhà trường giá trị đích thực của nó: Giúp cho con người sống tốt đẹp, nhân ái, vị tha hơn", ý kiến của bạn Cao Hồng, Thái Nguyên, cao_hong568@...


Mô tả ảnh.
Sau buổi thi môn văn sáng 9/7. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Thực sự nghị luận xã hội là dùng những cảm xúc, những suy nghĩ thật của mình về những đề tài được nêu ra... Một đề nghị luận xã hội được nêu ra, mỗi thí sinh lại có thể nhìn nhận vấn đề ấy dưới một góc độ khác nhau.

 

Để chấm điểm cho những đề văn này, có bạn đọc đề xuất: "Đề nghị luận xã hội nếu chấm có lẽ nên chấm dựa trên kỹ năng, lập luận logic, hành văn của thí sinh... Nếu chấm ý thì chưa chắc đáp án đã đúng. Bởi vì đề nghị luận xã hội để cho thí sinh bộc lộ khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo" (Anh, Hà Tĩnh, Shaman_king102@...).

Ủng hộ xu hướng ra đề văn mở, bạn Nguyễn Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội, lotus_sakura@... viết: "Tôi thấy không có gì là khó chấm kiểu bài văn này. Văn nghị luận như vậy không có cái gọi là đúng, sai trong quan điểm, cái quan trọng là xem các ý tổ chức trong bài văn có logic không, các luận cứ đưa ra có chứng minh thuyết phục quan điểm người viết hay không.

 

Nếu các ý logic, mạch lạc với nhau, cách hành văn sáng sủa, logic, biểu cảm, ý tưởng phong phú thì có thể chấm điểm cao được. Với câu hỏi mở như thế này, chấm điểm chỉ nên dựa trên tiêu chí chứ không thể có cái gọi là đáp án được. Nếu các nhà giáo Việt Nam chưa có kinh nghiệm chấm kiểu bài văn này thì Bộ GD có thể tổ chức các khóa huấn luyện cho họ.

 

Kiểu làm văn này không mới, bây giờ các đề thi TOEFL, IELTS, GRE, GMAT đều có, và người ta đều chấm điểm được dựa trên các tiêu chí đưa ra đó thôi. Tôi nghĩ nên khuyến khích kiểu ra đề như thế này. Đồng thời, các đề văn yêu cầu học sinh phân tích, phát biểu cảm tưởng về những tác phẩm văn học có giá trị vẫn cần được đưa ra.

 

Tuy nhiên chấm điểm cũng nên dựa trên cách chấm của bài văn nghị luận về các vấn đề xã hội, tức là người viết có quyền có quan điểm riêng về tác phẩm văn học đó, miễn là lập luận họ đưa ra chặt chẽ, thuyết phục, chứ không nên bắt người ta phải nói những điều đã được lên khuôn, làm mẫu. Giáo dục nên bồi dưỡng suy nghĩ độc lập, tính sáng tạo cho con người chứ không nên áp đặt...".

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề khác:

 

f
Lều bạt căng ra cả đường đã làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Ảnh: Đình Thuỷ
Chợ trên quốc lộ: Quốc lộ 21B có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất đông. Nhưng đã từ lâu, đoạn qua xã Hoà Nam, huyện ứng Hoà (Hà Nội) tình trạng họp chợ ngay trên lòng đường rất phổ biến. Người mua - người bán vẫn cứ “vô tư” đi lại trên đường mặc cho lưu lượng phương tiện qua lại.

 

Cả đoạn đường dài gần 100m đã bị lấn chiếm. Không chỉ thế, lều bạt căng ra cả đường đã làm khuất tầm nhìn của các tài xế lái xe, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rất mong chính quyền địa phương bố trí nơi họp chợ mới và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường đảm bảo cho người bán - người mua và các phương tiện lưu thông. (Phạm Đình Thuỷ, Mỹ Đức, Hà Nội, phamdinhthuyht@...)

 

Mô tả ảnh.

Kính có 4 tấm vỡ 2, cỏ dại mọc đầy. Ảnh chụp lúc 11h55’ ngày 11/07 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) - Ảnh: Vũ Thủy

Nên thanh lý, tháo dỡ các cabin điện thoại thẻ: Với sự phát triển vũ bão của điện thoại di động, cách đây vài năm là sự "báo tử" của hệ thống máy nhắn tin, bây giờ tôi nghĩ là sẽ đến điện thoại thẻ.

 

Bởi vì hiện nay, đến người nông dân đi làm ruộng cũng còn có điện thoại di động, mà hệ thống điện thoại thẻ trước đây xây dựng lên với tiêu chí phục vụ người sử dụng ở các nơi công cộng (như các nút giao thông, trường học, bệnh viện, chợ...) và các đối tượng có thu nhập thấp (như người lao động, học sinh, sinh viên...).

 

Chính vì thế, các cabin điện thoại thẻ ngày nay cho dù vẫn còn hoạt động được. Đề nghị cơ quan quản lý triển khai việc thanh lý và thu hồi các cabin điện thoại này - vì hiệu quả của nó hiện nay là vô cùng thấp - để góp phần tạo lại mỹ quan cho vỉa hè, đường phố. (Bình HC, Thái Nguyên, binhhc@...)

 

Tuần qua, sau khi đăng tải bài viết về hoàn cảnh của thí sinh Bích Thị Xuân phải nhịn đói đi thi đại học, toà soạn nhận được rất nhiều thư chia sẻ và đề nghị giúp đỡ của bạn đọc.

 

Chúng tôi xin chân thành cám ơn những lời chia sẻ và những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc. Để chia sẻ với em Xuân, bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ: Bích Thị Xuân. Thôn Lạc Trì, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. ĐT: 0128.497.4928

 

Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn những tin bài đóng góp của bạn đọc trong tuần qua cũng như thông tin bạn đọc cung cấp qua đường dây nóng. Mọi tin bài cộng tác, trao đổi, mời bạn đọc gửi về địa chỉ bandoc@vietnamnet.vn.

Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác.

 

  • Ban Bạn đọc báo VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,