- "Cần phạt nặng hơn là chỉ phạt tiền đối với những người uống rượu bia quá mức cho phép, vì điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn có nguy cơ cao gây nguy hiểm đến tính mạng của rất nhiều người khác đi lại trên đường. Người lái xe say rượu có thể biến chiếc xe của mình thành "cỗ máy" có thể giết người..." - trao đổi của bạn đọc quanh dự thảo Nghị định xử phạt hành chính giao thông đường bộ.
Theo C26, từ năm 2006 đến 2008, cả nước đã xảy ra 1.352 vụ tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia gây ra. (Ảnh minh họa: VNN) |
Lái xe say rượu có thể biến chiếc xe thành "cỗ máy giết người"
Người lái xe phải biết coi trọng tính mạng mình và mọi người khi tham gia giao thông. Chế tài phạt ở mức 3 triệu đồng không phải là cao so với tính mạng chính bản thân và những người xung quanh. Không ai dám chắc mình sẽ làm chủ được hoàn toàn bản thân khi đã sử dụng rượu, bia. (Nguyễn Văn Phúc, Sapa, Lào Cai, phucnvsp@...)
Theo mình mức phạt như vậy là bình thường. Bạn thử nghĩ xem, khi lái xe mà uống rượu bia có thể không giữ được bình tĩnh, lao vào người đi đường hoặc có thể tự lao vào cột điện, cống... Nói chung uống bia rượu mà lái xe ô tô là nguy hiểm đến tính mạng con người. Tốt nhất ai uống rượu nên nhờ người quen hoặc thuê taxi mà về chứ đừng có lái xe. Đa phần các vụ tai nạn xe máy, ô tô là do uống bia rượu mà ra cả. (Quyền, Uông Bí, 1litchuasay@...)
Phạt 3 triệu đồng cho đối tượng uống rượu điều khiển ô tô là quá nhẹ chứ quá nặng gì. Xã hội chúng ta đã khốn khổ vì hậu quả của tai nạn giao thông để lại và đa phần là do những tài xế say rượu gây nên. Thiết tưởng, đã đến lúc phải kiên quyết với tội phạm này. (Võ Vĩnh Viễn, Hậu Giang, vinhvien@...)
Theo quan điểm của tôi, những việc làm ảnh hưởng đến cộng đồng như uống rượu bia khi điều khiển ô tô xe máy thì cần phạt thật nặng và như vậy nếu phạt 3 triệu đồng vẫn còn nhẹ. (Mai Anh Lợi, Lê Thúc Hoạch, quận Tân Phú, TP.HCM, maianhloi@...)
Hoan nghênh "mức phạt"! Dù tôi không biết lái ô tô nhưng tôi nghĩ mức phạt như thế rất hợp lý: vừa giáo dục vừa "đánh vào túi tiền". Đừng vì sĩ diện khi đi bia rượu tiếp khách là phải tự lái ô tô! Ngụy biện! (Thế Huy, Nha Trang, buithehuy@...)
Tôi vừa mới có dịp đi thăm mấy nước Châu Âu, anh em bên ấy dùng xe đưa đi chơi mấy ngày nhưng tuyệt nhiên họ không hề dám uống bia rượu (dù hầu hết đều là các "cao thủ" bia rượu). Hỏi lý do thì được biết luật ở các nước này xử lý việc lái xe uống bia rượu khi lái xe theo Luật Hình sự chứ không phải theo Luật Giao thông - Lái xe uống bia rượu gây tai nạn giao thông được coi là tội ngộ sát.
Theo tôi thì đây là hình thức phạt hoàn toàn đúng đắn. Tôi cũng là người có bằng lái ô tô, dù không phải dân lái xe chuyên nghiệp nhưng rõ ràng là nếu lái xe uống bia rượu và gây tai nạn thì hậu quả là rất lớn, do vậy nếu chỉ phạt 3 triệu đồng như dự thảo của Việt Nam thì vẫn là quá nhẹ. Đã có bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm dẫn đến cái chết của nhiều người vô tội vì lý do lái xe uống bia rượu gây ra tại Việt Nam? (Hà Nam, Hà Nội, hanam@...)
Tôi cho rằng việc phạt nặng những tài xế khi lên xe có mùi rượu là hoàn toàn hợp lý. Với tình hình giao thông phức tạp như hiện nay tại Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng thì phải cần có sự tập trung cao độ trong việc lái xe ô tô. Khi rượu bia đã vào trong cơ thể thì chỉ cần 1 lượng nhỏ cũng đủ làm cho chúng ta mất đi sự tập trung cần thiết cho việc lái xe. (Việt Thắng, Nguyễn Văn Cừ, Q.1, TP.HCM, vietthang08@...)
Nếu nhờ có quyết định xử phạt nặng mà giảm được đàn ông ở Việt Nam uống rượu thì đúng là một công được đến đôi ba việc. Vừa giảm tai nạn thương tâm, vừa đỡ khổ cho vợ con gia đình những người đó. Tôi nghĩ trong chuyện này chẳng có lý do gì để nhân nhượng, cái văn hóa xấu càng nên xóa sớm. (Lien, Hà Nội, lienle22@...)
"Tôi cho rằng mức phạt như trên là cần thiết để đảm bảo tính răn đe. Thậm chí có thể tăng nặng hơn để giúp giảm bớt tai nạn giao thông. Cứ thử tưởng tượng một lái xe khách chở trên xe 50 người chạy từ HN vào TP.HCM. Vậy nhưng khi xe dừng nghỉ dọc đường lại vào uống rượu rồi không làm chủ được tay lái thì nguy hiểm biết chừng nào? Đã có bao nhiêu vụ tai nạn tang thương gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Vậy nên pháp luật cần xử phạt nghiêm minh để đảm bảo an toàn cho mỗi người, cho toàn xã hội" - ý kiến của bạn Hoàng Thanh Tùng, Q.TB, TP.HCM, hoangthanhtung1984@...
Theo tôi thì luật phạt tiền là đúng. Người Việt Nam quen kiểu khi giao dịch hay làm ăn là tìm đến rượu, đây là một hình thức không được tốt cho lắm tạo thói quen hư.
Ta phải thực hiện thật nghiêm luật này để cho mọi người có trách nhiệm hơn trong việc điều khiển xe khi tham gia giao thông, tránh tình trạng vì uống rượu bia gây tai nạn giao thông cho người khác. Mà theo tôi được biết thì tai nạn giao thông do uống rượu bia là khá cao! (Trần Đức Nam, Bắc Ninh, tranducnam_85bn@...)
Đã là luật thì không nên "uyển chuyển"
Theo tôi mức phạt 3 triệu là quá cao. Nên chuyển sang khung từ 500.000đ đến 1.500.000đ vì mức thu nhập người dân vẫn còn quá thấp. Luật là luật nhưng phải tính đến cả tính thực tế nữa. (Nguyễn Minh Đức, Hà Nội, duc@...)
Tôi ủng hộ việc phạt nặng khi lái xe uống rượu bia quá mức độ cho phép nhưng mức tiền phạt theo tôi là chưa phù hợp. Tôi nghĩ mức phạt nên thực tế hơn và khoảng cách không quá chênh lệch để không có cảnh "làm luật". (Hoài Sơn, Thanh Hóa)
Theo tôi, mức phạt với xe ô tô như thế thì không nặng. Nhưng với hành vi chỉ có rượu trong người thì quá nặng. Theo ông Thuấn lý giải là luật này cũng uyển chuyển thì vấn đề quay lại vòng câu chuyện cũ, vậy luật mới ra làm gì trong khi luật cũ chưa thực thi nghiêm chỉnh.
Xây dựng luật là để đem lại an ninh trật tự xã hội. Khi thi hành luật là phải công tâm và "thẳng băng", không có uyển chuyển vì như thế sẽ tạo điều kiện cho người thi hành luật "làm luật" lại.
Theo tôi, những hành vi vi phạm luật phải phạt thật nặng và công bằng thì mới có trật tự trong giao thông và xã hội của chúng ta. Nếu không, chúng ta cứ ban hành luật nhưng trật tự giao thông vẫn không cải thiện, chưa nói là ngày càng tệ hơn do nhờn luật. (Lê Văn Tú, TP.HCM, vantu_golf@...)
Tôi đồng ý với việc cấm uống rượu bia khi đang lái xe và phải xử phạt thật nặng đối với những trường hợp đó. Ở nước ngoài, người ta cũng cấm uống rượu khi lái xe mà họ vẫn ký những hợp đồng hàng tỷ đô có sao đâu. Làm gì có thứ "văn hoá làm việc trên bàn nhậu của đàn ông Việt Nam". Tuy nhiên, việc cấm và xử phạt phải làm triệt để, đã vi phạm là phạt và phải phạt thật nghiêm để không còn tái phạm. (Giang Nguyễn, Hà Nội, vndqc2009@...)
Đường dây nóng Báo VietNamNet: |