- Tòa soạn nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc hỏi về vấn đề tăng, giảm vốn, thủ tục mở chi nhánh, thay đổi tên chi nhánh của các doanh nghiệp... Chúng tôi xin đăng tải trả lời của luật sư về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.
Thủ tục giảm vốn điều lệ công ty TNHH hai thành viên
Nguồn: www.kls.vn
Bạn đọc Hoàng Thanh Lâm, ở 178 Thái Hà, Hà Nội, email: Thanhlamsmt@...hỏi: Công ty chúng tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được thành lập vào năm 2006. Sau một thời gian hoạt động, do tình hình thị trường biến động, hoạt động kinh doanh khó khăn, chúng tôi muốn giảm vốn điều lệ xuống thì cần thực hiện như thế nào? Kính mong quý văn phòng giải đáp cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Câu hỏi của bạn Lâm liên quan đến việc giảm vốn điều lệ đối với Công ty TNHH 2 thành viên, chúng tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật doanh nghiệp, công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên được giảm vốn trong các trường hợp sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn hai năm, kể từ ngày đăng ký kinh doanh; đồng thời vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
- Mua lại phần vốn góp theo quy định tại Ðiều 44 của Luật Doanh nghiệp;
- Ðiều chỉnh giảm mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản giảm xuống của công ty.
Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 03/2006/TT-BKH ngày 19/10/2006 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của chính phủ về đăng ký kinh doanh thì hồ sơ đăng ký kinh doanh giảm vốn công ty TNHH 2 thành viên trở lên gồm:
- Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh (theo mẫu);
- Quyết định về việc thay đổi vốn điều lệ Chủ tịch Hội đồng thành viên;
- Biên bản họp về việc thay đổi vốn điều lệ của Hội đồng thành viên;
- Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ (đối với trường hợp giảm vốn điều lệ);
- Xuất trình bản chính và nộp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Lưu ý: Quyết định và biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong điều lệ công ty;
- Số bộ hồ sơ phải nộp: 01 bộ (trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày quyết định tăng, giảm vốn điều lệ)
- Thời hạn hẹn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thủ tục pháp lý để mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm
Bạn Hoàng Thu Hiền, Tuyên Quang hỏi: Công ty chúng tôi là công ty TNHH có trụ sở tại Tuyên Quang. Nay chúng tôi muốn thành lập một địa điểm kinh doanh để mở cửa hàng để giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội. Xin hướng dẫn thủ tục pháp lý cho tôi. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Theo Ðiều 24 Nghị định 88/2006/NÐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thì địa điểm kinh doanh phải đặt tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Như vậy, công ty của bạn không thể lập địa điểm kinh doanh ở Hà Nội.
Tuy nhiên, công ty của bạn có thể thành lập chi nhánh tại Hà Nội, theo đó, thủ tục tiến hành như sau:
+ Hội đồng thành viên công ty tiến hành phiên họp và thông qua phương án thành lập chi nhánh, các nội dung về Tên chi nhánh, địa chỉ đặt chi nhánh, ngành nghề kinh doanh của chi nhánh, người đứng đầu chi nhánh;
+ Chủ tịch Hội đồng thành viên thông qua quyết định về việc thành lập chi nhánh với các nội dung tương ứng như trong biên bản;
+ Người đại diện theo pháp luật của Công ty lập Thông báo thành lập chi nhánh. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty phải gửi thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện tới Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Nội dung thông báo gồm:
- Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp;
- Tên chi nhánh dự định thành lập. Tên chi nhánh phải mang tên doanh nghiệp đồng thời kèm theo cụm từ "Chi nhánh";
- Địa chỉ trụ sở chi nhánh;
- Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh;
- Họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu chi nhánh;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo phải có:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty;
- Bản sao Điều lệ công ty ;
- Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc thành lập chi nhánh;
- Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh.
- Đối với chi nhánh kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu chi nhánh.
+ Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ sau ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
+ Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, công ty phải thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Tuyên Quang để bổ sung vào hồ sơ đăng ký kinh doanh và được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thủ tục đổi tên chi nhánh công ty
Bạn Phạm Bá Long, Ninh Bình hỏi: Công ty chúng tôi là công ty cổ phần, hiện có 1 chi nhánh tại Hà Nội. Vừa rồi, chúng tôi có đổi tên công ty (mô hình vẫn là công ty cổ phần). Do đó, tên chi nhánh tại Hà Nội cần phải được thay đổi. Vì vậy, rất mong được hướng dẫn thủ tục cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền thành lập, thay đổi chi nhánh của công ty cổ phần thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị công ty.
Để thực hiện việc thay đổi tên chi nhánh, cần tiến hành như sau:
- Hội đồng quản trị công ty tiến hành phiên họp, thảo luận và thông qua nội dung thay đổi tên chi nhánh công ty;
- Chủ tịch Hội đồng quản trị ra quyết định về việc thay đổi tên.
- Trên cơ sở đó, người đại diện theo pháp luật của công ty lập thông báo thay đổi tên chi nhánh.
- Tiến hành hoàn thiện hồ sơ, đóng dấu theo đúng quy định của pháp luật và nộp 1 bộ hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
- Sau 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, tên chi nhánh của công ty sẽ được thay đổi.
- Sau khi được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh theo tên mới, anh cần tiến hành thủ tục điều chỉnh tên tại cơ quan thuế và khắc lại dấu của chi nhánh.
(Xin chân thành cảm ơn Luật sư Luật Công Minh, Công ty Tư vấn Công Minh: www.luatcongminh.com đã tư vấn cho chuyên mục này)
Bạn có thắc mắc về pháp luật, xin gửi câu hỏi cho chúng tôi theo mẫu sau: