221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1193170
Thi “2 trong 1” vẫn là giải pháp mang tính chắp vá?
1
Article
null
Thi “2 trong 1” vẫn là giải pháp mang tính chắp vá?
,

 - Thi “2 trong 1” với điều kiện xã hội thực tế hiện nay, ngoài việc cắt giảm chi tiêu, nó chưa chứng minh được lợi ích đáng kể nào khác, đặc biệt về “hai không” và “nâng cao chất lượng giáo dục”.

(Bài tham gia diễn đàn Bỏ thi ĐH: Bộ lại hỏi ý kiến, bạn nghĩ gì?)

 

Bỏ thi ĐH sẽ không nâng cao được chất lượng giáo dục. (Ảnh VNN)
Nếu tính đi, có thể thấy ngay cái lợi trước mắt của việc bỏ kỳ thi ĐH là giảm thiểu gánh nặng chi phí cho phụ huynh, học sinh nói riêng và xã hội nói chung. Song, tính đi cũng phải tính lại, vẫn còn không ít thách thức ngăn trở chúng ta.

Bỏ kỳ thi ĐH, về quản lý, Bộ GD-ĐT gặp ngay ngọn núi sừng sững của bệnh gian lận, bệnh thành tích. Giải pháp “trông chéo, chấm chéo” có lẽ là khả dĩ nhất bây giờ nhưng cũng nên nhấn mạnh rằng để tránh hiện tượng móc ngoặc, dàn xếp thì phân công “ai với ai” cần được giữ tuyệt mật đến phút chót, như tuyệt mật đề thi vậy.

Các Sở GD-ĐT địa phương phải sẵn sàng bảo đảm điều kiện tác nghiệp tốt nhất cho đoàn công tác (bất kỳ) do Bộ GD-ĐT cắt cử từ cơ sở khác. Tuy nhiên, năm nay mới là năm đầu tiên thực hiện sâu rộng giải pháp này. Thế nên, phải đợi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, chúng ta mới có đủ cơ sở để trả lời.

Đối với tiêu chuẩn học lực thuần túy, thực ra không có sự khác biệt đáng kể về hình thức tuyển chọn đầu vào khi tách hoặc gộp hai kỳ thi: vẫn dựa vào điểm đạt tốt nghiệp THPT và điểm ba môn thi đặc thù theo từng khối, vẫn căn cứ lượng chỉ tiêu dự kiến rồi theo nguyên tắc sàng lọc từ trên xuống.

Tách hai kỳ thi, ngoài tác dụng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trông thi, chấm thi trực tiếp cho các trường ĐH, CĐ để hạn chế bệnh gian lận, bệnh địa phương cục bộ thì nó còn một tác dụng nữa cũng quan trọng chẳng kém là giúp phân loại thí sinh sâu sát hơn. Hai kỳ thi đồng nghĩa với hệ thống “hai cửa”. Nếu gộp chúng lại, tức chỉ còn “một cửa”, thì việc phân loại sẽ khó khăn hơn do phải thực hiện thông qua đề thi chung duy nhất.

Vậy, rõ ràng là nhiệm vụ đãi cát tìm vàng trong sự rộng lớn, đa dạng, thật giả đan xen lẫn lộn của kiến thức văn hóa học sinh THPT như hiện nay là không hề đơn giản.

Chỉ tuyển chọn qua một cửa nhanh quả có nhanh, nhưng dễ phát sinh nhiều sai sót. Tất nhiên, chúng ta hiểu và hoan nghênh thiện chí của Bộ GD-ĐT chia sẻ gánh nặng với phụ huynh, học sinh phải vất vả ngược xuôi, lo ăn ở. Song cũng cần lưu ý rằng thi “2 trong 1” chưa phải biện pháp duy nhất; hơn nữa, như đã phân tích, cái được - mất vẫn còn mờ mịt và chứa đựng nguy cơ “vào lỗ hà, ra lỗ hổng”.

Nếu chỉ xuất phát từ mục đích kinh tế thì e Bộ GD-ĐT đang cầu toàn, ôm đồm quá sức.

Thứ nhất, nhiệm vụ hàng đầu của Bộ GD-ĐT là bảo đảm chất lượng giáo dục, do đó, trong khi Bộ vẫn đang dang dở với phần việc chính của mình mà lại lo cả an sinh xã hội nữa thì quả không thỏa đáng.

Thứ hai, trong khi chúng ta chủ trương “xã hội hóa” giáo dục, tăng cường “tự chủ” Đại học mà Bộ lại ôm gần trọn vẹn khâu tuyển sinh như vậy thì thật bất tiện.

Thứ ba, Bộ Chính trị vừa giao Ban cán sự đảng Chính phủ lập chiến lược giáo dục giai đoạn 2011-2020. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn liên tục thử nghiệm, thay đổi một cách chắp vá, mang tính tình thế như thời gian vừa qua thì nguy cơ chồng chéo chức năng, phương hướng, hoạt động là khó tránh khỏi tái diễn lâu dài. Chính những bất cập này lại là mầm mống của nhiều thiệt hại vô hình, nặng nề, dai dẳng hơn.

Tóm lại, thi “2 trong 1” với điều kiện xã hội thực tế hiện nay, ngoài việc cắt giảm chi tiêu, nó chưa chứng minh được lợi ích đáng kể nào khác, đặc biệt về “hai không” và “nâng cao chất lượng giáo dục”. Mục đích giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, học sinh là tốt nhưng “giúp cần câu, đừng giúp con cá”.

Điều phụ huynh, học sinh cần nhất từ phía Bộ GD-ĐT là chất lượng giáo dục, tri thức, khoa học kỹ thuật, môi trường cạnh tranh lành mạnh,… hứa hẹn tương lai tươi sáng chứ không phải đỡ cho họ “một vài chục giạ  thóc”. Vì thế, đừng lấy “con cá” để lảng tránh cái “cần câu”.

Cắt giảm chi tiêu cũng tốt nhưng đôi khi có những việc chẳng thể ngừng tiêu và đương nhiên, muốn thành công thì phải chịu đầu tư. Các cụ nhà ta đã dạy, rất giản dị song mang tính triết lý và thực tiễn rất cao: “Ăn đói nằm co không bằng ăn no vác nặng”, tức là tiêu nhiều để làm ra nhiều (phát triển) chứ chớ vì lười, vì nghèo mà chỉ lo bóp mồm bóp miệng cho “vừa” sự lười, sự nghèo ấy rồi chây ì một chỗ (tụt hậu).

Mong Bộ GD-ĐT giảm thiểu những quyết định “chiến thuật” và có thêm nhiều quyết định “chiến lược” xứng tầm với đòi hỏi cải cách nền giáo dục nước nhà.

  • Đào Anh Dũng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,