- "Một lực lượng giảng viên trẻ có trình độ không được trọng dụng, họ chỉ đóng vai trò làm trợ giảng hoặc làm hướng dẫn ở phòng thí nghiệm hoặc trông coi thư viện" - trao đổi của bạn đọc về nhu cầu giảng viên trong các trường đại học.
Không phải là chúng ta thiếu giảng viên trẻ. Cái cơ bản là ngành giáo dục chưa tận dụng hết tiềm lực của mình mà thôi.
SV các trường đại học tốt nghiệp loại khá trở lên, có chuyên môn đúng chuyên ngành và có nhiệt tình tâm huyết yêu nghề nhưng họ chỉ thiếu 1 chút phương pháp sư phạm, chúng ta cần mạnh dạn sử dụng họ và chỉ cần 1 thời gian thử việc hoặc đào tạo thêm là họ sẽ trở thành các giảng viên giỏi về chuyên môn và có phương pháp sư phạm.
Cần mạnh dạn sử dụng giảng viên trẻ. Nguồn: fpt.edu.vn
Với xu hướng hội nhập và phát triển như hiện nay và trung bình mỗi năm có hàng ngàn giáo viên trẻ ra trường nhưng sự phân công chưa hợp lý và đâu phải trường nào cũng mở rộng cánh cửa để chào đón họ. Và như thế, họ phải tự tìm cho mình một "bến đỗ” khác để tự nuôi sống bản thân mặc dù biết rằng đó là trái ngành trái nghề được đào tạo hàng năm trời.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thật sự thiếu hay là chưa có cơ chế hợp lý để thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, việc phong GS, PGS cho cán bộ cao tuổi lại quá dễ. Có nhiều TS sau khi hoàn thành luận án nhưng không chủ trì nổi một đề tài cấp trường và không viết được một bài báo cho ra hồn. Thậm chí nhiều GS, PGS, TS sau khi đạt đủ tiêu chí thì chỉ muốn trở thành ông nọ bà kia trong lĩnh vực quản lý mà không chuyên tâm đến việc tìm tòi nghiên cứu để nâng cao trình độ.
Theo tôi, nếu có chủ trương yêu cầu các GS, PGS, TS làm việc đến tuổi 65 thì chỉ nên xét tuyển những ai liên tục nghiên cứu KHCN và giảng dạy. Nếu không, ngành giáo dục sẽ phải khắc phục hậu quả bởi một số vị tranh thủ ở lại trường cho vui, kìm hãm và làm khổ thế hệ trẻ mà thôi.
Một lực lượng giảng viên trẻ có trình độ không được trọng dụng, họ chỉ đóng vai trò làm trợ giảng hoặc làm hướng dẫn ở phòng thí nghiệm hoặc trông coi thư viện.
Có nhiều giảng viên được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ thậm chí tu nghiệp ở nước ngoài nhưng khi học xong thì nhấp nhổm “nhảy” chỗ này chỗ khác.
Tóm lại, nhân tài trẻ được xếp vào lớp trẻ, chưa có đủ kinh nghiệm mà chỉ có những bậc lão thành mới đủ năng lực để giảng dạy. Chính vì sự "cố vị" này mà nhân tài trẻ chưa phát huy được năng lực của mình và rồi dần dần họ sẽ phải tìm một nơi khác phù hợp hơn với trình độ và tâm huyết mà mình có.
-
Nguyen Van Khoa, Đà Nẵng