221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1213000
Hai chữ "y đức" liệu đã trọn vẹn?
1
Article
null
Hai chữ 'y đức' liệu đã trọn vẹn?
,

 - Góp ý với dự luật khám, chữa bệnh, nhiều ý kiến đồng tình với các ĐBQH về việc luật phải cấm bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cần phải tìm ra cơ chế phù hợp vì nếu chỉ "cấm" không thôi thì vẫn sẽ có nhiều trường hợp "lách luật".

 

Đồng tình với ý kiến của các ĐBQH

 

Tôi là một BS có thâm niên công tác 15 năm trong một BV tuyến tỉnh. Điều băn khoăn nhất là việc đầu tư trang thiết bị ở các BV tuyến tỉnh trở xuống quá kém khiến cho việc phát triển tay nghề để phục vụ bệnh nhân không được như ý. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý định đưa vào luật việc cấm nhân viên y tế vòi vĩnh phong bì bệnh nhân và nếu người nào làm chuyện đó mà bị phát hiện thì có thể truy tố. Nguyễn Văn Tường, Bình Thuận, tuong_ngvan@...

 

Tôi nhất trí và hoan nghênh với nội dung bài viết. Chắc hẳn những người trưởng thành như chúng ta có ai đã không dưới một lần đến bệnh viện để chăm sóc người nhà bị ốm đau bệnh tật, mọi người chắc hẳn không lạ gì với những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra trong đội ngũ y bác sĩ (dĩ nhiên là không phải tất cả và tôi thật lòng xin lỗi những y bác sĩ chân chính).  

 

Cần tìm cơ chế để bác sĩ không cần nhận phong bì. Ảnh minh họa: LH

Tôi đã từng chăm sóc con nhỏ bị ốm ở bệnh viện, có một sự thực là không đưa phong bì thì đừng hi vọng y sĩ (bác sĩ) tiêm cẩn thận và ít bị đau. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi được miễn viện phí nhưng khoản lót tay còn tốn kém hơn nhiều.

Tôi cũng nhắc lại là không riêng mình tôi bị như vậy và tôi mong nhiều người cùng nói lên những cảm nhận của mình về bài viết này. Tôi cũng mong những điều được nêu trong bài viết được các đại biểu của dân đồng ý để dự luật được thông qua và được thực thi thật nghiêm túc trong cuộc sống. Nguyễn Trường, Bắc Giang, congtruongttbh@...  

 

Thực sự, tôi rất đồng tình với việc các bộ luật về y tế phải ban hành các quy chế làm sao nâng cao được trách nhiệm, sự tận tâm, tận lực của các bác sĩ hiện nay. Qua báo chí và được chứng kiến tận mắt, tôi thấy rằng ngày nay có quá nhiều bác sĩ vô trách nhiệm với nghề, coi thường tính mạng của bệnh nhân. Không phải tính mạng của con người được đặt lên hàng đầu nữa mà chính là đồng tiền.

 

Đồng tiền đã làm câu "lương y như từ mẫu" không còn đúng nghĩa của nó. Vẫn biết rằng còn có rất nhiều những bác sĩ tâm huyết với nghề nhưng trong thời buổi ngày nay, con người quá coi trọng đồng tiền thì liệu rằng các bác sĩ có luôn trọn vẹn 2 chữ "y đức" được hay không? Lai Thi Mai Hue, Hà Nội, maihue_ilovemysong@...

 

Cần tìm ra cơ chế chứ không phải "cấm" là đã hiệu quả

 

Lương mà các bác sĩ và y tá nhận được, thậm chí cả thưởng là quá ít so với công sức của họ. Trong các bệnh viện công, có những khoa nặng nhọc hơn các khoa khác rất nhiều. Lãnh đạo bệnh viện thì thờ ơ, quan liêu.

 

Trong bối cảnh sáp nhập một số tỉnh vào Hà Nội, số bệnh nhân đổ dồn về Trung ương lại càng đông hơn, thêm việc những ngày trực, bác sĩ, y tá phải trực từ sáng tới qua đêm, sáng hôm sau giao ban xong là 9h, bệnh nhân thì suốt đêm gọi (thức trắng hơn 1 ngày). Vì thế mà cùng 1 đồng lương nhưng khối lượng lại tăng lên quá nhiều. Việc các bác sĩ, y tá trong những bệnh viện công xứng đáng nhận thêm tiền là điều hợp lý. Có ở trong cuộc mới hiểu tình cảnh của họ. bacsikhongphailachua@...
 

Tôi đồng ý với quan điểm là phải chống hiện tượng bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân vì điều đó không hề nhân văn, làm mất uy tín nghề thầy thuốc được cả xã hội quí trọng. Tuy nhiên, tôi rất thận trọng khi dùng từ "cấm". Nếu chúng ta cấm bác sĩ, chúng ta phải cấm hành vi nhận phong bì chung của toàn xã hội, cấm giáo viên nhận phong bì, nhận phong bì ở cơ quan khi đi họp... Như vậy thì quá rộng, nghĩa là chống tham nhũng. Nhưng đó là một chiến dịch lớn mà toàn Đảng, toàn dân đang phải chiến đấu.

 

Việc cấm hành chính sẽ không mang lại điều gì, mà điều đó sẽ lại biến tướng ra nhiều hình thức khác mà chúng ta lại không thể quản lý nổi, mà chúng ta phải tìm ra cơ chế để bác sĩ không cần nhận phong bì và tự họ cảm thấy điều đó là bẩn thỉu.

 

Để đạt được điều đó, chúng ta cần sự quyết tâm của mọi cấp, mọi ban ngành và những con người có tầm nhìn để tìm ra cơ chế mới. Quốc hội nên thận trọng khi nghĩ đến chuyện cấm bằng luật, nếu không chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt. Phạm Trần Tuấn, Hà Nội, goodfriendofhanoi@...
 

Theo tôi, luật cấm này là không khả thi. Nó cũng giống như việc cấm hút thuốc ở nơi công cộng vậy. Tại sao tôi nói vậy? Thứ nhất, ban hành luật rõ ràng nhưng ai sẽ đi kiểm tra? Thanh tra sẽ đến từng bệnh viện, từng phòng khám, từng phòng mổ, từng phòng thủ thuật để kiểm tra và phạt các nhân viên y tế sao? Tôi nghĩ điều này là không tưởng.

 

Thứ hai, ngay cả việc kiểm tra đột xuất cũng khó với kiểu tâm lí "xin cho". Có dám chắc các thanh tra y tế sẽ 100% làm đúng chức phận của mình. Thứ ba, hãy nhìn lại bảng lương của nhân viên y tế. Chúng ta đều công nhận y tế là một ngành đặc biệt, nếu đã đặc biệt thì phải có một mức lương đặc biệt.

 

Hãy nhìn vào các bác sĩ ở Việt Nam, có bao nhiêu người là đủ sống bằng đồng lương của họ? Không có ai. Tất cả đều phải bằng cách này hay cách khác, công việc này hay công việc khác để kiếm miếng cơm manh áo. Họ không bỏ 6 đến 10 năm học, hàng chục năm công tác để đạt trình độ cao chỉ để có mức sống bằng các ngành nghề khác. Đó là thực tế.

 

Cuối cùng, việc cấm là không thể bởi có một thức tế rằng bác sĩ có không "đòi" thì người nhà bệnh nhân vẫn gửi. Đó là chuyện thực tế. Xét trên một khía cạnh khác, nếu như họ có bệnh, đã đến nhiều nơi chạy chữa mà không khỏi, nay họ được chữa khỏi thì bệnh nhân hoàn toàn có quyền được cảm ơn ân nhân của họ chứ? Họ sẽ mua một chục quả dưa hấu đến bệnh viện? Không, tất nhiên là quà và phong bì. Hay chúng ta sẽ cấm bác sĩ nhận phong bì ở công sở? Vậy có cấm được việc bệnh nhân đến nhà bác sĩ không? Điều này sẽ dẫn đến hàng chục vấn đề nực cười khác mà chúng ta phải ngồi tranh luận. Nguyễn Đức Việt, Hà Nội, virezo@...
 
Lương tâm cũng như chữ "trinh"

 

Tệ nạn phong bì là một quốc nạn. Xin cho con đi học: phong bì. Cất nhà: phong bì. Xin phép kinh doanh: phong bì. Phạm luật: phong bì. Đi bệnh viện: phong bì. Đi thi: phong bì… Tràn ngập các nơi giao dịch toàn phong bì. Gần như toàn bộ giao dịch xã hội đều qua phong bì.

 

Tại sao con người giao dịch với nhau: anh tôi bình đẳng, tôi có nhu cầu, anh có nhiệm vụ thế thì sao tôi phải qụy lụy anh bằng cái phong bì trung gian quái gở kia. Chỉ khi nào mỗi người đều làm nhiệm vụ của mình một cách tự nguyện, tự giác thì cái phong bì kia sẽ đi vào dĩ vãng. 

 

Ngày nay, hai chữ "y đức" liệu còn trọn vẹn? Nguồn: piperreport.com

Một người bạn BS của chúng tôi nói rằng: khi người ta đưa phong bi,̀ anh rất giận vì xem như đã xúc phạm, ngược lại khi đem biếu một chục trái cây, một ký mắm, vài con khô anh rất vui vì nghĩ rằng người ta nhớ đến mình như một người bạn chân thành chứ không mua chuộc. Bán lương tâm, bán sự vô tư trong sạch của mình dù với giá nào cũng là quá rẻ!

 

Lương tâm cũng như chữ trinh, chỉ bán một lần rồi người bán sẽ trượt dài theo con đường trở thành xa lạ với bản chất thiện vốn có của con người. Khi nhận phong bì, vô hình trung người ta chia đối tượng phục vụ của mình ra làm hai nhóm: nhóm có tiền được phục vụ tối đa, nhóm không tiền bị chà đạp, đuổi xô, ruồng bỏ, không được đối xử như một con người bình đẳng.

 

Luật pháp có thể làm gì khi con người bị suy đồi đạo đức. Lấy lý do nghèo túng để biện hộ cho hành động hối lộ của mình xem ra không hợp lý lắm. Có phải ai nghèo cũng đi trộm cướp? So với thời chiến tranh, thời bao cấp, thời mà hiện tượng phong bì rất ít có thì con người ngày nay giàu hơn nhiều chứ, nhưng tình trạng tham nhũng hối lộ còn nhiều hơn gấp bội phần. Có phải con người càng "giàu" hơn thì càng xa rời bản chất người và đối xử với nhau càng ít tình thương hơn chăng?

 

Một vị BS đi xe hơi đời mới nhận phong bì từ một người tay lấm chân bùn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” có phải là vì nghèo hay không? Phong bì “nhỏ nhoi” đó là theo cái nhìn của vị BS nhưng đối với người lao động nghèo có thể là những đồng tiền cuối cùng từ căn nhà, mảnh đất đã cầm cố, là tiền bán máu, là học phí vào đại học, là tiền bán thân của đứa con hiếu thảo…Nhận những đồng tiền ấy thật những người thày thuốc có lương tâm sẽ không bao giờ nuốt trôi nổ̃i. Và những thày thuốc có lương tâm bao giờ cũng nghèo. Có phải trong cảnh nghèo con người mới có tình thương, mới biết cảm thông với những nỗi đau của đồng loại chăng?

 

Cuộc sống đầy rẫy vật chất từ nước ngoài tràn vào, đôi khi làm con người ngày nay u mê, mù quáng chạy theo, chối bỏ những giá trị tinh thần vì cho rằng nó đã quá cũ kỹ. Giá trị của cuộc sống, chuẩn mực đạo đức ngày nay được tính bằng tiền thì vị trí những người nghèo gần như không có chỗ đứng trong xã hội. Điều này thật vô cùng nguy hiểm cho xã hội vì đã mất đi tính nhân bản.

 

Mọi thể chế xã hội xưa nay do con người gây dựng nên xét cho cùng là để phục vụ cho con người bằng xương bằng thịt. Một xã hội mà không có khả năng bảo vệ được những công dân lương thiện của nó, xã hội đó khó tồn tại. Đồng tiền sẽ mua chuộc lật đổ nó, nếu không thì nó cũng tự sụp đổ vì các các thế lực nội bộ tranh giành, cấu xé lẫn nhau, mọi sự bắt đầu từ những phong bì “nhỏ bé” đó. Đừng khinh thường việc nhỏ, đốm lửa con có thể cháy nhà, lỗ thủng con có thể đắm thuyền. Lê Ngọc Dũng, An Long, Tam Nông, Đồng Tháp, lengocdungtn@... 
 
 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;