- Tăng học phí là điều bắt buộc nhưng tăng đến mức nào cần thiết để đảm bảo cho nhu cầu đào tạo phải được tính toán trên cơ sở kiểm soát tốt chi tiêu.
Vấn đề tăng học phí bao nhiêu, thực hiện khi nào, học phí tăng có tăng chất lượng giáo dục không đang được tranh luận rất nhiều trên công luận lẫn nghị trường.
Muốn có cơ sở vật chất, thiết bị tốt không chỉ tính một chiều tăng nguồn thu mà cần phải kiểm soát tốt quá trình chi tiêu. (Ảnh ML)
Chất lượng đào tạo ĐH cao hay thấp biểu hiện cụ thể ở trình độ của sản phẩm do trường đó đào tạo. Đào tạo có chất lượng cao, sinh viên (SV) tốt nghiệp sẽ có trình độ kiến thức nhất định, được xã hội thừa nhận hoặc ngược lại.
Chất lượng đào tạo ảnh hưởng từ sự tổng hợp của nhiều điều kiện như giảng viên (GV), tài liệu học tập, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy, trình độ SV, mục tiêu đào tạo… Từng điều kiện có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, trong đó có những điều kiện có liên quan đến học phí.
Trước hết, có thể nói GV là điều kiện tiên quyết, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. GV có kiến thức tốt, phương pháp sư phạm hợp lý, sử dụng được những thiết bị cần thiết sẽ cung cấp kiến thức cần thiết cho SV, hướng dẫn tài liệu liên quan cho SV nghiên cứu và cũng chính từ GV có kiến thức tốt mới có được tài liệu tốt cho SV học tập, tham khảo.
Muốn có một GV giỏi, phải thực hiện tuyển chọn từ đầu vào và tiếp tục đào tạo lâu dài. Với mức lương như hiện nay do Nhà nước quy định, nếu nhà trường không tự chủ tài chính trong trả lương thì không thể có được những SV giỏi để tuyển chọn. Do đó, các trường phải có nguồn tài chính để có được một chính sách tiền lương sao cho thu hút được nhân tài.
Nhưng tăng học phí để có điều kiện tăng lương cho giảng viên thì tăng chất lượng đào tạo ngay? Điều đó khó có thể, xã hội hoài nghi là điều dễ hiểu. Đó là hệ quả của quá trình tuyển dụng, đào tạo, quản lý GV lâu nay.
Tuyển dụng trong một thời gian dài bị khép kín. Đào tạo sau đại học kém chất lượng, hữu nghị, chạy theo bằng cấp nên có không ít GV hạn chế kiến thức chuyên môn, lẫn ngoại ngữ, vi tính. Có GV chỉ “đọc cho SV nghe”, viết tài liệu, dịch sách nước ngoài thiếu chính xác, dù học vị, học hàm không thấp.
Quá trình quản lý của nhà trường chưa bao giờ đánh giá để sàng lọc đội ngũ GV. Phần lớn GV giảng dạy cho đến khi về hưu, bất kể trình độ, phương pháp sư phạm như thế nào, ngoại trừ trường hợp bị kỷ luật. Làm như vậy thì làm sao có đội ngũ GV giỏi?
Với đội ngũ GV có trình độ như thế thì dù có tăng bao nhiêu lương cũng khó có thể cải thiện trình độ được nên chất lượng đào tạo không tăng ngay khi tăng học phí là điều đương nhiên. Nhưng không có chính sách tiền lương tốt và không đồng thời thay đổi ngay những quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá sàng lọc GV… thì khó có thể kì vọng chất lượng đào tạo ở tương lai.
Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất, thiết bị đồng bộ, hợp lý sẽ phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy và học tập nhưng đó cũng chỉ là điều kiện cần vì nó mang lại hiệu quả cho chất lượng đào tạo như thế nào, lại phụ thuộc vào trình độ và phương pháp sử dụng nó trong giảng dạy và quản lý.
Trong thực tế có tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở nơi cần nhưng thừa nơi không cần, hoặc những thiết bị phải trang bị và thanh lý thường xuyên, nhưng thời gian, hiệu quả sử dụng không bao nhiêu. Do đó muốn có cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy tốt, không chỉ tính một chiều tăng nguồn thu mà cần phải kiểm soát tốt quá trình chi tiêu. Có tăng học phí nhưng không kiểm soát đầu tư, mua sắm thì chưa chắc có cơ sở vật chất, thiết bị tốt để tăng chất lượng đào tạo.
Nghiên cứu khoa học là bắt buộc với GV mà Bộ GD-ĐT qui định cụ thể, định mức chi phí cho từng cấp công trình. Có hội đồng nghiệm thu đúng qui trình nhưng không mang lại hiệu quả ứng dụng trong giảng dạy. Chi phí đó có ích gì cho đào tạo để rồi ảnh hưởng đến nguồn kinh phí còn hạn hẹp? Nếu tăng học phí nhưng không thay đổi cách đánh giá nghiệm thu công trình khoa học thì vẫn lãng phí trên sự khó khăn của xã hội và cũng không nâng cao được chất lượng đào tạo.
Tăng học phí là điều bắt buộc nhưng tăng đến mức nào cần thiết để đảm bảo cho nhu cầu đào tạo phải được tính toán trên cơ sở kiểm soát tốt chi tiêu. Trách nhiệm và lương tâm của những người quản lý giáo dục là phải thay đổi những phương thức quản lý cho thích hợp để kiểm soát chi tiêu và tăng dần chất lượng đào tạo.
-
Bui Van Truong, ĐH Kinh tế TP.HCM