221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1170600
Bức xúc chất lượng SGK lịch sử
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (23/2-1/3/2009):
Bức xúc chất lượng SGK lịch sử
,

 - Trong tuần qua, VietNamNet nhận được nhiều thư phản hồi của bạn đọc tập trung vào các vấn đề: sai sót trong các bộ sách giáo khoa lịch sử, dự án xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất, đón giọt xăng đầu tiên từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Bức xúc chất lượng SGK lịch sử

SGK Lịch sử 6 có hàng chục lỗi. (Ảnh: nongnghiep.vn) 
Loạt bài viết “nhặt sạn” trong các bộ SGK lịch sử khiến nhiều bạn đọc VietNamNet bức xúc về chất lượng sách giáo khoa và lên tiếng đóng góp.  

Bạn Phong Lan, Quảng Ninh viết: “Tôi thực sự bức xúc với chất lượng các bộ sách giáo khoa hiện nay. Cuốn sách lịch sử nào cũng bị phát hiện hàng chục lỗi như vậy thì sao có thể trách dân ta không biết sử ta. Người biên tập, hiệu đính sách làm gì để các em học sinh phải học những cuốn sách như vậy? Tôi biết, kinh phí hàng năm dùng để viết sách giáo khoa không hề nhỏ. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nghiêm túc rà soát lại nội dung, chất lượng các bộ sách giáo khoa, lập hội đồng thẩm định và cho sửa ngay những sai sót trong mỗi cuốn sách trước khi vào năm học tới.”

Bạn Hoàng Lân, Quy Nhơn, hoanglankh@... viết: “Trước năm 1975, ở miền Nam, tôi học cấp tiểu học và đến bây giờ tôi không thể quên những bài sử nước Việt Nam mình. Mỗi bài học lịch sử có tiêu đề rất hay, dễ nhớ, dễ thuộc, bao quát cả nội dung bài. Ví dụ như "Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ"; "Dâng sớ xin chém đầu 7 nịnh thần - Chu Văn An"; "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc" (nói về Trần Bình Trọng)... Các bài học như vậy vừa phù hợp với lứa tuổi cấp tiểu học khiến cho học sinh không bao giờ quên. Tôi học sử cách đây hơn 40 năm ở cấp tiểu học nay vẫn còn nhớ. Còn ngày nay, sách sử phổ thông đọc không vô nổi. Người lớn không muốn đọc sách sử huống chi trẻ con. Khi mà ép buộc thì học không thể vào được. Những nhà viết sử sách giáo khoa nên xem lại”.

Bạn Nguyễn Văn Bằng, Hà Nội, bang113812000@... góp ý: “Chúng ta muốn học sinh hiểu về lịch sử nước nhà thì trước hết người lớn phải hiểu lịch sử nước nhà. Có hỏi tới 100 SV thì may ra chỉ có 10% là hiểu biết được quá trình phát triển 4000 năm của nước Việt Nam, trong 10% SV đó, tôi đồ rằng chỉ có 1% SV là hiểu rõ được gốc rễ và các mốc thời gian, các giai đoạn phát triển của chúng ta mà thôi. Nguyên nhân là do đâu? Có phải học sinh của chúng ta không thích môn học Lịch sử? E rằng nhìn nhận đó là sai. Ai cũng muốn hiểu rõ lịch sử nước nhà nhưng muốn hiểu thế nào đây khi mà chương trình học thì quá chung chung, quá nặng, quá dài cho một năm học.

Muốn học sinh hiểu rõ, nhớ lâu về lịch sử nước nhà, chúng ta nên chia nhỏ hơn nữa từng giai đoạn lịch sử và viết chi tiết hơn nữa các giai đoạn đó để học sinh đọc và hiểu rõ hơn về từng giai đoạn. Và mỗi năm học, mỗi lớp học chỉ nên học từ 1-2 giai đoạn đó mà thôi. Chúng ta không nên nhồi nhét quá nhiều vào đầu con trẻ những gì người lớn cho là dễ. Với một người trưởng thành, nếu bắt học một năm để thuộc cả một giai đoạn lịch sử phát triển dài của dân tộc thì người đó cũng không thể nhớ nữa là học sinh. Vả lại học sinh đến trường đâu chỉ học có mỗi môn lịch sử?

Muốn cho học sinh yêu thích môn Lịch sử nói riêng, các môn KHXH nói chung thì chúng ta nên sắp xếp lại sách giáo khoa cho phù hợp. Lịch sử, Văn học và Địa lý cho từng lớp học khác nhau nên có sự gắn kết chặt chẽ các sự kiện như các bài văn nào liên quan đến giai đoạn lịch sử nào, diễn ra ở đâu? Như vậy, học sinh khi học một môn là có thể đã nhớ và biết được thông tin của hai môn còn lại. Rất mong những người có tâm huyết cho sự phát triển của giáo dục nước nhà nhìn nhận và xem xét cũng như đưa ra ý kiến để chúng ta có được môt tương lai tươi sáng hơn...”

Tự hào dòng xăng “Made in Vietnam

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho ra giọt xăng đầu tiên vào 22/2/2009. (Ảnh VNN)
Lễ đón dòng xăng đầu tiên từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khiến không ít bạn đọc xúc động, bày tỏ sự tự hào gửi thư về VietNamNet trong tuần.

Bạn Nguyễn Vũ Bình Chiểu, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nguyenvubinhchieu@... viết: “Hơn 1 thập kỷ hi vọng và chờ đợi. Đêm nay, chúng tôi vỡ òa trong niềm vui chung của cả nước và hơn cả là niềm tự hào của 1 người sinh ra và lớn lên trên quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhà máy lọc dầu và khu kinh tế Dung Quất là mảnh đất hứa, là cơ hội cho những người trẻ chúng tôi bước vào xây dựng quê hương với nền móng vững chắc đã được xây dựng.

Cách đây 10 năm, đề án nhà máy lọc dầu được xây dựng tại Quảng Ngãi là chủ đề để lớp lớp học sinh, sinh viên suy nghĩ về nó, về sự thay đổi rõ rệt của dải đất miền Trung. Nhưng những thay đổi về kế hoạch, về công nghệ, về những dự báo bất khả thi của công trình trọng điểm này đã làm chậm lại dự án, mang đến sự thất vọng rất lớn trong thế hệ thanh niên chúng tôi. Băn khoăn là thế, khó khăn đã qua, nhưng con đường phía trước đã rõ ràng hơn, cơ hội ngày càng rộng mở với chúng ta về công việc, về cuộc sống và những dự định trong tương lai mà chúng ta mong đợi. Hi vọng trong tương lai sự đổi thay này sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của tỉnh nhà, mang lại nhiều việc làm, tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân được nâng cao về phúc lợi và xã hội, góp phần thay đổi nền kinh tế chung của khu vực và cả nước”.

Bạn Phạm Ngọc Cát Tường, TP.HCM, discover_firewall@... xúc động gửi thư: "Tôi nghĩ, không chỉ người dân Quảng Ngãi, người dân huyên Bình Sơn mà tất cả người dân Việt Nam tự hào về mẻ dầu đầu tiên “Made in Vietnam”. Tự hào hơn khi dự án do Việt Nam tự đầu tư, điều đó cho thấy nội lực của Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Xin cám ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một nhân cách lớn, một nhà chính trị lỗi lạc, một tầm nhìn vượt thời gian để lại cho thế hệ trẻ Việt Nam những công trình thiên niên kỷ như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, đường dây 500kV…”.

“Là 1 công dân Việt Nam đang sống và lao động tại Hàn Quốc, khi đọc được tin xăng mang thương hiệu “Made in Vietnam”, tôi bỗng rưng nước mắt. Khóc vì vui đất nước ta từ nay nước ta sẽ không còn hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu. Đất nước ta sẽ là con rồng Châu Á trong nay mai. Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu Việt Nam”. Phan Thành Duy, Quế Sơn, Quảng Nam, thanhduy705@...

Hoan nghênh Chính phủ chỉ thị làm rõ KS lấy đất công viên

Trong tuần, dự án xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc VietNamNet. Trước chỉ thị của Chính phủ làm rõ dự án khách sạn lấy đất công viên, nhiều bạn đã gửi thư hoan nghênh.

Bạn Hồng Việt, Hà Nội, milanviet@... viết: “Trước sự bức xúc của báo chí và các tầng lớp nhân dân về quyết định cho phép xây dựng khách sạn ở Công viên Thống Nhất của lãnh đạo TP. Hà Nội, Chính phủ đã có yêu cầu làm rõ vụ việc. Tất cả mọi người dân yêu quý Thủ đô Hà Nội rất vui mừng và hoan nghênh ý kiến này. Điều này chứng tỏ Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân để tìm ra hướng giải quyết hợp lòng dân và phù hợp với quy hoạch của Thủ đô, bộ mặt của cả nước. Mong rằng, sau khi có ý kiến của Chính phủ, mọi việc sẽ tiến triển tốt đẹp để Công viên Thống Nhất được bảo toàn nguyên vẹn, giữ được một khoảng không gian xanh còn sót lại của Thủ đô”.

Dự án khách sạn trong Công viên Thống Nhất bị dư luận lên án mạnh mẽ. (Ảnh VNN)
Cùng chung ý kiến với bạn Hồng Việt, bạn
Thanh Tâm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trinhthanh38@... đề nghị kiểm tra nghiêm túc, khách quan dự án này: “Là độc giả thường xuyên của VietNamNet, đã nửa tháng nay, tôi rất chăm chú theo dõi diễn biến việc UBND TP. Hà Nội quyết định cho xây khách sạn Novotel on the Park trong Công viên Thống Nhất và đồng ý kiến phản đối về việc này. Nửa tháng trôi qua, một số tờ báo tham gia đưa tin vụ việc chuyển tải ý kiến công luận và điều tra nêu chính kiến của mình với tinh thần thẳng thắn, thái độ xây dựng cao như VietNamNet, Lao động, Đại đoàn kết, Dân trí, Công an nhân dân.

Nay đọc tin Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các cơ quan Trung ương và lãnh đạo TP. Hà Nội kiểm tra làm rõ việc lấy đất công viên xây khách sạn, tôi rất hoan nghênh sự chỉ đạo này. Mong rằng việc kiểm tra nghiêm túc rõ ràng, khách quan và dù lý do gì cũng nên di chuyển dự án, trả lại cho công viên nguyên trạng diện tích để đảm bảo cho việc phục vụ lợi ích xã hội, và đáp ứng quy hoạch xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp”.

Ngoài đề nghị kiểm tra dự án xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất, nhiều bạn đọc mong UBND TP. Hà Nội cho  trưng cầu ý kiến nhân dân về các dự án. Bạn Bích Vân, Hà Nội, van.pham93@... có thư: “Công luận đang chờ đợi một quyết định đúng đắn của Chính phủ và TP. Hà Nội. Không phải vô căn cứ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu dừng dự án từ năm 1996 và do cơ chế chưa minh bạch nên một số người lại cho dự án quay trở lại. Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu thành phố công khai các dự án và lấy ý kiến của nhân dân, nhất là các địa điểm nhạy cảm.Yêu cầu thay đổi ngay địa điểm cho dự án, tránh tình trạng cứ cố tình xây xong rồi là không thể phá như một số nhà dân tại một số thành phố. Đây là công viên Thủ đô và là bộ mặt của thành phố, kể cả dự án có làm xong tầng hầm cũng phải dừng và phải dừng ngay!”

Ngoài ra, trong tuần, VietNamNet nhận được một số phản ánh sau:

"Trại gà" giữa khu dân cư. Tại công viên Phường 3, Quận 4, kế hồ bơi Khánh Hội có cả chục hộ chuyên nuôi gà đá độ. Từ sáng sớm dến chiều tối, họ chiếm một khu đất công viên làm nơi nuôi, chăm sóc gà. Phần lớn gà đuợc úp trong các lồng tre và thả lang thang trong công viên. Nơi đây, hàng ngày có cả trăm lượt người già, trẻ em thường xuyên ra tập thể dục, đi bộ, vui chơi. Hơn thế nữa ngay tại lô B3 có 2 hộ ở tầng trệt cũng công khai nuôi lọai gà đá độ. Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện mạnh ở các tỉnh, việc gà sống chung với người như thế thật vô cùng nguy hiểm. Sự việc diễn ra công khai từ nhiều năm nay, không hiểu sao chính quyền sở tại vẫn không hay biết, xử lý cho dân nhờ. (Nguyễn Văn Tuấn, Quận 4, TP.HCM, tuan_beard@...)

Hút trộm cát trên sông Tắt. Chúng tôi là những người dân ở Phường Long Bình và Phường Long Phước (Quận 9, TP.HCM) hết sức bức xúc vì nạn hút trộm cát đang hoành hành trên sông Tắt thuộc Quận 9, TP.HCM. Chúng tôi thấy hàng đêm có 1 đoàn ghe thuyền khoảng 20 chiếc chuyên đi hút cát vào khoảng từ 23h đến 4h sáng rất công khai mà không có cơ quan chức năng nào truy quét và xử lý. 3 hecta đất tài sản của Nhà nước và dân bị chìm ngập xuống sông. Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền truy quét tận gốc để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. (Le Nam, southward83@...)

Tiết kiệm điện gây tai nạn. Tôi ở đường Âu Cơ (Hà Nội) đoạn rẽ vào cổng Công viên nước Hồ Tây. Tôi đồng ý là sau 23h thì “nhà đèn” cắt bớt đèn để tiết kiệm là rất tốt, nhưng cắt 2 đèn liên tục ngay ngã rẽ vào công viên nước là rất bất hợp lý. Đường từ công viên nước rẽ lên đường Âu Cơ có độ dốc khá lớn lại bị che khuất tầm nhìn, thêm vào đó là không có đèn chiếu sáng nên chỗ này hay xảy ra tai nạn. Đề nghị Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng Hà Nội cho kiểm tra lại và để 2 đèn sáng liên tục: một đèn đối diện nhà số 429, một đèn đối diện nhà số 433, cắt đèn liền kề sẽ hợp lý hơn mà vẫn tiết kiệm. (Trần Trang, Tây Hồ, Hà Nội, chiptet@...)

Nước thải dệt nhuộm chưa xử lý ra suối Cái. Hàng ngày đi làm qua cầu suối Cái trên đường Lê Văn Trí (Phường Linh Chiểu, Quận Thủ Đức, TP.HCM) phải chứng kiến dòng nước thải dệt nhuộm từ Nhà máy Dệt Việt Thắng thải ra gay dưới chân cầu, bốc lên mùi hôi thối khó chịu, tôi hết sức bất bình về việc làm vô trách nhiệm của Nhà máy Dệt Việt Thắng. Nước thải dệt nhuộm là loại nước thải độc hại chứa những chất gây bệnh ung thư cho con người cần phải được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Đề nghị chính quyền các cấp của Quận Thủ Đức và TP.HCM hãy yêu cầu Nhà máy Dệt Việt Thắng dừng thải nước bẩn ra dòng suối Cái. (Nguyễn Hoàng, TP.HCM)

VietNamNet xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các bạn:                                                                                       

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,